Hà Nội: Cán bộ ngân hàng lừa đảo tiền tỷ để chơi Vietlott
Vũ Quang Thịnh khai nhận, số tiền 950 triệu đồng chiếm đoạt của ông Việt, Thịnh dùng để chơi xổ số Vietlott với mơ ước có ngày sẽ được đeo mặt nạ nhận giải.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Quang Thịnh (56 tuổi, nguyên cán bộ một ngân hàng) về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đối tượng Vũ Quang Thịnh.
Tài liệu điều tra ban đầu cho thấy, tháng 12/2015, Vũ Quang Thịnh là nhân viên Phòng Quản lý rủi ro của một ngân hàng TMCP. Do cần tiền chi tiêu, Thịnh đã tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Việt (tên nạn nhân đã được thay đổi), giám đốc một công ty xây dựng.
Thịnh tự giới thiệu có em trai làm Phó ban quản lý dự án xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc – Hà Nội, có thể tác động để công ty của ông Việt được tham gia thi công xây dựng một số hạng mục trong dự án. Tin lời, tháng 12/2015, ông Việt đã đưa 500 triệu đồng cho Thịnh để lo “chạy” dự án. Thịnh bảo ông Việt chuẩn bị hồ sơ năng lực của công ty rồi sẽ đưa đến nhà em trai đặt vấn đề xin thi công dự án.
Tiếp đó, Thịnh đưa ông Việt đến khu đô thị Bắc Hà ( phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội), dặn ông Việt chờ ở dưới chung cư để Thịnh lên nhà trao đổi trước với em trai. Khoảng 1 tiếng sau, Thịnh quay lại, thông báo hồ sơ năng lực của công ty ông Việt đã được nhận. Thực tế, Thịnh vào chung cư, đi lòng vòng một lúc để che mắt ông Việt. Hồ sơ của công ty ông Việt được Thịnh giấu trong áo khoác.
Thời gian sau đó, không thấy công ty được giao thi công xây dựng công trình, ông Việt hỏi thì Thịnh trả lời phía ban quản lý dự án vẫn đang xét hồ sơ.
Video đang HOT
Tháng 10/2016, Thịnh nói ông Việt đưa thêm tổng cộng 350 triệu đồng với lý do Trưởng ban quản lý dự án sắp nghỉ hưu nên cần thêm chi phí. Những lần đưa nhận tiền, Thịnh đều viết giấy biên nhận nên ông Việt càng thêm tin tưởng.
Cuối tháng 11/2016, sau nhiều lần bị ông Việt thúc giục, Vũ Quang Thịnh tự soạn thảo một văn bản giả mạo có nội dung Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ giao cho công ty của ông Việt thi công 2 công trình gồm: Xây dựng hạ tầng liên khu trường Đại học Quốc gia có giá trị từ 60 đến 75 tỷ đồng và xây dựng đường hạ tầng khu công nghệ Việt – Japan trị giá từ 165 đến 180 tỷ đồng.
Khi đưa văn bản giả trên, Thịnh yêu cầu ông Việt đưa thêm 100 triệu đồng. Thấy Thịnh giúp được công ty nhận được 2 công trình lớn nên ông Việt không ngần ngại chuyển tiền. Tổng cộng, ông Việt đã đưa cho Vũ Quang Thịnh 950 triệu đồng để “chạy” dự án.
Tuy nhiên, đợi mãi mà không thấy phía Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc liên hệ, thông báo việc triển khai xây dựng công trình, ông Việt tìm hiểu thì phát hiện 2 công trình trên không có thật. Tìm gặp Vũ Quang Thịnh để đòi tiền, ông Việt mới biết Thịnh đang nợ đầm đìa, không có nhà ở. Sau nhiều lần đòi tiền, ngày 11/8/2017, ông Việt mới được Thịnh trả 50 triệu đồng. Ông Việt sau đó đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Vũ Quang Thịnh tới cơ quan điều tra.
Tại cơ quan công an, Vũ Quang Thịnh khai nhận, do sa vào cờ bạc nên dẫn đến nợ nần, Thịnh đã phải bán nhà để trả nợ. Trong lúc túng quẫn, Thịnh đã nghĩ ra kế hoạch “chạy” dự án để lừa ông Việt. Thực tế, em trai của Thịnh không liên quan và không biết gì về việc làm của Thịnh.
Số tiền 950 triệu đồng lừa đảo của ông Việt, Thịnh khai dùng để chơi xổ số Vietlott. Do ham trúng giải đặc biệt nên Thịnh thường chơi dạng “bao số”, mỗi lần chơi hết hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Có lần, Thịnh trúng khoảng 40 triệu đồng. Cùng đợt trúng thưởng này, có người ở Hà Nội đã trúng giải độc đắc nên Thịnh càng ham, dồn hết tiền để chơi với mơ ước có ngày sẽ được đeo mặt nạ nhận giải.
Cuối năm 2017, Vũ Quang Thịnh đã xin nghỉ hưu. Sau khi CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Vũ Quang Thịnh đã khắc phục, trả cho ông Việt 500 triệu đồng.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Bà Châu Thị Thu Nga đã chi những khoản gì khi vận động bầu cử ĐBQH?
Trong bản kháng cáo, cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga đã liệt kê những khoản đã chi phí trong quá trình vận động bầu cử và hoạt động của Công ty Housing Group.
Bà Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa phúc thẩm (ảnh PV).
Tại ngày làm việc thứ hai tại phiên tòa phúc thẩm xử cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga và đồng phạm có chi tiết rất đáng chú ý. Trong quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo Nga cho biết đã đề nghị làm rõ các nguồn tiền chi cho các doanh nghiệp, nhưng cơ quan điều tra nói đã hết thời hạn điều tra.
"Khi Housing Group triển khai dự án thì đó là pháp nhân độc lập, nguồn tiền không chỉ có mỗi nguồn tiền của khách hàng nộp vào. Tại thời điểm đó, Housing Group đã triển khai 1 số dự án nên bị cáo đề nghị cơ quan điều tra làm rõ khoản tiền đã chi như thế nào", bị cáo Nga nói.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nga lừa đảo chiếm đoạt 377 tỷ đồng của 726 khách hàng mua chung cư B5 Cầu Diễn thông qua 752 hợp đồng góp vốn. Trừ 28 tỷ đồng đã trả cho một số khách hàng, bà Nga bị cáo buộc đã sử dụng, hưởng lợi toàn bộ số tiền còn lại.
Trong bản kháng cáo dài gần 100 trang viết tay, bà Nga đã phủ nhận lời khai trước là bỏ 30 tỷ đồng để "chạy" đại biểu Quốc hội và bà đã liệt kê khá chi tiết về những khoản tiền đã chi trong vận động bầu cử cũng như hoạt động của công ty thời điểm đó.
Bà Nga cho rằng, trong quá trình này bà không trực tiếp tham gia, Công ty Housing Group có một ban vận động bầu cử bao gồm Công đoàn, Đoàn thanh niên, lãnh đạo công ty và các cán bộ công nhân, viên chức. Ban vận động này gồm từ 8- 20 người tùy theo chương trình. Nguồn kinh phí thực hiện các chương trình do công ty Housing Group trực tiếp thanh toán, chi trả.
Bà Nga liệt kê đối với chương trình Hành trình nhân đạo của công ty do bà làm Chủ tịch HĐQT đã tổ chức trên các địa bàn quận, huyện của Hà Nội. "Mỗi người tham dự chương trình được công ty tặng quà là một bộ ấm chén, tặng sách báo, giới thiệu về công ty và được khám và phát thuốc miễn phí. Mỗi điểm trung bình có 300 người tham dự. Mỗi người được tặng 1 bộ ấm chén trị giá 250 nghìn đồng và 200 nghìn đồng tiền mặt", bà Nga cho biết.
Bà Nga liệt kê tiếp, tại mỗi địa điểm tiền thuê chỗ và hỗ trợ 50 triệu đồng, tiền chi cho làm sân khấu, ca nhạc 50 triệu đồng, phối hợp với trung tâm y tế dự phòng 50 triệu đồng. Cộng các khoản, trung bình mỗi điểm công ty Housing Group đã chi 285 triệu đồng. Quận Hà Đông thực hiện ở 17 phường hết hơn 4,8 tỷ đồng. Thực hiện chương trình tại quận Thanh Xuân chi hết hơn 3,2 tỷ đồng, làm ở Phúc Thọ chi hết 240 triệu đồng. Tổng số kinh phí công ty Housing Group chi cho chương trình này theo bà Nga là hơn 9,2 tỷ đồng.
Ngoài ra trong bản kháng cáo bà Nga còn liệt kê 34 danh mục chi phí khác như tặng cho cựu Thanh niên xung phong; Hội khuyến học; phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn... theo bà Nga tổng cộng các khoản chi này hết hơn 34,6 tỷ đồng. Bà cũng đề nghị bỏ khoản chi 4 tỷ đồng cho con gái như trước đây khai vì không có cơ sở.
"Các khoản chi phí này đều do công ty Housing Group thực hiện và điều tiết các hoạt động. Vì vậy kế toán trưởng mới theo dõi hạch toán và nắm được xong chưa phân bổ được chi phí. Toàn bộ các khoản chi trên đều thuộc về trách nhiệm công ty chứ không phải cá nhân tôi", bị cáo Nga lập luận.
Trước khi bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội, bà Châu Thị Thu Nga là đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thuộc đơn vị bầu cử số 3, gồm các quận Hà Đông, Thanh Xuân, và Cầu Giấy.Tháng 10.2017, tại phiên tòa sơ thẩm bà Châu Thị Thu Nga bị tuyên án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó bà kháng cáo kêu oan. Các đồng phạm giúp sức cho bà Nga cũng kháng cáo kêu oan, sau đó họ chuyển sang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo Danviet
Mánh khóe biển thủ 50 tỷ đồng của "hot girl" ngân hàng Để biển thủ hơn 50 tỷ đồng, Nguyễn Thị Lam đã có một kế hoạch hoàn hảo và kín kẽ. Thủ đoạn của Lam không chỉ qua mặt được nhiều khách hàng Vip để rút ruột ngân hàng mà khiến nhiều đồng nghiệp và lãnh đạo của mình "nhúng chàm". "Phù phép" chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng trong tài khoản của khách...