Hà Nội chưa dự kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp
Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội khai mạc vào đầu tháng 12/2013 chưa xem xét đặt tên đường Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10/2013, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội nên có con đường mang tên Đại tướng. Người đầu tiên lên tiếng là nhà sử học Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội sử học Việt Nam.
Trả lời PV hôm 5/10, GS Lê cho rằng, trong quy chế đặt tên đường của Hà Nội, các nhân vật hiện đại sau khi mất 10 năm, mới xem xét đặt tên đường. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ không cần chờ đến 10 năm, sau khi mất có thể đặt tên phố ngay.
GS nói: “Các nhân vật lịch sử như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… là tiền lệ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần đặc cách như vậy”.
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy kiêm thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội cũng ủng hộ Hà Nội có con đường mang tên Đại tướng. Ông Long cho hay, nhiều phiên họp của Hội đồng tư vấn trước đây có ý kiến đề nghị trường hợp ngoại lệ đặt tên đường mang tên Đại tướng ngay sau khi mất. Tất cả các thành viên trong Hội đồng tư vấn đều nhất trí.
Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất, còn quyết định là của HĐND Thành phố Hà Nội (sẽ họp vào tháng 12 tới đây).
Theo Tờ trình ngày 15/11/2013, của UBND thành phố Hà Nội trình HĐND Thành phố về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2013, việc đặt tên đường, phố mang tên Võ Nguyên Giáp sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sau.
Video đang HOT
Theo đó, dự kiến tại Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội cuối năm 2013 tới sẽ xem xét, đặt tên và điều chỉnh độ dài của 34 đường, phố của 10 quận, huyện. Trong đó có 11 đường phố mang tên địa danh, 1 đường phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, 16 đường, phố mang tên danh nhân và 6 đường phố điều chỉnh kéo dài.
Hà Nội có các tuyến đường, phố mới được đặt tên danh nhân như: Đoàn Khuê; Vũ Tông Phan, Nguyễn Huy Nhuận, Nguyễn Văn Lộc, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Đình Hoàn, Thành Thái; đặt tên theo địa danh như: Văn Quán, Văn Yên, Yên Lãng, Phú Xá, Phú Thượng, Xuân Canh, Phúc Lộc, Sở Thượng, Tân Nhuệ…
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và Quảng Bình đã có phương án đặt tên đường phố mang tên Võ Nguyên Giáp. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chọn một phần tuyến đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội để đề xuất mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng chiều dài của cả tuyến đường này trên 7km.
TP. Đồng Hới tỉnh Quảng Bình đề xuất tuyến đường chạy dọc ven biển xã Bảo Ninh có chiều dài 7 km, mặt đường rộng 60m, chưa được đặt tên sẽ mang tên Đại tướng. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ nối TP. Đồng Hới với huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tại cuộc giao ban báo chí hôm 8/10, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy kiêm thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng quy chế đặt, đổi tên đường phố. Quy chế hiện nay, đặt tên đường chủ yếu ưu tiên cho các tên địa danh cổ, rồi mới đến tên các danh nhân.
Theo Khampha
"Với tôi, Đại tướng là một nghệ sĩ..."
Đại tá Phạm Thanh Tâm (họa sĩ Huỳnh Biếc, 80 tuổi), một họa sĩ chiến trường có nhiều cơ hội gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rất nhiều đồng nghiệp nước ngoài thắc mắc vì sao nghệ sĩ ở Việt Nam lại được vinh dự gặp gỡ Đại tướng nhiều đến vậy?
Đại tá - họa sĩ Phạm Thanh Tâm hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan triển lãm tranh về lực lượng vũ trang nhân dân năm 1975
Ông nói: "Richard, một người bạn nước ngoài của tôi từng kinh ngạc hỏi tôi vì sao nhiều họa sĩ Việt Nam vinh dự được gần Đại tướng. Ông ấy ngạc nhiên hỏi: "Tại sao các họa sĩ Việt Nam lại "có duyên" làm vậy? Tài giỏi, lừng danh thế giới như tướng Giáp hẳn là bận rộn lắm, sao có thể dành thì giờ cho các họa sĩ?". Còn tôi thì không ngạc nhiên. Vì với tôi, Đại tướng cũng là một nghệ sĩ...".
