Hà Nội chạy thử tàu trên cao: Các hộ dân sống “sát sạt” đường tàu nói gì?
Sáng 20/9, người dân Hà Nội đã được chiêm ngưỡng những đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (đường sắt trên cao) chạy thử nghiệm chính thức.
Sáng nay, đúng 6h30, đoàn tàu đầu tiên lăn bánh xuất phát từ ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) trong sự quan tâm của người dân Hà Nội, đặc biệt là những hộ dân sinh sống hai bên đường sắt.
Có tổng cộng 5 đoàn tàu chạy thử nghiệm toàn tuyến với tổng thời gian 25 phút bao gồm đỗ tại 12 ga dọc hành trình dài 13 km. Thời điểm chạy thử vào sáng sớm, nhưng cũng khá nhiều người dân được chứng kiến, thích thú chiêm ngưỡng.
Khúc cua của đường sắt trên cao thông từ đường Nguyễn Trãi sang đường Giáp Nhất.
Có mặt tại ngõ số 5 đường Giáp Nhất ( quận Thanh Xuân) thông ra đường Nguyễn Trãi, nơi có khoảng 30 hộ sinh sống hai bên đường sắt. Hầu hết các nhà đều cách mặt cầu của đường sắt trên cao khoảng vài mét đổ lại. Đây cũng là đoạn vòng cung có góc cua gấp nhất, nhiều hộ sống gần nhất của tuyến đường sắt này.
Chứng kiến những đoàn tàu đi qua vào sáng nay, ông Lê Minh (82 tuổi) chia sẻ, ông không ngạc nhiên vì nhiều lần chứng kiến tàu đi qua trong thời gian gần đây, trong sáng nay ông đã chứng kiến 4/5 đoàn tàu đi qua. Ông cho biết thêm, dù nhà chỉ cách đường tàu rất gần và phòng ngủ ở tầng 4 nhìn thẳng ra, nhưng không cảm nhận được tiếng ồn, rung như đường sắt “truyền thống”.
Nhà ông Lê Minh (82 tuổi) nằm sát sạt đường sắt trên cao
Ông Minh so sánh: “Tôi già rồi, nhưng mỗi lần tàu đi qua, kể cả vào ban đêm, mà tôi vẫn không cảm nhận được gì, vì khá “êm”. Nếu tàu chạy chậm thì nghe như tiếng xe ô tô thôi, còn nếu chạy nhanh hơn chút thì hơi có tiếng lẹt xẹt của đường sắt, nhưng rất nhỏ.
Video đang HOT
Trước đây tôi cũng từng ở cạnh đường sắt ở Hà Nam, mỗi lần tàu chạy qua là tỉnh ngủ luôn vì nhà rung, tiếng ồn lớn. Nhưng đường sắt trên cao này, tôi thấy hiện đại và không gây ồn. Tàu chỉ có 4 toa nên chạy qua rất nhanh, vài giây là đi qua”.
Nhà các hộ dân trong ngõ đa số chỉ cách đường sắt một vài mét
Cũng theo hộ dân tại đây, dù ở khúc cua nhưng các hộ đều cảm thấy yên tâm nếu như tàu được vận hành theo quy trình an toàn, giữ tốc độ cho phép.
“Tuyến đường sắt trên cao có hai đường ray riêng biệt, mỗi chiều chạy một bên nên không thể xảy ra va chạm ngược chiều. Mới đầu tôi cũng tò mò xem thử, nhưng bây giờ coi đó là bình thường. Nếu tàu chạy qua tôi vẫn ngủ ngon vì ít tiếng ồn và dần quen với việc này” – Chị Hạnh, hàng xóm với ông Minh cho biết.
Nhiều hộ dân mở cửa sổ ra là nhìn thấy tàu chạy qua ngay trước mặt.
Theo ghi nhận của PV, tại các địa điểm cách xa đường sắt trên cao so với ngõ 5 Giáp Nhất, phản ánh của người dân cũng khá tích cực. Đường sắt chia làn riêng biệt, không có đoạn cắt ngang, đường dân sinh nên không có tiếng động của kéo còi, chuông báo sắp có tàu đi qua như đường sắt cổ điển.
“Tôi cũng mong tuyến đường sớm được triển khai chính thức để người dân có thêm phương tiện đi lại, giảm ách tắc giao thông vì quá tải phương tiện. Quá trình tàu vận hành thử tôi cũng đã từng xem và cảm nhận tàu không gây tiếng ồn khi chạy qua” – anh Đức Anh sinh sống tại đường Trần Phú (quận Hà Đông) nhận xét.
Trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) – Trần Phú (Hà Đông) đường sắt trên cao cách khá xa nhà dân hai bên.
