Hà Nội: Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử được thực hiện như thế nào?
Để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án để đáp ứng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất.
1.200 dây chuyền tiêm, 100 tổ cấp cứu
Trước mắt, mục tiêu của thành phố là phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày.
Để đáp ứng yêu cầu này, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm chủng. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, thành phố cũng đã chuẩn bị thêm 200 dây chuyền dự phòng.
Trước khi tiêm chủng vắc xin, người dân sẽ được khám sàng lọc kỹ các yếu tố nguy cơ (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Để đáp ứng đủ nhân lực cho các dây chuyền tiêm, bên cạnh lực lượng thường trực của ngành y tế, Hà Nội sẽ huy động thêm 1.995 người (5 cán bộ/dây chuyền tiêm), trong đó:
- Nhân lực huy động để tập huấn Cấp chứng nhận an toàn tiêm chủng (mỗi dây chuyền tiêm chủng có 3 người) là 1.097 cán bộ y tế (390 bác sĩ và 798 điều dưỡng) từ các bệnh viện, viện, trường cao đẳng, đại học, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố.
- Nhân lực hỗ trợ cho các dây chuyền (2 người/dây chuyền) gồm 798 sinh viên các trường y trên địa bàn.
Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, nhất là trong tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn cần phải huy động các tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các sự cố tiêm chủng, qua rà soát hiện toàn thành phố có thể huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ này. Sở Y tế sẽ điều phối các tổ cấp cứu cơ động phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực.
13 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng
Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, dân số Hà Nội đến ngày 31/12/2020 có 8.317.640 người và 605.698 người ngoại tỉnh lưu trú trên địa bàn thành phố, tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 18-65 tuổi là độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất chiếm 62,3%, tuy nhiên theo thống kê nhanh từ các đợt tiêm vắc xin AstraZeneca vừa qua, tỷ lệ tiêm đạt khoảng 70% (có 30% đối tượng có chống chỉ định tiêm hoặc không đến tiêm). Đồng thời thành phố cũng sẽ mở rộng sang các đối tượng khác. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã chủ động chia các đối tượng tiêm chủng thành 13 nhóm theo thứ tự ưu tiên:
1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân, người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); lực lượng Quân đội; lực lượng Công an.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch được ưu tiên tiêm chủng (Ảnh minh họa).
Video đang HOT
2. Nhân viên, cán bộ Ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh,
3. Cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, các đơn vị hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
4. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, cơ sở chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế, người dân ở vùng/khu du lịch…
5. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
6. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
7. Công nhân tại các khu Công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp.
8. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Hà Nội cũng lập 100 tổ cấp cứu lưu động để đảm bảo an toàn cho người dân khi tiêm chủng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
9. Người sinh sống ở các khu vực có dịch.
10. Các chức sắc, chức việc tôn giáo.
11. Các đối tượng là lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc với nhiều người tại những nơi tập trung đông người như: nhóm người lao động tự do, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như lái xe taxi, xe ôm, bốc vác, đánh giày, bán hàng rong…
12. Người làm việc trong các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân.
13. Người dân không nằm trong các nhóm đối tượng nêu trên, nhưng có thể ưu tiên theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch tại từng thời điểm cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Phụ thuộc vào lượng vắc xin được cung ứng, phạm vi triển khai sẽ phân bổ vắc xin cho các quận huyện theo nguyên tắc:
- Khi nguồn vắc xin chưa đủ: Phân bổ số lượng vắc xin cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung…
- Khi có đủ vắc xin: Triển khai đồng loạt trên toàn Thành phố.
Phối hợp điểm tiêm chủng cố định và lưu động
Các loại vắc xin đều được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận về khả năng đáp ứng miễn dịch và tính an toàn vì vậy việc phân bổ vắc xin được thực hiện như sau:
- Tiêm mũi một bằng loại vắc xin nào thì tiêm trả mũi 2 bằng loại vắc xin đó. Với người được tiêm mũi một bằng vắc xin của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer, khoảng cách từ 8 – 12 tuần sau tiêm mũi một.
- Vắc xin có hạn sử dụng ngắn được cấp phát trước.
Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.
Để tránh thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công bằng, minh bạch trong phân bổ vắc xin cho các quận, huyện, thị xã, phương án được đề xuất là thành phố sẽ phân bổ chỉ một loại vắc xin tại cùng thời điểm; các đơn vị triển khai tiêm hết loại vắc xin này mới chuyển sang loại vắc xin khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin cùng loại cho một người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vắc xin ở cùng một thời điểm.
