Hà Nội bàn việc “quản cụ rùa”
Chiều qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi làm việc với nhiều sở, ngành, UBND quận Hoàn Kiếm để bàn và thống nhất nguyên tắc quản lý, phân giao trách nhiệm cho từng cơ quan quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và vườn hoa Lý Thái Tổ…
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, hiện nay, khu vực hồ Hoàn Kiếm có cả chục cơ quan tham gia quản lý về vệ sinh môi trường, thoát nước, chiếu sáng, an ninh trật tự, công trình văn hoá.
Với các di tích xung quanh hồ do Sở VHTT&DL chịu trách nhiệm quản lý, giao ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội thực hiện gồm đền Ngọc Sơn, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, Tháp Hòa Phong, Đền Thiên Tiên, đền Vua Lê, tháp Rùa, đền Bà Kiệu. Công tác quản lý hạ tầng, quản lý chất lượng nước, tài nguyên thủy sản… cũng có khá nhiều đơn vị tham gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm, hiệu quả quản lý còn nhiều hạn chế. Điển hình là công tác vệ sinh môi trường khu vực hồ còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị. Nhiều di tích, công trình văn hoá xuống cấp nhưng chậm được khắc phục, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, mặc dù khu vực hồ Hoàn Kiếm được xác định là danh lam, thắng cảnh đặc biệt gắn với truyền thống tâm linh của người dân nhưng việc quản lý còn gây phản cảm với du khách. Điển hình là khu vực “Vườn tượng” sát với tháp Bút và đền Ngọc Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều bức tượng đã gãy đổ trơ ra cả lõi sắt, nhiều tượng nay chỉ còn lại bệ xi măng, gạch men ốp quanh chân tượng cũng rơi vỡ từng mảng.
Tiếp đến là hệ thống quán cóc lưu động dọc vỉa hè sát bến đỗ xe phía đường Đinh Tiên Hoàng hoạt động khá ngang nhiên từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Tình trạng bày bán giày dép, hoa quả, quần áo cho đến hành tỏi, cá khô… vào thời điểm từ 5 giờ đến 6 giờ 30 sáng vẫn diễn ra rải rác quanh hồ…
Video đang HOT
Vấn đề được nhiều sở ngành, đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau đó là “cụ rùa” thì ai chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị tăng cường phân cấp để tiện cho việc quản lý và khắc phục tình trạng cơ quan này phải “chạy theo” cơ quan kia, nên giao cho quận Hoàn Kiếm quản lý cả khu vực hồ Hoàn Kiếm bao gồm cả mặt nước và thuỷ sản dưới hồ.
“Nên giao cho quận quản lý vì tránh tình trạng sau này lại bảo do Sở NN&PTNT thả cá nên ảnh hưởng đến môi trường của rùa!”- vị đại diện Sở NN&PTNT nói. Về phần mình, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm lại cho rằng, vì cá và rùa có phần chăm sóc liên quan đến nhau nên giao toàn bộ việc này cho Sở NN&PTNT.
Theo Minh Tuấn (Tiền Phong)
Vì sao đề xuất "cụ Rùa" là báu vật quốc gia?
PGS-TS Hà Đình Đức đã đề nghị với lãnh đạo TP.Hà Nội cần khẩn trương xem xét trình lên Chính phủ để nghiên cứu, phê duyệt việc công nhận cá thể rùa Hồ Gươm làm báu vật quốc gia.
Nhận định cụ Rùa Hồ Gươm là "báu vật có một không hai" gắn liền với truyền thuyết Gươm thần và lịch sử giữ nước, là phần tâm linh đáng trân trọng, ngày 31/1, PGS-TS Hà Đình Đức đã đề nghị với lãnh đạo TP.Hà Nội cần khẩn trương xem xét trình lên Chính phủ để nghiên cứu, phê duyệt việc công nhận cá thể rùa Hồ Gươm làm báu vật quốc gia.
Theo đó, PGS Hà Đình Đức đề nghị với lãnh đạo TP.Hà Nội cần khẩn trương xem xét trình lên Chính phủ để nghiên cứu, phê duyệt việc công nhận cá thể rùa Hồ Gươm (còn sống), tiêu bản rùa Hồ Gươm còn lưu tại đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa Hồ Gươm còn lưu trong bảo tàng Hà Nội làm bảo vật quốc gia.
PGS Đức cho rằng, ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật. Phần lớn các bảo vật đó đều có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử nằm ở các bảo tàng địa phương. Riêng cụ rùa Hồ Gươm, ngoài ý nghĩa về văn hóa, lịch sử nó còn ý nghĩa về mặt tâm linh.
Theo nhận định của PGS Đức, cụ Rùa Hồ Gươm là bảo vật có một không hai, do vậy việc đưa rùa Hồ Gươm vào danh sách báu vật quốc gia là cần thiết.
