Hà Giang xây dựng NTM: Lan tỏa niềm vui nơi địa đầu Tổ quốc
Hà Giang – từ một tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển nhất nhì cả nước, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt… nhưng sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đã “thay da đổi thịt” đến ngỡ ngàng.
Nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi địa đầu Tổ quốc cũng được cải thiện đáng kể.
Lấy người dân là trung tâm, là nòng cốt
Nằm ở biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 8 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Giang đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung quyết liệt với phương châm làm theo điều kiện của mình; lấy người dân làm trung tâm, làm nòng cốt trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang (thứ 3 từ trái sang) thăm mô hình làm vườn tại thôn Minh Thành (xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên). Ảnh: Văn Chiến
Với quan điểm đó, sau gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay Hà Giang đã có 33 xã đạt chuẩn. Dự kiến hết năm 2019, tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn; bình quân đạt 10,59 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 7 tiêu chí.
Trong đó TP.Hà Giang là đơn vị cấp huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015 và đang tích cực triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí, lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019.
Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của Hà Giang đến nay đã đạt trên 8.491.288 tỷ đồng, từ nhiều nguồn trung ương, tỉnh, huyện, các xã, các đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp và sự đóng góp vật chất, ngày công, hiến đất của người dân.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 20,7 triệu đồng. Từ năm 2016 đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31,17%. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững.
Với kết quả đạt được, có thể khẳng định phương châm lấy dân làm chủ thể, người dân được tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng NTM của Hà Giang đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân và tạo sự đồng thuận và là nguồn lực to lớn trong quá trình hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi đến Hà Giang những ngày này, bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, niềm vui từ xây dựng NTM đã thật sự lan tỏa khắp bản làng.
Chị Vũ Thị Ly, thôn Xuân Phong (xã Xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) không giấu được niềm vui khoe: “Từ khi thực hiện xây dựng NTM, đời sống người dân chúng tôi được nâng cao, nhất là hệ thống giao thông cải thiện rõ rệt, giờ đây việc đi lại của chúng tôi được thuận tiện hơn, thóc, lúa, phân bón có thể chở ra tận đồng, chứ không còn phải mang vác như trước đây nữa”.
Nông thôn thay đổi từng ngày
Bên cạnh việc lấy nhân dân làm nòng cốt, lãnh đạo tỉnh Hà Giang còn xác định công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là khâu quan trọng trong xây dựng NTM. Trong đó, hệ thống đường giao thông là trọng tâm. Bởi đây là yếu tố trọng yếu có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Chủ tịch thường trực UBND, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hà Giang cho biết: “Tỉnh xác định hệ thống giao thông sẽ góp phần lớn trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và chất lượng đời sống cho dân cư nông thôn. Tiêu chí giao thông thực hiện tốt sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM khác”.
Nhờ những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tế của địa phương, tính đến hết tháng 7/2019 toàn tỉnh đã thực hiện bê tông hóa được trên 2.200km đường trục thôn, liên thôn xóm, nội đồng, có 38/177 xã (21,5%) đạt tiêu chí giao thông. Bên cạnh đó, đã có 142/177 xã (80,2%) đạt tiêu chí thủy lợi, và hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản suất của nhân dân, tạo nên nhiều đổi thay đáng kể ở khu vực nông thôn.
Theo Danviet
Cơ ngơi chục tỷ đồng ở Hà Giang hoang tàn vì thủy điện dâng nước
Một số hộ dân ở xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đang rơi cảnh điêu đứng khi cơ ngơi chục tỷ đồng nguy cơ bị phá hủy do thủy điện Sông Lô dâng nước.
Video: Điêu đứng nhìn cơ ngơi chục tỷ hoang tàn vì thủy điện dâng nước
Lò gạch của gia đình anh Phùng Tiến Nam (SN 1984, xã Đạo Đức) gần 1 năm nay bị phá sản khi hệ thống lò bị nước Sông Lô thẩm thấu, không thể vận hành.
Lò gạch được hai vợ chồng anh Nam xây dựng khoảng 4 năm nay, thời gian đầu hoạt động theo mô hình thủ công, sau khi tiếp thu chính sách bảo vệ môi trường, năm 2015 anh đầu tư hệ thống lò vòng với số vốn khoảng 10 tỷ đồng.
Năm 2018 là thời điểm hoạt động thuận lợi, anh Nam thuê hơn 30 công nhân. Hàng tháng, doanh thu từ lò gạch lên đến cả trăm triệu đồng.
Thế nhưng rạng sáng 19/6/2018, vợ chồng anh phát hiện khu vực hầm thông gió có nước ngấm liên tục làm lò không thể hoạt động. Khi đó, trong lò có hơn 60 vạn viên gạch đang đốt dở.
Thoạt đầu, anh Nam cho rằng nước thấm là do mưa lớn, tuy nhiên qua theo dõi, cả những ngày nắng ráo, lò gạch vẫn không hết ẩm.
Anh Nam nhận định, nước ngấm vào lò gạch kể từ khi nhà máy thủy điện Sông Lô 2 (nằm cách lò khoảng 3km) đi vào vận hành chính thức. Anh đã trình báo sự việc đến cơ quan chức năng địa phương và công ty TNHH Thanh Bình, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2.
"Ban đầu, đại diện công ty Thanh Bình chối bỏ trách nhiệm và cho rằng, lò bị ngập là do mưa và nước thẩm thấu từ vũng nước ở chân núi đá gần đó. Để làm rõ sự thật, tôi thuê máy bơm hút sạch vũng nước ở chân núi, tuy nhiên lò vẫn bị ngấm nước", anh Nam nói.
