Hà Nội: 93% trẻ mắc sởi chưa tiêm phòng, cảnh báo biến chứng nguy hiểm của sởi
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi tại Hà Nội có xu hướng gia tăng với khoảng 200 trường hợp mắc bệnh. Theo thống kê, trong số trẻ mắc sởi thì có đến 93% trẻ chưa được tiêm phòng.
Bệnh nhân sởi của Hà Nội phân bố rải rác tại 100/584 xã, phường của 25/30 quận, huyện, chưa ghi nhận ổ dịch tập trung. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và lứa tuổi trên 5 tuổi (146 trường hợp chiếm 76%). Đặc biệt đáng lưu ý, đến 93% số đối tượng mắc bệnh do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tiêm vắc xin đúng lịch, đủ số mũi để phòng sởi hiệu quả. Ảnh: H.Hải
Tại các bệnh viện, số trẻ nhập viện cũng có chiều hướng gia tăng. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết riêng tháng một năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 ca sởi đến khám và điều trị. So với cùng kỳ năm 2018 số mắc sởi tăng gấp hơn 2 lần (86 ca mắc). Trong đó, hơn 90% bệnh nhân chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Trong khi đó, sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng dễ lây. Hầu như những người chưa từng mắc sởi, tiếp xúc nguồn lây đều có nguy cơ lây bệnh. Đặc biệt GS Kính cảnh báo các biến chứng nguy hiểm của sởi, nhất là ở những trẻ có miễn dịch kém, sẵn bệnh lý nền.
Biến chứng sởi trẻ em ám ảnh nhất với bác sĩ là biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản gây phù nề khiến trẻ khó thở, tắc thở. Nhiều trẻ khi đến bệnh viện đã ngừng thở, bác sĩ phải cấp cứu 2 tiếng liên tục. Biến chứng viêm phổi cũng gây ra số ca tử vong nhiều nhất so với các biến chứng khác, như vụ dịch sởi năm 2014 đã khiến hơn 100 trẻ tử vong vì biến chứng này.
Biến chứng viêm não cũng rất nghiêm trọng, xảy ra ở cả ngời lớn và trẻ em. Biến chứng viêm não có thể để lại những di chứng nặng nề cả đời cho người mắc bệnh, khiến từ một người khỏe mạnh bình thường sau khi mắc sởi, bị biến chứng có những di chứng về thần kinh khó phục hồi.
Video đang HOT
Ngoài ra, biến chứng tiêu chảy, mắt mũi kèm nhèm cũng rất hay gặp ở sởi, phải hết sức chú ý chăm sóc phòng nguy cơ mất nước, trụy mạch.
Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Theo đó, trẻ từ 9-12 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi.
Không nên tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa …) để phòng bệnh.
Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc.
Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần cho trẻ nghỉ học, sớm cách ly với mọi người xung quanh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân nên uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ở phòng riêng cách ly, ăn uống đủ chất, tắm hoặc lau rửa người bằng nước ấm, theo dõi chặt kịp thời phát hiện nguy cơ biến chứng.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Những biến chứng thường gặp khi bị sởi
Bệnh nhân sởi kiêng cữ cả tuần không tắm, không vệ sinh răng miệng gây thối xương hàm do bị cam tẩu mã.
Tuần trước, bé Dương Lê Bảo Ngọc 27 tháng tuổi ở Hưng Yên sốt cao 38-38,5 độ kèm ho. Gia đình nghĩ sốt bình thường nên dùng thuốc hạ sốt, liên tiếp 3 ngày bé không đỡ.
Bác sĩ ở phòng khám tư phát hiện trên cơ thể bé có những nốt ban, lợi đỏ, miệng xuất hiện nốt trắng, khuyên gia đình chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm phổi do mắc sởi.
Chị Đan, mẹ bé Ngọc cho biết lúc con 9 tháng tuổi đi tiêm phòng sởi nhưng bị sốt nên không tiêm. Sau đó, công việc bận rộn nên chị quên lịch tiêm cho con.
Cùng phòng với bé Ngọc, có bệnh nhi 4 tháng tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội bị lây sởi từ mẹ, hiện đang theo dõi viêm tiểu phế quản.
Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, năm 2018 chỉ tiếp nhận 86 ca mắc sởi thì chỉ riêng tháng một năm nay đã điều trị hơn 200 ca, hơn 90% chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Bé Ngọc bị biến chứng viêm phổi do sởi. Ảnh: Thuý Hạnh.
Giáo sư Kính cho biết, trẻ nhỏ có miễn dịch kém, nếu mẹ không được tiêm phòng, khi trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ bị biến chứng rất lớn, đặc biệt trên các bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền. Trẻ bị tim bẩm sinh mà mắc sởi, 70% có nguy cơ tử vong.
"Biến chứng hàng đầu là viêm phổi, viêm thanh quản gây phù nề khiến trẻ khó thở, tắc thở. Nhiều trẻ khi đến bệnh viện đã ngừng thở, bác sĩ phải cấp cứu 2 tiếng liên tục", ông Kính thông tin.
Tuy nhiên biến chứng nghiêm trọng nhất là viêm não, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em khiến bệnh nhân lơ mơ, hôn mê, co giật và có thể tử vong. Bệnh viện từng điều trị cho bé trai 2 tuổi ở Hà Nội bị liệt toàn thân do viêm não sau sởi, điều trị suốt 6 tháng ròng.
Biến chứng khác hay gặp là tiêu chảy, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây trụy mạch.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, khi mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Một số trường hợp nghe theo truyền miệng kiêng cữ quá mức, cả tuần không tắm, không vệ sinh răng miệng gây thối xương hàm do bị cam tẩu mã. Có trường hợp không vệ sinh mắt dẫn đến viêm giác mạc, nguy cơ mù.
Bác sĩ lưu ý bệnh nhân nên uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ở phòng riêng, ăn uống đủ chất, tắm hoặc lau rửa người bằng nước ấm. Có thể ăn cháo tía tô hoặc canh hẹ giúp thanh nhiệt. Các trường hợp có nguy cơ biến chứng, cần theo dõi sát sao và đưa đi bệnh viện thăm khám.
Để phòng tránh sởi, giáo sư Kính khuyến cáo, phụ nữ trước kết hôn chưa tiêm phòng sởi, chưa bị sởi nên tiêm phòng và nên nhắc lại 5 năm một lần. Trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi bắt đầu tiêm phòng sởi mũi một và tiêm nhắc lại khi được 18 tháng tuổi.
Lê Nga
Theo VNE
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Việt Nam: Tuy không lây bệnh trực tiếp ở người nhưng vẫn gián tiếp gây bệnh theo cách này Nhiều người cho rằng dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây bệnh sang cho con người nên vẫn bình chân như vại. Thực tế thì chúng vẫn có khả năng gián tiếp lây nhiễm virus cho người theo những cách khó lường dưới đây. Phát hiện dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Việt Nam, giới chuyên gia đề...