Hà Nội: Bệnh dại có nguy cơ bùng phát trở lại
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh dại có nguy cơ quay trở lại sau 2 năm vắng bóng.
Đầu tháng 5/2014, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do dại tại huyện Chương Mỹ và Sóc Sơn. Ngoài Hà Nội, từ đầu năm đến nay cả nước cũng ghi nhận các ca tử vong do dại tại 10 tỉnh, thành. Trong đó, Thanh Hóa có 3 ca tử vong; Yên Bái và Tuyên Quang mỗi nơi 2 ca…
Qua kiểm tra công tác phòng chống bệnh dại cho thấy tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn gia súc còn thấp, người dân một số địa phương còn chủ quan không đi tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ khi bị súc vật nghi dại cắn.
Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh dại có thể gia tăng vào mùa hè do các ổ dịch dại trên đàn chó tăng trong thời gian này. Bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở Việt Nam. Nguồn lây bệnh chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo. Những gia đình nuôi chó, mèo thì nhất thiết phải tiêm phòng dại định kỳ.
Bệnh không phát ngay, nhưng có thể mắc bệnh chỉ với vết trầy xước nhỏ. Đến lúc phát bệnh thì đã quá muộn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh dại.
Nguyên nhân khiến tình hình bệnh dại tăng trở lại
Tình hình bệnh dại ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc – nước láng giềng với Việt Nam, tăng lên đáng kể sau năm 2000. Do đó, việc giao lưu mua bán, vận chuyển giữa các đàn chó qua biên giới là yếu tố làm gia tăng việc lây truyền chó dại.
Video đang HOT
Thứ hai, do người dân chủ quan vì quan niệm bệnh dại đã được kiểm soát thành công, nên sự tham gia của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc đầu tư cho công tác phòng chống bệnh dại rất thấp.
Thứ ba, do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thời gian gần đây rất thấp, có nhiều địa phương ở nông thôn tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại khoảng 30%, còn các tỉnh miền núi trung du khoảng 10%, đặc biệt còn có tỉnh chưa tiêm phòng bệnh dại. Đây là mối lo ngại lớn vì bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Biện pháp phòng tránh bệnh dại
Để phòng chống bệnh dại, hạn chế thấp nhất tử vong do dại lên cơn ở người, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Phòng y tế, Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, TTYT Dự phòng và Trung tâm Truyền thông GDSK Hà Nội tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại.
Theo đó, các đơn vị tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về các biện pháp phòng chống bệnh dại như: hạn chế nuôi chó mèo, không được thả rông chó mèo, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, khi người bị súc vật nghi dại cắn phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.
TTYT Dự phòng Hà Nội và TTYT quận, huyện củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo hoạt động tốt, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người dân. Phối hợp với cơ quan thú y trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn gia súc, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80%.
Song song với công tác tham mưu cho UBND quận, huyện trong việc chỉ đạo phòng chống bệnh dại trên người và trên súc vật, Phòng y tế quận, huyện cần huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động, quản lý, giám sát việc chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, phòng chống bệnh lây từ động vật sang người.
Theo VnMedia
Nhiều dịch bệnh nguy hiểm cùng 'tấn công' Việt Nam
Trước tình hình dịch chồng dịch, nhiều dịch bệnh đang bùng phát cùng một lúc, chiều 8/5, Bộ y tế đã tổ chức mặt báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh mùa hè.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận các ca tử vong do mắc sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, dại, viêm não virus, cúm A/H5N1. Đây đều là những bệnh thường gia tăng vào mùa hè, thậm chí có thể bùng phát thành dịch.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm cả nước đã ghi nhận cả nước ghi nhận 191 ca viêm não virus- tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, 3 tử vong. 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, 2 ca tử vong tay chân miệng.
Từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng ghi nhận 10 ca tử vong do dại.
Về tình hình dịch bệnh Sởi, tính đến ngày 7/5, cả nước ghi nhận thêm 49 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.184 trường hợp mắc sởi xác định trong số 16.180 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.
Về tình hình dịch bệnh Tay, chân, miệng và sốt xuất huyết, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến nay cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 2 bệnh nhân tử vong; 7.931 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 4 người tử vong.
Không chỉ phải đối phó với các dịch bệnh mùa hè, Việt Nam còn phải đối phó với nguy cơ xâm nhập của nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới bất kỳ lúc nào.
Theo TS Phu, hiện nay đánh lo ngại nhất là nguy cơ xâm nhập của bệnh bại liệt do virus hoang dại. "Tổ chức Y tế thế giới đã xếp bệnh bại liệt do virus hoang dại lây lan nhanh vào tình huống y tế quốc tế khẩn cấp, có thể lan rộng giữa các quốc gia với nhau. Đây là căn bệnh nguy hiểm,chỉ cần 1 ca mắc các nước đã phải công bố dịch để áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt thành công từ năm 2000, từ đó đến nay không có ca bệnh nào và cũng không ghi nhận sự lưu hành của virus bại liệt hoang dại. Tuy nhiên, Việt Nam luôn tiềm tàng mối nguy virus bại liệt hoang dại xâm nhập do trẻ em đi du lịch nước ngoài hoặc virus bại liệt có thể từ bên ngoài vào nước ta qua những khách du lịch đến từ vùng dịch", PGS.TS. Trần Đắc Phu cảnh báo.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nhận định, dịch bệnh mùa hè sẽ có những diễn biến phức tạp với nhiều loại dịch bệnh cùng lúc. Ông Phu cũng cho rằng, vấn đề dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường. Ngay cả bệnh sởi, đã có vắc xin, ngành y tế dự phòng cũng đã cố gắng nhưng vẫn có dịch. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết chưa có vắc xin do vi rút gây suy giảm miễn dịch, nên lây sẽ rất nguy hiểm.
Do đó, việc chẩn đoán chính xác bệnh để có được biện pháp kịp thời cứu chữa bệnh nhân là rất quan trọng. Ông Phu đề nghị, các bệnh viện phải nắm và chẩn đoán chính xác các bệnh để điều trị một cách hiệu quả. Các bệnh viện phải chú ý công tác phòng chống dịch bệnh, thường xuyên cập nhật phương pháp phát hiện sớm, phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, các sở y tế nếu thấy bệnh viện tuyến quận - huyện nào có kỹ thuật điều trị như bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương thì thẩm định và cho phép thực hiện, chứ không máy móc chỉ thực hiện trong phạm vi quy định của mình.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí.
"Kích hoạt" hệ thống y tế trên toàn quốc để phòng, chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh trong mùa hè, toàn ngành y tế đã và đang cố gắng nỗ lực không ngừng để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế những biến chứng nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân
Theo ông Phu, dịch bệnh trên cả nước, khu vực thế giới chứa nhiều nguy cơ bùng phát. Trong thời gian tới, ngành y tế tập trung các biện pháp phòng chống các bệnh mùa hè, lưu ý tay chân miệng và sốt xuất huyết. "Hiện nay, Bộ thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác chống dịch tại 16 địa phương. Tuy nhiên, cần lưu ý là giải quyết vấn đề dịch phải là chính quyền địa phương và có cả sự đồng hành của người dân trong việc tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch, ngành y tế chỉ tham mưu quyết liệt chứ một mình ngành y tế khó có thể giải quyết được hết dịch bệnh", ông Phu nhấn mạnh.
Để phòng chống dịch, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các BV tuyến TW đề nghị thực hiện quyết liệt công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện phân tuyến điều trị tại các BV, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho BV tuyến trên. Thực hiện nghiêm việc cách ly, phân loại bệnh nhân, áp dụng các biện pháp chống nhiễm khuẩn trong BV; hướng dẫn người nhà bệnh nhân áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế để chống lây nhiễm chéo. Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ các BV tuyến dưới khi có yêu cầu; chủ động cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp hỗ trợ các BV vệ tinh để giảm việc chuyển tuyến. Kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, xác định đối tượng và các yếu tố, khu vực nguy cơ để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không để bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Bên lề buổi họp, trao đổi với báo chí về việc có nhiều ý kiến lo ngại chúng ta sẽ phải đối mặt với việc "dịch bệnh chồng dịch bệnh", TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dịch bệnh thường xuất hiện gia tăng theo chu kỳ. Từ kinh nghiệm trong việc phòng, chống bệnh sởi, đối với các dịch bệnh khác, trong năm 2014 này, ngành y tế hết sức đề cao cảnh giác trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế đã "kích hoạt" hệ thống y tế trên toàn quốc từ dự phòng đến điều trị rồi đảm bảo vaccin, nâng cao năng lực chuyên môn của y tế các tuyến... nhằm giải quyết triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh, quyết liệt không để dịch bệnh bùng phát.
Theo Vnmedia
Nhiều người bệnh nặng vì nắng nóng Đợt nắng nóng gay gắt đầu mùa hè khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại các bệnh viện bắt đầu gia tăng. Các bác sĩ cảnh báo, lượng bệnh nhân sẽ tăng cao hơn nhiều, nếu nhiệt độ tiếp tục duy trì như mấy ngày qua. Viêm màng não, sốt virus, viêm da tấn công trẻ Khoa Nhi...