Ban Quản lý Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết, các đoàn tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ được chạy thử nghiệm từ 3 – 6 tháng với mục tiêu đưa dự án đủ điều kiện vào vận hành thương mại trước Tết Nguyên đán 2019.
Được biết, dự án có 13 đoàn tàu, mỗi tàu có 4 toa. Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi, khổ là 1.435 mm. Điểm xuất phát của dự án bắt đầu từ ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đến ga Cát Linh (quận Đống Đa). Quãng đường di chuyển của tàu là hơn 13km. Mỗi ga, đoàn tàu sẽ dừng lại 1 phút để đón trả khách. Vận tốc tàu chạy tối đa là 65km/giờ, tốc độ trung bình là 30 – 35km/giờ.
Theo Quang Anh (Gia đình & Xã hội)
Tổng thầu Trung Quốc sắp vận hành chính thức tàu Cát Linh - Hà Đông
Ngày 20/9, Tổng thầu Trung Quốc sẽ chính thức vận hành thử nghiệm liên động toàn hệ thống Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Đây là dấu mốc quan trọng của dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam, kéo dài gần 10 năm triển khai thi công.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 17/9, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt (QLDA), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, hiện nay mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, đảm bảo cho hoạt động vận hành liên động toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Lãnh đạo Ban QLDA thông tin, đây là giai đoạn Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được vận hành kỹ thuật, vì vậy người dân sẽ không được lên tàu. Khi hoạt động vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối và hoàn thiện dự án thì người dân mới có thể lên tàu.
Toàn bộ 13 đoàn tàu của Dự án sẽ được đưa vào vận hành. Các đoàn tàu xuất phát từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) chạy trên hơn 13km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa), mỗi ga đoàn tàu sẽ dừng lại 1 phút. Vận tốc tàu chạy tối đa là 65km/h, tốc trung bình là 30-35km/h.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành liên động toàn hệ thống từ ngày 20/9 (ảnh: Toàn Vũ)
Các đoàn tàu sẽ chạy theo biểu đồ, đúng với quy trình của dự án. Những ngày đầu, các đoàn tàu sẽ có thời gian giãn cách là 10-12 phút/chuyến, trong 3-6 tháng sẽ rút ngắn dần thời gian giãn cách theo thiết kế và đạt 5 phút/chuyến khi khai thác thương mại.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Ban QLDA, trong giai đoạn đầu thử nghiệm sẽ không có người Việt Nam tham gia vào công tác vận hành. Sau này, nhân công người Việt đã được đào tạo sẽ được đưa vào tiếp nhận và vận hành từng bước.
"Tổng thầu Trung Quốc sử dụng nhân công người Trung Quốc trực tiếp tham gia vào hoạt động vận hành. Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác vận hành trong khoảng từ 3-6 tháng thử nghiệm. Hiện nay toàn bộ lực lượng của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam." - lãnh đạo Ban QLDA cho hay.
Từ đầu tháng 8, dự án đã được tiến hành vận hành đơn động nhằm căn chỉnh, chạy thử cho từng chuyên ngành được lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến. Giai đoạn vận hành thử nghiệm liên động toàn hệ thống nhằm đảm bảo tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoạt động tốt nhất trước khi tiến hành khai thác thương mại vào quý I/2019.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10/2017 và quý II/2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, do tiến độ dự án không đáp ứng được yêu cầu nên Bộ GTVT đã phải tuyên bố "phá sản" kế hoạch vận hành thử nghiệm dự án này.
Sau khi bị "lụt" tiến độ, phía Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất với Bộ GTVT xin lùi dự án thêm 11 tháng so với kế hoạch. Bộ GTVT đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án và được Thủ tướng chấp thuận.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Thời gian thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ban đầu là 11/2008 tới 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, tuy nhiên dự án đã "lỡ hẹn" đến tháng 4/2010 mới được động thổ và tháng 10/2011 thì chính thức triển khai.
Sau khi điều chỉnh, đến thời điểm này tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD.
Được biết, hiện nay vốn giải ngân cho toàn dự án đạt 75%, một số hạng mục đang tiếp tục được hoàn thiện là trang trí, điện chiếu sáng và một số hạng mục không liên quan đến kỹ thuật, vận hành đoàn tàu trên tuyến.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Các đoàn tàu được lắp đặt trên đường sắt Cát Linh-Hà Đông 12 toa tàu của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đã về tới Hà Nội, đang được lắp đặt trên đường ray. Đoàn tàu số ba của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vừa được nhà thầu vận chuyển về khu depot - Hà Đông. Sáng 4/10, phần toa tàu số 12 được di chuyển...