Hà Nội: 2 người nghi nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân 50, 200 người phải cách ly
Theo ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các trường hợp có quyết định cách ly để phòng chống Covid-19 nhưng không thực hiện, nếu để lây bệnh ra cộng đồng có thể bị xử lý hình sự.
Chiều ngày 16/3, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, đại diện Sở Y tế cho biết, từ ngày 6/3 đến nay, cả nước liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính với Covid-19. Tính đến 15h00 ngày 16/3 đã ghi nhận 57 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 16/57 trường hợp đã khỏi bệnh và được xuất viện. Hiện tại còn 41 trường hợp đang được điều trị cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Còn tại Hà Nội, đến 15h00 ngày 16/3, Hà Nội ghi nhận 11 trường hợp nhiễm, chưa có trường hợp tử vong.
Hiện tại, Hà Nội tiếp tục tổ chức khoanh vùng cách ly các khu vực có người bệnh; Giám sát hành khách nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Nội Bài. Đến 12h00 ngày 16/3, kiểm dịch cho 826 hành khách từ các quốc gia có dịch về sân bay Nội Bài và chuyển tới các khu cách ly tập trung.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết, trong những ngày qua, quận đã tập trung rà soát từng hành khách trên 5 chuyến bay có người dương tính với Covid-19. Đáng chú ý, về chuyến bay VN54 ngày 9/3, có 83 người đang lưu trú trên địa bàn quận, đã đi khỏi địa bàn quận là 61 người, hiện còn trên địa bàn quận là 22 người.
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Trong chuyến bay này có bệnh nhân số 56 (nam, 30 tuổi, quốc tịch Anh), sau khi nhập cảnh, bệnh nhân có gặp thêm 2 người bạn nữa cùng nhập cảnh đi khác chuyến để cùng đi du lịch. Cả 2 người này đều là nữ, quốc tịch Anh, 1 người 28 tuổi, 1 người 24 tuổi. Bệnh nhân 56 đã đăng ký ở khách sạn tại Hàng Vôi, đến ngày 10/3 trả phòng và đến Sapa (Lào Cai). Sau đó ngày 13/3, quay trở lại Hà Nội và lưu trú tại phố Hàng Đào đến nay. Đến 20h ngày 14/3 thì bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19. Những trường hợp liên quan, quận đã thực hiện cách ly theo quy định.
Tại cuộc họp, ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin thêm về bệnh nhân số 50, đi chuyến bay VN18 từ Pháp về lưu trú tại Núi Trúc và có trường hợp tiếp xúc. Cụ thể, trường hợp cho đi nhờ xe là anh L.T.Đ, người làm cùng cơ quan, địa chỉ tại phố Hoàng Hoa Thám. Liên quan đến bệnh nhân thứ 50, các đơn vị trên địa bàn TP đang cách ly, theo dõi y tế với gần 200 người tiếp xúc F1, F2, F3.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, trên địa bàn quận có một trường hợp sau 8 ngày có kết quả xét nghiệm âm tính hiện đã có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19. Cụ thể, Bệnh nhân L.T.Q. (thuê trọ tại ngõ 162 Nguyễn Văn Cừ) lần 1 xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính.
“Thời điểm có kết quả âm tính, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương về Bệnh viện đa khoa Gia Lâm. Nhưng khi ở Bệnh viện đa khoa Gia Lâm thì lại có biểu hiện bệnh nên được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, ngày 15/3, kết quả xét nghiệm Covid-19 của bệnh nhân này cho kết quả dương tính. “Như vậy, sau 8 ngày có xét nghiệm âm tính thì kết quả xét nghiệm của bệnh nhân lại cho kết quả dương tính”, Chủ tịch quận Gia Lâm nói thêm.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Hà Nội đánh giá TP có 3 nguồn lây nhiễm Covid-19, đó là người nước ngoài về, thứ hai người Việt Nam từ nước ngoài về, thứ 3 là lây lan trong khu dân cư
Theo ông Chung, lượng người nước ngoài đến Việt Nam từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… dù áp lực về dịch bệnh đã giảm dần nhưng vẫn còn nguy cơ cao vì có nhiều trường hợp ủ bệnh với thời gian dài. Công dân Việt Nam như du học sinh từ nước ngoài về nước cũng là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19.
Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, như ở khu Trúc Bạch (Ba Đình) vẫn có những khách du lịch vào trước ngày 6/3. Phải đến sau 10/3, lực lượng chức năng của TP mới kiểm soát chặt chẽ nguồn này. Vì vậy, ông Chung yêu cầu tất cả cơ sở lưu trú và khu dân cư phải rà soát khách du lịch từ các nước về từ 1/3 đến nay chưa khai báo thì khai báo, xét nghiệm.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành, quận huyện tuyên truyền mạnh hơn để mỗi người phải nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ mọi nguồn lực để phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các công dân từ nước ngoài vào Việt Nam.
