Hà Nội cách ly 650 người về từ Hàn Quốc do dịch Covid-19
650 người về từ Hàn Quốc đã được đưa vào khu cách ly của Bộ Tư lệnh Thủ đô. Dự kiến hôm nay khu cách ly này sẽ nhận thêm 250 người.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung sáng nay cùng thăm và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại BV đa khoa Đức Giang, quận Long Biên.
Giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Thường báo cáo đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly với khoảng 70 giường bệnh. Đây cũng là 1 trong 5 bệnh viện sẵn sàng điều trị cho các ca nhiễm Covid-19.
Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại BV đa khoa Đức Giang
BV Đức Giang cũng thành lập Ban phòng chống dịch Covid-19 gồm 3 tiểu ban và 2 đội cấp cứu cơ động, với 12 bác sĩ và 40 điều dưỡng. Các tiểu ban đã tổ chức tập huấn, đào tạo cho các cán bộ quận Long Biên.
Thời gian qua, BV đã khám cho hơn 1.000 người có biểu hiện sốt, trong đó có khoảng hơn 300 bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm virus.
Ông Thường thông tin, đến sáng nay đã có 650 người từ Hàn Quốc trở về Việt Nam và được đưa vào khu cách ly của Bộ Tư lệnh Thủ đô, trong đó hầu hết là người Việt, chỉ có 10 người Hàn Quốc. Trong ngày hôm nay dự kiến con số này tăng lên 900 người.
Đi thăm khu kiểm tra, thăm khám và nơi cách ly của bệnh viện, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhắc nhở BV cần chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các BV đã chữa khỏi cho các ca dương tính với Covid-19, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc cách ly, chữa trị người bệnh.
Bí thư Hà Nội cho hay, tình hình dịch diễn biến phức tạp, dù Hà Nội chưa có ca nhiễm và trường hợp nào bị lây chéo nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng, nếu không sẽ trở tay không kịp.
Rất đông du khách Hàn Quốc đến Hà Nội, tập trung chủ yếu ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy nên cần có phương án phù hợp ở từng khu vực.
Video đang HOT
“Vĩnh Phúc đã cách ly cả một xã rất tốt, nhưng đó là ở nông thôn, còn đô thị cách ly cả khu phố rất phức tạp, song chúng ta vẫn phải tính”, ông Huệ lưu ý.
Bí thư Hà Nội cũng cho biết hôm nay đã có 650 người trong khu cách ly của Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ông đề nghị TP tiếp tục chuẩn bị về cơ sở vật chất và cả nguồn nhân lực để phòng tình huống xấu nhất.
Đặc biệt, địa phương cần tính đến phương án mở rộng khu cách ly, khu khám và điều trị cho bệnh nhân nếu dương tính với Covid-19.
Lãnh đạo Thành uỷ nhắc nhở việc dịch dễ lây lan và rất khó kiểm soát. TP có hơn 10 triệu dân, cùng với nhiều tổ chức quốc tế, khách du lịch, là trung tâm mở cửa với thế giới nên phải khống chế được dịch.
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sức khỏe là quý nhất, bởi vậy nghị quyết của Trung ương cũng nhấn mạnh bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân là nghĩa vụ của ngành y tế và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Theo ông Huệ, người bệnh đến BV là vì năng lực, uy tín của BV trong điều trị.
“Có BV tư chất lượng dịch vụ 5 sao nhưng người ta không đến, họ đến BV có uy tín điều trị tốt. Vì thế cần chiến lược căn cơ, bài bản đào tạo cán bộ, để có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có quy định liên kết với các cơ sở ở Trung ương, đổi mới quản trị”, ông Huệ nói.
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, với tinh thần không để xảy ra việc nhiễm Covid-19 ở Thủ đô.
Hương Quỳnh
Theo vietnamnet.vn
Những bác sĩ dịch tễ âm thầm cống hiến trong tâm dịch COVID-19
Có những "chiến sĩ" áo trắng luôn đi trước và đi sau mỗi đợt dịch bệnh, họ âm thầm, lặng lẽ với công việc quan trọng là phát hiện, ngăn chặn, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Đó là những bác sĩ, cán bộ điều tra dịch tễ.
