Hà Nội: Công an lập rào cứng, “khóa” trạm trộn bê-tông gây ô nhiễm
Cơ quan công an phối hợp chính quyền lập hàng rào cưỡng bức cứng, không để xe bồn ra vào hai trạm trộn bê-tông không phép trên địa bàn xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa có công văn chỉ đạo UBND xã Đông Dư và các đơn vị chức năng trên địa bàn xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến việc sử dụng đất của Công ty cổ phần Trọng Phụng (Cty Trọng Phụng) trên địa bàn xã Đông Dư.
Bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê-tông không phép của Công ty Trọng Phụng.
Theo đó, UBND huyện Gia Lâm giao UBND xã Đông Dư đình chỉ tuyệt đối hoạt động trái phép của trạm trộn bê-tông của Cty Trọng Phụng; lập chốt bảo vệ, bố trí lực lượng kiểm soát các phương tiện ra vào khu đất; củng cố hồ sơ vi phạm, xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa các công trình vi phạm. Việc thực hiện bắt đầu từ ngày 25/5 và hoàn thành trước ngày 15/6.
Lãnh đạo xã Đông Dư thông tin, UBND xã cũng như các đơn vị chức năng của UBND huyện liên tục nhắc nhở, lập biên bản xử lý, đình chỉ hoạt động, song chủ doanh nghiệp Trọng Phụng vẫn cố tình vi phạm.
UBND xã Đông Dư đã có văn bản yêu cầu Cty Trọng Phụng phải tháo dỡ những công trình vi phạm, trong đó có 2 trạm trộn bê-tông, chậm nhất là ngày 25/5. Tuy nhiên, quá thời hạn trên, phía công ty này vẫn không chấp hành.
Ngày 31/5, UBND xã Đông Dư kiến nghị UBND huyện Gia Lâm cưỡng chế đối với những công trình vi phạm của công ty trên, đồng thời lập biên bản xử lý theo đúng thẩm quyền.
Video đang HOT
Lực lượng công an lập rào, khóa cứng, không cho các phương tiện vào trạm trộn.
Lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm cho biết, ngoài một số công trình xây dựng nhà kho, nhà để xe, trụ sở điều hành, nhà tạm…, Cty Trọng Phụng còn hoạt động trái với giấy phép đăng ký kinh doanh đã trình với các cơ quan chức năng trước đó. Đặc biệt, công ty này đã xây dựng 2 trạm trộn bê-tông không phép trên tổng diện tích xây dựng vi phạm và sử dụng sai mục đích là 2.876,2 m2. Hoạt động của 2 trạm trộn bê-tông trên đã gây ô nhiễm môi trường, bức xúc đối với người dân trong khu vực.
Cũng theo lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm, từ khi phát hiện vi phạm đến nay, công an huyện đã có nhiều văn bản tham mưu, đề xuất với UBND huyện Gia Lâm giải quyết triệt để những vi phạm trên. Mới đây nhất, ngày 17/5, Công an huyện Gia Lâm có văn bản đề xuất Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường và đất đai đối với 3 công ty, trong đó có Cty Trọng Phụng.
Bên cạnh đó, Công an huyện Gia Lâm còn chỉ đạo các đội nghiệp vụ, trong đó có Công an xã Đông Dư, tập trung kiểm tra xử lý nghiêm đối với những phương tiện chở đất cát, vật liệu xây dựng quá tải, không che chắn gây rơi vãi ô nhiễm môi trường; chốt cứng tại khu vực ra vào để ngăn không cho xe bồn trộn bê-tông hoạt động.
Lực lượng Công an xã Đông Dư đã lập chốt kiểm soát, không cho các phương tiện xe bồn chở bê-tông, xe chở nguyên vật liệu hàng hóa ra, vào phục vụ hoạt động của 2 trạm trộn bê-tông trên. Khu vực 2 trạm trộn bê-tông của Cty Trọng Phụng hiện đã bị lực lượng chức năng khóa cứng, không thể hoạt động được.
Hà Nội: Từ 12h trưa 25/5 dừng hoạt động nhà hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu
UBND TP Hà Nội vừa có công điện khẩn về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trên địa bàn TP đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp.
Từ 12h ngày mai (25/5), TP quyết định tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới. Cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, nhanh hơn bằng nhiều hình thức thiết thực, phát huy tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, các khu chung cư, trên không gian mạng.
Hà Nội hôm nay đã cho phong tỏa nhiều khu dân cư do liên quan đến ca mắc Covid-19 mới.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, làm việc trực tuyến.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát triển khai phương án bổ sung các khu cách ly tập trung để chủ động đáp ứng việc cách ly tập trung.
Chủ tịch TP cũng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu để xảy ra lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung ra cộng đồng; các vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh.
Rà soát kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các lực lượng trong toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 từ tổ dân phố, thôn xóm, hộ gia đình, tổ sản xuất, nhất là các khu chung cư, khu nhà trọ, ký túc xá sinh viên, khu nhà ở học sinh, sinh viên...
Ổ dịch tại tập đoàn T&T được đánh giá phức tạp.
Giám sát, quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế tại cộng đồng, tuyệt đối không để xảy ra các ca bệnh mới phát sinh tại cộng đồng.
Thần tốc, truy vết, cách ly, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm nhanh, kịp thời để sàng lọc khi có ca bệnh mới phát sinh.
Người đứng đầu UBND TP yêu cầu, tất cả người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội: Thời điểm từ ngày 10-24/5 đều phải khai báo y tế trên website http://tokhaiyte.vn và các ứng dụng NCOVI, Bluezone, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5.
Từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...