Hà Nội: Cụ bà vô gia cư thản nhiên đón siêu bão Haiyan
“Có mưa to gió lớn tôi cũng không đi đâu, bão lụt đổ cây đổ cối tôi cũng không đi. Thiên hạ người ta sống được thì tôi cũng sống được”.
Bà Liên gói ghém cẩn thận tấm ảnh thờ cũng tờ giấy tùy thân chuẩn bị sẵn cho ngày từ giã cõi đời.
Trong khi siêu bão Haiyan đang hoành hành trên biển Đông và cả nước đang gồng mình để chống chọi với trận bão lịch sử thì có một người đàn bà đã ngoài 80 tuổi vẫn bình thản ngồi bán quần áo cũ ở góc phố đối diện bốt Hàng Đậu với tuyên ngôn “Tôi chẳng sợ gì cả.”
Một mình, một tấm ảnh thờ
Bà có một tên khá mỹ miều – Nguyễn Thị Ái Liên. Bà Liên nhớ mình đã 81 tuổi nhưng hỏi quê bà ở đâu thì bà không nhớ. Trong mảnh giấy được một người đánh máy hộ làm “giấy tùy thân” bà cũng chỉ ghi tên mình, còn quê quán thì ghi là “không nhớ”.
Đã mấy chục năm nay, người dân ở xung quanh bốt Hàng Đậu đã quen với hình ảnh một cụ già móm mém nhưng luôn miệng nói cười và gương mặt lúc nào cũng hồng hào. Với hai chiếc làn và một chiếc quanh gánh, bà Liên đã gánh cả gia tài của mình dạo quanh những góc phố của thủ đô để kiếm sống nuôi thân.
Mấy chục năm lang thang là ngần ấy năm bà sống theo đúng nghĩa “cô độc”. Bà bảo: “Tôi ở ngoài đường nhưng tôi không làm quen với ai, quen để làm gì, mình vô gia cư thì tự an ủi một mình, cũng chẳng thấy tủi thân.”
Mỗi ngày, ngoài tiền bán quần áo cũ được vài chục, ai đi qua cho đồng nào bà tích cóp đồng ấy, nhiều nhặt cũng chỉ tích cóp được vài trăm nghìn đồng. Với số tiền ấy, bà Liên không thể có cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng cuộc sống tinh thần của bà cũng chẳng thua kém ai.
Video đang HOT
Bà bỏ ra 100.000 đồng mua chiếc đài nhỏ để nghe thông tin trên Đài tiếng nói Việt Nam. Không chỉ vậy, ngày nào dư giả bà còn mua báo, thậm chí là mua sách đọc để cho “đầy đủ ý nghĩa”.
Cách đây khoảng chục ngày, có một người đàn ông đi qua hỏi bà có chụp ảnh không. Bà hỏi chụp ảnh gì thì người đàn ông kia bảo, “chụp ảnh người già” (ảnh thờ khi qua đời – PV).
Thế là bà rút số tiền tích cóp để làm một tấm ảnh thờ. Tấm ảnh ấy cùng một mảnh giấy nhỏ làm “giấy tùy thân” để phòng khi nào qua đời thì “Nhà nước sẽ làm đám tang cho.”
Cái lạ ở người đàn bà gần đất xa trời này là dù rất thân thiện, cởi mở trò chuyện nhưng để quen thân với một ai thì không bao giờ. Mấy chục năm bà cứ một mình với quanh gánh, gánh hai chiếc làn sáng sớm ra bốt Hàng Đậu, khoảng 8h tối lại gánh về một góc quen thuộc trên phố Hàng Chiếu để ngủ qua đêm.
“Chiếc giường” được bà thiết kế khá đặc biệt. Ấn chặt quần áo, đồ dùng vào hai chiếc làn để không bị lấy trộm, mỗi chiếc làn đặt một đầu rồi một làn đỡ đầu, một làn đỡ chân, ở giữa đặt một chiếc ghế để đỡ người, thế là thành giường nằm và cứ thế bà ngon giấc tới khi trời sáng.
“Giấy tùy thân” của bà Liên để nhờ Nhà nước lo hậu sự khi qua đời.
“Tôi chẳng sợ gì cả”
Mấy chục năm sống lang thang, đã kinh qua nhiều gian khó, bà Liên bảo: “Tôi chẳng sợ gì cả”. Bà kể, thời còn trẻ, khi bà làm quét rác, lúc lại bán hàng rong cũng đủ sống. Bà không có gia đình riêng cũng chẳng còn ai thân thích, nói đúng hơn là bà “không muốn thuật lại dĩ vãng. Dĩ vãng cho qua hết. Giờ sống được ngày nào hay ngày ấy, chết thì nhờ Nhà nước.”
Dù thiệt thòi nhiều bề nhưng bù lại bà Liên có một sức khỏe mà nhiều người hằng ao ước. Bà móm mém kể: “Tôi sống quen rồi, khổ thế nào tôi cũng chịu được. Ăn ngày 2, 3 bữa cũng được mà nhịn ăn cũng được. Năm rét đau rét đớn mà tôi còn sống, phố người ta cho quần áo đầy, không có sức mà gánh. Dân thấy mình rét mướt là họ cho, không ai người ta để cho mình phải khổ đâu.”
Bữa cơm hàng ngày của bà là 5000 đồng cơm trắng với vài quả cà muối hoặc chút muối vừng. Bà bảo không thích ăn cơm thịt cá, có khi người dân cho thức ăn ngon bà cũng không ăn vì “Móm rồi ăn hóc thì chết, người ta cho mình là già còn tham ăn tục uống.”
Mấy chục năm lang thang quanh phố cổ, bà Liên đã tự trang bị cho mình những bí kíp phòng thân đáng nể. Bà bảo, ngày bà còn con gái, ngày đi bán hàng, tối lại về vỉa hè ở phố Hàng Chiếu ngủ.
Để phòng những tên “yêu râu xanh”, bà mặc bộ quần áo rách rưới, tóc xõa rũ rượi. Xung quanh chỗ ngủ thì rải giấy rác, cơm và thức ăn vung vãi. Khi có người vào, đặc biệt là đàn ông, bà xõa tóc bắt giận bắt chấy cho lên miệng cắn, giả vờ bẩn thỉu. Bà cười bảo: “Trông mình như con quỷ, chả ai dám chọc ghẹo.”
Mấy hôm nay nghe đài báo trời mưa bão nhưng bà Liên không mảy may lo sợ. Bà biết bão đổ bộ, người dân các nơi khổ lắm, còn về phần mình bà lại thản nhiên như chẳng có gì xảy ra. Khi tôi ngỏ ý đêm nay trời mưa bão lớn sẽ đưa bà đến một nơi an toàn để tránh qua ngày bão thì bà khăng khăng:”Tôi cám ơn nhưng tôi chả đi đâu cả. Có mưa to gió lớn tôi cũng không đi đâu, bão lụt đổ cây đổ cối tôi cũng không đi. Thiên hạ người ta sống được thì tôi cũng sống được. Ăn ở có nhân có đức thì chả sao cô ạ. Tôi chả bao giờ sợ cái gì, ma quỷ tôi cũng chả sợ.”
Vậy là người đàn bà cô độc lại lặng lẽ ngồi ở góc phố đối diện bốt Hàng Đậu bán mấy chiếc quần áo cũ, khi trời mưa thì bật ô che. Đêm nay, dù trời có bão lớn đến nhường nào thì bà vẫn trở về vỉa hè trên phố Hàng Chiếu với câu nói thản nhiên: “Bão thì kệ chứ. Người ta sống được thì mình cũng sống được. Lang thang có phải mình tôi đâu.”
Theo Xahoi
Bão Haiyan đổ bộ Việt Nam: 94 người thương vong
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các địa phương ảnh hưởng của siêu bão HaiYan đã có 13 người chết và 81 người bị thương.
Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh 2 người; Quảng Bình 1; Thừa Thiên Huế 4; Quảng Nam 4; Quảng Ngãi 02. 81 người bị thương gồm ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nguyên nhân các nạn nhân tử vong, bị thương vì bão phần lớn là do chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, tình hình thiệt hại cập nhật bước đầu như sau. Đến 4h30 sáng ngày 11/11/ 2013, tỉnh Quảng Ninh có 4 nhà bị sập, 111 nhà bị tốc mái hư hỏng; 3 nhà bè bị tốc mái và 20 tầu thuyền bị chìm tại nơi neo đậu. Đặc biệt 1 cột ăng ten phát thanh truyền hình thành phố Uông Bí bị gẫy đổ.
Thành phố Hải Phòng, đến 4 giờ ngày 11/11, trên địa bàn chưa ghi nhận thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cơ quan chức năng đang kiểm tra và thống kê.
Tấm biển quảng cáo bên đường thị trấn Thịnh Long (Nam Định) bị hất tung đêm 10/11 (Ảnh: Đức Nguyễn)
Tại Nam Định cũng chưa phát hiện có thương vong do bão Hải Yến gây ra. Dù bão Hải Yến gây mưa lớn từ chiều tối ngày 10/11 với lượng mưa bình quân toàn tỉnh là 42,6mm.
Tại bãi biển Quất Lâm, huyện Giao Thủy khoảng 30-40 m đê kè ven biển bị sạt lở. Huyện Hải Hậu, khu vực mỏ số 4 kè Mỏ Hải Thịnh 2 thềm cơ bị lún võng, thềm cơ cánh mỏ phía trong bị sập dài 5m.
Khu vực bãi Cồn Tròn của xã Hải Hòa do hiện tượng biển tiến bãi thoái và triều cường đã làm mất phần lớn lượng cây chắn song ở bãi này. Thống kê sơ bộ ban đầu ước khoảng 2.000 cây bị chết và bị mất. Ngoài ra, bão HaiYan chỉ gây thiệt hại đối với hơn 20.000 cây rau màu vụ đông; khoảng 600 ha diện tích lúa tám thơm.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến 10 giờ ngày 11/11, tại tỉnh Thái Bình không có người chết và bị thương do bão gây ra. Một vài vị trí đê, kè bị sạt lở hư hỏng cục bộ như đê Nam Hà (đê cửa sông Hồng, huyện Tiền Hải); đê kè Vũ Lăng, Tây Lương (đê cửa sông Trà Lý, huyện Tiền Hải).
Thống kê thiệt hại ban đầu cho biết tỉnh Thái Bình có 34.000 ha cây màu đã trồng bị thiệt hại. Ngoài ra, một số diện tích đầm nuôi cá, tôm, cua phía ngoài đê biển bị ngập, sạt lở, hư hỏng bờ bao tại các huyện Tiền Hải và Thái Thụy đang thống kê thiệt hại.
Theo Khampha
Sau bão, Bắc Bộ lại khô ráo Siêu bão Haiyan đã đổ bộ vào khu vực các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh và gây ra mưa to đến rất to và gió giật mạnh cho các tỉnh Bắc Bộ. Từ đêm nay, bão sẽ suy yếu nhanh và thời tiết chuyển tốt trở lại, trời hửng nắng và khô ráo. Bão sẽ suy yếu nhanh và thời tiết chuyển...