Hà Nội chặt vội, trồng nhầm!
Theo các chuyên gia, cây vàng tâm thuộc vào danh sách sẽ nguy cấp, là đối tượng bảo vệ của một số khu rừng cấm, vườn quốc gia. Dù quý hiếm nhưng đây là loại cây hoàn toàn xa lạ với các đô thị.
Theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị 2 bên đường phố đã được UBND TP Hà Nội thông qua, các cây xanh tại 10 quận không đúng chủng loại cây xanh đô thị (cây cấm trồng); cây cong, xấu, ảnh hưởng mỹ quan, giao thông… sẽ bị chặt hạ với số lượng 6.700 cây, thay vào đó là cây vàng tâm và một số chủng loại cây trồng khác.
Quá vô lý!
Trong số các tuyến đường sẽ được trồng cây vàng tâm có đường Nguyễn Chí Thanh vừa được ráo riết thực hiện trong mấy ngày qua và đã trồng cây mới mà lãnh đạo TP khẳng định đây là cây vàng tâm. Tuy nhiên, những người thực hiện đã nhầm lẫn.
Các chuyên gia nhận định cây đang được trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) như trong ảnh là không phù hợp
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (74 tuổi, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghiên cứu cây bóng mát và cây cổ thụ, hiện đang sinh hoạt tại Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường và Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) khẳng định cây được trồng mới ở đường Nguyễn Chí Thanh không phải là vàng tâm.
“Tôi đã 2 lần ra đường Nguyễn Chí Thanh để khảo sát xem họ trồng thế nào, trồng cây gì. Tôi khẳng định toàn bộ số cây trồng mới không phải là cây vàng tâm trong sách đỏ mà chỉ là cây mỡ, hay còn gọi là mỡ vàng tâm. Mỡ vàng tâm và vàng tâm là 2 cây hoàn toàn khác nhau” – ông Cường khẳng định.
Theo bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước (do Bộ Lâm nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 1298-CNR ngày 26-11-1977) vẫn còn hiệu lực, cây vàng tâm có tên khoa học là Manglietia glauca Anet, cây mỡ có tên khoa học là Manglietia fordiana Oliv.
Ông Cường nói muốn đưa một cây rừng về trồng ở đô thị thì cần tiến hành các bước rất khoa học. Cụ thể, ban đầu phải gieo ươm và trồng trong vườn ươm, sau đó nuôi dưỡng trong vườn ít nhất 7-8 năm rồi đưa ra trồng thử nghiệm ở đường phố xem có thích nghi và sống được hay không. Sau đó mới trồng đại trà, chứ không phải mang ra trồng ồ ạt như Hà Nội đang làm.
Video đang HOT
Về chủng loại cây, ông Cường cho rằng cây trồng ở đường đô thị phải có tán đẹp, không gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết cây bóng mát ở Hà Nội đều có nguồn gốc từ rừng nhưng đã được trồng cả vài chục cho đến hơn trăm năm, từ thời Pháp, đều có khảo nghiệm rồi mới trồng đại trà.
“Hà Nội đùng một cái mang cây vàng tâm hay cây mỡ là những cây rất mới mẻ về trồng ở đường phố làm cây bóng mát, tôi thấy rất vội vàng, vô lý quá và chả có cơ sở khoa học nào cả. Từ thời Pháp đến nay, chưa từng có ghi nhận loài cây này được trồng ở thủ đô làm cây bóng mát” – ông Cường nói.
Chuyên gia Lê Huy Cường cũng cho rằng ông cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lâm nghiệp cảm thấy rất buồn khi Hà Nội quá vội vàng để triển khai một dự án lớn mà không hề tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Những cây mỡ liệu có sống lâu dài hay không, ông Cường cho biết không thể khẳng định được. “Cây này tán hẹp, không tạo được bóng mát rộng. Trên rừng thì nó sống tốt bởi hợp với đất chua ở đồi. Đất ở Hà Nội là đất kiềm mà tầng nước ngầm rất là cao, vậy thì làm sao nó sống được” – ông Cường phân tích.
Không nên trồng vàng tâm
Theo các chuyên gia, cây vàng tâm hiện thuộc vào danh sách sẽ nguy cấp, là đối tượng bảo vệ của một số khu rừng cấm, vườn quốc gia. Bởi gỗ quý nên vàng tâm bị khai thác nhiều dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng. Dù quý hiếm nhưng theo các nhà khoa học thì đây là loại cây hoàn toàn xa lạ với các đô thị. Thậm chí trồng cây này là một sự mạo hiểm dẫn đến lãng phí.
TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất, nguyên chủ nhiệm bộ môn lâm nghiệp đô thị (Trường ĐH Lâm nghiệp), cho biết việc trồng cây gì ở đô thị cần được nghiên cứu kỹ về khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái tại nơi trồng. Riêng với cây đô thị tại Hà Nội, ngoài tiêu chí về bóng mát còn phải có các tiêu chí về cảnh quan, văn hóa. Muốn vậy, phải có nghiên cứu chứ không phải khơi khơi là mang cây trên rừng về trồng.
Cây vàng tâm là cây rễ cọc, khi trồng có chiều cao 6-8 m và đường kính 8-10 cm khiến cây phát triển kém, nguyên nhân do chặt rễ cọc và cắt hết lá nên thiếu quang hợp. Ngoài ra, cây chậm phát triển do đất đô thị ở ven đường rất chặt, rễ khó bám sâu vào đất. Đây có thể sẽ là nguyên nhân khiến cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão.
“Hà Nội trồng cây vàng tâm là không phù hợp” – ông Hà khẳng định và cho biết Hà Nội nên trồng một vài loài cây chủ đạo để tạo nên sự đặc sắc riêng của thủ đô. Cây sấu là một lựa chọn hợp lý. Ở những tuyến phố ngắn, nhỏ, vỉa hè hẹp thì nên chọn những loại cây tán thấp, gọn (cau ta, tùng la hán hoặc cọ); đường có vỉa hè rộng có thể trồng những loài thân lớn (sấu, nhội, lát hoa, lộc vừng). Những khu phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo thì giữ nguyên những cây hiện có và chỉ thay thế khi có nguy cơ gãy đổ hoặc chết.
Sở Xây dựng phải trả lời báo chí trước ngày 25-3
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa có văn bản chỉ đạo giám đốc Sở Xây dựng phải có văn bản trả lời các câu hỏi cua báo chí liên quan đến cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn. Công văn nêu rõ: Tại cuộc họp ngày 20-3 của UBND TP với một số cơ quan báo chí về việc tổ chức thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn, đã có 21 nhà báo nêu câu hỏi chi tiết về việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua. Để giải đáp, làm rõ những vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, UBND TP giao giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổng hợp, có văn bản trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25-3.
Theo Người lao động
"Chặt hạ 6.700 cây xanh là đúng nhưng cần triển khai từ từ"
Đây là lời phát biểu của nhà báo Nguyễn Việt Chiến bên lề cuộc họp về việc thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra chiều ngày 20/03/2015.
Những ngày qua, tại một số con phố của Hà Nội đã triển khai việc chặt hạ cây xanhnhằm thay thế cây mới phù hợp với cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, việc làm "nóng vội" này của UBND Thành phố đã gây nne làn sóng phản đối trong dư luận.
Điều đáng nói, trước khi thực hiện Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn, phía UBND thành phố Hà Nội chưa thông qua ý kiến của nhân dân nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Đa số người dân không đồng tình ủng hộ quyết định trên của UBND Thành phố.
Cây xanh bị chặt hạ thu hút ánh nhìn người đi đường.
Khi bức xúc của người dân về việc chặt cây xanh ở các con phố có tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chưa lắng xuống thì mới đây, việc UBND thành phố Hà Nội tổ chức chặt hạ 6.700 cây xanh như "giọt nước tràn ly" khiến dư luận dậy sóng.
Bác Lâm Quốc Huy (65 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi hết sức ngỡ ngàng và cảm thấy tiếc nuối, xót xa khi chứng kiến hàng cây hai bên đường bị chặt hạ. Bởi lẽ, mất đi hàng cây đó, tôi như mất đi một phần tuổi thơ của mình.
Bên cạnh đó, một số người dân bất chấp mạo hiểm đã "cố thủ" trên cây để ngăn việc chặt hạ. Không chỉ vậy, hàng loạt các Fanpage, diễn đàn những ngày qua cũng xôn xao về chủ đề này. Hầu hết mọi người đều phản đối việc chặt cây từ phía UBND thành phố Hà Nội.
Trước áp lực dư luận, chiều ngày 20/03/2015 Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì cuộc họp về cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.
Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc họp, nhà báo Nguyễn Việt Chiến chia sẻ quan điểm: "Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo dừng chặt hạ cây xanh là kịp thời khi mà bức xúc trong dư luận xã hội về việc này tăng cao sau khi Thành phố tiến hành chặt hạ 500 cây xanh tại một số tuyến phố.
Điều quan trọng là UBND Thành phố đã rút kinh nghiệm từ việc triển khai đề án mà không thông tin kịp thời đến người dân. Chính điều này gây ra một số khó khăn trong công tác chặt hạ cây xanh. Phía UBND Thành phố cũng nhận thiếu sót và thiếu sót này lỗi lớn là ở các cơ quan tham mưu của Thành phố".
Cũng theo ông Chiến: "Việc triển khai dự án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh đáng lẽ UBND Thành phố và các cơ quan tham mưu nên có đề án đánh giá tác động ảnh hưởng đến môi trường từ việc chặt cây xanh. Bởi vì, việc chặt cây với số lượng lớn như vậy khiến cho thành phố dần mất đi không khí trong lành. Việc xã hội hóa cây xanh là bước tiến quan trọng.
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến bày tỏ quan điểm trước báo giới.
Chúng ta nên triển khai việc trồng cây xanh ở những đường phố mới như vậy để vài chục năm nữa Hà Nội sẽ là thành phố cây xanh.
Mặt khác, trước khi triển khai cần có đề tài nghiên cứu, đánh giá những tác động của việc chặt cây xanh đến thành phố Hà Nội. Bởi vì, đối với đô thị cổ Hà Nội cây xanh trở thành biểu tượng. Việc triển khai chặt hạ, thay thế cây xanh là cần thiết nhưng không được nóng vội. Việc chặt hạ là đúng nhưng cần triển khai từ từ đề tránh việc dư luận nổi sóng.
Vấn đề đặt ra nữa là cần có nghiên cứu về tác động dư luận xã hội. Nếu không sẽ gây phản ứng rất lớn từ dư luận xã hội", ông Chiến nhấn mạnh.
Quang Chiến
Theo_Người Đưa Tin
Xe buýt cho phụ nữ: Thành ủy Hà Nội lên tiếng Việc lập riêng tuyến xe buýt cho phụ nữ, theo Ban Tuyên giáo Thành ủy HN, là không cần thiết, vì chuyện quấy rối tình dục trên xe buýt rất hiếm. Sáng 27/12, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) xác nhận thông tin, cách đây ít ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hà...