Hà Lan tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa
Từ ngày 13/11, các quán rượu, nhà hàng và cửa hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu tại Hà Lan sẽ phải đóng cửa vào lúc 19h hằng ngày.
Quy định trên sẽ có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Hà Lan cho biết đây là một phần biện pháp phong tỏa dự kiến được công bố vào ngày 12/11 để khống chế dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng hiện nay. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên kể từ mùa Hè năm nay, Hà Lan áp đặt lệnh phong tỏa một phần để ứng phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 vào mùa Đông.
Cũng theo quy định mới, người dân sẽ được khuyến nghị làm việc tại nhà trong thời gian nhiều nhất có thể, trong khi các sự kiện thể thao sẽ không được đón khán giả trong những tuần tới.
Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte dự kiến sẽ công bố thông tin chi tiết trong cuộc họp báo lúc 18 giờ GMT ngày 12/11, tức 1h sáng 13/11 (giờ Việt Nam).
Theo báo cáo của cơ quan y tế Hà Lan, số ca nhiễm mới tại nước này đã tăng nhanh sau khi Hà Lan dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 9/2021. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 16.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 17,5 triệu ca.
Làn sóng lây nhiễm mới đang gia tăng áp lực lên các bệnh viện của Hà Lan, khiến lực lượng y, bác sĩ trì hoãn việc chữa trị cho các bệnh nhân khác để quay lại cuộc chiến chống COVID-19.
Để khống chế dịch bệnh, Ủy ban giám sát dịch bệnh Hà Lan đã khuyến nghị chính phủ tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần và chỉ cho phép người đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc người đã có kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi mắc COVID-19, được phép tới các địa điểm công cộng.
Đến nay, khoảng 85% dân số trên 18 tuổi ở Hà Lan đã hoàn thành tiêm chủng. Hà Lan cũng đã lên kế hoạch vào tháng 12 tới tiêm mũi 3 tăng cường cho một số nhóm người nhất định như người có hệ miễn dịch yếu và người trên 80 tuổi.
Theo báo cáo của Viện Y tế Hà Lan, trong tháng 10 vừa qua, có khoảng 55% bệnh nhân COVID-19 nhập viện và 70% số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt là những người chưa tiêm chủng hoặc mới tiêm 1 mũi.
Bằng chứng cho thấy người đã tiêm chủng ít lây lan Covid-19 cho người khác hơn
Một số nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm chủng đầy đủ ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn, mặc dù nhiễm biến thể Delta, theo New Scientist.
Các phát hiện đã bác bỏ ý kiến cho rằng vắc xin không có tác dụng nhiều trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Tiến sĩ Christopher Byron Brooke, Phó giáo sư tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign (Mỹ), cho biết: "Vắc xin hoàn toàn có thể giảm sự lây truyền Covid-19. Những người được tiêm chủng có thể truyền vi rút trong một số trường hợp, nhưng dữ liệu rất rõ ràng đã chứng minh rằng nguy cơ lây truyền Covid-19 ở người đã tiêm chủng là rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với người chưa tiêm chủng", theo New Scientist.
Những người đã tiêm chủng đầy đủ ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn. Ảnh SHUTTERSTOCK
Nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của vắc xin
Nghiên cứu mới đây cho thấy những người đã tiêm chủng - nếu bị nhiễm biến thể Delta, có nguy cơ lây nhiễm sang người khác thấp hơn đến 63%, so với người chưa tiêm chủng.
Nhà dịch tễ học Brechje de Gier, từ Viện Quốc gia về Sức khỏe cộng đồng và môi trường Hà Lan, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết con số này chỉ thấp hơn một chút so với biến thể Alpha.
Chính nhóm nghiên cứu của chuyên gia de Gier trước đây đã phát hiện ra rằng những người đã tiêm chủng - nếu nhiễm biến thể Alpha, có nguy cơ lây nhiễm sang người khác thấp hơn 73%.
"Điều quan trọng mà mọi người cần biết là vắc xin có tác dụng giảm lây truyền Covid-19 thậm chí còn nhiều hơn mức 63%, bởi vì ngay từ đầu, hầu hết những người đã tiêm chủng rất khó nhiễm bệnh", chuyên gia de Gier nói.
Chuyên gia De Gier và nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ hệ thống theo dõi lây nhiễm Covid-19 của Hà Lan để tính ra tỷ lệ lây nhiễm từ các trường hợp dương tính. Sau đó, họ tìm ra mức độ giảm thiểu mà tiêm chủng tạo ra được, rồi điều chỉnh các yếu tố như tuổi tác.
Chuyên gia De Gier cho biết ngay cả khi giả định rằng việc tiêm chủng chỉ làm giảm một nửa nguy cơ lây nhiễm, thì điều này vẫn có nghĩa là vắc xin giảm lây truyền hơn 80% nói chung, theo New Scientist.
