Hà Nội công khai 500 doanh nghiệp nợ BHXH trên 6 tháng
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa công khai tên 500 doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH từ 6 – 24 tháng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của 13.660 người lao động (NLĐ).
Danh sách các đơn vị nợ BHXH kéo dài.
Theo BHXH TP Hà Nội, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn là 1.989,4 tỉ đồng (tăng 136,3 tỉ đồng so với tháng 8) và chiếm 4,27% số phải thu. Chỉ tính 500 đơn vị, DN nợ BHXH kéo dài từ 6 – 24 tháng, thì số nợ đã lên tới gần 280 tỉ đồng (tính đến ngày 8/10/2019)..
Video đang HOT
Trong danh sách nợ BHXH trên 3 tỉ đồng có 11 DN như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garmant ( KCN Quang Minh) nợ trên 21,09 tỉ đồng- 18 tháng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp cao Minh Quân (Nhà hàng O2- KĐT Văn Khê) nợ 16,4 tỉ đồng- 19 tháng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Tòa nhà ICON 4- 243A Đê La Thành) nợ 6,8 tỉ đồng…
Theo Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH Hà Nội), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN nợ đọng BHXH như: DN gặp khó khăn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, bị chiếm dụng vốn, bị nợ chồng chéo; chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; bị phong toả hoá đơn; thậm chí một số DN đã phải dừng hoạt động, giải thể…
Bên cạnh đó, cũng có một số chủ DN chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với NLĐ nên dù DN hoạt động hiệu quả nhưng vẫn trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp, chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ. Đó là chưa kể một số NLĐ chưa nhận thức đầy đủ, chưa biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nên đã thoả thuận với chủ DN trốn đóng BHXH, hoặc chỉ đăng ký đóng BHXH mang tính “đối phó”… Chính vì vậy, nhiều NLĐ sau đó phải chịu thiệt thòi vì không được giải quyết các quyền lợi về BHXH như: Trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, không được hưởng lương hưu… khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, BHXH TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành thanh tra, kiểm tra đối với các DN nợ đọng BHXH, BHYT. BHXH các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ… với quyết tâm trong năm 2019 kéo giảm tỉ lệ nợ BHXH xuống còn dưới 2% so với số phải thu; qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo XM/Báo Tin tức
Tích cực bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững
Nhiều năm qua, cùng với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đoàn viên, thanh niên tham gia thu gom rác thải tại khu vực bãi biển xã Đa Lộc (Hậu Lộc).
Để tạo sự chuyển biến trong công tác BVMT, bên cạnh công tác tham mưu về chủ trương, kế hoạch hành động BVMT, Sở TN&MT luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức BVMT cho mỗi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hàng chục lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về TN&MT, về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý, BVMT biển; hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyên truyền về Ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh triển khai nhiều hoạt động BVMT thiết thực. Ví như, trong năm 2018, thực hiện chương trình phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững giữa Sở TN&MT với các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, toàn tỉnh đã tổ chức thu gom, vận chuyển được trên 5.000 tấn rác thải về nơi quy định, khơi thông gần 500 km cống rãnh, trồng mới 4.000 cây xanh... Các sở, ngành, địa phương cũng đã treo gần 7.000 băng zôn; 80 pa nô, áp phích, in, cấp phát 17.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác BVMT... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và BVMT trong các tầng lớp nhân dân.
Cùng với các hoạt động trên, phòng chức năng của Sở TN&MT, đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, triển khai việc thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từ đầu năm 2019 đến nay, phòng chức năng của sở đã tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường tại 72/90 cơ sở sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án BVMT; kiểm tra 33 đơn vị theo kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí. Qua kiểm tra, đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với 10 đơn vị, số tiền phạt 325 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 2 đơn vị; yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm đầu tư đầy đủ và vận hành thường xuyên các công trình thu gom, xử lý chất thải bảo đảm quy định trước khi xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức 65 hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án cải tạo phục hồi môi trường; cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 16 đơn vị. Đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Theo thống kê, năm 2018, Quỹ BVMT tỉnh đã thu phí BVMT đối với 268 đơn vị, tổng số tiền thu trên 10 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2019, đã thu phí đối với 241 đơn vị với số tiền 7,3 tỷ đồng, đạt 78% so với kế hoạch năm. Về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 195 đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ với tổng số tiền 11,7 tỷ đồng. Một số đơn vị ký quỹ lớn, như: Công ty TNHH Hoàng Ngân, xã Tế Lợi (Nông Cống) có số tiền ký Quỹ đến năm 2019, đạt trên 500 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hưng Hào, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) đạt hơn 114 triệu đồng, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Hà Trung, ký gần 89 triệu đồng...
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn; một số bãi chôn lấp rác thải trong tỉnh hiện đang gây ô nhiễm môi trường cục bộ và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực xung quanh; nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thải trực tiếp rác ra bờ biển, bờ sông, ao, hồ, kênh, mương gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư các công trình xử lý chất thải tập trung; vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm làng nghề, xử lý rác thải, nước thải...). Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà trốn tránh trách nhiệm xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT ở cấp cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục còn mang tính thời điểm...
Từ những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy chính quyền các cấp cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức BVMT trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Cùng với đó, tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... dưới nhiều hình thức như, mít tinh, diễu hành, ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm; tăng cường tổ chức, các cuộc thi, hội thảo về môi trường... từ đó, hình thành thói quen tốt của mỗi tổ chức, người dân trong công tác BVMT, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Phong Sắc
Theo Baothanhhoa
Xe công ở Khánh Hòa thực hiện thu phí tự động qua BOT Toàn bộ xe công ở Khánh Hòa sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng. Làn thu phí tự động không dừng tại Trạm thu phí Cam Thịnh (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) Ngày 30/8, Sở GTVT Khánh Hòa cho biết vừa có văn bản việc triển khai sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ...