Hà Nội: 40 người liên quan hội thánh, “nóng” chùm ca bệnh tại khu cách ly
Trong ngày 31/5, Hà Nội ghi nhận thêm 27 ca dương tính SARS-CoV-2 tại khu cách ly Trường Quân sự Sơn Tây. Thành phố cũng đã phát hiện 40 người liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
“ Nóng” chùm ca bệnh tại khu cách ly tập trung
Trong ngày 31/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội thông tin trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 27 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhân này đều là F1 được cách ly tại Trường Quân sự Sơn Tây.
Theo thống kê, tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Sơn Tây, từ ngày 23/5 đến nay ghi nhận 50 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, riêng ngày 30/5 là 35 trường hợp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh (áo trắng, ở giữa) cùng đoàn công tác đã có mặt tại khu cách ly tập trung ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô vào sáng 31/5 (Ảnh: Thành Trung).
Từ ngày 26/2, Trường Quân sự Sơn Tây tiếp nhận cách ly tập trung các trường hợp cách ly y tế bắt buộc trong phòng chống dịch Covid-19. Khu cách ly có 2 tòa nhà TT1 và TT2 gồm 67 phòng, hiện có hơn 900 người là đối tượng tiếp xúc gần đang được cách ly tại đây. Số cán bộ phục vụ là 40 người (28 quân nhân và 12 nhân viên y tế).
Trước thực trạng này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội đồng thời đề xuất thực hiện giảm mật độ trong khu cách ly, giảm mật độ người/phòng để hạn chế lây lan. Tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch tại khu cách ly.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, để đảm bảo an toàn cho các F1 trong khu vực cách ly, tránh lây nhiễm chéo, Trường Quân sự chỉ nên bố trí 4-6 người/phòng để đảm bảo giãn cách. Sở cũng đang rà soát toàn bộ khu cách ly trên địa bàn thành phố để thực hiện nghiêm việc giãn cách, cũng như lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trong khu cách ly để sàng lọc nguy cơ.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng đoàn công tác cũng đã có mặt tại khu cách ly tập trung ở Trường Quân sự Sơn Tây để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hình ảnh các F1 tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô di chuyển đến điểm cách ly khác vào trưa 31/5 để giảm tải, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo (Ảnh: Thành Trung).
Video đang HOT
Trong buổi kiểm tra, Chủ tịch Hà Nội đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn một mức trong việc quản lý ở các khu cách ly tập trung và biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt hơn trên toàn địa bàn.
Trước mắt, tại điểm Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô phải tiến hành giảm mật độ F1 và xét nghiệm thường xuyên nhằm lọc ra các ca nghi mắc Covid-19 để đưa đi điều trị kịp thời; khử khuẩn liên tục toàn bộ khu vực tránh để việc lây nhiễm trong khu cách ly.
Đặc biệt, Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu, đối với các trường hợp hết 21 ngày cách ly trong trường nhưng ở trong phòng có ca mắc Covid-19 thì phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày để đảm bảo an toàn. Đối với những trường hợp F1 khác cần phải cách ly thêm 7 ngày.
Phát hiện 40 người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng
Trụ sở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp, TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở TPHCM, Công an TP Hà Nội đã khẩn trương xác minh có 40 người liên quan đến hội thánh này, đều ở huyện Chương Mỹ. Trong đó có 30 người tiếp cận với người của hội thánh trong TPHCM.
Hiện tại các trường hợp này đều đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính ban đầu.
Thiết lập 20 chốt chặn ven Hồ Tây
Các chốt chặn được lập thêm tại Hồ Tây vào sáng 31/5 (Ảnh: Vũ Quân).
Chiều 31/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết chính quyền vừa lập 20 chốt kiểm soát quanh Hồ Tây để ngăn người dân đi tập thể dục, tụ tập… bất chấp quy định về phòng chống dịch Covid-19. Người dân sống và làm việc ven hồ vẫn được đi lại bình thường.
Lãnh đạo quận Tây Hồ nói thêm, trước đó, vào các khung giờ chiều và tối các ngày 29-30/5, đã có rất đông người tụ tập tại đường ven Hồ Tây. Họ chủ yếu đến đây để chụp ảnh, chạy thể dục và đạp xe.
Khu vực tập trung đông người là đường Thanh Niên, phố Từ Hoa, Quảng An, Nhật Chiêu, Nguyễn Đình Thi, Vệ Hồ…
Hà Nội tăng cường chi viện tâm dịch Bắc Giang
Đoàn công tác y tế Hà Nội phối hợp với TTYT huyện Lạng Giang lấy mẫu cho công nhân đợt 2.
Nhằm chung tay cùng huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng chống Covid-19, Đoàn công tác y tế thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Lạng Giang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.
Đáng chú ý, Đoàn công tác y tế đã cùng với TTYT huyện thực hiện lấy mẫu cho các đối tượng được chỉ định dịch tễ. Cộng dồn từ ngày 17/5 đến ngày 29/5, ngoài các mẫu chuyển về CDC Bắc Giang xét nghiệm, đoàn Hà Nội đã chủ động chuyển về Hà Nội thực hiện xét nghiệm 17.370 mẫu, trong đó 32 trường hợp dương tính, còn lại đều âm tính.
Bộ Y tế cũng vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc hỗ trợ tỉnh Bắc Giang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tổ chức 20 đội cấp cứu (mỗi đội 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, 1 xe cứu thương), thường trực cấp cứu tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (bắt đầu từ ngày 1/6 đến khi hoàn thành đợt tiêm, khoảng 7-10 ngày).
Bệnh nhân chuỗi lây nhiễm Tân Phú là F3 cụm dịch hội truyền giáo
HCDC tối 31/5 xác định hai chuỗi lây nhiễm cộng đồng của thành phố trong 5 ngày qua, gồm cụm dịch ở quận Tân Phú và ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, có mối liên quan nhau.
Theo bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), hai vợ chồng ngụ quận Tân Phú được phát hiện dương tính Covid-19 khi đi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, ngày 27/5. Người vợ đang mang thai 10 tuần, là "bệnh nhân 6445", người chồng là ca 6444.
Từ đây, thành phố đã điều tra truy vết thêm 7 trường hợp nhiễm liên quan, là những người tiếp xúc gần của hai vợ chồng. Trong đó, "bệnh nhân 6781" là đồng nghiệp của người vợ, làm việc chung tại ngân hàng ở quận 7.
Người đồng nghiệp này sống cùng chị gái. Người chị kết quả xét nghiệm mắc Covid-19, là "bệnh nhân 6970", nằm trong chuỗi tiếp xúc với ca 6770 làm việc tại tòa nhà Novaland quận 1. Ca 6770 vốn là F1 liên quan hội thánh, như vậy ca 6970 là F2 và em gái - ca 6781 là F3 trong chuỗi lây nhiễm này.
Theo bác sĩ Yến, ca 6781 có triệu chứng viêm đường hô hấp từ ngày 20/5. Trong khi đó, người vợ Tân Phú có triệu chứng từ ngày 23/5, người chồng có triệu chứng bệnh từ ngày 25/5. Điều này có nghĩa người đồng nghiệp xuất hiện triệu chứng bệnh trước hai vợ chồng quận Tân Phú.
Thêm vào đó, tối 29/5, kết quả giải mã gene virus của chuỗi lây nhiễm liên quan vợ chồng Tân Phú cùng biến chủng Ấn Độ với ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.
"Qua các dữ liệu trên, kết luận chuỗi lây nhiễm liên quan hai vợ chồng Tân Phú có mối liên quan với cụm dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, thông qua "bệnh nhân 6907"", bác sĩ Yến phân tích.
Ổ dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ghi nhận từ ba trường hợp bệnh nhân chỉ điểm được phát hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia định ngày 27/5. Thành phố đã phát hiện mối liên quan khi cả ba là hội viên của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, có địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp.
Qua quá trình điều tra, truy vết, thành phố liên tiếp phát hiện các ca bệnh liên quan đến hội truyền giáo này. Tính đến tối 31/5, đánh giá ban đầu 191 trường hợp nhiễm tại TP HCM thuộc cụm dịch này. Trong đó, 40 người là hội viên (tổng số hội viên khai báo hiện nay là 55 người), 104 trường hợp tiếp xúc gần, 46 trường hợp tiếp xúc diện F2, một F3. Người đầu tiên, là vợ mục sư, có triệu chứng ngày 13/5 và có khả năng là nguồn lây của nhóm hội truyền giáo. Người này đã từng đi Hà Nội và trở về TP HCM vào ngày 29/4.
Thành phố tiếp tục điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các khu vực liên quan ca nhiễm để đánh giá nguy cơ.
Theo HCDC, mầm bệnh có thể đã có trong cộng đồng, người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang. Người từng tham gia Hội thánh Truyền giáo Phục hưng cần chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo, kể cả khi không có dấu hiệu bệnh.
Chủ tịch TP HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 31/5.
HCDC khuyến cáo thành phố đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách nên người dân không cần thiết đổ dồn đi mua, tạo tình trạng tập trung đông người không cần thiết, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác... di chuyển bằng xe cá nhân đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế.
Một người mẹ cùng em bé mắc Covid-19 ngụ quận Tân Bình (liên quan chuỗi Hội thánh Truyền giáo Phục hưng) lên xe tới bệnh viện điều trị để tiện chăm sóc bé, ngày 30/5. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.
Cụm Covid-19 lớn nhất TP HCM lan nhiều tỉnh Đến trưa 31/5, cụm dịch lớn nhất TP HCM liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ghi nhận 142 ca và lan 4 tỉnh, có liên quan với cụm dịch lớn thứ hai thành phố tại quận Tân Phú.