Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 9
Sáng 28/12, Bộ Tổng tham mưu thông báo: trước những tổn thất nặng, Mỹ có thể kết thúc cuộc tập kích. Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị nối lại Hội nghị Paris để bàn việc ký kết. Tuy nhiên, ngày 28 Mỹ vẫn huy động trên 100 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá nhiều mục tiêu.
Kỳ 9: Những cánh bay cảm tử
Nhật ký Nguyễn Đức Soát, tối 28/12
Định ra chỉ huy cho bọn ở đại đội bay rút lên. Lân không bay, Dân ứng cử. Sau này phải sắp xếp cẩn thận, kẻo thì hết người đánh nhau.
Đêm nào bọn F.111 cũng đánh sân bay mình. Nó bay thấp, qua cửa hầm, nghe rất chối tai… Đường băng bị ba dải bom B-52 đã cơ bản chữa xong. Tuy thế chúng mình vẫn cất hạ cánh bằng đường lăn.
Lúc 11g trưa nay Kiền và Hùng xuất kích lên đánh bọn máy bay của hải quân. Họ cất cánh được ba phút đã gặp địch. Năm phút sau Hùng báo bắn cháy một chiếc. Sau đó chỉ có Kiền hạ cánh. Chúng đánh ngay ở phía nam Hà Nội – ngay trên quê mình. Do chỉ huy sở phán đoán địch muộn, dẫn vào…, lại ở giữa đội hình địch nên mỗi đứa quần với một tốp. Kiền không bắn được địch. Thoát ly xuống dưới mây về.
Chưa có tin gì về Hùng. Lo rằng nó đã hi sinh. Hôm xếp Kiền – Hùng mình đã đắn đo mãi. Kiền linh hoạt. Nó chưa bắn rơi máy bay song ai cũng tin ở khả năng phát triển của nó. Hùng bay chắc, thông minh. Trong số năm người chuyển loại từ Mig-17 lên, mình tin Hùng và Bồng hơn cả. Hôm xưa sau khi Quý nhảy dù, chính ủy và đoàn trưởng đã nhắc mình phải nắm chắc trình độ của từng người trong đơn vị.
Tướng Nguyễn Đức Soát và những hồi ức 12 ngày đêm không quên. Ông là một phi công Mig xuất sắc và đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ – Ảnh: Trần Việt Văn
Hùng là người đầu tiên trong lớp năm người hạ máy bay như thế cũng hay. Nhưng mình không nghĩ thêm được là hai anh chàng có thể cay cú vì cùng xốc nổi và hăng quá. Vừa gặp địch, Hùng đã lao vào ngay mà không kịp nhìn xung quanh.
Mỗi tổn thất về vũ khí, nhất là máu xương của đồng chí lúc này, mình đều phải chịu trách nhiệm rất nặng. Phải làm thế nào để mọi người cùng bắn rơi được máy bay Mỹ mà tổn thất ít nhất là vấn đề trọng tâm bắt mình suy nghĩ lúc này.
Video đang HOT
Hãy lăn lưng vào rút kinh nghiệm.
Hãy dẫn họ đi đánh mới được.
Hùng ơi! Mình sẽ trả thù cho Hùng!
Con trai phó thủ tướng: “Tôi không sợ…”.
Hoàng Tam Hùng là cậu em thông minh và dễ thương mà đại đội trưởng Nguyễn Đức Soát yêu quý. Ít ai biết đại đội anh hùng của Nguyễn Đức Soát, chàng phi công cao lớn xuất thân con nhà nông dân, tập hợp rất nhiều phi công trẻ con nhà “quý tộc”.
Họ là con cháu của nhiều vị lãnh đạo cấp cao. Phi công Hoàng Tam Hùng là con trai của Bí thư T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Hoàng Anh. Phi công Lê Thanh Quý là cháu ruột của ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Nghị, rồi con trai của ông Hoàng Quốc Việt, ông Nguyễn Duy Trinh đều xung phong vào bộ đội, làm phi công chiến đấu. Lê Thanh Quý suýt chết đêm 22, phải nhảy dù tránh quả tên lửa bắn ra từ bọn F4 chuyên “săn Mig”. Còn Hoàng Tam Hùng, ngày 28/12/1972, anh đã có một trận đánh mà những người lính bay gọi là “mẫu mực và cảm tử”.
Đại tá Bùi Xuân Cơ, lúc đó là đại đội trưởng đại đội thợ máy của trung đoàn không quân 927, vẫn rơm rớm nước mắt khi nhắc đến tên người phi công bay chiếc máy bay có số “đen” 5013 ngày hôm ấy: “Ai cũng sợ bay chiếc máy bay ấy, chuyên gia Liên Xô cũng sợ, nhưng Hùng vẫn bảo tôi: em chẳng sợ đâu, anh cứ chuẩn bị tốt cho em bay”.Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom (Kỳ 5)
Sáng ấy Hùng bay với anh Kiền. Địch đông quá, chỉ huy cho phép giải tán. Anh Kiền thoát ly nhanh theo lệnh, còn Hùng bị cả bầy nó vây. Hùng bắn rụng một chiếc RA 5C, bắn xong lại gặp nguyên bầy F4, cậu ấy bám đuôi và bắn cháy luôn một chiếc nữa. Tôi ngồi hầm chỉ huy (máy bay của tôi bay thì tôi bao giờ cũng ngồi hầm theo dõi anh em đánh) nghe rõ giọng cậu ấy hô: “Cháy rồi”. Nhưng cậu cũng trúng tên lửa của nó. Cậu ấy hi sinh anh dũng quá, mà trẻ măng, thư sinh, ngoan ngoãn. Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ cậu ấy là con ông phó thủ tướng”.
Huyền thoại Vũ Xuân Thiều
Ngày đau đớn nhất chưa hết với đại đội trưởng Nguyễn Đức Soát. Đêm ấy, anh mất tiếp người bạn thân nhất: trung đội trưởng trung đội bay đêm Vũ Xuân Thiều.
Đã có bao nhiêu sách báo ca ngợi chiến công đêm hôm ấy của người phi công cảm tử. Nhưng chỉ gặp lại những người bay của ngày ấy mới hiểu họ yêu mến, khâm phục và tự hào về anh đến nhường nào
Sáng 28/12, Bộ Tổng tham mưu thông báo: trước những tổn thất nặng, Mỹ có thể kết thúc cuộc tập kích. Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị nối lại Hội nghị Paris để bàn việc ký kết.
Tuy nhiên, ngày 28 Mỹ vẫn huy động trên 100 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu: tổng kho Văn Điển, ga Giáp Bát, Nhà máy dệt 8-3, cảng Vĩnh Tuy, cầu Đuống, các trận địa tên lửa ở Chèm, Đại Đồng (Hà Nội), một số mục tiêu ở Thường Tín, Thanh Mai, Chúc Sơn, Gốt, Mỹ Đức, Miếu Môn (Hà Tây), Chợ Bến (Hòa Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phú)…
Ông Vũ Xuân Đãi, thợ máy là người bảo đảm bay cho Vũ Xuân Thiều. Buổi tối hôm ấy đã báo động hai lần và đều thủ tiêu báo động, không cất cánh. Lần thứ ba lúc 20g, kíp thợ máy nhớ như in câu nói của chàng phi công Vũ Xuân Thiều khi ngồi vào buồng lái: “Bây giờ quá tam ba bận, mặt đất có cho tôi cất cánh hay không tôi cũng cất cánh, không thể chần chừ được nữa”. Thiều xin cất cánh ba lần mới được lệnh đồng ý. 30 rồi 40 phút im lặng, hơn một tiếng sau, đồng đội anh nhận tin máy bay B-52 rơi ở Sơn La. Và anh cũng hi sinh.
Tướng Trần Hanh – lúc đó là phó tư lệnh Quân chủng không quân, trực tiếp chỉ huy trận đánh đặc biệt của Vũ Xuân Thiều. Ông kể về trận đánh này “là thứ bao nhiêu không nhớ, tôi thuộc lòng từng chi tiết vì không thể quên được, và vì tôi đã nhắc lại rất nhiều lần”: “Thiều được đưa đến sân bay bí mật ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, vì các sân bay của ta đều đã bị đánh bom tan nát. Khi bọn F4 xuất hiện dày đặc để quét Mig thì chúng tôi cho Thiều cất cánh”.
Phương án đã vạch ra là bay thấp hơn mục tiêu 150-200m và chỉ có một khẩu lệnh cực ngắn. Thiều bay một mình lên Sơn La. Dẫn bay là đài Mộc Châu, thuộc trung đoàn 292. Radar của ta đã quen quy luật nhiễu của B-52, bắt rất tuyệt vời. Khi toàn bộ đội hình B-52 xuất hiện trên màn hình, mới có lệnh cho Thiều kéo lên. Thiều đã phát hiện thấy B-52. Đội hình địch dày đặc, bay sít vào nhau. Chỉ huy nhắc: “Mây đen ba cây, hai cây rưỡi, uống cả hai chai (tức bắn luôn hai tên lửa). Thoát ly về phía đông nam!”.
Sau khi bắn cả hai quả, không thấy Thiều báo cáo gì. Có khả năng anh ấy ham quá, sợ không chắc ăn nên bắn gần. Trong các phương án, không có phương án cho máy bay lao cảm tử vào B-52, nhưng chúng tôi biết cánh phi công trẻ vẫn ngầm quyết tâm với nhau như thế. Hôm sau, đã chắc chắn máy bay địch rơi, và Thiều bặt tin. Anh ấy đã hi sinh sau khi cảm tử hạ B-52
…Nguyễn Đức Soát không biết hút thuốc lá. Đêm ấy anh đang nằm ở giường trong hầm trực chiến. Chiến sĩ liên lạc vào bảo trung đoàn trưởng (Nguyễn Hồng Nhị) gọi ra hầm sở chỉ huy. Mặc quần áo đi ra, có ôtô chờ ở chân hầm, ra đến nơi thì Thiều cất cánh rồi, đã mất liên lạc. Hai anh em mở lại băng ghi âm để nghe dẫn đường tả lại nơi mà Thiều chiến đấu. Trời rét, cả hai mặc áo bông, thủ trưởng Nhị để lên bàn hộp thuốc, Soát hút một hơi ho sặc sụa… Ngồi đến 5g sáng, không ai nói với ai câu gì. Sau đó Nguyễn Hồng Nhị bảo cấp dưới đi về để triển khai đánh tiếp ngày hôm nay. Nguyễn Đức Soát hút thuốc lá từ đêm 28. Chỉ trong một ngày đêm đại đội anh mất một lúc hai máy bay, hai phi công cảm tử.
Theo 24h
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 8
Tin thằng Tuân đêm qua bắn rơi một chiếc B-52 như một làn sóng vui sà đến đâu làm mọi người phấn chấn đến đấy. Mấy cô chị nuôi cũng bảo: có cả công của chúng em.
Kỳ 8 : Đêm của Phạm Tuân
Các đồng chí cán bộ bảo: bước đầu ta đã trả được món nợ với Trung ương Đảng. Nhớ hôm Thủ tướng đến thăm quân chủng, Thủ tướng bảo: tôi đến, thay mặt BCT, khen ngợi và cảm ơn các đồng chí. Các đồng chí đánh tốt lắm. Khi biết không quân đánh có khó khăn, Thủ tướng bảo: Mong các đồng chí bắn rơi dù chỉ một chiếc B-52 cũng tốt. Hơn lúc nào hết, bây giờ ta rất cần chiến thắng.
Từ dạo mình về đây (đã gần năm năm) năm nào ta cũng lùng B-52 để đánh. Các sân bay Đồng Hới, Vinh, Anh Sơn phải sửa mấy chục lần để máy bay ta cất cánh đi đánh. Nhiều đồng chí hi sinh vì việc này.
Trong chiến tranh, những bất ngờ thường vượt quá trí tưởng tượng của con người. Đến sáng nay, 31 chiếc B-52 đã bỏ mạng. Mà 30 chiếc lại do tên lửa bắn rơi.
Chiếc của Tuân bắn rơi ngay ở gần Phú Thọ. Nó phát hiện bằng mắt vì bọn B-52 phải bật đèn để lũ F.4 bay theo yểm hộ. Rađa thông báo cự ly đến mục tiêu. Bọn F.4 nhìn theo luồng lửa của chiếc MIG tăng lực bắn với theo. Nhưng không kịp rồi. Cả khối sắt thép nặng đến 220 tấn ấy đã cháy bùng và cắm xuống miền núi phía tây của Tổ quốc (?) bởi hai quả tên lửa nhiệt P-3C chỉ nặng 160kg.
Cảm ơn Tuân vô cùng. Mày đã nhấc hộ bọn tao gánh nặng mà lịch sử sẽ mãi mãi treo lên đầu cả lũ lái máy bay tiêm kích.
(Trích Nhật ký Nguyễn Đức Soát)
Phi công Phạm Tuân năm 1972 - Ảnh: LÊ MINH HUỆ
Phạm Tuân hạ B-52 thế nào?
Khoảng 4-5 giờ chiều 27, tôi cất cánh lên trực tại sân bay Yên Bái. Trước đó, đêm nào địch cũng đánh bom sân bay Yên Bái nhưng đêm 27 không biết vì sao mà nó không đánh, chỉ thấy thỉnh thoảng F-4 vù qua đầu. Khoảng 21h, tôi được lệnh mở máy xuất kích.
Trên ra lệnh là cơ động tránh F mà đi, sau đó thông báo là B-52 cách 200 cây, 150 cây rồi 100 cây. Máy bay MIG-21 cứ một phút là 40, 50 cây nên cách 200 cây thì chỉ mấy phút là tôi tiếp cận mục tiêu. Đến độ cao khoảng 6 cây, tôi xin phép ném thùng dầu phụ và kéo lên cao.
Chiếc MIG-21 mang số hiệu 5121, do Phạm Tuân lái, đã bắn rơi pháo đài bay B-52 đêm 27/12/1972. Chiếc máy bay này vừa được công nhận là một trong những báu vật quốc gia - Ảnh tư liệu
Sáng 27/12, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, chia sẻ với nhân dân đang khắc phục hậu quả ở Khâm Thiên. Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đến thăm Bệnh viện Bạch Mai và khu lao động An Dương.
Từ 13h30 ngày 27/12, Mỹ vẫn tiếp tục cho trên 50 lần chiếc máy bay chiến thuật vào Hà Nội và Hải Phòng.
Đêm 27/12, phi công Phạm Tuân bắn rơi một máy bay B-52 trên vùng trời tỉnh Sơn La. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi kể từ đầu chiến dịch.
Chỉ tính riêng ngày và đêm 27/12 có 13 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có năm chiếc B-52 (hai chiếc B-52 rơi tại chỗ). Trong hai chiếc B-52 bị hạ tại chỗ thì một chiếc rơi trên đường Hoàng Hoa Thám và hồ Hữu Tiệp. Đây là chiếc B-52 duy nhất bị bắn rơi tại chỗ khi nó chưa kịp cắt bom.
Đang vòng thì tôi phát hiện thấy một tốp B-52, hai dãy đèn. Tôi nói: "Phát hiện hai chiếc". Ở dưới nói: "Phía trước 10 cây", tôi nói: "Nghe tốt", và tôi bắt đầu bám vào sau B-52. Ba sở chỉ huy chính ở Hà Nội, Thọ Xuân, Mộc Châu và một đài phụ trợ nữa ở Yên Phong đều thông báo là mục tiêu phía trước. Số hiệu của tôi là 361, thế là cứ thay nhau: "361, mục tiêu đằng trước mấy cây"...
Về sau anh Trần Hanh phải nói tất cả các sở chỉ huy dừng không liên lạc, để sở chỉ huy quân chủng dẫn dắt. Lúc đó tôi cách địch khoảng 8-9 cây. Lần đầu tiên phi công chúng ta tiếp cận trong điều kiện như vậy nên các anh nhắc: nào là bật tên lửa ở vị trí hai quả, rồi thì mở nút phóng tên lửa quan sát...
Đến cự ly khoảng 4-5 cây, sở chỉ huy lại tiếp tục nhắc, tôi nói: "Các anh cứ yên trí, tôi nhất quyết bắn rơi máy bay". Sau các anh mới thôi, không nói nữa. Sau, tôi thấy hô: "4 cây", anh Hanh lệnh: "361 bắn, thoát ly bên trái".
Tôi trông thấy nó còn xa xa đèn chưa rõ lắm, nên bảo là chờ tí. Khẩu lệnh thứ hai, anh Hanh lại hạ lệnh: "Bắn, thoát ly ngay bên trái". Ông ấy sợ mình ham quá đâm vào nó. Tôi bảo chờ tí. Đến khẩu lệnh thứ ba: "361 bắn, thoát ly ngay".
Thế thì tôi mới kéo máy bay lên, chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt rồi, tôi phóng hai quả tên lửa, đạn bay ra, sáng lòe trước mặt. Lần đầu tiên mình bắn tên lửa ban đêm, thấy một vạch đi trước, quả thứ hai lao vút đi sau, tạo thành một đường sáng rực.
Tôi kéo máy bay và lật ngửa lại thì nhìn thấy nó nổ, điểm nổ rất to trước mặt, nhưng đồng thời lúc bấy giờ cũng là lúc máy bay tôi vượt qua điểm nổ, tốc độ một nghìn tư. Tôi nói: "Cháy rồi".
Đến sáng thì được quân chủng thông báo là đã xác định bắn rơi một B-52 và đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi điện khen Không quân nhân dân Việt Nam. Tôi chính thức được công nhận bắn rơi chiếc B-52 trận đêm 27/12/1972.
Thiếu đạn, tên lửa vẫn hạ B-52 rơi ngay trên phố Hà Nội
Tuy đã huy động tất cả các tiểu đoàn lắp ráp tên lửa hoạt động 24/24 giờ, và điều động đạn trong kho dự trữ ở Lạng Sơn về các trận địa bảo vệ bầu trời thủ đô, đạn cho tên lửa vẫn là vũ khí chiến lược mà các chỉ huy đơn vị được lệnh phải dè sẻn để đặc trị B-52.
Thêm vào đó, trong suốt 12 ngày đêm, máy bay Mỹ đã 45 lần ném bom trúng các trận địa tên lửa, 53 lần họ phóng tên lửa trúng các đài điều khiển rađa, đài rađa dẫn đường cho không quân VN. Tuy vậy, những người lính phòng không VN vẫn đứng vững và cứ B-52 xuất hiện là họ lại bắn hạ, hằng đêm.
Đến ngày 27, tiểu đoàn tên lửa 72, trung đoàn 363 đóng ở Bắc Ninh chỉ còn ba quả đạn. Tối hôm ấy, cấp trên báo B-52 lại tiếp tục đánh Hà Nội. Chập tối, hàng bầy F111, F105 đã đánh dọn đường, tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt đã phải ra lệnh cho anh em không đánh F, để dành tên lửa đánh B-52. Lúc B-52 vào, 3 trắc thủ bám chính xác một mục tiêu, sĩ quan điều khiển phóng kịp thời, hai quả lao lên đón trúng B-52. Chiếc pháo đài bay khổng lồ cháy ngay trên bầu trời Hà Nội và lao xuống Ba Đình, thân rơi xuống hồ Hữu Tiệp, đuôi cánh rải rác trên đường Hoàng Hoa Thám, vườn Bách Thảo.
Chiến công này còn có ý nghĩa to lớn ở chỗ: đây là lần đầu tiên ta bắn rơi một chiếc B-52 khi nó chưa kịp cắt bom.Và B-52 rơi ngay trên đường phố Hà Nội, cùng với một tổ lái sáu người bị bắt sống. Nhân dân Hà Nội tận mắt chứng kiến mảnh xác máy bay rơi, tận mắt nhìn thấy phi công Mỹ bị bắt sống đi trên đường phố. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuống làng Ngọc Hà ngay sáng 28/12 và không kìm được lời khen ngợi: "Đây là trận đánh đặc biệt xuất sắc của bộ đội tên lửa".
(Còn nữa)
Theo 24h
Hà Nội dưới mưa bom: Ngày ác liệt nhất Kỳ 7 Chẳng có gì diễn tả chính xác hơn tương quan lực lượng cũng như sức tàn phá của bom B-52 vào một trong những khu phố buôn bán sầm uất nhất và cũng đông dân lao động nhất Hà Nội như những vần thơ của nhà thơ Chính Hữu. Đêm 26/12, trong một cố gắng tuyệt vọng, Nixon đã ra lệnh ném bom...