Hạ nghị sĩ Mỹ: ASEAN cần có tiếng nói thống nhất về vấn đề Biển Đông
Hạ nghị sĩ Mỹ Ted Yoho bày tỏ quan ngại sâu sắc với những diễn biến hiện nay trên Biển Đông.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc trong tuần đã có cuộc gặp và trao đổi với Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ted Yoho, Thành viên cao cấp Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ. Hai bên đã trao đổi nhiều lĩnh vực hợp tác của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Đại sứ Hà Kim Ngọc và Hạ nghị sĩ Ted Yoho.
Đại sứ Hà Kim Ngọc và Hạ nghị sĩ Ted Yoho bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trên cả 9 trụ cột của quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có chính trị, ngoại giao, kinh tế – thương mại, an ninh – quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân… và mong muốn hai nước sẽ có nhiều hoạt động thiết thực và thành tựu mới để kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020.
Nhất trí với chia sẻ của Đại sứ Hà Kim Ngọc về những biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế – thương mại song phương, trong đó có những nỗ lực của Việt Nam cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ, chống vi phạm về nguồn gốc xuất xứ và trung chuyển hàng hóa, Hạ nghị sĩ Ted Yoho cho biết đang khuyến khích các doanh nghiệp Florida đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Hà Kim Ngọc gửi lời cảm ơn chân thành đến các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có cá nhân Hạ nghị sĩ Ted Yoho đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh, cấp ngân sách cho tẩy độc sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa.
Đại sứ Hà Kim Ngọc và Hạ nghị sĩ Yoho cũng đã trao đổi chân thành và cởi mở về vấn đề dân chủ nhân quyền và cho rằng, mọi khác biệt có thể được giải quyết thông qua đối thoại xây dựng, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị và luật pháp của nhau.
Video đang HOT
Về vấn đề Biển Đông, Hạ nghị sĩ Ted Yoho bày tỏ quan ngại sâu sắc với những diễn biến hiện nay trên Biển Đông khi phía Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Hạ nghị sĩ phản đối mạnh mẽ những hành động xâm phạm chủ quyền của quốc gia ven biển, thách thức luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Luật Biển UNCLOS 1982, quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông, sử dụng các thực thể đó triển khai các hoạt động, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực.
Hạ nghị sĩ Mỹ cho rằng, ASEAN cần có tiếng nói thống nhất trong vấn đề Biển Đông và yêu cầu các bên liên quan tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.
Hạ nghị sỹ Ted Yoho chúc Việt Nam thành công trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, ASEAN có tiếng nói thống nhất và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước đối tác, trong đó có Hoa Kỳ.
(Từ Washington)
Theo PHẠM HUÂN/VOV
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định thế nào?
Việt Nam là một quốc gia ven biển có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong Công ước về Luật Biển Quốc tế 1982.
Các khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định rõ ràng, đầy đủ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Vùng đặc quyền kinh tế
Điều 57 Luật Biển 1982 nêu rõ Vùng đặc quyền kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật Biển 1982 quy định:
Đối với các quốc gia ven biển: Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.
Các vùng biển của quốc gia theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. (Ảnh: tuyengiao.vn)
Đối với các quốc gia khác: Được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không; được tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế. Tuy nhiên, mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Thềm lục địa
Khoản 1 và khoản 5 Điều 76 của Luật biển năm 1982 có quy định về thềm lục địa, theo đó thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc tới giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn.
Tuy nhiên, bề rộng tối đa của Thềm lục địa tính theo bờ ngoài của rìa lục địa, không được vượt quá giới hạn 350 hải lý tính từ Đường cơ sở, hoặc không quá 100 hải lý bên ngoài đường thẳng sâu 2.500m. Như vậy Thềm lục địa cách đường cơ sở từ 200 đến tối đa là 350 hải lý tùy theo nền của lục địa.
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, các tài nguyên sinh vật như cá, tôm...) của mình. Vì đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó. Nghĩa là chỉ quốc gia ven biển mới có quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gì. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không được đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước phía trên, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác.
Khi tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở, quốc gia ven biển phải nộp một khoản đóng góp tiền hay hiện vật theo quy định của công ước. Quốc gia ven biển có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học. Mọi nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thỏa thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc đường cáp đó.
Như vậy đối với những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mọi hành động thăm dò và khai thác của quốc gia khác mà không được sự đồng ý và thỏa thuận của Việt Nam là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Mặc dù đã được quy định rõ ràng như vậy nhưng thời gian qua nhiều nước đang phớt lờ, không thực thi Công ước Luật biển năm 1982, vi phạm chủ quyền biển đảo, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đặc biệt, hành vi mới đây của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
(Tổng hợp)
SONG HY
Theo VTC
Đại sứ Hà Kim Ngọc làm việc với Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ Ngày 4/6, tại Nhà Việt Nam ở thủ đô Washington DC đã diễn ra buổi ăn tối làm việc giữa Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc và các lãnh đạo của Hội đồng quản trị Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ (ASTA), đứng đầu là Tổng Giám đốc Zane Kerby và Chủ tịch David R. Hershberger. Đại sứ Hà...