‘Hà Nội cần sớm rà soát, công khai chất lượng kinh doanh của các công ty cấp nước’
Từ sự cố nước nhiễm dầu thải đang khiến người dân Hà Nội hoang mang, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng – đề nghị cơ quan chức năng cần sớm công khai danh sách các c ông ty kinh doanh nước sạch cùng chất lượng nguồn nước, tránh tăng sự hoang mang của dư luận.
Trao đổi với PNVN ngày 16/10 liên quan đến sự cố nước nhiễm dầu của người dân một số quận tại Hà Nội do công ty nước sạch sông Đà cung cấp, bà Bùi Thị An đã chỉ ra những phản ứng được cho là thiếu trách nhiệm của chính Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Theo bà An, nước có tầm quan trọng không thể thay thế, bởi là sự sống của con người, nếu không có nước thì không thể tồn tại, chưa kể nguồn nước ăn liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển thể chất, trí tuệ của mỗi người dân. Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn nước nhiễm các chất độc hại ảnh hưởng không nhỏ đến chính tính mạng của người dân.
PGS.TS Bùi Thị Anh. Ảnh: D.H
“Do liên quan chặt chẽ đến mạng sống của nhiều người nên đơn vị nào kinh doanh nước sạch cần phải được quản lý hết sức chặt chẽ. Tuy vậy, sự việc đáng tiếc diễn ra từ công ty sông Đà không cho thấy điều này!” – bà An nhìn nhân.
Bà Bùi Thị An cho rằng, dù người dân phát hiện ra nước nhiễm bẩn, có mùi lạ nhưng phản ứng của Viwasupco cho thấy sự vô trách nhiệm khi không vào cuộc xử lý ngay, chỉ đến khi báo chí và mạng xã hội thông tin thì mới thực hiện trách nhiệm, trong khi đó đáng lý ra công ty này phải cử người ngay xuống hiện trường để xác minh và giải quyết sự việc.
Một điểm nữa là Viwasupco khi phát hiện ra sự cố đã không nhanh chóng báo cáo với các cơ quan chức năng có trách nhiệm. Các thông tin công bố cố tình giấu đi những chất độc có trong nước càng thể hiện sự vô trách nhiệm trước nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đến không chỉ một người mà cả hàng vạn người dân đang sống giữa Hà Nội.
Một điều nữa khiến bà An cảm thấy bức xúc là công ty này không hề đưa ra khuyến cáo nào liên quan đến việc sử dụng nước của người dân hoặc có các giải pháp thay thế trước mắt một cách đồng bộ, để mặc người dân tự xử lý.
Nói về sự vào cuộc của cơ quan quản lý, bà An cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo liên ngành từ phía Hà Nội là cần thiết, dù hơi chậm trễ.
“Chắc chắc phải cần thời gian để phân tích mẫu nước, tìm ra nguyên nhân thật kỹ bởi chúng ta vẫn cần một nguyên nhân chuẩn, từ đó có thể đưa ra phương án xử lý phù hợp. Vì vậy vẫn cần thời gian để tiến hành công việc này và chúng ta sẽ chờ” – bà An nói.
Video đang HOT
Dòng nước đen kịt đầu nguồn sông Đà tại Hòa Bình. Ảnh: Zing
Trước mắt, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị Hà Nội sớm rà soát lại tất cả các công ty kinh doanh nước ở thành phố, nơi nào tốt, có nguồn nước đảm bảo hoặc những nơi có nguy cơ không đảm bảo để cho người dân nắm thông tin. “Phải công bố công khai những nơi đạt tiêu chuẩn, nơi nào không đạt, công khai kết quả kinh doanh nước của các công ty này, nếu làm không chuẩn thì đề nghị đình chỉ kinh doanh” – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII nhấn mạnh.
Cũng theo bà An, cơ quan chức năng cũng cần sớm làm rõ ai là người đã đổ dầu vào đầu nguồn, gây nhiễm độc nguồn nước, đồng thời phải xử lý nghiêm minh công khai, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
* Trước đó, như PNVN đã phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường. Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 – 3,6 lần so với mức bình thường. “Công ty phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì ngăn chặn, cứ để dầu trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước. Chúng tôi sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình đề nghị Công an tỉnh này làm rõ trách nhiệm của Công ty” – ông Chung cho biết.
Nói về chất Styren, GS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), cho biết đây là hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu.
Styren thường được dùng để các sản phẩm nhựa plolystyren, polyme như hộp xốp đựng đồ ăn, sợi thủy tinh…. Cơ thể người nhiễm chất này với hàm lượng cao, trong thời gian dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh và cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư thực quản, tuyến tụy.
“Tỷ lệ Styren trong nước vượt ngưỡng đến 3,6 lần, có thể cảm nhận bằng mũi chắc chắn gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, mức độ gây hại ra sao cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn, thông tin cho người dân biết”, GS Trần Văn Sung cho hay.
Theo phunuvietnam
Thời nào rồi mà còn cảnh dân vật vã thức đêm chờ thùng nước sạch ngay giữa Thủ đô thế này?
Thời đại nào rồi, mà ngay giữa Thủ đô, dân phải vật vã thức đêm xếp hàng chờ nước sạch, như những năm 60 của thế kỷ trước?
Mấy ngày nay, dư luận truyền tay nhau tấm ảnh dân rồng rắn mang xô chậu xếp hàng chờ lấy nước sạch trên một chiếc xe đời cũ. Nhìn thoáng qua, ai cũng quả quyết đây là tấm ảnh được giữ lại từ thời bao cấp, những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, chất lượng ảnh thật tốt.
Những người tinh ý thì nói không phải, bởi họ nhận ra chiếc xe máy SH đời mới màu trắng đậu bên kia đường. À, thế hóa ra đây là hình ảnh mới, mà đúng mới thật, Hà Nội tháng 10/2019.
Cư dân tổ hợp chung cư HH Linh Đàm lấy nước sinh hoạt từ xe téc do những ngày qua nước sông Đà không đảm bảo chất lượng.
Cách đây một tuần, từ ngày 10/10, nhiều hộ dân ở phía tây nam Hà Nội bắt đầu nháo nhào vì trong nước sinh hoạt hàng ngày bỗng nhiên có mùi lạ. Mùi nồng nặc tới mức không ai còn dám dùng cho việc nấu nướng hay uống trực tiếp vào cơ thể, chỉ có tắm giặt, là không có phương án thay thế.
Giá bảo nước lấy từ sông hồ lên mà sử dụng ngay, có mùi lạ đã đành, đằng này, người dân bỏ tiền mua nước sạch, từ một nhà máy lớn là Công ty nước sạch Sông Đà, mà vẫn có mùi được.
Cả tuần trời, dân rơi vào trạng thái hoang mang, hoàn toàn không thấy ai đả động gì việc nguồn nước thay thế hay phương án nào khả dĩ cho người dân. Lác đác vài khu chung cư xin được nước sạch, người lớn trẻ nhỏ rồng rắn xếp hàng từ chiều tới khuya lấy nước về dùng tạm. Cảnh tượng náo loạn, thảm cảnh còn quá cả thời bao cấp những năm 60 của thế kỷ trước.
Dân khổ, kêu ầm trời, nhưng doanh nghiệp thì vô cảm, coi đó như không phải việc của mình. Chẳng khác gì vụ cháy nhà máy Rạng Đông mới đây, người dân một lần nữa tự phải lo cho chính tính mạng, sức khỏe của mình trước thay vì chờ đợi một động thái từ chính quyền và doanh nghiệp.
