Hà Nội cân nhắc thay thế hơn 4.000 cây xà cừ trong nội thành
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 4.000 cây xà cừ, được trồng chủ yếu ở các quận nội thành. Dù là cây to, tỏa bóng mát nhưng lại rất dễ đổ trong mùa mưa bão nên Hà Nội đang cân nhắc tới việc thay thế hàng xà cừ ven đường bằng loại cây khác.
Chiều 31/5, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về việc có nên trồng xà cừ trong đô thị hay không. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 4.000 cây xà cừ (một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa được thống kê). Xà cừ trong các quận nội thành được trồng nhiều trên phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, Yên Phụ, đường Bưởi, đường Láng, đường Phạm Văn Đồng…
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hanh cho biết, hầu hết xà cừ được trồng trên các tuyến phố không được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu nên cây phát triển tự nhiên là vươn ra chỗ sáng, có hình dáng to, bị nghiêng, cong không bảo đảm mỹ quan đô thị.
Hàng xà cừ trên đường Kim Mã đã được đánh chuyển về vườn ươm (Ảnh: Hà Trang)
Ông Hanh cũng cho hay thân gỗ xà cừ thuộc nhóm 5, không có giá trị cao về kinh tế. Ngoài ra, bộ rễ xà cừ cần không gian phát triển lớn trong khi vỉa hè Hà Nội hẹp, nhà cửa nhiều, công trình ngầm ngay sát nên thiếu đất cho rễ cây phát triển dẫn đến tán cây nặng, mất cân đối, dễ đổ khi mưa bão.
Video đang HOT
Phát biểu tại đây, ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội thông tin xà cừ không phải là cây khuyến nghị trồng thêm nhưng cũng không phải cây hạn chế phát triển. Rễ cây nổi, ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị và không gian vỉa hè.
Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm nếu thay thế cây xà cừ thì thành phố cần phải khảo sát cụ thể, phân loại rõ các cây sâu mục, già cỗi, nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần xem xét một số vị trí đặc thù để gìn giữ, bảo tồn xà cừ.
GS.TS Phạm Văn Điển – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp cho rằng vấn đề liên quan đến cây xà cừ là cách xử lý như thế nào cho hợp lý và nếu bỏ xà cừ thì thay bằng cây gì cho phù hợp? Vì vậy, GS. TS Phạm Văn Điển đề nghị thành phố giao một nhóm tư vấn khảo sát, điều tra, thu thập thông tin, phân nhóm, sau đó công khai xin ý kiến cộng đồng xã hội rồi mới tổ chức thực hiện…
Do đây là hội thảo ban đầu về việc thay thế cây xà cừ trên địa bàn thành phố nên Ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các nội dung cụ thể còn tiếp tục được bàn thảo. Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội về thực trạng cây xà cừ, những ảnh hưởng của sinh hóa thổ nhưỡng, ảnh hưởng đối với đô thị… Từ đó, thành phố sẽ đưa ra giải pháp, phương án xử lý đối với cây xà cừ nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Quang Phong
Theo Dantri
Nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đổ vì không có rễ
Trong thời gian qua, ở Hà Nội có nhiều cây xanh lớn đổ xuống đường, lực lượng chức năng đến giải tỏa thì thấy gần như không có rễ dù cây trông to cao, xanh tốt.
Phát biểu tại hội nghị phòng chống thiên tai của thành phố Hà Nội ngày 11.4, Tổng giám đốc Công ty TNHH công viên cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung đã bày tỏ lo ngại trước hiện tượng cây xanh lâu năm bị xâm hại bộ rễ.
Lãnh đạo công ty cây xanh Hà Nội cho hay, cây sếu bị đổ tại ngã tư Phan Huy Chú - Lý Thường Kiệt đã bị mục rỗng ở thân và rễ. Ảnh: Sơn Dương.
Theo ông Trung, trên địa bàn Hà Nội có tình trạng nhiều cây xanh đường kính lớn, lâu năm, đang bị xâm hại bộ rễ do việc thi công các công trình vỉa hè, làm đường, cống ngầm...
"Năm vừa rồi có nhiều cây đổ, lực lượng chức năng đến giải tỏa thì gần như không có tí rễ nào dù cây trông to cao, xanh tốt. Chúng tôi rất đau đầu với bài toán này", ông Trung nói.
Ngoài ra, theo ông Trung, hiện tượng ô nhiễm nước ngầm của Hà Nội cũng gây thối rễ và cây có thể đổ bất kỳ lúc nào.
"Chưa cần gió cấp 11-12, với những loại cây này chỉ cần gió cấp 7-8 vào quần thảo 1-2 tiếng thì không lường được", ông Trung cảnh báo.
Lãnh đạo công ty cây xanh dẫn chứng, cách đây 10 ngày, một cây sếu đổ ở ngã tư Phan Huy Chú - Lý Thường Kiệt, nhìn ngoài rất tươi tốt nhưng trong thân mục hết, rễ cũng không còn gì. Hay cây xà cừ trong trường Chu Văn An đổ làm 4 học sinh bị thương cũng không còn rễ...
Ông Trung kiến nghị với Sở Xây dựng, các quận, huyện bỏ những cây đã sâu mục, có phương án thay thế cây xanh khác vào. Lực lượng thanh tra xây dựng ở địa phương thường xuyên theo dõi việc thi công đào đường, vỉa hè, nếu có tình trạng xâm hại rễ cây xanh thì phải yêu cầu chấm dứt.
Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, cơn bão số 1 và số 3 trong năm 2016 khiến 110 cây xanh trên địa bàn quận bị đổ, đè bẹp 5 ôtô. Còn theo ông Chu Phú Mỹ (Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai), trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 3.000 cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão năm 2016.
Ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, trong năm 2017, Sở này sẽ ưu tiên xử lý các cây có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhân dân; trường hợp có cây đổ thì đảm bảo việc trồng thay thế sau 5 ngày.
Nói về chương trình trồng một triệu cây xanh của thành phố Hà Nội, ông Vũ Kiên Trung cho biết, đơn vị này đã trồng hơn 200.000 cây xanh trên toàn thành phố trong năm 2016. Nếu như cả năm 2015, công ty chỉ trồng khoảng 500 cây thì trong năm 2016, mỗi đêm công ty trồng khoảng 700 - 800 cây. Số cây xanh được trồng trong hơn 2 tháng đầu năm 2017 đã vượt cả năm 2016.
Theo Võ Hải (VnExpress)
Hà Nội: Đề xuất "cấm cửa" nhà thầu trồng cây chết khô Trước tình trạng gần 80 cây chết khô trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yên, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội không cho nhà thầu tham gia thêm bất kỳ dự án trồng cây xanh nào trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra hệ thống cây xanh trên đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yên...