Theo anh Nam, lò gạch chỉ khô ráo như cũ khi nhà máy thủy điện xả đáy không tích nước. Việc này đã được cơ quan chức năng địa phương chứng kiến và thừa nhận. Cuối cùng, phía công ty Thanh Bình đã đứng ra nhận trách nhiệm khi lò gạch của anh Nam bị dừng hoạt động.
"Công ty đã cho công nhân đến đặt ống hút để khắc phục, tuy nhiên việc làm này không mang lại hiệu quả nên sau đó dừng lại và tính đến phương án bồi thường", lời anh Nam.
Tháng 10/2018, công ty Thanh Bình có văn bản gửi UBND huyện Vị Xuyên đề nghị Ban bồi thường - giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện vào cuộc kiểm đếm, xác định thiệt hại của lò gạch để xem xét việc hỗ trợ.
Tháng 11/2018, Ban bồi thường - GPMB huyện Vị Xuyên có văn bản gửi công ty Thanh Bình về kết quả kiểm đếm thiệt hại của gia đình anh Nam. Tổng kinh phí tạm tính hơn 16 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục hạ tầng kiến trúc, máy móc thiết bị.
Cho rằng việc kiểm đếm của huyện Vị Xuyên chưa sát với thực tế, công ty Thanh Bình đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị đơn vị độc lập thuộc Sở Xây dựng thẩm định, lấy kết quả này làm căn cứ để hỗ trợ gia đình anh Nam.
Thời gian chờ kết quả thẩm định kéo dài nhiều tháng, từ một chủ lò gạch thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, gia đình anh Nam lâm vào cảnh vỡ nợ khi liên tục bị thúc ép các khoản vay hơn 10 tỷ đồng mua thiết bị trước đó.
Toàn bộ nhà xưởng, lò gạch của anh Nam sau gần một năm trở nên hoang tàn, xơ xác, những chồng gạch cuối cùng chưa kịp vào lò nhão nhoẹt, máy móc, hệ thống băng chuyền rỉ sét.
Theo gia đình anh Nam, nếu tiếp tục kéo dài việc bồi thường thiệt hại, sẽ đẩy gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất khi các khoản nợ liên tục đến hạn.
"Chúng tôi đang làm ăn yên ổn, phút chốc cơ ngơi phá sản do thủy điện dâng nước. Bản thân là người bị hại mà đến nay chúng tôi phải cầu cạnh khắp nơi để được sớm giải quyết đền bù", anh Nam nói.
Ông Trần Công Cường (thôn Tân Tiến, xã Đạo Đức) thì đứng ngồi không yên khi dãy nhà kho rộng hàng trăm m2 bị nứt toác, sụt lún, có nguy cơ sập do thủy điện Sông Lô 2 dâng nước.
Theo ông Cường, khoảng tháng 3/2018, khi nhà máy thủy điện vận hành cũng là lúc dãy nhà kho của ông xuất hiện các vết nứt dài, nền nhà tạo nên các hàm ếch do móng bị lún khiến cuộc sống hoàn toàn đảo lộn.
Ông yêu cầu công ty Thanh Bình bồi thường với sự thẩm định của đơn vị độc lập thuộc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang.
Kết quả kiểm định của trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng nêu rõ: Do thủy điện tích nước lòng hồ, chênh lệch mực nước so với đê bao, nước xâm nhập theo các địa tầng khác nhau ở độ sâu 7-13m, dẫn đến ngập nước vào móng nhà kho gia đình ông Cường, làm biến dạng trạng thái đất từ dẻo cứng sang dẻo mềm ở địa tầng -1,5-7m.
Mặc dù sự việc xảy ra trong thời gian dài, gia đình ông Cường phải sống trong sợ hãi, dãy nhà kho có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện dứt điểm việc bồi thường.
Ông Đỗ Đức Mai, PGĐ công ty Thanh Bình xác nhận, việc lò gạch của anh Phùng Tiến Nam bị phá sản và dãy nhà kho ông Trần Công Cường bị nứt là do thủy điện dâng nước. Đồng thời cho rằng, đang phối hợp với cơ quan chức năng lên phương án bồi thường.
Khi được hỏi về tiến độ bồi thường, lãnh đạo công ty Thanh Bình lắc đầu, chưa thể xác định được thời gian cụ thể.
"Sau khi nhận được kết quả thẩm định độc lập của cơ quan thuộc Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét tính hợp pháp rồi sẽ đưa ra phương án bồi thường", lời ông Mai.
Phó Ban bồi thường - GPMB huyện Vị Xuyên Chu Hùng Cường thông tin, trường hợp của anh Nam và ông Cường, Ban rất quan tâm và chia sẻ với chủ hộ.
"UBND huyện đã nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Sở Xây dựng liên quan đến hộ dân Phùng Tiến Nam, trên cơ sở này, Ban sẽ phối hợp với công ty Thanh Bình triển khai thực hiện theo quy định.
Với gia đình ông Cường, các bên thống nhất sẽ thuê đơn vị thẩm định độc lập rồi sẽ có phương án bồi thường", ông Cường thông tin.
Nguồn: Vietnamnet
'Tỉnh ủy Hà Giang kỷ luật vụ tiêu cực điểm thi không đúng đối tượng' Tổng Thư ký QH nhắc đến vụ tiêu cực thi cử ở Hà Giang và cho rằng: "Sau khi có kết quả kiểm điểm của Tỉnh ủy, người dân cho rằng xử lý không đúng đối tượng". Tại phiên họp UB Thường vụ QH sáng nay, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo Kết quả giám sát việc giải...