“Đến nay, vẫn có khách nước ngoài vào Việt Nam, hay Hà Nội mà không được kiểm soát chặt chẽ nên vẫn có nguy cơ. Do đó, cơ sở lưu trú phải điện báo cơ sở y tế để đến lấy mẫu tập trung cao độ cho việc phát hiện, có biện pháp ngăn chặn để giảm thiểu việc lây nhiễm. Ba là quản lý chặt chẽ hành trình của những người tiếp xúc F1, F2, F3. Với các trường hợp F1, nếu âm tính thì F2 không có nguy cơ cao, có thể giải toả việc cách ly”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng yêu cầu các quận, huyện, thị trên địa bàn phải thực hiện giám sát chặt tất cả các công dân đang cách ly tại nhà, cơ sở tập trung hay cơ sở y tế. Đặc biệt cách ly tại nhà. “Qua phản ánh có 1 số trường hợp cách ly tại nhà vẫn đi lại nên đề nghị rà soát, kiểm soát chặt. Đã có quyết định cách ly tại nhà mà không thực hiện, sau này phát hiện bệnh mà để lây nhiễm cộng đồng có thể sẽ xử lý hình sự”, ông Chung nói.
Quang Phong (dantri.com.vn)
Bệnh nhân thứ 17 dùng hai hộ chiếu để trốn kiểm dịch Covid-19 có thể bị xử lý hình sự
Luật sư cho rằng, lực lượng chức năng cần làm rõ việc bệnh nhân số 17 sử dụng hai hộ chiếu có hợp pháp không, nếu là hộ chiếu giả sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Clip: Người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà không khai báo bị xử lý ra sao?
Chiều 11/3, lãnh đạo Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 tên N.H.N. (26 tuổi, trú tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) từng tới nhiều nước châu Âu nhưng không bị phát hiện khi nhập cảnh vào Việt Nam vì có 2 hộ chiếu (1 hộ chiếu Việt Nam, 1 hộ chiếu của Anh).
Khi du lịch châu Âu, N. dùng hộ chiếu của Anh để đi lại các nước, trong đó có Italy, nơi đang bùng phát mạnh dịch Covid-19. Khi về nước ngày 2/3, N. trình hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục tại Cửa khẩu Nội Bài nhằm tránh kiểm dịch.
Lực lượng chức năng cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Cục quản lý xuất, nhập cảnh Bộ Công an) đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát bệnh dịch từ người nhập cảnh vào Việt Nam.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, lực lượng chức năng cần làm rõ việc cô gái sử dụng hai hộ chiếu có hợp pháp hay không, có thuộc trường hợp được phép sử dụng hai hộ chiếu hay không để có hình thức xử lý phù hợp.
"Nếu là công dân Việt Nam, không phải là người có 2 quốc tịch, cũng không phải là người Việt Nam định cư sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài thì chỉ có một sổ hộ chiếu do Việt Nam cấp.
Còn trường hợp nếu là người có 2 quốc tịch hoặc công dân Việt Nam học tập, lao động, sinh sống dài hạn ở nước ngoài thì có thể có hai hộ chiếu, đặc biệt là trong khối các nước châu Âu (Liên minh Châu âu)", luật sư Cường nói.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ cuốn hộ chiếu của Anh có phải do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không, có được phép sử dụng khi nhập cảnh vào Việt Nam hay không. Trong trường hợp đây là hộ chiếu giả thì cần làm rõ hành vi làm giả và sử dụng tài liệu con dấu giả.
Theo luật sư Cường, nếu có căn cứ cho thấy có hành vi làm giả hoặc sử dụng tài liệu con dấu giả thì người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt từ 30-100 triệu đồng và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
"Trong trường hợp bệnh nhân thứ 17 này nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng 2 hộ chiếu, tuy nhiên cơ quan An ninh Cửa khẩu Hàng không Nội Bài chỉ kiểm tra một hộ chiếu nên bỏ lọt hành trình của cô gái này thì đây cũng là sai sót cần phải rút kinh nghiệm.
Nếu vi phạm quy trình kiểm tra thì phải xem xét trách nhiệm pháp lý với cán bộ, nhân viên an ninh hàng không theo quy định pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.
N.H.N là ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam và là trường hợp dương tính đầu tiên ở Hà Nội. Cô gái này có hành trình di chuyển phức tạp khi từ Việt Nam đi qua các ổ dịch Ý, Pháp, Anh và trở về nước.
Cụ thể, ngày 15/2, N. xuất cảnh ở sân bay Nội Bài đi thăm người nhà sống tại thành phố London (Anh), nhập cảnh vào London ngày 16/2.
Đến 18/2, bệnh nhân du lịch sang thành phố Milan, vùng Lombardy (Italy). Ngày 20/2, nữ bệnh nhân quay lại London. Ngày 25/2, cô đi du lịch một ngày sang thành phố Paris (Pháp) và gặp chị gái (người được xác định bị nhiễm Covid-19), sau đó quay lại London ngày 26/2.
Ngày 29/2, bệnh nhân này có biểu hiện ho nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3, triệu chứng đau mỏi người xuất hiện. Trong ngày này, bệnh nhân đáp chuyến bay VN0054 của hãng hàng không Vietnam Airlines về nước, đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3. Thời điểm này bệnh nhân không sốt.
MẠNH ĐOÀN
Theo vtc.vn
Vụ cô gái đi châu Âu về nhiễm nCoV: Đã cách ly những người tiếp xúc gần Liên quân đến trường hợp chị N.H.N. (26 tuổi, thường trú phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), là quản lý khách sạn dương tính nCoV khi đi du lịch châu Âu về, hiện TP.Hà Nội đã cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thông tin cụ thể về trường hợp này, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội...