Hà Nội còn 33 điểm úng ngập năm 2015
Năm 2015, Hà Nội còn 33 điểm úng ngập. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội chiều nay 19.5, liên quan đến vấn đề thoát nước mùa mưa và phòng chống thiên tai tại Hà Nội.
Cảnh mưa là ngập trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân
Theo đó, đầu năm 2015, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng đã yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên (TNHH MTV) thoát nước Hà Nội, Ban duy tu các công trình đô thị rà soát và thống nhất với Thanh tra giao thông vận tải, Công an thành phố về danh mục 33 điểm úng ngập trên địa bàn 12 quận.
Hà Nội chỉ đạo đến hết quý 2.2015 phải giải quyết xong 10 điểm ngập, gồm: Vĩnh Hưng, Quan Nhân, Kim Hoa, Đức Giang, Hoàng Mai, Tây Mỗ, Thợ Nhuộm, Tây Sơn, Cự Lộc, Châu Văn Liêm. Trong đó, 5 điểm được giao cho Sở Xây dựng Hà Nội, 5 điểm giao cho Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội.
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, công ty được giao khắc phục 5 điểm: Tây Mỗ, Thợ Nhuộm, Châu Văn Liêm, Thái Hà, Tây Sơn và Phạm Văn Đồng. 4 điểm sẽ hoàn thành trước ngày 5.6. Đường Phạm Văn Đồng có 5 đoạn úng ngập đang được khắc phục, cuối tháng 6 sẽ hoàn thành.
Video đang HOT
Cũng theo ông Hùng, đối với lưu vực sông Tô Lịch, một số tuyến mương đang hoàn chỉnh, còn lưu vực sông Nhuệ, hệ thống bơm điều tiết chưa có, hạ tầng chưa được đầu tư, với lượng mưa 310mm/2 ngày, tình hình ngập úng sẽ vẫn còn tiếp diễn trong mùa mưa năm nay.
Nhiều trường hợp vi phạm luật Đê điều
Thông tin khác được đưa ra trong cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ tại Thành ủy Hà Nội chiều nay, đó là năm nay, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xử lý các trường hợp vi phạm luật Đê điều; luật Phòng chống, thiên tai; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Trước câu hỏi của phóng viên: Đến nay thành phố đã xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm các luật trên? Ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Vấn đề này rất nhức nhối tại nhiều địa phương, có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Khi thành phố, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn mở rộng các tuyến đê, những tuyến đê này lại thuộc vào đất của dân”.
Theo ông Trung, nếu giải quyết theo luật Đê điều, người dân phải được di dời, nhưng theo kế hoạch phòng chống lũ chi tiết, kinh phí di dời dân lên đến 73.000 tỉ đồng (tương đương với 3,5 tỉ USD), con số này quá lớn, do đó chưa thể giải quyết. Ông Trung dẫn ra ở Thường Tín hiện vẫn có trường hợp vi phạm, người dân vẫn xây dựng trong hành lang an toàn đê điều.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Để phòng chống thiên tai hiệu quả, việc phòng quan trọng, không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước, mà cần có sự vào cuộc của toàn dân”,
Ông Phong đề nghị báo chí đẩy mạnh thông tin những sai phạm luật Đê điều, luật Phòng chống thiên tai, để các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết thấu đáo.
Thúy Hằng
Theo Thanhnien
Giám đốc công ty cấp thoát nước nhận lương 'khủng'
Theo kết luận thanh tra của Sở Tài chính Trà Vinh, thu nhập của Giám đốc công ty cấp thoát nước tỉnh này lên đến hơn 1 tỷ đồng/năm, vượt quy định. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn xác định đơn vị này xảy ra nhiều sai phạm.
Từ năm 2012 đến đầu năm 2014, Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Trà Vinh đã xảy ra nhiều sai phạm trong việc quản lý tài chính, lao động tiền lương với số tiền thất thoát trên 7,8 tỷ đồng. Trong đó, năm 2012-2013, tổng thu nhập của ông Nguyễn Như Bình - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cấp thoát nước Trà Vinh là hơn 1 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Quý - Phó giám đốc hơn 893 triệu đồng và kế toán trưởng Nguyễn Thi Hiến hơn 786 triệu đồng.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của công nhân lao động trong công ty này cao nhất chỉ hơn 7,3 triệu đồng/tháng. So với quy định, mức thu nhập của vị giám đốc vượt 614,8 triệu đồng, phó giám đốc 488,8 triệu đồng và kế toán trưởng 438,5 triệu đồng.
Theo kết luận thanh tra, lương của Giám đốc công ty cấp thoát nước Trà Vinh là hơn 1 tỷ đồng/năm.
Kết quả thanh tra còn xác định, Công ty cấp thoát nước Trà Vinh đã để xảy ra lãng phí lớn khi thực hiện dự án đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước ngầm có tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng, hoàn thành từ tháng 3/2014, nhưng không tham gia sản xuất. Ngoài ra, công ty còn xảy ra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu không đúng trình tự, thụ tục theo quy định.
Sở LĐTBXH tỉnh Trà Vinh cũng bị cho là có liên quan đến các sai phạm tại công ty này. Cụ thể, Sở đã chấp thuận cho công ty thực hiện quy chế trả lương, thù lao, thưởng của viên chức quản lý, giao định mức lao động, đơn giá tiền lương và quyết toán quỹ tiền lương không đúng thẩm quyền.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ ông Nguyễn Như Bình phải chịu trách nhiệm toàn bộ về những sai phạm trong hoạt động kinh doanh, quản lý tài chính và đầu tư. Phó giám đốc Quý và Kế toán trưởng Hiến chịu trách nhiệm về những nội dung sai phạm được phân công phụ trách. Đồng thời, kiến nghị tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể ban lãnh đạo Sở LĐTBXH; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với ông Dương Quang Ngọc, phó giám đốc sở này.
Kết luận không đề nghị thu hồi khoản thu nhập vượt quy định của lãnh đạo công ty cấp thoát nước với lý do: "Xét thấy công ty sử dụng số tiền sai phạm chủ yếu để chi trả lương cho người lao động và sai phạm này cũng có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước là Sở LĐTBXH, cơ quan đã trực tiếp chấp thuận cho công ty thực hiện".
Theo Vnexpress
Giảm thủ tục thuế còn 171 giờ/năm Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa hoặc loại bỏ các thủ tục không phù hợp Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương nhằm kiểm điểm, đánh giá việc triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong...