Hà Nội chưa nhận cầu Thăng Long vì bề mặt hỏng hơn 10.000m2
Sở GTVT Hà Nội cho biết, mặt cầu Thăng Long bị rạn nứt và hằn lún hơn 10.000m2, cần phải có biện pháp sửa chữa tổng thể để đảm bảo an toàn giao thông.
Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc thực hiện Quyết định của Bộ GTVT về việc điều chuyển hạng mục mặt cầu đường bộ tầng hai cầu Thăng Long.
Qua khảo sát mặt đường bê tông nhựa trên 5 dàn thép của cầu chính, Sở GTVT Hà Nội phát hiện có hiện tượng hằn lún, rạn nứt và được Cục Quản lý đường bộ I duy tu sửa chữa thường xuyên.
Cụ thể, vào thời điểm kiểm tra mới đây mặt đường bị rạn nứt khoảng 8.736m2; hằn lún 1.866m2; vạch sơn mòn, sơn tim đường bị mặt đường trồi lún gây biến dạng; 4/8 khe co dãn cầu bị hư hỏng và đậy tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.
Mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng
Ông Ngô Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên 5 dàn thép của cầu chính. Việc sửa chữa các hư hỏng mặt cầu, thảm bê tông nhựa trực tiếp trên mặt cầu thép tại 5 dàn thép của cầu chính đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ phức tạp, phải được nghiên cứu và sử dụng những công nghệ phù hợp.
Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo các các đơn vị liên quan nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể toàn bộ phần mặt cầu bị hư hỏng trước khi bàn giao cho TP Hà Nội quản lý.
Trong thời gian chưa bàn giao, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ I (thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam) và các đơn vị liên quan tiếp tục công tác duy tu, duy trì mặt cầu đảm bảo an toàn giao thông.
Tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra và kịp thời sửa chữa ngay các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long để đảm bảo ATGT.
Đồng thời, Tổng cục phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ có các giải pháp căn cơ xử lý hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng và khai thác ổn định, lâu dài.
Năm 2009, Bộ GTVT đã sửa chữa lại mặt cầu Thăng Long bằng nhiều công nghệ như phun sơn chống gỉ trên bề mặt lớp bản thép; thi công lớp chống thấm; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 4cm; tưới nhựa dính bám 0,5kg/m2; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 3cm.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, công nghệ này chưa thực sự hiệu quả, cần có những nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cho phù hợp với điều kiện khai thác hiện nay.
Video đang HOT
Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m, bao gồm 1.688m phần cầu chính, bao gồm 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục.
Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m. Hiện tại phần trên tầng hai mặt cầu đường bộ chỉ dành cho ô tô lưu thông, được tổ chức xe lưu thông hai chiều không có dải phân cách giữa.
Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài 1.428m, bề rộng 16,5m. Mặt đường bê tông nhựa được tổ chức xe lưu thông hai chiều không dải phân cách giữa, gồm 4 làn xe (mỗi bên 2 làn xe, phân định bằng vạch sơn liền tim cầu).
Quang Phong
Theo Dantri
Hà Nội thêm bến xe Yên Sở: Hợp lý hay chắp vá, lãng phí?
Việc TP Hà Nội "gật đầu" cho xây dựng bến xe Yên Sở nằm gần đường vành đai 3 đã làm "nóng" dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự án này.
Việc TP Hà Nội "gật đầu" cho xây dựng bến xe Yên Sở nằm gần đường vành đai 3 đã làm "nóng" dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự án này. Ảnh: Ví trí bãi đất chuẩn bị xây bến xe giáp đường vành đai 3.
Nhiều câu hỏi của giới chuyên gia, người dân được đặt ra cho rằng, việc đầu tư bến xe khách liên tỉnh Yên Sở (Hoàng Mai) ngay vành đai 3 là chưa hợp lý, thiếu tầm nhìn. Một số khác tỏ ra e ngại xoay quanh vấn đề quy hoạch, mục đích giao đất cũng như gây lãng phí của dự án này.
Tủn mủn, chắp vá...
Như VOV.VN đã đưa tin, Hà Nội đã có Quyết định chủ trương đầu tư bến xe khách Yên Sở, chỉ cách nút giao Pháp Vân - vành đai 3 khoảng 1km, cách bến xe Nước Ngầm hơn 1km. Trong khi đó, nút giao Pháp Vân - vành đai 3 đang là điểm nghẽn giao thông của Hà Nội, và địa phương này đang phải tìm nguồn vốn để mở rộng, giảm ùn tắc. Vì vậy, việc Hà Nội xây dựng thêm bến xe khách trung hạn, chỉ hoạt động vài năm rồi di dời tại nút ùn tắc trên, theo các chuyên gia là thiếu tầm nhìn, không hợp lý.
TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, hiện giao thông thủ đô còn rất nhiều vấn đề nóng bỏng cần giải quyết, như quỹ đất cho giao thông thấp, xe cá nhân nhiều, giao thông công cộng nhiều bất cập...Do đó, theo ông Nghiêm, Hà Nội không nên chú trọng vào các giải pháp mang tính cục bộ, ngắn hạn.
Máy, thiết bị chuẩn bị thi công bến xe Yên Sở. Ảnh: PL
Đặc biệt, việc xây dựng bến xe khách liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 sẽ gây thêm ách tắc cho khu vực nội đô, đặc biệt nút giao Pháp Vân - vành đai 3 là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.
"Thêm bến xe mới ở vành đai 3 là không hợp lý, khi chúng ta đang muốn giảm áp lực giao thông cho nội đô. Hà Nội nên cân nhắc hơn nữa để giải quyết tập trung vấn đề nóng bỏng, có tầm nhìn xa, thay vì những bến xe nhỏ, chỉ mang tính ngắn hạn", ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, trong quá khứ Hà Nội đã từng loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác nằm trong nội đô, cách bến xe Yên Sở khoảng 2km vì thấy bất cập trong quy hoạch bến xe.
Còn theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4, nhưng nay lại xây thêm bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô.
"Kế hoạch này sẽ gây lãng phí vì bến xe chỉ hoạt động vài năm sẽ được di chuyển đi nơi khác," TS Đào Ngọc Nghiêm nhìn nhận.
Trước đó, trả lời phóng viên, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, bến xe Yên Sở sẽ giảm ùn tắc giao thông. Còn cụ thể giảm ra sao, tổ chức giao thông ra vào bến xe thế nào, Hà Nội sẽ thực hiện sau khi bến xe xây dựng xong.
Nhiều người dân ở tòa nhà HATECO ngay cạnh dự án Bến xe Yên Sở căng băng rôn phản đối dự án Ảnh: PL.
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, đây là cách làm ngược của Hà Nội. Vì với giao thông, ông Nghiêm cho rằng, phải tính tới các phương án tổ chức giao thông trước sau đó mới đầu tư bến xe. Còn đầu tư bến xe xong mới tổ chức giao thông là cách làm cục bộ.
Trong khi giữ lại bến xe Yên Sở, Hà Nội lại loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác (tương tự bến xe Yên Sở) do nhận thấy không còn phù hợp, nằm trong nội đô (bến xe Xuân Phương và Vân Trì). Năm 2013, Sở GTVT Hà Nội cũng từng đề xuất xây dựng thêm bến xe khách Khuyến Lương (Hoàng Mai), cách bến xe Yên Sở khoảng 2km, cùng nằm trên đường vành đai 3.
Trước đó, bến xe tạm Pháp Vân cũng được đề xuất, nhưng tất cả phải dừng lại vi không hợp lý. Mới đây, Hà Nội cũng chuyển bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô. Còn theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, Thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4.
"Nhưng giờ Hà Nội lại xây thêm bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô, lọt giữa khu dân cư, ngay điểm đen về ùn tắc giao thông rõ ràng không hợp lý, cần xem lại. Nếu vẫn cố làm sẽ chỉ gân tốn kém, lãng phí, gây hậu quả lớn do thiếu tầm nhìn", ông Nghiêm nói.
Dự án Bến xe Yên Sở đang tiếp tục được thi công bất chấp phản đối của dư luận Ảnh: PL.
Về quy hoạch, theo ông Nghiêm, dù bến xe Yên Sở có trong quy hoạch, nhưng nếu quy hoạch không còn hợp lý pháp luật đều cho phép chỉnh sửa.
"Chúng ta đã có quy hoạch, tầm nhìn đưa bến xe khách liên tỉnh ra khu vực vành đai 4 thì cứ theo đó làm, nội đô nên đầu tư vận tải công cộng, bãi đỗ xe tĩnh, những thứ Hà Nội đang rất thiếu. Không nên làm bến xe liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 nữa", ông Nghiêm đề xuất.
Văn bản lạ?
Theo Quyết định 7283, ngày 30/12/2016 của UBND TP Hà Nội về chủ trương đầu tư bến xe khách Yên Sở, bến xe này được giao cho Công ty Cổ phần bến xe Thanh Trì (địa chỉ tại Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ đầu tư (không thông qua đấu thầu). Công ty này được thành lập chỉ 6 tháng trước đó (tháng 7/2016).
Ngày 14/10/2016, Cty Cổ phần bến xe Thanh Trì có văn bản đề nghị thực hiện dự án bến xe Yên Sở. Điều đáng nói, dù ngày 14/10, chủ đầu tư mới có văn bản đề xuất dự án, nhưng Sở GTVT đã có văn bản cho ý kiến thẩm định dự án từ ngày 3/10. Như vậy, ý kiến thẩm định của Sở GTVT Hà Nội còn có trước khi nhà đầu tư ký nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án.
Ngoài ra, dù là bến xe khách tạm, nhưng Hà Nội lại cấp phép cho hoạt động trong 50 năm. Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn lý giải, cấp phép dài hạn như vậy vì chưa biết khi nào bến xe khu vực vành đai 4 được xây dựng.
Ông Tuấn cam kết, khi nào bến xe khách phía Nam mới được xây dựng ở khu vực vành đai 4, các bên xe khu vực nội đô (bao gồm cả bến xe Yên Sở) sẽ dừng hoạt động vận tải khách./.
Yêu cầu làm rõ về dự án bến xe tạm Yên Sở
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị làm rõ phản ánh của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững đối với Dự án xây dựng bến xe Yên Sở.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ cho biết, đã nhận được văn bản của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững về việc khẩn cấp xem xét vấn đề thực hiện Quyết định 519 ngày 31.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 liên quan đến xây dựng bến xe Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội.
Do đó, theo quy chế làm việc của Chính phủ, kèm theo Nghị định số 38 ngày 1/10/2016 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin chuyển văn bản nêu trên đến UBND TP. Hà Nội để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Phi Long
VOV
Nắng nóng "nung" mặt đường Hà Nội tới 64 độ C Nắng nóng ở Hà Nội lên đến đỉnh điểm vào giữa trưa, mặt đường bị "nung" tới 63,9 độ C, phả hơi nóng hầm hập lên phía trên khiến người dân phải hạn chế tối đa ra ngoài trời. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo nắng nóng gay gắt diện rộng có khả năng sẽ kéo...