Câu hỏi rất hay của Richard khiến người họa sĩ chiến trường Phạm Thanh Tâm hào hứng trả lời đồng nghiệp ngoại quốc rằng: "Không chỉ riêng với họa sĩ đâu nhé, mà với tất cả các văn nghệ sĩ đều có vinh dự nhiều lần gặp gỡ Đại tướng".
Ông kể: "Tôi nói ngay một ý này với Richard: Không ai gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nghệ sĩ, nhưng trên thế giới sau Thế chiến II tiêu diệt hang ổ của chủ nghĩa phát-xít, người ta nhắc tới những câu chữ mới mẻ như nghệ thuật quân sự Stalin. Vậy những "cú đấm" như chiến dịch biên giới ở Cao Bằng - Thất Khê 1950, Điện Biên Phủ 1954, Đường 9 - Khe Sanh 1968, chiến thắng B52 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975... thì sao?".
Đại tá Phạm Thanh Tâm cho rằng: "Người có công thành lập, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam lớn mạnh từ nghèo khó. Người chỉ huy nhiều cuộc chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược trong suốt 30 năm liền đi tới toàn thắng... Người làm nên những thành tích lớn lao mang đầy màu sắc huyền thoại ấy chẳng đã là một nghệ sĩ trong nghệ thuật quân sự đó sao!".
Đại tá - họa sĩ Phạm Thanh Tâm thăm tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bảo tàng Quân đội (Hà Nội)
Sau giây phút tự hào, ông ngậm ngùi kể mình đã mất ngủ 3 đêm liền và suy yếu hẳn khi nghe tin Đại tướng mất. Sức khỏe ông kém đến nỗi kể một vài câu lại phải nghỉ dưỡng sức. Người vợ già ngồi cạnh bên liên tục nhắc chừng mỗi khi phóng viên hỏi đến những câu nhạy cảm, những câu hỏi về cảm xúc riêng tư có thể khiến ông lâm vào trạng thái xúc động dễ khiến ông lên máu...
Từ một chú bé liên lạc ở Hải Phòng, cùng gia đình di tản về chiến khu, việc trở thành quân nhân đối với đại tá Phạm Thanh Tâm như một việc đương nhiên. Khi cầm súng, lúc cầm bút vẽ tranh, ông gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cách mạng. Do vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức của ông.
Theo lời đại tá, lần đầu ông được "gặp" Đại tướng không phải là con người thật bằng xương, bằng thịt mà là qua một tấm ảnh chân dung bằng nửa bàn tay tại núi rừng Việt Bắc. Khi có được bức ảnh này, ông lập tức chép chân dung vị anh hùng mà ông ngưỡng mộ sang tờ giấy khác, rồi cho đăng trên tờ báo của trung đoàn.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do đại tá - họa sĩ Phạm Thanh Tâm vẽ bằng bút sắt
Những lần sau, ông gặp Đại tướng tại một số cuộc họp hoặc triển lãm tranh. Ông nhớ nhất là vào năm 1975, đại tá - họa sĩ Phạm Thanh Tâm được vinh dự dẫn Đại tướng tham quan triển lãm tranh về lực lượng vũ trang nhân dân tại trung tâm triển lãm Vân Hồ.
Ông nhớ lại: "Bấy giờ tình hình chiến trường miền Nam gay cấn lắm, các phóng viên báo đài phương Tây theo dõi sát sao động thái của Ban chỉ huy quân sự ở Hà Nội. Thế mà, Đại tướng của chúng ta lại rất bình tĩnh đi triển lãm xem tranh, khiến cánh phóng viên nước ngoài vô cùng ngạc nhiên và thán phục".
Ngay khi biết tin Đại tướng không còn, đại tá - họa sĩ Phạm Thanh Tâm vẽ bức tranh ký họa này. Ông viết: "Chiếc võng tre đặc biệt ở Lệ Thủy - Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hẳn là thuở ấu thơ vị Đại tướng kiệt xuất của nước ta và của cả thế giới đã từng được nghe tiếng ru hời trên chiếc võng này. Nay người đã trở về với chiếc võng quê hương".
Hồng Nhung - Tùng Nguyên
Theo Dantri
Phó trưởng Ban tuyên giáo: "Chưa chốt phương án tên đường Võ Nguyên Giáp" "Từ ngày 4/10 đến nay, Hội đồng đặt tên đường phố của Hà Nội chưa họp lần nào nên chưa thể gọi là đã chốt phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp". Cầu Nhật Tân đang được gấp rút hoàn thành Đó là quan điểm cá nhân của ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy kiêm thành viên...