Hà Nội báo cáo Ban Bí thư những khó khăn ở dự án Cát Linh – Hà Đông
TP.Hà Nội cho biết, hiện vẫn còn một số vấn đề về kỹ thuật, đăng kiểm, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa chủ đầu tư (Bộ GTVT) và tổng thầu của dự án.
Do vậy, tiến độ bàn giao, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục bị chậm so với cam kết của chủ đầu tư và tổng thầu.
Văn phòng Thành ủy Hà Nội thông báo kết luận của Ban thường vụ Thành ủy về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Theo đó, TP.Hà Nội đã chủ động trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về nội dung liên quan đến công tác bàn giao, tiếp nhận dự án; chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của thành phố.
Tuy nhiên, do còn một số vấn đề về kỹ thuật, đăng kiểm, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa chủ đầu tư là Bộ GTVT và Tổng thầu của dự án nên tiến độ bàn giao, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục bị chậm so với cam kết của chủ đầu tư và tổng thầu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho rằng, những khó khăn vướng mắc hiện nay của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các bộ, ngành có liên quan.
Để giải quyết vấn đề trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP.Hà Nội xây dựng dự thảo Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng về những khó khăn, vướng mắc nêu trên và xin ý kiến chỉ đạo.
Video đang HOT
Trước đó, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã nghe Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo tiến độ hoàn thành, bàn giao và vận hành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Sau khi nghe Ban cán sự đảng UBND TP.Hà Nội báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông là dự án quan trọng quốc gia, do Bộ GTVT là chủ đầu tư. TP.Hà Nội có trách nhiệm liên quan trực tiếp đến việc tiếp nhận, khai thác, vận hành hệ thống giao thông công cộng này.
Trước đó vào tháng 6, UBND TP Hà Nội đã báo cáo HĐND thành phố phương án trả nợ 98 triệu USD dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đây là khoản vay cho hệ thống kiểm soát vé tự động, thiết bị bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy toa xe, đào tạo nhân sự.
UBND TP.Hà Nội khẳng định, việc vay lại 98 triệu USD nêu trên, tương đương 2.306 tỷ đồng tại dự án Cát Linh – Hà Đông không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố. Hà Nội sẽ bố trí nguồn chi trả nợ gốc (98 triệu USD), lãi (hơn 30.000 USD) trong dự toán ngân sách hàng năm, đảm bảo thanh toán nợ đầy đủ, đúng hạn (hạn cuối cùng là tháng 9/2032).
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông (Dự án) được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, tổng thầu EPC được phía Trung Quốc chỉ định là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác, tuy nhiên sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/2017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019 nhưng tiếp tục lỡ hẹn.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án… Theo đó, KTNN kiến nghị Ban quản lý dự án đường sắt xử lý về tài chính gần 900 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 91 triệu đồng và xử lý tài chính đối với tổng thầu EPC là hơn 600 tỷ đồng.
Theo danviet
Hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ và đội vốn
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông Vận tải đã giải trình về việc các dự án đường sắt đô thị hầu hết chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.
Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải, 5 dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, gồm: Dự án đường sắt đô thị Tp.HCM, tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên; dự án đường sắt đô thị Tp.HCM tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn-Ga Hà Nội; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông và dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi.
Đối với 2 dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành -Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tuyến số 1 có giá trị thực hiện đạt 63,91%, hiện đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố hơn 2 nghìn tỷ đồng trong khi chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.
Tuyến số 2 có 9 gói thầu, trong đó Gói thầu CP1 đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại đang lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên chưa thể triển khai do vướng mắc về việc điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn-Ga Hà Nội, đến hiện tại, tổng tiến độ dự án mới chỉ đạt trên 49% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.
Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi, hiện tại tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu, cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu Tổ hợp Ngọc Hồi; đang thực hiện thanh quyết toán Hợp đồng Tư vấn giám sát khảo sát.
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, hiện đang vận hành, căn chỉnh toàn hệ thống để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
Trong 5 dự án này, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông khiến người dân bức xúc vì liên tục chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.
Đề cập về vấn đề tăng tổng mức đầu tư một số dự án giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nguyên nhân chính của việc tăng tổng mức đầu tư là do chất lượng lập, thẩm định dự án đầu tư. Đặc biệt, các dự án đường sắt đô thị đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nên các tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu.
Ngoài ra, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dự án cũng dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư.
Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến các dự án phải điều chính vốn là do cơ chế thực hiện các dự án (đặc biệt là các dự án ODA) còn bất cập như kế hoạch vốn ODA hằng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Bên cạnh đấy, đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ.
Hạ Vy
Theo InfoNet
Đường sắt Cát Linh Hà Đông biết lỗ vẫn làm: Cần truy trách nhiệm, không thể có ngoại lệ Bàn về những sai phạm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông', theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An, cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, không nên có "vùng cấm" hay ngoại lệ. Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra những sai phạm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án...