Lẽ ra, ở thời điểm mà người dân hoang mang lo lắng ấy, chính quyền hay doanh nghiệp phải ngay lập tức ra thông báo, và có phương án về nguồn nước thay thế. Nhưng tuyệt nhiên không. Sau đúng gần 1 tuần, vào ngày 15/10, UBND TP.Hà Nội mới ra khuyến cáo người dân dừng sử dụng nước từ Công ty nước sạch Sông Đà để ăn uống.
Trong khi đó, mãi tới chiều qua (15/10), ông giám đốc của đơn vị cấp nước mới lên tiếng vòng vo theo cách để chối bỏ trách nhiệm, và chốt lại bằng một câu nghe chẳng thể lọt tai nổi: "Vâng! Xin lỗi".
Đáng sợ hơn, ông này còn khẳng định, nước của ông nhiễm độc đấy, nhưng đến bản thân ông cũng không có cách nào và hoàn toàn không biết làm thế nào để làm sạch nó...
Thà ông đừng mở miệng, chứ mở miệng, mà nói "dốt" như ông, thì tốt nhất ông cũng đừng ngồi ở cái vị trí giám đốc đó cho vô dụng.
Hay việc được độc quyền cung cấp nước cho cả một khu dân cư rộng lớn khiến một doanh nghiệp như Công ty nước sạch Sông Đà đang thoải mái "tác oai, tác quái", và vô cảm trước tính mạng của người dân?
Rồi tại họp báo ở Bộ TN&MT, một quan chức khi được hỏi về nước dính mùi thì vị này nói không biết với lý do là nhà đang ở không sử dụng nước từ Công ty nước sạch Sông Đà?
Ôi, một bộ máy mà tất cả những đơn vị liên quan đều vô cảm đến đáng sợ như thế này, thì người dân biết trông chờ vào đâu? Có 2 thứ, mà dân không thể chủ động được là nguồn không khí và nguồn nước, thì các ông các bà đang thả nổi, để dân tự loay hoay xử lý, như một kiểu sống chết mặc bay thời phong kiến cách đây cả thế kỷ.
Nếu là người có lương tâm, ngồi ở một vị trí mà phải đặt người dân lên cao nhất, thì khi thấy cảnh người dân nháo nhác vì nước nhiễm dầu thì lẽ ra họ phải cuống cuồng hơn bất cứ ai, và có những động thái xử lý ngay lập tức.
Đằng này, cac ông lại cố tình kéo dài với lý do điều tra nguyên nhân, để rồi tới lúc khi sự việc đã rồi thì mới ra thông báo để cảnh báo làm gì? Nước có mùi khét lẹt đã quá rõ như thế, sao mà phải chờ tới lúc điều tra xong mới phát đi thông báo?
Sau mỗi vụ việc, doanh nghiệp bị phạt vài ba chục triệu, một vài cá nhân nào đó đứng ra chịu trách nhiệm là họ nghĩ đã xong việc với dân.
Nhưng cái quan trọng là phần gốc thì chẳng ai thèm quan tâm. Nước sạch bị "đầu độc", xử lý xong rồi thì sao nữa? Liệu nhà máy nước có cam kết thay đổi cách vận hành vì người dân hay không? Hay lại nói kiểu bỏ mặc dân rằng "Không dám chắc xử lý được ô nhiễm nước...".
Phải nói rằng, biết nước bị nhiễm độc nhưng vẫn im lặng để dân sử dụng là tội ác và những kẻ gây tội ác phải bị xử lý nghiêm để răn đe. Và làm như vậy cũng là góp phần ngăn ngừa thảm hoạ khủng khiếp có thể xảy ra cũng như kéo ngược cuộc sống trở lại thời kỳ chưa có văn minh.
PHẠM CHIỂU
Theo VTC
Xử nghiêm vụ nước nhiễm dầu thải ở Hà Nội Lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội khẳng định trách nhiệm thuộc về đơn vị cung ứng nước. Chiều 15-10, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức giao ban báo chí về vụ việc người dân phải dùng nước nhiễm dầu nhiều ngày qua. Lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội khẳng định trách nhiệm thuộc về đơn vị cung ứng...