Hà Nội: 8 công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông sẽ theo cơ chế đặc thù
UBND TP Hà Nội vừa cho ý kiến về cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội.
Trong Công văn số 2187/UBND-XDG ngày 14/4/2016, UBND TP cho biết đã nhận được Văn bản số 573/TTg-KTN, ngày 5/4/2016, của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội.
Theo đó, để khẩn trương khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương triển khai thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng đối với 8 công trình như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội.
Hà Nội đặt mục tiêu giảm 8-10 điểm giao thông gây ùn tắc trong năm 2016. Ảnh internet.
Video đang HOT
Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm; đồng thời, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí, tiêu cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông (cả trong quá trình thi công và khai thác); đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình, đúng các quy định hiện hành.
Về vấn đề này, UBND TP giao các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản nêu trên; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định, đảm bảo hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các dự án có liên quan…; Kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP những nội dung vượt thẩm quyền theo quy định để đảm bảo tiến độ các dự án.
Liên ngành Bộ Giao thông Vận tải – UBND TP.Hà Nội đã có tờ trình thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù xây dựng các công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2016 là: Dự án cải tạo, mở rộng và xây cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc, cầu vượt tại nút giao Bạch Mai – Lê Thanh Nghị, cầu vượt tại nút giao Ô Đông Mác – Đê Nguyễn Khoái, cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên, cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo – Lương Yên, nút giao Cổ Linh, hầm chui Lê Văn Lương – vành đai 3 và đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vượt thu và kết dư ngân sách TP năm 2015. Năm 2016, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu kiềm chế, giảm 5 – 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt (giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng; giảm 8 – 10 điểm ùn tắc giao thông (trong số 44 điểm ùn tắc giao thông năm 2015). Bên cạnh đó là giảm tối đa tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thủy nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải; hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Lan Hương
Theo_Hà Nội Mới
Hà Nội sớm khởi công 8 công trình cấp bách để giảm ùn tắc
Hà Nội đề mục tiêu hoàn thành 8 công trình giao thông năm nay gồm 6 cầu vượt, 1 cầu chui và tuyến vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Cầu Thăng Long.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Ngày 1/4, tại buổi giao ban công tác quý 1 năm 2016, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành cùng các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian qua, một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tích cực giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông như: đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy; nút giao thông Trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng; tuyến đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái; đoạn đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng-Tôn Thất Tùng cũng đã cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh chóng phương tiện cá nhân đã gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông của Thủ đô. Tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm, đòi hỏi thành phố cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt khắc.
Do đó, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, khởi công 8 công trình giao thông có tính chất cấp bách nhằm giảm ùn tắc; trong đó, có 6 dự án cầu vượt, 1 dự án cầu chui và dự án tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long và phấn đấu hoàn thành ngay trong năm 2016.
Về dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn-ga Hà Nội, Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Giao thông Vận Tải và nhà thầu thi công đẩy mạnh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại 4 điểm ga ngầm S9-S12.
Trong quá trình thi công, Thành phố yêu cầu nhà thầu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tham gia giao thông; bố trí hệ thống biển báo, đèn báo và người hướng dẫn để đảm bảo giao thông thuận lợi, thông suốt.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nhân lực, phương tiện kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đảm bảo chất lượng, nhanh chóng đưa vào sử dụng góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô./.
Theovietnamplus.vn
Bộ Giao thông xin cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ một số cơ chế đặc thù về cơ chế đơn giá, định mức cũng như tháo gỡ khó khăn về tài chính. Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đang chậm tiến độ xây dựng các nhà ga xây dựng từ 10 - 20 ngày. Kế hoạch đưa dự án đường...