Hà Nội bắt đầu thực hiện lộ trình cấm xe máy vào nội đô
UBND Hà Nội vừa chính thức ban hành đề án cấm xe máy vào nội đô và hạn chế ôtô. Đến 2030, thành phố cấm xe máy ở nội thành và cấm ôtô theo ngày, theo giờ ở một số tuyến phố.
Sáng 25.8, trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết UBND Hà Nội vừa ký ban hành đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Theo dự thảo nghị định về quản lý phương tiện, hạn chế ô nhiễm môi trường, Hà Nội sẽ cấm xe máy, hạn chế ôtô vào nội thành từ năm 2030.
Ông Viện cho biết Sở sẽ phối hợp với nhiều đơn vị khác lên kế hoạch thực hiện đề án cụ thể trong thời gian tới. Đề án này được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của HĐND Hà Nội khóa XV vào tháng 7 vừa qua.
Theo đề án, Hà Nội sẽ thực hiện việc cấm xe máy theo lộ trình từ nay đến năm 2030. Thành phố sẽ thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn.
Hà Nội sẽ cấm xe máy vào nội đô vào năm 2030. Ảnh: Lê Hiếu.
Hà Nội cũng phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.
Đối với ôtô, thành phố sẽ cấm hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Ngoài ra, Hà Nội sẽ lập các khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày, các xe taxi ngoại tỉnh sẽ có quy định hoạt động riêng.
Video đang HOT
Xe thương binh ba bánh chở hàng và xe xích lô sẽ bị dừng hoạt động và có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm cho lái xe.
Lộ trình thực hiện 3 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT. Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.
Theo Thắng Quang (Zing)
Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy: "Chúng tôi không khai man!"
Cơ quan lập đề án hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội khẳng định kết quả khảo sát đa số người dân đồng ý cấm xe máy là trung thực. "Phiếu phát ra cho người dân có địa chỉ cụ thể, chúng tôi không khai man, không tự "bốc thuốc"" - ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT nói.
Mặc dù nhiều lần đặt vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân nhưng Hà Nội chưa thực hiện được, mới đây Hà Nội lại quyết tâm đặt ra mục tiêu cấm xe máy vào năm 2030. Bởi vậy buổi tọa đàm "Hà Nội hạn chế xe cá nhân" diễn ra sáng 30/6, tại báo Giao thông, thu hút nhiều ý kiến tranh luận.
"Chúng tôi không tự "bốc thuốc""
Nói về "căn cứ" cấm xe máy vào năm 2030, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết: Hà Nội đặt ra mục tiêu phải xây dựng đề án giảm ùn tắc giao thông cho phù hợp với kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự đi lại của người dân một cách bền vững, giảm ô nhiễm môi trường.
Buổi tọa đàm về hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội sáng 30/6
"Tôi cho rằng năm 2030 chúng ta đáp ứng được các phương tiện vận tải công cộng phục vụ cho dân nên dừng đi xe máy. Chúng tôi đưa ra mốc này để định hướng các chương trình hành động, cũng là để người dân dần thay đổi thói quen đi lại. Chúng ta phải tạo thói quen đi lại của người dân từ xe cá nhân sang xe công cộng, hiện nay có 100m nhiều người cũng nhảy lên xe máy để đi." - ông Viện cho hay.
Đề cập tới kết quả khảo sát 90% người dân Hà Nội đồng ý cấm xe máy vào năm 2030, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT - lý giải: "Chính xác là 84%. Chúng tôi đã phát đi ngẫu nhiên hơn 16.000 phiếu khảo sát và thu về hơn 15.000 phiếu. Khoảng 84% người dân trên toàn phố ủng hộ, không ủng hộ là 16%. Tuy nhiên, khảo sát này kèm theo điều kiện về sự phát triển vận tải hành khách công cộng chứ không riêng yêu cầu cấm xe máy".
Ông Mười khẳng định, việc khảo sát được thực hiện thao một quy trình đầy đủ và kết quả khảo sát là trung thực. Cơ quan soạn thảo, lấy ý kiến không thể điều tra toàn diện thành phố Hà Nội mà chỉ tiến hành phương pháp chọn mẫu, phát phiếu ngẫu nhiên, đối tượng được khảo sát đa dạng về ngành nghề và độ tuổi.
Ông Lê Đỗ Mười khẳng định kết quả khảo sát người dân Hà Nội là trung thực
"Đối tượng phát phiếu khảo sát ý kiến bao gồm cả người lao động tự do, cán bộ, công nhân viên chức... Viện chiến lược và phát triển GTVT phối hợp với Sở GTVT Hà Nội và Cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận, huyện để phát cho người dân, có địa chỉ cụ thể, đối tượng cụ thể. Chúng tôi không tự "bốc thuốc". Chúng tôi có thể chứng minh các phiếu khảo sát thực tế mà chúng tôi đã thu về" - ông Mười nhấn mạnh.
Dừng chứ không cấm!
Với giả thiết khi cơ quan có thẩm quyền quyết định dừng hoạt động của xe máy mà người dân vẫn đi thì có bị phạt? Ông Lê Đỗ Mười cho biết: Hà Nội không có chủ trương cấm xe máy, trong đề án quản lý phương tiện, chỉ đề cập dừng hoạt động xe máy.
"Trong Luật và tất cả các Nghị định không có từ cấm mà chỉ dừng. Chính quyền có thể cho dừng tại một thời điểm nào đó khi hạ tầng, phương tiện công cộng đáp ứng, hoặc lại tiếp tục cho phép xe máy hoạt động khi thấy phương tiện công cộng không đủ điều kiện" - ông Mười nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS, TS Chu Công Minh - Trường ĐH Bách khoa TPHCM - đưa ra một số dẫn chứng nghiên cứu độc lập về sở hữu sử dụng xe máy tại Hà Nội của World Bank (năm 2013 - 2014) cho thấy việc sử dụng xe máy có tính ổn định rất cao, người dân không muốn thay đổi, xe máy sử dụng diện tích hạn chế hơn so với ô tô...
"Đồng ý hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhưng nếu chỉ hạn chế xe máy thì một số cá nhân sẽ chuyển từ xe máy sang sử dụng phương tiện khác như ô tô. Vì vậy, đối với một số tuyến đường, hệ thống giao thông công cộng có thể đáp ứng được thì có thể tạm dừng xe cá nhân, không chỉ riêng xe máy" - ông Minh cho biết.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin, dự kiến đến 2030 xe buýt chiếm thị phần chủ yếu trong vận tải hành khách công cộng. Hà Nội đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp, còn bên ngoài đi từ các quận, huyện vào sẽ có các điểm gửi xe máy ở tuyến vành đai để sử dụng phương tiện công cộng.
"Sử dụng xe buýt rẻ, an toàn hơn, nhiệm vụ của chúng tôi là phải chứng minh cho người dân lợi ích này để người dân từ bỏ xe máy, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng xe buýt để đảm bảo an toàn và thời gian hơn, làm sao đảm bảo di chuyển bằng giao thông công cộng sẽ chính xác giờ. Lúc đó, dân được kết nối thuận tiện, đi lại an toàn, giờ giấc chính xác sẽ sẵn lòng chuyển đổi xe máy sang phương tiện giao thông công cộng tiện ích hơn" - ông Viện kỳ vọng.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hà Nội cấm taxi, ôtô hoạt động trên nhiều tuyến phố Hơn 10 tuyến phố Hà Nội bị cấm ôtô, taxi từ thứ hai đến thứ sáu trong giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc, phục vụ thi công. Hơn chục tuyến phố taxi, ô tô bị cấm giờ cao điểm. Ảnh minh họa: Đoàn Loan Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa ban hành phương án tuyến phố cấm taxi và...