TS.BS Phạm Quang Thái chia sẻ về công việc của các cán bộ điều tra dịch tễ.
Sẵn sàng ứng trực bất kể ngày đêm
Tại Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu được "mục sở thị" công việc của các bác sĩ, nghiên cứu viên nơi đây giữa vụ dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trước khi đến đây, chúng tôi đã nghĩ sẽ gặp một lực lượng lớn cán bộ đang tất bật làm việc nhưng ngược lại, chỉ có rất ít người. Phần lớn các cán bộ đều đang xông pha đi thực địa những vùng có nguy cơ dịch bệnh, chỉ có một số người được phân công ứng trực ở Khoa.
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ: "Từ Tết tới giờ, chúng tôi quay cuồng với công việc điều tra dịch tễ vụ dịch COVID-19, chưa có ngày nào nghỉ ngơi. Tất cả mọi người ở đây đều luôn trong tư thế sẵn sàng ứng trực liên tục, không ai được phép ngừng liên lạc. Trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là chúng tôi phải ngay lập tức lên đường. Khoa cũng đã tổ chức 6 đội cơ động, sẵn sàng tới các điểm dịch".
BS. Thái vẫn còn nhớ, đúng đêm 30 Tết Nguyên đán, trong ca trực, nhận được cuộc gọi từ một bệnh viện thông báo có ca bệnh nặng, khả năng nghi nhiễm COVID-19, dù là đêm giao thừa, mọi người lập tức chuẩn bị dụng cụ, trang phục khẩn trương lên đường ngay để lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả làm xong nhiệm mới nhớ ra đã qua mất giao thừa, qua mất thời khắc thiêng liêng nhất của năm và chỉ nhìn nhau cười vì đã quá quen.
"Công việc của chúng tôi là vậy, trong đợt dịch, bất kể ngày đêm đều luôn sẵn sàng. Những ngày qua, các anh em trong Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm đều phải làm việc với cường độ liên tục, thậm chí gấp 3 lần so với những ngày thường. Đợt dịch này xảy ra ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán nên chúng tôi hầu như không có Tết", BS. Thái kể.
Công việc của các bác sĩ, nhân viên ở đây là điều tra, giám sát, cảnh báo, lấy mẫu xét nghiệm và sàng lọc thông tin từ tất cả các nguồn. Mỗi ngày ở đây phải nhận dồn dập rất nhiều loại thông tin về các trường hợp nghi nhiễm COVID-19, trách nhiệm của cán bộ là phải sàng lọc, nhận biết chỗ nào cần phải điều tra, phải cách ly...
BS. Thái cho biết: "Đơn cử, khi nhận được thông tin ở đâu đó có trường hợp người từ vùng dịch Hàn Quốc về, là chúng tôi phải điều tra để biết được chính xác người đó chính xác từ khu vực nào về, tiếp xúc với ai, có thuộc diện cần phải cách ly hay cần phải lấy mẫu xét nghiệm không... Nếu cần thì sẽ tiến hành lấy mẫu, và chẳng may nếu có kết quả dương tính với COVID-19 là chúng tôi sẽ phải lao vào vùng dịch để tìm hiểu, nghiên cứu".
Công việc âm thầm nhưng mức độ làm việc lại luôn sôi sục, Khoa Kiểm soát truyền nhiễm là 1 trong 2 đơn vị của Viện chịu trách nhiệm chính trước Bộ Y tế về chuyên môn liên quan đến dịch. Bởi vậy áp lực các các bác sĩ, cán bộ ở đây là rất lớn. Hàng ngày, các nghiên cứu viên của Khoa sẽ thực hiện sàng lọc những ca nghi ngờ nhiễm COVID-19 từ các bệnh viện tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh. Từ đó xác định xác định ca bệnh, nơi nào cần lấy mẫu xét nghiệm, điều tra và cần cách ly. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo số liệu các ca bệnh hàng ngày cho Viện, Bộ Y tế để đưa ra những giám sát, cảnh báo về tình hình dịch bệnh một cách chính xác nhất.
Cán bộ điều tra dịch tễ xuống tâm dịch Sơn Lôi lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: BSCC
Dạn dĩ với công việc đầy rủi ro
BS. Thái tâm sư: "Chúng tôi đều xác định không sợ dịch bệnh nếu biết cách phòng chống và thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp. Tuy nhiên, vì đã quá quen nhưng không được một chút chủ quan, phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng hộ".
Tuy đã quá dạn dĩ với công việc, nhưng cũng không ít những tình huống khiến bác sĩ, cán bộ ở ở đây "phát sốt". Đó là trường hợp một lái xe và một nữ bác sĩ của Khoa, trong một lần xuống thực địa, điều tra dịch tễ ở khu vực Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) về liền nghe tin bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Lúc đó tất cả "phát sốt" không phải vì lo sợ lây bệnh mà là áp lực tâm lý trước lượng công việc rất lớn tiếp theo. Trong quá trình điều tra ở tâm dịch, mỗi ngày các cán bộ dịch tễ phải điều tra tới 20 người, làm việc không ngơi nghỉ từ 8 giờ tới 21 giờ.
"Ở đây cũng đã có bác sĩ sốt thật giữa đợt dịch, nhưng sốt, ốm là mệt, do áp lực công việc quá lớn chứ không phải do lây nhiễm bệnh. Đó là chưa kể, các cán bộ đi từ tâm dịch về tuy đảm bảo an toàn nhưng phải đeo khẩu trang liên tục và về nhà cũng phải ở phòng riêng để tự cách ly với gia đình", BS. Thái chia sẻ.
Nhờ những nỗ lực đó, tâm dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đã được kiểm soát, công tác giám sát, cách ly tại các địa phương đang triển khai rất tốt, đó là nhờ công lao không nhỏ của các cán bộ điều tra dịch tễ. Đặc biệt, nhờ có sự xuất hiện các đội cơ động và sự hỗ trợ của các đoàn công tác chuyên môn của Trung ương đã giúp địa phương không bị lúng túng trong công tác thu dung bệnh nhân, phân loại đối tượng đưa vào khu cách ly, điều tra, phát hiện bệnh nhân mới, cô lập vùng dịch... từ đó góp phần ngăn chặn không cho dịch lan rộng.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, sự đoàn kết cũng như sẵn sàng trong công tác chống dịch luôn là nhiệm vụ chung và được Viện đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, thời gian qua Viện đã có những thành công ban đầu khi trong việc phân lập được virus SARS-CoV-2; góp phần kiểm soát tình hình dịch tại địa bàn Vĩnh Phúc, đặc biệt là khu vực xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tuy nhiên khu vực này vẫn đang tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.
"Chúng tôi đã hỗ trợ bằng tất cả kiến thức chuyên môn, nhân lực cho đợt dịch này; các cán bộ dịch tễ thậm chí phải thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch) với cán bộ y tế và bà con nhân dân ở tâm dịch với tinh thần là tất cả đều sẵn sàng tiếp tục bám trụ ở vùng dịch. Nhờ đó, công việc đang tiến triển rất tốt",GS.TS Đặng Đức Anh cho biết
Cho tới thời điểm này, Việt Nam đã đạt những thành công ban đầu trong phòng chống dịch COVID-19 khi không còn ca nhiễm bệnh. Nhưng với các cán bộ, bác sĩ điều tra dịch tễ, họ vẫn sẽ còn tiếp tục phải căng mình chiến đấu, lăn xả vào các vùng nguy cơ cho tới khi dịch bệnh chấm dứt.
Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Túc trực suốt đêm đưa khách về từ Hàn Quốc tới nơi cách ly Hành khách người Việt trên 5 chuyến bay từ Hàn Quốc về Nội Bài trong đêm 26/2, rạng sáng 27/2 được đưa về đơn vị quân đội tại Sơn Tây (Hà Nội) để bắt đầu đợt cách ly 14 ngày. Trao đổi với Zing.vn, đại diện Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội cho biết lực lượng kiểm dịch của...