Hà Nội: Bùng phát dịch đau mắt đỏ
Tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm, nhưng đau mắt đỏ là nỗi khiếp sợ của tất cả mọi người bởi tính chất lây lan, dai dẳng của nó. Cứ một người bị bệnh thì hầu như các thành viên trong gia đình đều “dính” đau mắt đỏ.
Khốn khổ vì đau mắt đỏ
Mấy ngày hôm nay, chị Linh, cán bộ ngân hàng, cũng là vợ của một lãnh đạo ngành y tế khốn khổ cáng đáng công việc của 4 – 5 giao dịch viên trong ngân hàng bởi đồng loạt đau mắt đỏ.
“Thấy nhân viên đau mắt đỏ, dù nhiều việc nhưng cũng đành đồng ý cho nghỉ, bởi nếu đi làm có thể lây sang những người khác. Ngay bản thân mình cũng sợ, lây đau mắt đỏ vừa ảnh hưởng đến công việc, không gặp gỡ được đối tác, rồi lại sợ lây về cho con, kéo theo một loạt “hệ lụy” con đau mắt, nghỉ học… nên mệt cũng đành cố”, chị Linh tâm sự.
Bệnh nhân chờ khám đau mắt đỏ tại BV Mắt Trung ương sáng 11/9.
Bệnh nhân đau mắt đỏ không mở được mắt vì ghèn, dử. Ảnh: H.Hải
Cũng trong tình cảnh này, anh Minh Phương lại vô cùng ái ngại với khách hàng, vì xảy ra tình huống đúng ngày cả đội đi thuyết trình, thấy nhân viên trong đội đeo kính đen, khách hàng cứ giãy nảy, không cho nhân viên này nói vì sợ lây. Cuối cùng, phải cho nhân viên này ra ngoài, người khác cáng đáng phần việc còn lại, dù không được trơn tru nhưng khách hàng cũng không phàn nàn vì sợ lây bệnh.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt Hà Nội, vài tuần trước ghi nhận rải rác các trường hợp đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) vào khám. Tuy nhiên mấy ngày nay, số khám bùng phát, trung bình đến 300 bệnh nhân tới khám mỗi ngày. Trong đó, nhiều gia đình cả nhà cùng bị đau mắt đỏ.
“Vác” bụng bầu to 8 tháng đưa con đến viện Mắt Trung ương khám, chị Hải (Xa La, Hà Đông) kể, đầu tiên là con bị đau mắt. Gần đến ngày sinh, thấy con đau mắt, bà giúp việc thẽ thọt: “Tôi là nhạy cảm với đau mắt đỏ lắm, chỉ nhìn thôi cũng lây, thôi cho tôi về, 10 ngày sau tôi xuống”. Dù gần sinh nhưng quá bực mình, chị Hải cho bà giúp việc nghỉ việc luôn. Con nhỏ bị đau mắt cứ dính chặt lấy mẹ, rồi lây sang cả nhà, một ngày 3 người ở nhà nguyên chuyện rửa mắt, nhỏ thuốc cũng đủ bận rộn, mà đến hôm nay mới có con đỡ, bố còn nặng nên cả nhà lại rồng rắn nhau đến viện khám.
Chị Nguyễn Hương (Tôn Thất Tùng, Hà Nội) luôn đeo cặp kính đen to sù sụ để che đi hai mắt đỏ ngầu, sưng húp. Chị Hương cho biết, vừa mới thứ 2 tuần trước, thấy con gái đi học về lứu lo nói chuyện cô giáo dặn bạn nào bị đau mắt đỏ phải ở nhà, không được đến lớp, rồi hướng dẫn phòng bệnh… thì ba hôm sau, con gái chị bị đau mắt đỏ.
“Con vừa đỡ xong thì mắt mình cũng thấy đau, tức, dễ chảy nước mắt, cộm, nhức… Nhỏ thuốc y như của con nhưng đến hôm nay là ngày thứ 4 không đỡ, đau chói phải đến viện khám. Chỉ còn hai bố con chưa có dấu hiệu đã vội di cư sang nhà ông bà nội… Chỉ vì cái mắt mà đã nghỉ việc đến ngày thứ 5, không biết khi nào mới đi làm lại được.
“Nhà có hai con nhỏ, nên trước đó một ngày, đi tụ tập với mấy người bạn học, thấy có người bạn đeo kính đen xù xụ, mình đành giả vờ cáo lỗi bận, vội về vì sợ lây sang con”.
Video đang HOT
Theo BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương, tâm lý này của người bệnh hoàn toàn bình thường bởi đau mắt đỏ rất dễ lây lan. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…
Dễ lây nhưng có thể phòng!
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Vì lây dễ dàng qua tiếp xúc, qua đường hô hấp, nên để phòng ngừa đau mắt đỏ phải triệt để thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Người bệnh đau mắt đỏ luôn có cảm giác đau, ngứa mắt, chảy nước mắt nên thường có phản xạ dùng tay, khăn tay để chấm mắt và nếu không vệ sinh bàn tay sạch sẽ thì sẽ là tác nhân lây truyền bệnh cho người khác.
