Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 3
Người Mỹ chắc nằm mơ cũng không thể hình dung nổi sau một đêm chịu ba lượt B-52 rải thảm liên tục mà ngay rạng sáng hôm sau, tướng Giáp vẫn nghĩ đến việc tiếp tục vận chuyển vũ khí, lương thực vào Nam.
Mới 7h tối, bọn Mỹ lại vào. Đêm qua chúng đánh ba đợt lớn B-52. Tiếng súng tiếng bom suốt đêm không ngớt. Ta bắn rơi năm máy bay Mỹ, có ba B-52. Một chiếc rơi ở ngay Phủ Lỗ, ba giặc lái bị tóm gọn.
Sáng sớm hôm nay khi mình vừa thông báo có lệnh đi cơ động, mọi người trong đại đội đến xin đi. Sâm dẫn thằng Bồng, Kiên, Hùng xuống Gia Lâm.
Mình tổ chức cho bộ đội bàn kỹ phương án đánh B-52 ban ngày. Chúng mình quyết tâm, đã gặp nó thế nào cũng bắn rơi. Nhiều đứa nói nếu hai phát tên lửa mà nó chưa chịu rơi tại chỗ thì còn phát tên lửa thứ ba nữa: đó là chiếc máy bay thân yêu và cả một trái tim nóng bỏng căm thù!
Sau khi hội ý với anh Năng, mình để đại đội vào ngủ trong hầm trong, sau cửa sắt. Ngủ thế này tuy ngạt nhưng chắc chắn. Lực lượng chiến đấu chủ yếu của những trung đoàn chỉ có đại đội mình thôi.
(Trích nhật ký phi công Nguyễn Đức Soát)
“Địch đánh ta vẫn đi” vào Nam
Rạng sáng 19, sau khi máy bay rơi thì Quân ủy trung ương họp ngay. Cuộc họp, diễn ra tại tổng hành dinh trong Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, xác định ba nhiệm vụ lớn: tập trung tiêu diệt máy bay B-52, tăng cường phòng không nhân dân; phải ra lệnh cho các cơ quan xí nghiệp, chính quyền phường… đưa đồng bào đi sơ tán hết. Nhiệm vụ thứ ba là vẫn phải đảm bảo “địch đánh ta vẫn đi”, vẫn tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam. Tận dụng thời cơ Mỹ tập trung lực lượng vào Hà Nội, Hải Phòng để tăng cường vận tải quân sự từ Hàm Rồng vào Vĩnh Linh. Ôtô, tàu hỏa, xe đạp… mọi phương tiện đều được huy động để tham gia vận tải, chi viện cho miền Nam.
Phố Khâm Thiên tan hoang sau trận bom Mỹ (Ảnh tư liệu Mai Kỳ chụp lại)
Video đang HOT
Người Mỹ chắc nằm mơ cũng không thể hình dung nổi sau một đêm chịu ba lượt B-52 rải thảm liên tục mà ngay rạng sáng hôm sau, tướng Giáp vẫn nghĩ đến việc tiếp tục vận chuyển vũ khí, lương thực vào Nam.
Từ 11h30 ngày 19 đến 5h20 sáng 20/12: máy bay Mỹ đã đánh phá dữ dội nhiều khu vực ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Các lực lượng tên lửa Hà Nội bắn rơi hai chiếc B-52, không chiếc nào rơi tại chỗ, tên lửa và pháo cao xạ Hải Phòng bắn rơi bốn máy bay chiến thuật (có một chiếc A7 rơi tại chỗ), pháo cao xạ phía bắc đường số 1 bắn rơi một chiếc F-4.
Từ 12h20 ngày 20/12 đến 5h40 sáng 21/12: máy bay Mỹ giội bom các sân bay và đánh phá mở rộng sang Bắc Giang, Thái Nguyên. Không quân VN xuất kích đánh B-52, khống chế đội hình máy bay chiến thuật bảo vệ B-52, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tên lửa ta phát hiện B-52 dễ dàng hơn. Kết quả: 16 máy bay Mỹ trong đó bảy máy bay B-52 bị hạ (năm chiếc B-52 rơi tại chỗ). Pháo cao xạ bắn rơi bốn máy bay chiến thuật. Lực lượng dân quân, tự vệ bắn rơi năm máy bay Mỹ bay thấp, trong đó có một chiếc F-111.
Ông Lê Quang Thừa, trợ lý khí tài điều khiển, phòng kỹ thuật tên lửa, Cục Kỹ thuật, cho biết những con số mà 40 năm trước người Mỹ hẳn không tưởng tượng nổi: “Trước khi vào chiến dịch, lực lượng dự trữ của ta rất mỏng. Bao nhiêu khí tài mới dồn cho chiến trường miền Nam. Ngoài một số khí tài đang sửa chữa, trong kho chỉ còn 2,5 bộ ăngten. Lực lượng kỹ thuật cũng đưa vào phía Nam hết. Về đạn tên lửa, ta còn 1.090 quả đạn tốt trong số hơn 1.450 quả, trữ ở kho quân chủng và các đơn vị tên lửa. Đúng thời gian ấy, chúng tôi được lệnh đưa vào chiến trường 500 quả đạn, nhưng đưa được 410 quả thì dừng lại. Thế là đạn ở ngoài Bắc còn có hơn 600 quả”.
… Chỉ trong hai đêm 18 và 19/12, các đơn vị tên lửa ở Hà Nội và Hải Phòng đã bắn trên 100 quả đạn. Ông Nguyễn Văn Ninh, trợ lý tên lửa, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, cho biết: Bộ Tổng tham mưu và tư lệnh Quân chủng phòng không – không quân đã ra lệnh cho Cục Kỹ thuật quân chủng tăng cường thêm dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa và chỉ huy điều hành tiếp đạn cho các đơn vị hỏa lực. Các tiểu đoàn tên lửa bắt đầu bắn tiết kiệm đạn, chỉ dùng đạn để bắn B-52.
Chiều 19, tại Câu lạc bộ Quốc tế (phố Lê Hồng Phong), Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo công bố tin chiến thắng. Đông đảo nhà báo trong nước và quốc tế đã tham dự. Những phi công B-52 bị bắt được đưa ra trình diện tại cuộc họp này.
Ngày và đêm 20: B-52 liên tiếp… rụng!
20/12/1972
Bọn Mỹ đã đánh một đợt đêm nay rồi. Chúng đánh hầu hết các mục tiêu quanh Hà Nội: Yên Viên, Đông Anh, Gia Lâm, Chàm, Phà Đen. Nhà ga máy bay Gia Lâm bị cháy đêm đầu. Ta bị cháy 1 chiếc UV-18, 2 AH-24 và 2 MU-4. Sốt ruột quá! Bao nhiêu là hàng hóa của ta bị phá! Và hơn thế, cuộc sống ấm cúng của bao gia đình bị nát tan.
Ngày mai mình sẽ trực. Đường băng chính hỏng nặng. Đường lăn đã chữa xong. Ước muốn lớn nhất của mình lúc này: được trả thù.
Mình nguyện đã gặp B-52 sẽ không để nó về được Utapao hay Guam!
(Trích nhật ký phi công Nguyễn Đức Soát)
Khi quyết định cho B-52 ném bom Hà Nội, Nixon và các chiến lược gia của ông ta đã tính toán chắc chắn là Hà Nội chỉ chịu đựng được ba ngày. Họ tính toán: tên lửa SAM-2 mà Liên Xô viện trợ chỉ đủ dùng cho ba ngày. Súng cao xạ thì không với tới tầm bay của B-52, còn Mig 21 thì khó lòng vượt qua được hàng rào bảo vệ của hàng trăm chiếc máy bay tiêm kích.
Nhưng đến đêm thứ ba, lưới lửa phòng không Hà Nội vẫn sáng rực và pháo đài bay B-52 rớt như sung rụng: bảy chiếc lần lượt bị bắn hạ.
Bắn rơi B-52 bằng tên lửa quá hạn
Hai đêm đầu, các đơn vị tên lửa dốc gần hết vốn ra (mỗi đêm bắn 50 quả) mà chỉ rơi năm chiếc, tỉ lệ bắn trúng là 1/20. Nhà nghèo không chơi sang như vậy được. Tư lệnh Nguyễn Văn Tri và chính ủy Hoàng Phương, phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu hết sức lo lắng. Các ông chỉ đạo cho Cục Kỹ thuật và Bộ tham mưu phải tập trung giải quyết chuyện đạn cho bộ đội tên lửa, cũng như thay đổi cách đánh.
Ông Phan Thái, cục phó Cục Kỹ thuật, cho biết: “Kho của quân chủng lúc đó chỉ còn 50 quả đạn dự trữ. Tôi đề nghị anh Lương Hữu Sắt (chủ nhiệm kỹ thuật quân chủng) chuyển ngay 50 quả này xuống các tiểu đoàn đang thiếu đạn. Nhưng cũng chả thấm vào đâu so với nhu cầu. Tự nhiên tôi nhớ ra 200 quả đạn mà các chuyên gia Liên Xô bảo là quá hạn, không sử dụng được nữa đang nằm trên các công trường sửa chữa đạn của quân chủng. Lính ta có khả năng tận dụng vũ khí giỏi lắm. Tôi nghĩ phải biết cách sử dụng các quả đạn này. Xuống bãi đạn xưởng A31, còn 20 quả đạn, anh em đã rút hết nhiên liệu lỏng ra. Kiểm tra độ mòn vỏ đạn vẫn tốt. Tôi bảo anh em: “Tẩy rửa đi, nạp nhiên liệu mới vào, bắn được!”.
50 quả đạn như thế nữa đã được khẩn trương chuẩn bị ngay trong ngày 20. Ông Thái đã trực tiếp áp tải bốn chiếc xe TZM chở bốn quả tên lửa quá hạn “vừa ra lò” xuống tiểu đoàn 57, lúc này đang bị “trắng bệ”. Rạng sáng 21/12, bằng hai quả tên lửa quá hạn, tiểu đoàn 57 đã bắn rơi hai chiếc B-52 chỉ trong vòng 10 phút.
(Còn nữa)
Theo 24h
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 2
Đêm 18 rạng sáng 19/12/1972 là một đêm trăng mờ, còn hai đêm nữa là đến rằm. Dù đã chuẩn bị tất cả cho cuộc chiến và sẵn sàng hi sinh cho chiến thắng vì danh dự và lòng tự hào dân tộc, nhưng người lính vẫn không khỏi hồi hộp và đau xót.
Đêm day dứt của Phạm Tuân
Anh hùng Phạm Tuân, lúc đó 25 tuổi, là phi công Mig-21 bay đêm. Ông nhớ lại:
"... Đêm 18/12, tôi trực chiến đấu ở sân bay Đa Phúc (Nội Bài bây giờ). Hơn 19h thì có lệnh báo động, tôi nhảy vào buồng lái. Đêm ấy có trăng, nhìn qua lớp mây mỏng tôi thấy bóng một chiếc máy bay bay thấp. Tôi hỏi đài chỉ huy: Máy bay nào bay vào? Chưa nghe thấy trả lời thì bom đã nổ ngay trước mặt. Tôi nói: "Địch đánh sân bay rồi! Bom nổ ngay trên đường băng!".
Bài liên quan:
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom (Kỳ 1)
Tôi được lệnh cất cánh. Dưới đất pháo cao xạ quanh sân bay bắn lên mù mịt. Tôi kéo luôn độ cao, bay qua Hà Nội luôn (trước đây không bao giờ được phép làm thế vì Hà Nội là vùng cấm không quân bay), rồi sang Hòa Bình.
Chỉ huy báo B-52 vào đến Hòa Bình rồi nên tôi được phép vứt thùng dầu phụ, kéo độ cao. Bay qua Hòa Bình thì phát hiện được một tốp B-52. Lần đầu tiên thấy B-52 bật đèn, xung quanh cả bầy F4 cũng bật đèn. Đông quá, chúng phải nhận nhau qua tín hiệu đèn. Sở chỉ huy cho phép công kích. Tôi kéo cao lên nữa và bật radar. Phát hiện sóng radar của máy bay ta, chúng gây nhiễu rồi tắt đèn luôn. Tôi không nhìn thấy gì nữa. Đài chỉ huy cứ thông báo địch bên phải, địch bên trái... Cả đàn F4 quần nhau với tôi cho đến khi đồng hồ báo sắp hết dầu, tôi phải bay về Đa Phúc hạ cánh.
Cả bầu trời Hà Nội lúc ấy sáng rực lên vì tên lửa và cao xạ bắn B-52. Khi tôi về đến Đa Phúc thì cũng là lúc chiếc B-52 đầu tiên rơi xuống Phù Lỗ, cháy ngùn ngụt. Tôi lượn thêm một vòng, dầu hết... Tôi bắt buộc phải hạ cánh tự động xuống Đa Phúc không đèn chiếu. Vừa tiếp đất đầu đường băng thì nhảy luôn vào hố bom, rầm một cái, máy bay nâng lên rồi nghiêng, lật, cuối cùng lộn đầu xuống đất, đuôi chổng lên. Tôi đập buồng lái chui ra. Máy bay đã hỏng hết. Xung quanh bom vẫn nổ. Anh em cầm loa gọi tên tôi: "Tuân ơi, ở đâu?".
Trong trận đầu đánh B-52, phi công Mig-21 chúng tôi - "quả đấm thép", đã không đánh được. Cứ đòi đi đánh ngày mãi, đến lúc nó vào, đúng sở trường đánh đêm thì không đánh được. Chúng tôi cực kỳ căng thẳng và day dứt...".
Tên lửa Sam-2 (Ảnh tư liệu)
"Tôi lấy tính mạng tôi bảo đảm với Tổ quốc!"
Ông Vũ Xuân Vinh, lúc ấy 49 tuổi, tham mưu phó Quân chủng phòng không - không quân, kể lại:
"... Quân chủng phòng không - không quân được lệnh sẵn sàng chiến đấu từ ngày 17/12. Ngày 18/12 tôi trực chỉ huy cùng với anh Nguyễn Quang Bích, tư lệnh phó quân chủng. Hơn 10h sáng, hai chiếc máy bay không người lái vào trinh sát Hà Nội, sau đó là một chiếc RF-4C vào trinh sát khí tượng. Rõ ràng Mỹ chuẩn bị đánh lớn. Anh Bích và tôi nhận định: phải 7 tiếng sau nó mới hành động, tức là khoảng 6h tối. Chắc chắn nó đánh Hà Nội.
Tôi phát lệnh toàn quân chủng: 17h sẵn sàng chiến đấu cấp 1. 18h30, tổng trạm radar báo đã thu được nhiễu B-52. Sau đó thông báo từ đại đội 45, trung đoàn 291: "B-52 đang trên đường bay hướng Hà Nội". Tôi phải hỏi lại: "Các đồng chí có chắc chắn không? Các đồng chí phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình". Đầu dây bên kia khẳng định chắc chắn".
Nhưng "đầu dây bên kia" là ai? Đó chính là đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, nay đã thành đại đức Thích Chánh Tuệ. Đại đức đang chủ trì xây dựng một thiền viện trên Sa Pa, không còn muốn nói nhiều về chuyện trần thế. Nhưng đại đức - đại đội trưởng năm ấy - không giấu được xúc động khi nhớ lại những khoảnh khắc khó quên của một đời người:
"Tôi còn nhớ chính xác là 18h37, đài P12 báo nhiễu. Mà nhiễu nặng lắm, trắng xóa màn hình. Tôi linh tính: B-52 rồi, quyết định cho mở P35 luôn. P35 là máy hiện đại nhất mà ta có lúc bấy giờ, do Liên Xô viện trợ. Quy trình là mở P35 phải báo cáo và chờ lệnh từ trung đoàn, mất 7 phút, thế thì B-52 vào đến đâu mất rồi. Nhờ vậy, chỉ 2 phút sau, P35 đã thông báo có máy bay B-52 xuất hiện. Tôi báo cáo chỉ huy sở tốp đầu tiên. Tổng cộng chín tốp B-52, mỗi tốp ba chiếc. 27 chiếc B-52 đánh vào Hà Nội". Tôi cho đánh chín lần tín hiệu "ba chiếc B-52 đánh vào Hà Nội". Chỉ huy quân chủng gọi điện thẳng cho tôi: "Anh bảo B-52 đánh vào Hà Nội? Anh chịu trách nhiệm thế nào với trung ương? Bộ Chính trị? Nhà nước?". Tôi vẫn khẳng định B-52 sẽ đánh vào Hà Nội. Ông ấy lại gọi lần nữa: "Anh xác định lại đi". Tôi nói dứt khoát: "Tôi đảm bảo với đồng chí là tin B-52 đánh vào Hà Nội là chính xác.Tôi lấy tính mạng tôi ra đảm bảo với Tổ quốc".
Lúc ấy tôi đang ở trận địa Đồi Si, Đô Lương, Tây Nghệ An, cách Hà Nội những 400km. Về sau tôi biết là trinh sát radar của chúng tôi đã giúp Hà Nội báo động sớm được gần 30 phút. 30 phút quý giá của chiến tranh. Chúng tôi đã không để Tổ quốc bị bất ngờ".
Khi SAM-2 lên tiếng
Đại đội trưởng Dương Văn Thuận, sĩ quan điều khiển tên lửa SAM, tiểu đoàn 59, trung đoàn 261, sư đoàn 361 đóng ở Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, vẫn còn nhớ:
"... Đêm đó, trận đầu, lúc 8 giờ tối, đại đội tôi đã bắn ba quả tên lửa nhưng không rơi máy bay nào. Trận thứ hai được lệnh tiêu diệt tốp B-52 bay sau. Khi xác định chính xác dải nhiễu, mở đồng bộ sẵn sàng thì bom nổ ngay trên trận địa, đất đá rào rào. Khi máy bay vào gần đến cự ly phóng tên lửa thì tự nhiên tôi rét run. Ấn nút phóng, mất 2 giây tên lửa mới rời khỏi bệ, lúc đó mới hết run. Rồi quả thứ hai, quả thứ ba, mỗi quả cách nhau 6 giây. Không nhìn thấy mục tiêu trong đêm, phải hô bằng miệng để báo cự ly tên lửa. Đến cự ly 22km, chưa bao giờ họ thấy một điểm nổ đặc biệt như vậy: cùng lúc ở xe điều khiển, màn theo dõi của ba trắc thủ và màn của sĩ quan điều khiển mất hẳn dải nhiễu. Trắc thủ Nguyễn Trí Quang hô rất to: "Máy bay cháy rồi, cháy to lắm". Khoảng 1 tiếng sau, cấp trên thông báo mới biết chính xác là B-52 rơi. Chúng tôi cũng không hề biết đó là chiếc B-52 đầu tiên bị hạ trên bầu trời Hà Nội".
Đêm hôm đó, theo trung tướng Vũ Xuân Vinh nhớ lại: "Những tốp B-52 đầu tiên vào, trung đoàn 257 phóng tên lửa đầu tiên, không kết quả. Liên tiếp phóng 39 quả tên lửa đều không trúng B-52. Không khí căng thẳng. Chính ủy Trần Phương và phó chính ủy quân chủng đều điện xuống từng trung đoàn, động viên anh em: phải cố gắng bắn rơi B-52". 20h13, tiểu đoàn 59 mới bắn rơi chiếc đầu. Tư lệnh Phùng Thế Tài ra lệnh phải sang Đông Anh xác minh ngay. Chính xác! 4h sáng 19/12, tiểu đoàn 77 tại Chèm bắn rơi chiếc B-52 thứ hai. Chúng tôi ôm nhau, cười ra nước mắt"...
Từ 19h40 tối 18 đến 5h30 sáng 19/12: máy bay Mỹ đã tấn công các sân bay ở Hà Nội, Hải Phòng và phụ cận các trận địa phòng không, các khu công nghiệp, các chân hàng, kho tàng và khu dân cư, ga Giáp Bát, Đài Tiếng nói VN ở Mễ Trì, các nhà máy cơ khí và ximăng ở Hải Phòng...
Kết quả: tên lửa Hà Nội đã bắn rơi ba chiếc B-52, trong đó có hai chiếc B-52 rơi tại chỗ. Lực lượng pháo cao xạ và tự vệ Hà Nội bắn rơi ba máy bay chiến thuật, trong đó có hai máy bay F-111, pháo cao xạ Hải Phòng bắn rơi tại chỗ một chiếc A7 của hải quân Mỹ.
Theo 24h
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 1 Với mục đích ép Hà Nội chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều kiện của Mỹ, cách đây đúng 40 năm, vào đêm 18/12/1972, tổng thống Nixon ra lệnh mở màn chiến dịch Linebacker II với thời hạn ba ngày, nhằm vào các mục tiêu quanh Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng trên thực tế chiến dịch kéo dài đến 12...