Hà Nội cần có một khu tái chế phế liệu
Nói về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cho các làng nghề tái chế phế liệu ở Hà Nội, TS Đỗ Văn Mạnh – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường cho rằng, với sự đặc thù của làng nghề tái chế chất thải, cần phải quy hoạch một khu vực riêng để tập trung thu mua, sản xuất.
Điểm mặt làng ô nhiễm
Hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN trên địa bàn TP.Hà Nội đang tồn tại hàng trăm cơ sở là những hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực thu mua và tái chế chất thải. Trong đó, tập trung đông nhất tại hai làng nghề: Triều Khúc (huyện Thanh Trì) và Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).
Làng tái chế phế liệu thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội gây ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con trên địa bàn. Ảnh: Hằng Nga
Theo thống kê, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề. Trong đó, có gần 300 làng nghề đã đăng ký và được công nhận. Hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn đang thu hút gần 1 triệu lao động tham gia.
Vừa qua, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Hà Nội đã khảo sát và lấy mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm về mức độ ô nhiễm của hai làng nghề này. Riêng với làng nghề nhựa Trung Văn, các cơ sở sản xuất nằm trong khu vực dân cư, sát với nhà dân. Khi các cơ sở sản xuất, phát sinh mùi, hơi hữu cơ như ép, kéo nhựa, cuộc sống của các hộ dân bên cạnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quy trình sản xuất của hai làng nghề này vẫn theo phương pháp thủ công. Các chất thải tập hợp được cơ sở phân loại, rồi xay rửa (hoặc xay khô), không có hệ thống sấy mà được phơi khô ngoài trời và đưa vào thùng chứa tạo hạt.
Theo đó, làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc tập trung vào 7 hộ gia đình và doanh nghiệp với số lao động khoảng 500. Làng nghề dây thừng nhựa Trung Văn có 103 hộ tham gia sản xuất với 350 lao động. Sản lượng sản xuất trung bình của làng nghề Triều Khúc và Trung Văn tương ứng khoảng 600 và 1.133 tấn/năm.
Ông Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết, từ kết quả khảo sát, đánh giá, phân loại của Sở tại các làng nghề tái chế nhựa cho thấy, các thông số đánh giá chất lượng môi trường nước có 5/10 chỉ tiêu thông số không đạt QCCP, môi trường không khí có 1/8 thông số không đạt QCCP. “Thành phần ô nhiễm trong nước thải từ các làng nghề có tiềm năng chứa các thành phần độc hại cao” – ông Định khẳng định.
Video đang HOT
Lập khu riêng để dễ kiểm soát
TS Đỗ Văn Mạnh – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (đơn vị tham gia khảo sát và phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm cùng Sở TNMT Hà Nội) cho biết, từ mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề này ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân.
Điều đáng báo động, các cơ sở này phần lớn đều nằm trong các khu dân cư, các khu vực thu mua phế liệu đều tiềm ẩn các nguy cơ về môi trường. Các làng nghề thuộc nhóm này cần hỗ trợ kinh phí cho việc thu gom phế thải, rác thải trong quá trình sản xuất của các hộ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề; hỗ trợ kinh phí để trạm xử lý nước thải trong làng nghề đi vào hoạt động.
“Với sự đặc thù của làng nghề tái chế chất thải, cần phải quy hoạch một khu vực riêng để tập trung thu mua, sản xuất. Khi đã hình thành được một khu vực riêng sẽ kiểm soát được những vấn đề về môi trường, khí thải, nước thải trong quá trình sản xuất của làng nghề. Ngoài ra, việc tập trung sản xuất vào một khu vực riêng thì Nhà nước cũng dễ dàng hơn trong công tác hỗ trợ và vận động người dân đầu tư đổi mới công nghệ tái chế… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần phải tăng cường quản lý hoạt động sản xuất của các làng nghề, kiên quyết xử lý vi phạm thì mới mong đảm bảo môi trường sống cho người dân nơi đây” – TS Đỗ Văn Mạnh phân tích.
Theo Danviet
Sống - chết với "tử thần chiến tranh"
LTS: Quảng Trị - vùng đất nhỏ từng là nơi chia cắt hai vùng giới tuyến không chỉ mất mát nặng nề trong chiến tranh mà còn gánh chịu vô vàn nỗi đau trong thời bình do bom đạn còn sót lại phát nổ. Tuy nhiên, với ý chí mạnh mẽ cùng sự giúp đỡ của xã hội, nhiều mảnh đời bất hạnh đã vượt lên nỗi đau bom đạn, có cuộc sống tốt hơn.
Cuộc sống khó khăn, hàng ngàn người ở tỉnh Quảng Trị đã từng phải đối mặt với "thần chết" khi tham gia nghề tìm phế liệu chiến tranh để đổi gạo từng ngày. Dù nhiều người có "kỹ nghệ" tháo bom, "bói" tìm bom hay "siêu" rà bom thì vẫn mắc sai lầm không có cơ hội sửa chữa.
