Hà Nội chi 24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến đường
“Với 4 tuyến phố đã thực hiện phân làn, tổng chi phí khoảng 7,14 tỷ đồng; 8 tuyến phố còn lại dự kiến khoảng 16,7 tỷ đồng”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.
Theo đánh giá của Sở GTVT, sau gần 1 tháng chính thức tổ chức phân làn tại 4 tuyến phố (gồm Bà Triệu, Phố Huế – Hàng Bài, Xã Đàn – Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Giải Phóng), tình hình giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bước đầu tạo sự đồng thuận với nhân dân, không thể để lộn xộn như hiện nay, tạo thành một nét văn hóa giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông, đặc biệt giảm xung đột giao thông, tai nạn không đáng có…
Từ giờ tới cuối năm Hà Nội sẽ tổ chức phân làn trên 12 tuyến đường, với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Tân cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như trên 4 tuyến đã được phân làn đều không có làn đường dành cho xe buýt, nên khi xe buýt ra vào đón trả khách đã gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông của các phương tiện khác.
Tình trạng va quệt với cột biển báo, dải phân cách vẫn rất nhiều. Chỉ tính trong khoảng thời gian 18 ngày (từ ngày 20/9 tới 8/10), đã có 178 cột biển báo bị phương tiện đâm phải (chủ yếu là ô tô), trong đó có hơn 150 cột phải trông lại, thay mới. Đặc biệt, có 4 nhân viên Thanh tra Giao thông vận tải (Sở GTVT) bị xe va quệt vào người khi đang làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông.
Lý giải về tình trạng trên, ông Tân cho hay: “Tất cả các biển báo, dải phân cách, vạch sơn chúng tôi đều lắp phản quang, tuy nhiên do người tham gia giao thông thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu đặc biệt là ô tô chạy vào ban đêm… nên mới xảy ra va quệt”.
Cũng theo quan điểm của vị Phó Giám đốc Sở này, việc đặt biển dưới đường như vậy nhiều người còn không chấp hành, rất khó để đưa ý thức tham gia giao thông theo làn vào quy củ.
Vấn đề lo ngại của nhiều người khi có nhu cầu rẽ, phải lấn sang làn của xe khác, gây cả trở giao thông và nguy hiểm, ông Tân cho rằng, các phương án đều đã được tính, và thử nghiệm trước, đảm bảo trước mỗi điểm cắt các phương tiện có quãng đường từ 30-35 mét để chuyển hướng, với tốc độ bình thường từ 25-30km/h thì việc chuyển hướng hoàn toàn bình thường, không thể có tai nạn được.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội: Thay đổi thói quen là rất khó.
“Thay đổi thói quen là rất khó, nên phải làm thường xuyên và lâu dài. Lần này chúng tôi quyết làm, dù tiến trình có chậm hơn so với thế giới, nhưng sẽ phải tổ chức giao thông trật tự hơn, nề nếp hơn. Để làm được như vậy không còn cách nào khác là phải cưỡng bức giao thông, nhiều rồi sẽ quen”, ông Tân khẳng định.
Cũng theo ông Tân, nếu không có gì thay đổi, tuyến Nguyễn Trãi – Hà Đông, Kim Mã – Voi Phục sẽ thực hiện phân làn từ ngày 15/10. Sau đó là thực hiện dần các tuyến khác, tập trung chủ yếu vào các tuyến phố hướng tâm, vành đai. Còn các tuyến khác sẽ chưa làm vì chủ yếu phục vụ sinh hoạt, mật độ phương tiện lớn, cung đường lại hẹp.
Dự kiến trong thời gian từ giờ tới cuối năm Hà Nội sẽ thực hiện phân làn thêm 8 tuyến đường nữa, gồm Kim Mã, Nguyễn Trãi – Hà Đông, Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Nguyễn Văn cừ đến cầu Vĩnh Tuy), Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Đây là lần thứ 4 Hà Nội tiến hành phân làn tách phương tiện ô tô, xe máy. Cả 3 lần trước Hà Nội đều thất bại trong việc phân làn, khi lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông xử phạt rút đi các tuyến phố lại trở nên lộn xộn.
Theo VTC