Theo BS Hoàng Cương, việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến, bởi đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch. Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống…
Nhiều trường hợp, người lớn khỏi rồi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm.Khi bị đau mắt đỏ thường chỉ cần chăm sóc, giữ vệ sinh mắt, rửa mắt hàng ngày nhiều lần bằng nước muối sinh lý, sau 7 – 10 ngày bệnh sẽ khỏi mà không phải dùng kháng sinh.
Tuy nhiên, trong mùa dịch này, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ kéo dài hơn 10 ngày rất phổ biến. Theo BS Hoàng Cương, nhiều khả năng do việc tự dùng các loại thuốc, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Hơn nữa, nhiều người chỉ chăm chăm nhỏ thuốc mà quên mất khâu rửa, vệ sinh mắt thật sạch trước khi nhỏ thuốc để đẩy vi rút ra ngoài, nên thời gian khỏi bệnh cũng lâu hơn. Các bác sĩ khuyến cáo, với đau mắt đỏ không nên quá nôn nóng điều trị, bởi cần có thời gian nhất định là 7 – 10 để loại bỏ vi-rút khỏi cơ thể. Tốt nhất trước mỗi lần nhỏ thuốc mắt cần rửa sạch mắt bằng muối sinh lý. Bệnh nhân nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô.
Nhưng cần lưu ý, khi rửa mắt không để đầu thuốc chạm vào mắt để tránh lây lan. Mỗi người bệnh nên dùng một lọ thuốc riêng phòng tránh lây chéo. Sau khi vệ sinh mắt cần rửa tay sạch với xà phòng để phòng lây bệnh cho người khác. Việc vệ sinh bàn tay thường xuyên rất có ý nghĩa để phòng bệnh đau mắt đỏ lây lan trong cộng đồng.
Cần chú ý đến vệ sinh ga, gối vì nếu những vật dụng này dính nước rửa mắt từ người bệnh cũng dễ dàng lây cho người khác. Chú ý dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt. Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày. Không dùng tay dụi mắt. Còn khi có dịch đau mắt đỏ, ngoài việc thực hiện các biện pháp trên mỗi người nên rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt; Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…; Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Tra thuốc theo hướng dẫn. Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu…
Theo Dantri
Nông dân "khóc ròng" nhìn lúa mất trắng vì nước xả thải từ KCN Formosa
Người dân 6 thôn thuộc xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang "khóc ròng" vì hàng chục ha lúa của họ bị thiệt hại nặng nề do dính phải nguồn nước nhiễm mặn thải từ KCN Formosa.
Gần 70ha lúa chết vì ngấm nước xả mặn
Theo đơn thư phản ánh của người dân và chính quyền xã Kỳ Thịnh, PV Dân trí đã có mặt tại các cánh đồng thuộc 6 thôn Trường Yên, Trường Phú, Cảnh Trường, Đỗ Gộ, Trường Sơn. Khác hẳn với những cánh đồng trĩu nặng hạt vàng ươm cách đó không xa, cả cánh đồng rộng lớn ngăn cách với Khu công nghiệp Formosa chỉ một con đường nhựa trông thật thảm hại. Lúa, nguồn sống chính của người dân, đang chết mòn.
Cả cánh đồng rộng lớn thuộc 6 thôn ở Kỳ Thịnh đang bị nhiễm mặn
Trưởng thôn Cảnh Trường - ông Lê Văn Hùng - dẫn chúng tôi đi một vòng trên cánh đồng của xóm để tận mắt thấy sự thảm hại của cánh đồng lúa nhiễm mặn. Không khó để tận mắt chứng kiến cảnh bọt nước từ KCN Formosa đổ ra tung trắng xóa trên cánh đồng, nhiều nơi cát vùi lấp ruộng.
Chỉ tay về phía những cánh đồng bỏ hoang, những ruộng lúa thất bát, ông Hùng uất ức cho biết: "Cánh đồng này trước kia là vùng trọng điểm trồng lúa của chúng tôi, năng suất lúa rất tốt, từ 2-3 tạ/sào, nhưng vụ hè thu vừa qua lúa chuẩn bị trổ đòng thì đột nhiên đồng loạt trắng bông, hạt lúa lại thấy vị mặn. Xót của nhưng bà con chẳng biết làm thể nào, đến cắt cho trâu, bò cũng chúng cũng chẳng thèm ăn.
Ông Lên Văn Hùng cầm bó lúa bị cháy khô trên tay ngay trên đồng ruộng của mình
Ông Lê Anh Xuân, người đi với ông Hùng, nói: "Cả gia đình tôi hồ hởi chăm bón hơn 5 sào ruộng, lúa xanh tốt, trổ đòng những bông căng tròn. Nhưng đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì bị trắng lép. Ban đầu tôi không hiểu rõ nguyên nhân vì sao cây lúa của mình trổ đòng xanh tốt thế kia, sau hơn một tuần lại bị chết cháy hết, ngửi mùi nước thì thấy tanh tanh, nếm lại có vị mặn. Lúc này chúng tôi mới hiểu rõ, đó chính là do nước mặn thải ra từ nhà máy Hưng Nghiệp kia đổ vào".
Là trưởng thôn cũng là chủ hộ có ruộng bị thiệt hại nặng nề, ông Hùng hiểu nỗi buồn cũng như khó khăn mà người dân thôn Cảnh Trường đang phải đối mặt. "Không đâu xa, như gia đình tôi đây có tới 6 miệng ăn, tất cả nhìn vào mấy sào ruộng kia, nhưng giờ chẳng biết thế nào" - ông Hùng lo lắng.
Cống xả nước của công ty Hưng Nghiệp Fomorsa không qua xử lý, xả nước mặn vào cánh đồng của Kỳ Thịnh
Tại thôn Đỗ Gộ, ông Lê Minh Căn cho biết, đất bị nhiễm mặn xảy ra từ vài năm nay, nhưng nó bắt đầu gây hậu quả nặng nề từ hơn 5 tháng nay. "Từ khi khu công nghiệp Formosa cho xả nước mặn vào những cánh đồng kia, bà con nơi đây đã không trồng được lúa nữa. Lúa cứ đến kỳ trổ đòng là chết trắng".
Làm việc với chính quyền xã Kỳ Thịnh, ông Lương Văn Đình, Chủ tịch UBND xã cũng không giấu được nỗi thất vọng trước thực trạng lúa của dân bị mất trắng. Ông Đình cho biết, nguyên nhân khiến lúa bị mất trắng một phần do con đường ngăn dòng chảy thuộc dự án Fomorsa được thi công từ năm 2010 làm cho cánh đồng bị ngập úng nặng, phần khác là do nước mặn từ việc hút cát san lấp mặt bằng xả thẳng ra đồng ruộng.
Danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng do nhiễm mặn được chính quyền xã Kỳ Thịnh thống kê gửi cơ quan chức năng
"Tính đến thời điểm này Kỳ Thịnh có có tới hơn 69ha lúa của 784 hộ thuộc 5 thôn bị nhiễm mặn nặng từ nước thải của khu công nghiệp Fomorsa. Theo tính toán của chúng tôi, năng suất bình quân/ha bị thiệt hại trước đây là gần 44 tấn/ha" - ông Đình thống kê.
Kiến nghị mỏi miệng vẫn chưa có câu trả lời
Theo ông Đình, do tình hình sản xuất, đời sống bị ảnh hưởng nặng nề, người dân ở các thôn đã phản đối rất mạnh, chính quyền xã cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện, BQL KKT Vũng Áng (nay là BQL các khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) có biện pháp xử lý.
Ông Lương Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thịnh trong cuộc trao đổi với PV Dân trí
"Sở NN&PTNT, BQL khu các khu kinh tế tỉnh, UBND huyện Kỳ Anh đã cho đoàn kiểm tra và xác nhận nguyên nhân lúa chết hàng loạt là do nhiễm mặn" - ông Đình nói.
Xác định được nguyên nhân, nhưng như ông Đình cho biết, cho đến nay giải pháp khắc phục và biện pháp hỗ trợ người dân vẫn chưa được thống nhất. "Đại diện Sở NN, BQL khu các khu kinh tế tỉnh, UBND huyện Kỳ Anh đã có buổi làm việc với Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhưng chưa đi đến thống nhất phương án hỗ trợ cho nhân dân" - ông Đình cho hay.
Đơn kiến nghị của chính quyền xã Kỳ Thịnh gửi UBND huyện Kỳ Anh, BQL khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đến nay vẫn chưa có câu trả lời
Theo người đứng đầu chính quyền xã Kỳ Thịnh, chính việc dây dưa phương án khắc phục hỗ trợ đã khiến người dân thêm bức xúc.
"Chúng tôi mong UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét trả lời dứt khoát cho người dân về biện pháp hỗ trợ, xử lý nguồn nước để người dân kịp thời sản xuất những vụ mùa tiếp theo, chứ để đất hoang như vậy là uổng phí, trong khi người dân không có đất làm nông nghiệp"- ông Đình nói rõ quan điểm.
Minh Đức - Hà Phương
Theo Dantri
Trà sen cổ Hà Thành: 5 triệu/kg, có tiền không dễ mua Năm triệu đồng/kg trà ướp sen Tây Hồ - Hà Nội.Có thể, nhiều người sẽ lắc đầu hoài nghi về mức giá quá chát, thế nhưng, nếu biết quy trình để sản xuất ra một kg trà sen Hồ Tây thứ thiệt thì mức giá đó cũng là thường. Sự thực là, để mua được đúng trà sen Tây Hồ, có tiền mua...