Hà Nội: Cấm trông xe dưới gầm cầu
Bãi đỗ xe gầm cầu vượt (Ảnh minh họa)
Thanh tra Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Hà Nội không tổ chức kinh doanh trông giữ phương tiện, làm nhà xưởng, kho bãi… dưới gầm cầu.
Chiều 17/4, Thanh tra Bộ GTVT đã ban hành văn bản số 3340 gửi UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý và bảo vệ mặt bằng gầm cầu, đường trên cao, nút giao tại TP Hà Nội.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 4/4, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về tiến độ thi công một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị Hà Nội thu hồi các diện tích tận dụng làm bãi trông giữ xe, chứa đồ dưới các gầm cầu cạn của Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đồng thuận với đề nghị của Bộ GTVT. Ông Khôi đề nghị thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội cùng rà soát toàn bộ bãi đỗ xe gầm cầu vượt.
Ngày 7/4, đoàn Thanh tra Bộ giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành thị sát toàn bộ các khu gầm cầu bị “xẻ thịt” thành các điểm trông giữ xe. Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đánh giá kết quả thị sát thanh tra các gầm cầu Pháp Vân vành đai 3 và chân cầu Thăng Long: “Mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị”.
Tại văn bản vừa ban hành chiều 17/4, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu UBND TP Hà Nội rà soát toàn bộ mặt bằng gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân, gầm đường vành đai 3 trên cao. Hà Nội cần lên phương án giải tỏa dứt điểm để trả lại mặt bằng theo thiết kế kỹ thuật, không tổ chức kinh doanh trông giữ phương tiện, làm nhà xưởng, kho bãi…
Ngoài ra, tổ chức lại việc sử dụng mặt bằng gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân, gầm đường vành đai 3, như trồng cỏ, trồng hoa, lát gạch làm đường đi dân sinh, bố trí đèn, hệ thống cống thoát nước… Thanh tra Bộ GTVT nhấn mạnh thêm, đây là các công trình nằm ở cửa ngõ của Thủ đô.
Theo 24h
Gầm cầu do Bộ GTVT quản cũng thành bãi đỗ xe
Tại Hà Nội, không chỉ gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy và gầm cầu cạn đường trên cao vành đai 3, hiện các gầm cầu do Bộ GTVT quản lý như Thăng Long, Long Biên cũng nhan nhản điểm đỗ xe, tụ điểm kinh doanh.
Bộ GTVT cho biết, gầm cầu là một trong những hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng giao thông. Để đảm bảo tuổi thọ cho công trình cũng như an toàn cho phương tiện lưu thông bên trên cầu cần được bảo vệ bằng việc trồng cỏ hoặc lát gạch, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm để làm bãi đỗ xe, tụ điểm kinh doanh.
Trong các buổi làm việc với các địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng luôn yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương này. Tuy nhiên thực tế các gầm cầu trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, không chỉ gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, gầm cầu cạn đường trên cao vành đai 3 mà gầm một số cầu do Bộ GTVT quản lý như Thăng Long, Long Biên cũng đang trở thành các điểm đỗ xe, tụ điểm kinh doanh, buôn bán...
Hiện đoạn gầm cầu Thăng Long qua các xã Hải Bối, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh...đều xảy ra hiện tượng trên. Với đoạn gầm cầu qua xã Đông Ngạc từ trụ N9 đến N1 (phải tuyến) toàn bộ mặt bằng đều bị xà xẻo.
Từ trung tâm Hà Nội lên cầu Thăng Long, người đi đường dễ nhận ra những điểm trông giữ ô tô, xe máy trải dài từ trụ N9 đến N6.
Với biển hiệu "Điểm trông giữ phương tiện giao thông" Cty TNHH MTV quản lý đường sắt Hà Thái, Bộ GTVT (đơn vị quản lý cầu Thăng Long) đã tổ chức trông giữ xe ngày và đêm dưới gầm cầu Thăng Long. Các trụ cầu từ N6 đến N3 còn là kho chứa hàng, nơi làm lốp ô tô...khói bụi mù mịt cả ngày.
Các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Thăng Long đều có biển của Cty quản lý đường sắt Hà Thái.
Tại gầm cầu Long Biên (cầu đường sắt qua sông Hồng), tình trạng gầm cầu bị chiếm dụng làm điểm đỗ xe cũng diễn ra sôi động. Nếu gầm cầu phía quận Hoàn Kiếm là những điểm trông giữ ô tô, xe máy thì gầm cầu phía quận Long Biên là gara ô tô, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng...
Nếu Bộ GTVT cấm sẽ dừng sử dụng
Sau khi kiểm tra tình trạng trông giữ phương tiện tại một số gầm cầu trên địa bàn theo yêu cầu UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, hiện một số vị trí gầm cầu Thăng Long đang là nơi trông giữ phương tiện của Cty quản lý đường sắt Hà Thái và một số vị trí khác do người dân tự ý lấn chiếm dựng kho lán, bày bán kinh doanh gây mất an toàn cho công trình cầu, trật tự ATGT, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.
"Đặc biệt là khu vực gầm cầu phía nam Thăng Long đoạn từ An Dương đến đường Phạm Văn Đồng. Đây là tuyến đường quan trọng phục vụ chính trị, ngoại giao từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố", Sở GTVT nhấn mạnh.
Với cầu Long Biên, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, thực trạng gầm cầu phía Nam đang tồn tại các nhà lán, kho chứa hàng quán buôn bán, kinh doanh mất an toàn cho công trình cầu, trật tự ATGT. Tình trạng nhếch nhác, mất an ninh khu vực này đã được báo chí phản ánh khá nhiều thời gian qua...
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc biến gầm cầu Thăng Long thành điểm trông giữ xe, kho chứa vật liệu... ông Phạm Văn Tú, Phó giám đốc Cty TNHH MTV quản lý đường sắt Hà Thái cho rằng, xuất phát từ công tác duy tu, sửa chữa cầu hằng năm, Cty cần một không gian để tập kết máy móc thiết bị, do vậy gầm cầu phía bờ Nam (huyện Từ Liêm), cụ thể là từ trụ cầu N4 đến N9 được Cty bố trí để chứa vật liệu xây dựng, sân phơi cát cho phục vụ duy tu.
Tuy nhiên trong thời gian để không và sau khi được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội, Cty có liên doanh với một đơn vị bên ngoài để cùng khai thác các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Theo ông Tú, nếu Bộ GTVT hoặc UBND TP Hà Nội có yêu cầu bằng văn bản không dùng gầm cầu làm dịch vụ thì Cty sẵn sàng chấp hành.
Báo cáo việc xử lý điểm trông xe dưới gầm cầu trước 10/4
Liên quan công tác quản lý gầm cầu cạn, hôm qua (4/4), tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đề nghị Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với thanh tra Sở GTVT Hà Nội khảo sát, thống nhất các phương án, báo cáo TP và Bộ GTVT trước 10/4.
Theo 24h