Hà Nội có hàng nghìn người nghiện lang thang
Trên 1.000 người nghiện vắng mặt tại nơi cư trú. Đây được xem là những người có nguy cơ gây mất an toàn trật tự cao nhất trong nhóm người nghiện.
Trao đổi với VnExpress ngày 27/10, ông Nguyễn Kim Hùng, Chi Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho hay, tính đến tháng 9/2014, số người nghiện có trong danh sách quản lý của Hà Nội là hơn 16.000 người. Trong đó, khoảng 6.800 người ở các trung tâm; 2.500 người ở các trường, trại; 6.500 người ở tại cộng đồng và trên 1.000 người nghiện lang thang.
Chi Cục trưởng Nguyễn Kim Hùng cho biết, những người tái nghiện nhiều lần, có khả năng gây mất an ninh trật tự xã hội (có tiền án, tiền sự) sau thời gian cai nghiện sẽ được giữ lại thêm 2 năm theo Nghị định 94 của Chính phủ. Ảnh: Minh Minh.
Ông Hùng thông tin, trước kia các đối tượng nghiện vắng mặt tại nơi cư trú được quản lý riêng bằng Nghị định 43 và đã được các cơ quan chức năng thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, những đối tượng nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên được giao cho các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh… quản lý nên việc giám sát họ rất khó khăn.
Vị Chi cục trưởng bày tỏ bức xúc khi nói về công tác cai nghiện bắt buộc. Theo đó, 9 tháng đầu năm các trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội của Hà Nội đã tiếp nhận và cai nghiện cho 405 người. Trong đó cai nghiện bắt buộc cho 163 người, chỉ đạt 8,3% kế hoạch năm, giảm hơn 2.100 người so với cùng kỳ năm 2013.
Người đứng đầu Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng nguyên nhân chủ yếu việc không đạt chỉ tiêu kế hoạch cai nghiện bắt buộc do khó khăn trong việc triển khai áp dụng quy định của pháp luật. “Việc cai nghiện bắt buộc hiện nay được thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 211/2013/NĐ-CP. Từ khi triển khai theo quy định mới, việc lập hồ sơ đi cai nghiện vô cùng khó khăn”, ông Hùng phản ánh.
Lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội dẫn chứng, nghị định 221 quy định thời gian cai nghiện bắt buộc do tòa xử là từ 12 đến 24 tháng. Nhưng chưa có văn bản nào quy định khung 12 tháng dành cho đối tượng nào và khung 24 tháng dành cho ai.
Thêm nữa, theo quy định hiện nay, người nghiện phải khai báo với phường, xã và đăng ký hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay đi cai tự nguyện. “Nhưng cả trăm người thì cũng chẳng có ai đi khai báo. Xử lý không khai báo thế nào?”, ông Hùng đặt vấn đề.
Video đang HOT
Kim tiêm được các đối tượng cắm vào rễ cây trong khuôn viên Thành cổ Sơn Tây sau khi sử dụng ma túy. Ảnh: Minh Minh.
Rồi sau đó, khi phường xã lập hồ sơ xong, trước khi chuyển lên quận, huyện phải chuyển cho người nghiện nghiên cứu trong 5 ngày. Tiếp đến hồ sơ được chuyển tới Phòng Tư pháp và Phòng Lao động của quận, huyện. Khi hồ sơ ra tới tòa, tòa tổ chức họp phải có người nghiện, gia đình người nghiện và luật sư (nếu gia đình người nghiện mời)… “Vì thế, tòa Hà Nội chưa ra được quyết định cai nghiện bắt buộc nào”, ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan công tác điều trị bằng Methadone cho người nghiện ma túy của Hà Nội, tại buổi làm việc với Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm (ngày 16/10), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay Hà Nội đã làm thận trọng và thành công.
“Đã có 1.700 người được cai nghiện bằng Methadone và 47% số người đó đã có việc làm, hòa nhập được cộng đồng. Hà Nội sẽ mở thêm 24 cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone”, bà Ngọc cho hay.
Vẫn theo bà Ngọc, Hà Nội sẽ cùng lúc duy trì 3 hình thức cai nghiện: cai nghiện tại cộng đồng, tại Trung tâm cai nghiện và cai nghiện bằng Methadone thay thế.
Cũng tại buổi làm việc trên, Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc cho hay, 9 tháng đầu năm số người mới mắc nghiện heroin giảm dần. Đã phát hiện 229 người nghiện mới, giảm trên 50% so với cùng kỳ.
- Số người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa Trung học cơ sở (hơn 6.700 người, chiếm 45,5%).
- Đa số người nghiện ma túy và người đang quản lý sau cai ở cộng đồng không có việc làm, chiếm 49,9%. Số có việc làm ổn định chiếm tỷ lệ rất ít, 19,9%.
- Số người nghiện ma túy có tiền án các tội về ma túy chiếm 23,9%.
- Số người nghiện ma túy sử dụng chủ yếu là heroin, trên 12.000 người, chiếm 82%.
Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm Hà Nội
Võ Hải
Theo VNE
TPHCM xin Chủ tịch Quốc hội cơ chế giải quyết người nghiện "tràn" phố
Chiều 27/10, đoàn ĐBQH TPHCM thống nhất ký văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội "xin" quyền được tổ chức quản lý, cắt cơn cho người nghiện tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội...
Văn bản do Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Huỳnh Thành Lập ký nêu rõ, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 quy định theo đó việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, việc thực hiện đến nay rất khó khăn.
Số người nghiện ma túy ở TPHCM hiện đã là 19.000 người, tăng 7.000 người so với năm 2013, trong đó có hơn 60% từ các tỉnh nhập cư về và không có địa chỉ quản lý.
TPHCM được coi là "vùng trũng" tập trung rất nhiều người nghiện.
Mặt khác, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... rất phức tạp. Theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng. Tiếp đó, nếu việc giáo dục này không thành công thì chính quyền giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao cho Tòa án quyết định...
Trong khi đó gia đình của người nghiện không cư trú ở thành phố, còn "tổ chức xã hội" lại không quy định là tổ chức nào hay phải lập ra một tổ chức mới. Từ đó, để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất cả năm.
Do đó, đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị UB Pháp luật và UB Về các vấn đề xã hội nghiên cứu, xem xét, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét cho phép áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện tại TPHCM.
Các đại biểu đoàn TPHCM kiến nghị 2 UB có các cuộc họp với các bộ ngành hữu quan sớm tháo gỡ những khó khăn, ách tắc đối với công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy sống ở các địa bàn dân cư.
Trưởng đoàn Huỳnh Thành Lập đề nghị Quốc hội cho phép triển khai việc này dưới hình thức một Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8, giao cho thành phố thẩm quyền quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của Tòa án đưa đi cai nghiện tập trung.
"Đây là vấn đề hết sức cấp bách, vì mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, là "bước đệm" quản lý nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân" - văn bản của đoàn ĐBQH nêu rõ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Lập cho biết, ông báo cáo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề quản lý cai nghiện của TPHCM.
"Hiện nay tình hình người nghiện, tái nghiện ở thành phố đã báo động, nếu không được tập trung cắt cơn, cai nghiện thì sẽ làm lây lan ra cộng đồng, gây bất an cho người dân. Để càng chậm trễ thì nguy hại càng lớn"- ông Lập bày tỏ lo ngại, TPHCM là "vũng trũng", tập trung con nghiện ở khắp nơi đổ về làm ăn, phạm tội để "kiếm thuốc", rất cần một cơ chế thí điểm để ngăn chặn tình hình lan rộng.
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố dẫn chứng, Nghị quyết 16 thí điểm tại Quốc hội trước đây đã giúp TPHCM kéo giảm mạnh số người nghiện. Trộm cướp, tệ nạn xã hội, lây nhiệm HIV/AIDS, theo đó, cũng giảm theo. Đến nay, thành phố vẫn liên tục nỗ lực trong công tác xử lý người nghiện ma tuý nhưng với quy trình mới thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian như luật Xử lý vi phạm hành chính mới, hiệu quả công tác không cao.
P.Thảo
Theo Dantri
Hoảng loạn vì người nghiện ở Sài Gòn Giám đốc trung tâm cai nghiện bị học viên xin "đểu", chủ tịch thành phố không dám bước xuống xe khi thấy người nghiện... còn người dân thì hoảng loạn trước thực trạng người nghiện "chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay". 20h, chị Trần Thị Lam Giang (30 tuổi, cán bộ trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn) về nhà...