Kỹ nghệ... "bói" bom
Ông Nguyễn Văn Sơn (54 tuổi, trú thôn Lê Xá, Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) từng được mệnh danh là "vua bói bom" ở vùng đất lửa Quảng Trị.
Vỏ những quả bom được một chủ đại lý thu mua phế liệu thu mua về chờ bán. Ảnh: B.N
"Vì nghèo khổ, không việc làm, ruộng đất ít phải chạy ăn từng bữa mới phải làm cái nghề được ví là dỡn mặt với tử thần chứ không ai muốn. Ngày trước, có cả ngàn người bói bom, rà tìm phế liệu chứ không riêng tôi".Ông Nguyễn Văn Sơn
Trên chiếc chõng tre xưa cũ và ấm chè đậm đặc, ông Sơn chép miệng khi được hỏi về một đoạn đời hành nghề "bói" bom: "Vì nghèo khổ, không việc làm, ruộng đất ít phải chạy ăn từng bữa mới phải làm cái nghề được ví là dỡn mặt với tử thần chứ không ai muốn. Ngày trước, có cả ngàn người bói bom, rà tìm phế liệu chứ không riêng tôi".
Ông giải thích, nông dân không dùng máy móc mà chỉ dùng cuốc, xà beng cùng kinh nghiệm để tìm, độ chính xác thấp theo kiểu hên xui nên mới gọi là "bói" bom.
Ông Sơn kể, năm 24 tuổi ông đã theo bạn bè đi khắp các vùng đồi núi miền Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị), thậm chí ra tận Quảng Bình để tìm bom. Mỗi lần đào bom phải có ít nhất hai người, người dưới đào rồi đổ đất vào xô sắt cho người ở trên kéo lên, luân phiên đổi nhau khi mệt. Người ở trên buộc lá cây vào dây thả xuống hố rồi kéo lên nhiều lần để đưa ô xy xuống lòng đất cho người đào bên dưới thở.
Thở một hơi dài, ông Sơn chép miệng: "Làm nghề này, ngán nhất là lúc đào xuống gặp mạch nước ngầm, đất nhão ra, hố sập đè chết như vụ anh Sức năm 2004". Năm ấy, vào một buổi sáng, khi anh Lê Hữu Sức (trú thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh) đang cố gắng đào tìm một quả bom to ở độ sâu hơn 10m trong lòng đất thì bất ngờ hố bị sập. Nghe anh Sức kêu cứu, những người đi đào bom trong vùng vội vàng lao đến. Nhưng vì anh đào trúng hố bom có mạch nước ngầm quá lớn, đất mềm nên đất đá cứ liên tục ụp xuống, không ai dám ứng cứu, mà cứu cũng không được, có khi chết thêm nhiều người. Khoảng 30 phút sau, anh Sức bị đất đá chôn vùi dưới hố sâu... Anh Sức ra đi để lại vợ và các con nhỏ, trong đó có cô bé Lê Thị Mai (năm nay 21 tuổi) lúc đó mới 6 tuổi, bị bệnh thận.
Những người "bói", đào bom thuộc dạng liều lĩnh thì những người tháo bom như ông Lê Công Hưng (67 tuổi, thôn Bình Hải, Gio Bình, Gio Linh, Quảng Trị) thì phải nói là "ông nội của liều" - đó là lời ông Sơn.
Vén quần dài, chỉ vào đôi chân đầy vết sẹo, ông thủng thẳng: "Tôi thuộc hàng sư phụ, đã tháo cả ngàn quả đạn bom mà còn bị nổ nát chân thế này, những người đi sau hãy dừng ngay lại, bom đạn chẳng tha ai bao giờ".
Ông Hưng kể, năm 1990, trong nhà 6 miệng ăn mà đất đai ít ỏi, ăn bữa nay lo bữa mai nên thấy người ta tháo bom đạn bán kiếm tiền mua gạo ăn, ông cũng bắt chước làm theo dù vợ ra sức ngăn cản. Thời điểm đó, ông chỉ suy nghĩ đơn giản là cần một vài cái búa, ve chắn, xà beng, cưa sắt, chẳng cần vốn liếng nhiều mà lại có cái ăn nên theo nghề, chẳng màng sống chết.
Đôi chân của ông Lê Công Hưng còn đầy những vệt sẹo do tháo bom phát nổ. Ảnh: N.V
Các loại đạn pháo 105 li, 155 li, 175 li, 203 li được xếp cùng nguyên lý tháo như nhau, và chỉ mất từ 5 đến 30 phút là xong. Đầu tiên ông Hưng dùng búa đập nhẹ quanh khu vực gần đầu kíp nổ có hình chữ T để gỉ sét bám ở ren rơi ra, sau đó nhẹ nhàng vặn tháo đầu kíp nổ khỏi quả đạn pháo. Với bom, ông Hưng tháo kíp sau đít, sau đó tháo hai chốt hãm, tiếp đến gõ nhẹ rồi xoay ren tháo đít quả bom ra lấy thuốc nổ. Loại bom to nhất ông Hưng từng tháo là bom lu, nặng đến 3 tạ (1,4 tạ thuốc nổ, 1,6 tạ vỏ bom). Với loại bom to này, ông Hưng mất chừng 2 giờ đồng hồ mới tháo xong, bằng phương pháp cưa.
Không những tự đi tìm bom để tháo, những lúc không có bom ông Hưng còn đi tháo bom thuê với giá rất rẻ mạt so với những nguy hiểm ông phải đối mặt.
Năm 1994, phát hiện 3 quả pháo biển 122 li ở thôn Thủy Khê (Gio Mỹ, Gio Linh), ông Hưng lấy xe đạp chở về vườn nhà ngồi tháo. Khi vừa gõ nhẹ để tháo thì quả pháo phát nổ, hàng chục mảnh pháo găm vào làm nát đôi chân khiến ông Hưng ngã khụy trên vũng máu. Sau vụ nổ kinh hoàng ấy, ông Hưng phải tận mắt chứng kiến nhiều nạn nhân khác bỏ mạng vì bom đạn nên quyết định bỏ nghề, chuyển sang làm thợ xây, rồi lắp ráp thiết bị nghe nhìn cho bà con trong vùng.
Những đại tang kinh hoàng
Thôn Lam Thuỷ (Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị) - miền quê lúa vào ngày thường bình yên, êm ả. Vậy nhưng, mỗi độ xuân về, nhiều người làng lại buồn da diết khi nhớ lại cảnh tượng hãi hùng vào ngày mồng 1 Tết năm 1978.
Ông Nguyễn Thanh Chương (SN 1961, thôn Lam Thuỷ) là 1 trong 3 nạn nhân may mắn thoát chết tại vụ nổ kinh hoàng ấy. Dừng chiếc áo đang may dở, ông Chương tiếp chuyện chúng tôi với khoé mắt rưng rưng.
Mồng 1 Tết năm ấy, theo thông lệ mọi người đi thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt lành đầu năm mới. Ông Chương đến nhà bạn Nguyễn Đăng Đức chơi tết. Vừa bước chân tới cửa ngõ đã thấy hai anh em ông Nguyễn Quang Triều và Nguyễn Quang Hoà đang đục tháo quả đạn pháo 105 li để lấy kịp nổ ngay giữa sân. Trong ngôi nhà nhỏ, người lớn đang đánh bài, 8 em nhỏ dưới 10 tuổi chạy nhảy đùa nghịch, nói chuyện rôm rả, vui tươi. Khi ông Chương vừa bước ra hiên nhà, bỗng một tiếng nổ lớn vang lên xé toạc một khoảng trời. Quả pháo 105 li phát nổ khiến ông Chương ngã xuống, chân phải bị cắt đứt phần dưới đầu gối.
Thời điểm đó, 16 người tập trung ở nhà ông Đức thì có đến 13 người chết nằm ngổn ngang, trong đó thân thể hai người đục tháo quả đạn pháo gần như bị xé nát, xót xa vô cùng.
Ở khu phố 2, phường 4 (TP.Đông Hà, Quảng Trị) người ta vẫn nhắc đến cái chết của ông Nguyễn Văn Cùa, chồng bà Nguyễn Thị Lê (53 tuổi) với sự xót thương.
Ngồi trong căn nhà cấp bốn đã cũ nát, bà Lê đau đớn khi kể về cái chết của chồng mình khi mới 24 tuổi. Đó là một buổi sáng ngày 24.6.1994, bà Lê đang chăm ẵm người con thứ ba mới 7 tháng tuổi thì em rể Nguyễn Văn Toán chạy về báo tin chồng bà đã mất. Khi đó, ông Cùa và anh Toán đi rà phế liệu cùng nhau. Bắt được tín hiệu có phế liệu, ông Cùa hì hục cuốc, không may chạm trúng quả đạn cối. Anh Toán bị mảnh bom găm vào người nhưng ở xa nên may mắn thoát lưỡi hái tử thần. "Thấy anh trai gục xuống, tôi vội lao đến lay mạnh gọi anh dậy nhưng đã muộn. Đó là giây phút ám ảnh suốt cuộc đời tôi" - anh Toán chua xót. Ông Cùa ra đi để lại bà Lê cùng 3 người con nhỏ nheo nhóc, cuộc sống vốn đã khó càng thêm khốn khổ.
Theo Danviet
Đang cháy dữ dội ở xưởng keo, phế liệu ở vùng ven Sài Gòn Đến hơn 10h sáng ngày 10/12, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực chữa cháy ở xưởng keo, phế liệu rộng hàng trăm mét vuông ở huyện Bình Chánh. Thông tin ban đầu, khoảng 8h cùng ngày, người dân phát hiện tại kho xưởng chứa phế liệu rộng hàng trăm mét vuông tại địa bàn ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện...