Hà Nam thực hiện các biện pháp hạn chế tập trung đông người
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Công văn số 1957/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Quét mã QR tại chốt kiểm soát chân cầu nút giao Vực Vòng thuộc địa phận phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Theo công văn này, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó dự báo. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã ghi nhận một số ca mắc COVID-19 về từ các vùng dịch; một số nơi người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, thực hiện chưa nghiệm các quy định phòng, chống dịch, nhất là yêu cầu “5K” của Bộ Y tế.
Do vậy, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của cấp ủy cùng cấp, chỉ đạo tuyên truyền, thực hiện các biện pháp hạn chế tập trung đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cụ thể là không tụ tập từ 20 người trở lên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, cơ sở y tế đặc thù, trường học và thực hiện nghiêm yêu cầu “5K”; hạn chế các hoạt động hội họp không cần thiết, các hội nghị, sự kiện buộc phải tổ chức thì không quá 20 người trong 1 phòng và phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch, trường hợp nhiều hơn 20 người phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền; khuyến khích các cơ quan, văn phòng, doanh nghiệp bố trí cho người lao động làm việc luân phiên, làm việc online và vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc.
Hà Nam tiếp tục đóng cửa, dừng đón khách tại Khu du lịch Tam Chúc, các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; tạm dừng hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn tỉnh; yêu cầu người dân tạm dừng tổ chức đám cưới, đám hỏi, các buổi tiệc liên hoan, gặp mặt tập trung đông người, hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu và phải thực hiện nghiêm yêu cầu “5K”; tiếp tục tạm dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn, quán nước, các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, cắt tóc, gội đầu, spa, làm đẹp trên địa bàn huyện Lý Nhân; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, xông hơi, massage, quán bar, phòng trà, trò chơi điện tử, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, các quán ăn, quán nước vỉa hè và ven các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Nhà hàng, quán ăn uống trong nhà được hoạt động nếu bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, nhất là “5K”, phải có vách ngăn, mảng chắn tại các quầy, bàn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động quy định, thực hiện các giải pháp bổ sung, nâng cao phù hợp mức độ nguy cơ dịch bệnh tại địa phương
Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp quản lý chặt chẽ người lao động ngoại tỉnh, có giải pháp giãn cách phù hợp tại khu vực hoạt động sản xuất, đặc biệt là khu vực ăn, nghỉ và yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm yêu cầu “5K”.
Đối với người lao động đến từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh tăng cường quản lý như: bố trí cho chuyên gia, người lao động tạm trú tại Hà Nam, không để người lao động đi về trong ngày; bố trí ăn, nghỉ tại doanh nghiệp nếu bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch hoặc tạm thời cho lao động nghỉ luân phiên.
Sở Y tế tập trung rà soát, tăng cường khả năng đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế; tham mưu kế hoạch phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả, kịp thời tham mưu kịch bản đáp ứng các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo các chỉ đạo mới.
Video đang HOT
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan tuyên truyền, báo chí và các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, tự giác tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, chính quyền các cấp nghiêm túc thực hiện, chịu trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh do chủ quan, lơ là, chậm trễ, vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.
Hà Nam: Lấy 920 mẫu bệnh phẩm liên quan đến các ca bệnh Covid-19
Tỉnh Hà Nam đã lấy được 920 mẫu bệnh phẩm, bao gồm các trường hợp có tiếp xúc với các ca bệnh Covid-19 và tất cả cán bộ, nhân viên nơi làm việc của 1 trường hợp nghi ngờ.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam, cho biết, đến trưa ngày 30/4 toàn tỉnh Hà Nam đã lấy được 920 mẫu bệnh phẩm, bao gồm các trường hợp có tiếp xúc với các ca bệnh Covid-19 liên quan đến ổ dịch xã Đạo Lý; toàn bộ 1.068 người của 320 hộ gia đình ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý và tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, là nơi có 1 trường hợp nghi ngờ và những trường hợp có nguy cơ khác.
Cán bộ CDC Hà Nam lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm SARS-Cov-2 (ảnh: CDC Hà Nam).
Hiện nay, CDC Hà Nam đã xét nghiệm được 165 mẫu. Để hoàn thành số lượng lớn mẫu xét nghiệm này trung tâm đã chuyển mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị hỗ trợ.
Đến trưa ngày 30/4, CDC Hà Nam đã xác định được hơn 300 trường hợp F1. Hiện tất cả các trường hợp F1 được phát hiện đều đã được cách ly tại trung tâm y tế các đơn vị: Bình Lục, Thanh Liêm, Duy Tiên và Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam.
Liên quan đến 2 ca dương tính và 1 ca nghi ngờ mới phát hiện sáng 30/4, cơ quan chức năng đã tạm thời cách ly các nhóm dân cư ở gần nhà 3 trường hợp này thuộc các xã: Bắc Lý, Chân Lý, Đức Lý, đều thuộc huyện Lý Nhân.
Việc khoanh vùng cách ly phong tỏa tại thôn Quan Nhân xã Đạo Lý phải đáp ứng được hai yêu cầu: một là "nội bất xuất, ngoại bất nhập", hai là phải dập dịch ngay tại chỗ trong địa bàn đang có dịch.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Nam vừa có quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 29/4, về việc thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, phạm vi vùng cách ly bao gồm toàn bộ thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, với tổng số 320 hộ tương ứng 1068 nhân khẩu. Việc tổ chức thực hiện cách ly y tế phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và an sinh xã hội trong vùng cách ly, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Thời gian cách ly là 28 ngày, kể từ 17h ngày 29/4.
Ninh Bình: Các F1, F2 liên quan ca bệnh Hà Nam đều âm tính với SARS-CoV-2
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, kết quả xét nghiệm các trường hợp F1 và F2 liên quan đến bệnh nhân 2899 tại Hà Nam đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Ngày 30/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh để rà soát các công việc đã triển khai và triển khai một số nhiệm vụ trong tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Hội nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình họp ngày 30/4.
Đến nay, Ninh Bình đã cách ly giám sát, theo dõi trên 300 trường hợp liên quan đến ca bệnh này.
Trong đó, có 1 trường hợp F1 tại xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn), 2 trường hợp F1 là vợ chồng tại Yên Mô và thành phố Tam Điệp (hiện đã trở lại Đà Nẵng từ ngày 25/4, được CDC thành phố Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm lần 1) đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.
Ngoài ra, trong tỉnh còn có 2 trường hợp tại huyện Kim Sơn và Yên Khánh ở cùng đợt cách ly với bệnh nhân F0 người Hà Nam, hiện được cách ly tại nhà và kết quả xét nghiệm lần 1 đã âm tính.
Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các khu, điểm du lịch.
Ngành Y tế Ninh Bình cũng giám sát phân loại được gần 70 trường hợp F2, đã lấy mẫu xét nghiệm cho một số trường hợp F2 và gần 150 trường hợp F3. Tất cả các trường hợp F1, F2, F3 đều được phân loại, cách ly y tế tại cơ sở y tế, cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú, được theo dõi, giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Tại hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 khẳng định, dịch bệnh trên thế giới hiện rất phức tạp, nguy hiểm, tại Việt Nam nguy cơ bùng phát dịch cũng rất cao, có thể xảy ra dịch ở bất cứ đâu, địa phương nào.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ninh Bình là tỉnh giáp ranh với Hà Nam - nơi đang có ổ dịch nguy hiểm, lại là địa phương có nhiều khu, điểm du lịch, thu hút nhiều người dân đến tham quan, chiêm bái, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao... Do đó, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 cần được quan tâm thực hiện tốt song song với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cấp, các ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2, F3 và có các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân thực hiện 5K (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập và khai báo y tế).
Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, có hình thức xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. BCĐ tỉnh, huyện, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị kích hoạt lại các phương án phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực và khu cách ly tập trung để sử dụng khi cần thiết. Có kế hoạch xét nghiệm các trường hợp, đối tượng có nguy cơ.
Tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đẩy mạnh tiến độ chuẩn bị cho công tác đảm bảo y tế và phòng chống dịch phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...
Sức khỏe của ca Covid-19 "siêu lây nhiễm" ở Hà Nam Anh N.V.Đ., nam thanh niên sau khi hoàn thành cách ly ở Đà Nẵng trở về địa phương thì dương tính SARS-CoV-2, hiện vẫn đang sốt, ho, có hình ảnh viêm phổi điển hình của bệnh Covid-19. Chiều ngày 30-4, tin từ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang điều...