Đề nghị công nhận cụ Rùa là báu vật Quốc gia
Đối với lịch sử Việt Nam, hình ảnh cụ rùa được gắn liền với truyền thuyết Hồ Gươm, đây là một báu vật, cổ vật sống độc nhất vô nhị.
Cụ rùa đã xuất hiện và gắn bó với Hồ Gươm từ hàng hơn 600 năm, nhắc đến cụ Rùa là nhớ đến lịch sử oai hùng của dân tộc từ thế ký thứ 15. Vì vậy, có thể nói cụ rùa là báu vật vô giá. Hình ảnh cụ rùa khiến người dân gợi nhớ đến thanh bảo kiếm đâu đó vẫn nằm dưới Hồ Gươm mà thần rùa vẫn đang ngày đêm canh giữ. Như vậy, ngoài ý nghĩa văn hóa, lịch sử nó còn ý nghĩa tâm linh rất lớn.
Rùa Hồ Gươm chậm chạp, hiền lành, thường sống ở những sông hồ sâu, nước chảy yếu. Khi trời nóng thường hay ngóc cổ lên khỏi mặt nước để thở. Mùa đông thỉnh thoảng phơi nắng. Theo PGS Hà Đình Đức, rùa Hồ Gươm từng có 4 cá thể tuy nhiên đến nay chỉ còn 1 cá thể duy nhất còn sống.
Để tồn tại được cụ Rùa phải thích nghi, chống chọi lại với môi trường để tránh nguy cơ diệt vong. Sau hình ảnh những vết thương lở loét trên mình của cụ Rùa khiến chúng ta đặt ra một vấn đề bức thiết về việc bảo vệ cho sức khỏe cho cụ rùa.
Nếu chúng ta không bảo vệ thì đến một lúc nào đó cụ Rùa cũng phải tuân theo quy luật của tự nhiên "sinh lão, bệnh, tử". Chính vì vậy, cần phải có ý thức, tạo điều kiện môi trường tốt cho cụ Rùa ngay từ bây giờ.
Hiện tại chưa có một quy định nào cụ thể cho việc bảo vệ cụ rùa. "Nếu tới đây, đề xuất được thông qua, tôi mong sẽ có những văn bản, quy định cụ thể cho việc bảo vệ, chăm sóc, theo dõi sức khỏe cụ Rùa. Tôi sẽ có những đề xuất cụ thể hơn. Trước đây tôi cũng đã có đề xuất nhiều lần thành lập một phòng thí nghiệm nhỏ ở Hồ Gươm chuyên theo dõi môi trường, nồng độ O2, nhiệt độ trên bảng điện tử để người dân có thể theo dõi được thường xuyên. Từ đó, người dân cũng sẽ biết được mà ý thức việc bảo vệ môi trường cho Hồ Gươm cũng như sức khỏe của cụ rùa", PGS Hà Đình Đức cho biết.
Vấn đề PGS Đức quan tâm nhất hiện nay là nước Hồ Gươm. Nhất là trong dịp 23 tháng chạp, rác thải, thả cá chết, phóng sinh gây ô nhiễm, nguy hiểm cho môi trường sống của cụ rùa.
Nếu được coi là báu vật quốc gia thì cụ Rùa sẽ được bảo vệ theo quy định của quốc gia. Cụ rùa sẽ được quan tâm hơn, thường xuyên được theo dõi, chăm sóc tốt hơn. Khi có sự cố về sức khỏe cũng sẽ được thành phố nhanh tay vào cuộc, chứ không phải mất thời gian thủ tục trình tự.
Riêng mấy tiêu bản về cụ rùa ở đền Ngọc Sơn và bảo tàng Hà Nội thì cần phải có một chế độ bảo vệ nghiêm ngặt, thường xuyên theo dõi, xử lý để tiêu bản được tồn tại lâu dài hơn.
Theo PGS Hà Đình Đức, năm 2012, cụ rùa nổi lên 75 lần, 4 lần cụ leo lên tháp rùa. "Tôi đã 2 lần được tiếp cận và xoa lưng cụ. Đặc biệt ngày 6/12, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, cụ cũng nổi lên".
Luật Di sản văn hóa cũng quy định:
Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau đây: Là hiện vật gốc độc bản; Là hiện vật có hình thức độc đáo; Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên...
Theo 24h
Lại phát hiện "hậu duệ" đàn đá Tuy An? Ngày 4/7, đại diện Bảo tàng Phú Yên cho biết sẽ mời chuyên gia thẩm định đối với 20 thanh đá do Đỗ Quốc Linh và anh Đào Xuân Hào (ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, Phú Yên) vừa tìm thấy, xem liệu đây có phải là "đàn đá". Địa điểm tìm thấy 20 thanh đá trên nằm cạnh khu vực mà...