Lực lượng chức năng sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng theo 2 hình thức tổ chức điểm tiêm như sau:
- Tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng bao gồm: trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phòng khám đa khoa cả trong và ngoài công lập. Dự kiến bố trí 604 điểm cố định.
- Thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như: Thực hiện tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực có nhiều cơ quan, đơn vị, các trường đại học, cao đẳng, hoặc khu vực đô thị có mật độ dân cư lớn, trong khi các điểm tiêm cố định không đáp ứng được yêu cầu (diện tích không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng một thời điểm). Dự kiến bố trí 596 điểm lưu động.
Công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân (Ảnh: Mạnh Quân).
Để thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng vắc xin, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các cơ quan liên quan phải vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ cùng ngành y tế triển khai kế hoạch đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân; nêu rõ quan điểm mọi người dân đều bình đẳng về quyền lợi tiêm vắc xin; thông tin cụ thể các tác dụng phụ của vắc xin và phản ứng không mong muốn; vận động mọi người dân đủ điều kiện về sức khỏe và độ tuổi đi tiêm vắc xin khi thành phố được phân bổ đủ lượng vắc xin.
Hà Nội xin được đàm phán, tiếp cận các nguồn vaccine ngừa Covid-19
Chủ tịch Hà Nội kiến nghị có chính sách ưu đãi phân bổ vaccine cho các TP lớn, nguy cơ cao như Hà Nội, TP.HCM và có cơ chế triển khai tiêm vaccine theo hình thức dịch vụ.
Báo cáo Thủ tướng tại hội nghị toàn quốc triển khai giải pháp cấp bách nhằm chống dịch sáng 29/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khái quát về tình hình dịch trên địa bàn thành phố.
Ông cho biết từ 27/4 đến nay, Hà Nội có 197 ca F0, trong đó có 159 ca ở cộng đồng, 38 ca từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Phổi Trung ương.
"Từ 23/5, TP rất căng thẳng, gồng mình với chùm ca bệnh mới phức tạp liên quan đến hai địa điểm là Times City và Công ty T&T. Đây là chùm ca bệnh đầu tiên trên địa bàn thủ đô mà bị mất dấu F0, rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan", Chủ tịch Hà Nội chia sẻ.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP.
Từ thực tế này, ông cho rằng cần tăng cường, siết chặt quản lý cư dân ở các khu đô thị, nhà cao tầng, tổ hợp văn phòng để đối phó với dịch trong trạng thái mới.
Cho biết tình hình dịch trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, ông Chu Ngọc Anh khẳng định Hà Nội sẽ kiểm soát tốt tình hình trong mọi tình huống với tinh thần bình tĩnh, chủ động, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.
Ông cũng nêu một số bài học kinh nghiệm trong chống dịch, như huy động tổng lực cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cho đến tận bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố.
Bên cạnh đó, từ khi phát hiện ca bệnh, tất cả lực lượng của thành phố được kích hoạt để tận dụng "48 giờ vàng" để khoanh vùng, xét nghiệm. Đặc biệt, thành phố tiếp tục thực hiện phương châm phong tỏa theo nguyên tắc 3 lớp như bài học ở Đông Anh.
Cũng theo lãnh đạo thành phố, Hà Nội đã chuẩn bị phương án, kịch bản để phòng, chống dịch, mở rộng xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực nguy cơ, theo dõi quản lý di biến động của cư dân.
Chủ tịch Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục có chính sách ưu tiên phân bổ vaccine cho các TP lớn, nguy cơ cao như Hà Nội, TP.HCM và có cơ chế để triển khai tiêm vaccine theo hình thức dịch vụ, đặc biệt là khu công nghiệp.
"Xin các đồng chí cho Hà Nội chủ động để tiếp cận và đàm phán tiếp cận các nguồn để chúng tôi có thể thực hiện được hiệu quả nhiệm vụ này", ông Chu Ngọc Anh kiến nghị.
Ông đồng thời kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế theo tình huống khẩn cấp để đáp ứng công tác phòng, chống dịch.
Hà Nội đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể thêm về tổ chức xét nghiệm bằng cách giao cho doanh nghiệp chủ động, hướng dẫn thêm về việc nâng tần suất xét nghiệm từ 3 lên 5 lần mỗi ngày trong các khu cách ly tập trung.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...