Bộ Y tế đã phân bổ 112,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19
Đầu năm nay, tiến sĩ Ottavia Prunas tại Đại học Yale (Mỹ), đã áp dụng hai mô hình khác nhau cho dữ liệu từ Israel, nơi dân được tiêm vắc xin Pfizer.
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng hiệu quả tổng thể của vắc xin chống lại sự lây truyền Covid-19 là 89%.
Tuy nhiên, dữ liệu được sử dụng chỉ tính đến ngày 24 tháng 3, trước khi chủng Delta chiếm ưu thế. Tiến sĩ Prunas cho biết nhóm nghiên cứu đang sử dụng nhiều dữ liệu gần đây hơn để tìm ra tác động của chủng Delta.
Ý tưởng cho rằng vắc xin không có hiệu quả chống lại sự lây truyền Covid-19 có thể xuất phát từ các báo cáo vào tháng 7 tuyên bố rằng những người đã tiêm chủng - nếu bị nhiễm bệnh "có thể mang tải lượng virus nhiều như người chưa tiêm chủng".
Giáo sư Peto nói rằng: "Điều này khiến tôi tin tưởng vào mũi vắc xin thứ 3. Mọi người nên tiếp tục tiêm mũi thứ 3, vì chúng ta đang ở giữa một đợt bùng phát lớn". Ảnh SHUTTERSTOCK
Tuy nhiên, ngay cả khi điều này là đúng, vắc xin vẫn sẽ làm giảm đáng kể sự lây truyền bằng cách ngăn ngừa nhiễm bệnh ngay từ đầu.
Thực tế, nghiên cứu này không đo lường trực tiếp số lượng virus ở người bệnh mà dựa vào tải lượng virus Ct - là thước đo RNA của virus. Tuy nhiên, RNA này có thể có nguồn gốc từ các virus đã bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch.
Giáo sư Timothy Peto, từ Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Đại học Oxford (Anh) cho biết: "Có thể đo RNA nhưng nó có thể không chính xác. Hiện có một số bằng chứng cho thấy tải lượng virus Ct không phải là thước đo chính xác để đánh giá số lượng virus mà người bệnh có".
Lý do thứ nhất, thực tế là những người đã tiêm phòng - nếu nhiễm Covid-19, ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn. Giáo sư Peto đã thực hiện một nghiên cứu tương tự chuyên gia de Gier bằng cách sử dụng dữ liệu theo dõi việc lây nhiễm Covid-19 ở Anh và cũng nhận được kết quả tương tự.
Lý do thứ hai, nhóm của giáo sư Peto đã chỉ ra rằng: "Có rất ít mối liên quan giữa tải lượng virus Ct và khả năng lây nhiễm. Có vẻ như những người dương tính sau khi tiêm vắc xin vẫn có tải lượng virus tương đương với người chưa tiêm. Chúng ta nghĩ rằng họ cũng dễ lây truyền Covid-19 cho người khác. Nhưng hóa ra những người này ít lây nhiễm hơn". Giáo sư Peto nói. "Điều đó khá quan trọng. Mọi người đã quá bi quan".
Tuy nhiên, một bằng chứng khác đến từ một nghiên cứu của tiến sĩ Brooke. Nhóm của ông đã lấy mẫu của 23 người mỗi ngày sau khi họ có kết quả dương tính lần đầu tiên cho đến khi chữa khỏi Covid-19 và thực hiện các xét nghiệm, kể cả việc dùng mẫu thử cố gắng lây nhiễm các tế bào trong đĩa thí nghiệm.
Đối với 5 trong số 6 người đã tiêm chủng đầy đủ, không có mẫu nào bị lây nhiễm, trong khi đó đối với những người chưa tiêm chủng, hầu hết các mẫu đều bị lây nhiễm.
Theo tiến sĩ Brooke, nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm chủng chứa ít virus hơn những người chưa tiêm chủng.
Hiệu quả chống lại sự lây truyền Covid-19 sẽ suy yếu dần
Nhưng điều cần thận trọng là nghiên cứu của giáo sư Peto cho thấy hiệu quả chống lại sự lây truyền Covid-19 của vắc xin sẽ suy yếu theo thời gian, chỉ còn khoảng 25% sau 3 tháng kể từ liều vắc xin thứ 2.
Ông nói: "Điều này khiến tôi tin tưởng vào mũi vắc xin thứ 3. Mọi người nên tiếp tục tiêm mũi thứ 3, vì chúng ta đang ở giữa một đợt bùng phát lớn".
Người đàn ông bị rắn hổ mang cắn khi đi vệ sinh Người đàn ông 47 tuổi đã nhập viện vì bị rắn hổ mang trốn trong bồn cầu, bất ngờ cắn vào tinh hoàn ông. Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện khu vực xung quanh vết cắn bị sưng tấy, tinh hoàn bị hoại tử. Người đàn ông quốc tịch Hà Lan, đến Nam Phi để du lịch. Trong chuyến...