Hà Giang: Vĩ Thanh về con đèo “sống mũi ngựa”
Tôi không có ý định viết lại sự ra đời của tuyến đường Hạnh Phúc, bởi đã có nhiều bài viết hay, sâu sắc, vì nó quá nổi tiếng, đã đi vào lịch sử như một trang huyền thoại.
Với ngót 200 cây số dốc đèo, là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và không ít người đã nằm lại vĩnh viễn nơi địa đầu Tổ quốc, bởi vậy con đường thực sự là khúc bi tráng đem lại nhiều đổi thay, phát triển đi lên. Con đèo quá hiểm trở nên đồng bào địa phương còn gọi là đèo “sống mũi ngựa”, hoặc đèo “ngựa trụy thai”…
Trước khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên Địa chất toàn cầu, Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận, chỉ 24 cây số đường đèo từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, là con đường mở trên đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam.
Con đường Hạnh Phúc hôm nay thênh thang rộng mở, nhiều khúc cua đã được nắn lại, có thành lan can vững chắc để bảo vệ an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông… Ngồi trên chiếc xe du lịch, tôi mỏi mắt ngắm nhìn những ngôi nhà tường trình đất nện, mái ngói âm dương sẫm màu, tường đá bao quanh rêu phong, trước sân, sau vườn hoa đào, hoa lê nở tràn rực rỡ, thung lũng Pả Vi đẹp như một lẵng hoa ngũ sắc, khách du lịch quốc tế, trong nước thong dong ngắm cảnh, chụp hình, rồi họ vào chợ thưởng thức đặc sản: Ăn thắng cố ngựa, uống rượu Há Ía và những đặc sản của Mèo Vạc không nơi nào có được… Người dân Mèo Vạc đã khấm khá lên từ nuôi bò hàng hóa, làm du lịch cộng đồng, mật ong Bạc hà cũng đã có thương hiệu… Xa xa, núi đồi, rừng cây, nương vườn, hoa lá tươi non đang vươn lên mãnh liệt trên vùng đất nắng gió, mù sương.
Đi trên con đường đẹp như mơ, mà lợi ích kinh tế, xã hội của nó đem lại cho đồng bào vùng cao là không thể đong đếm được… Xin được nhắc lại vài thông số vô cùng ý nghĩa để bạn đọc hình dung về sự ra đời của con đường như thế nào. Với ngót 200 km đường Hạnh Phúc thì chúng ta đi trên 66 km đá xanh, 59 km đá sít, 29 km đất. Nghĩa là phải đào phá, san lấp 60 vạn thước đá, 2 triệu mét khối đất, 25 tấn mìn, 2 triệu ngày công ròng rã 6 năm trời. Chỉ duy nhất một máy khoan đá, không có xe vận tải… Ở Lũng Táo, Sà Phìn là nơi hiểm trở, nhiều đá nhất. Riêng 40 mét ở thôn Lũng Hòa, xã Sà Phìn một Đại đội thanh niên của tỉnh Cao Bằng làm trong 3 tháng, bạt đi 3 vạn rưỡi khối đá… Đoạn Mã Pì Lèng 22 km toàn đá gan trâu, đá mặt quỷ, đục lỗ nổ mìn chùn choòng, gẫy choòng. Công nhân phải treo mình vào vách núi phá đá, đốt mìn. Mỗi cây số đường ở đây mất từ 14.000 – 19.000 công, có cây số tốn 33.000 công, phải qua hơn 20 mùa trăng thì đoạn đường mới xong… Mỗi sớm, đội cảm tử ra quân, đơn vị lặng lẽ làm lễ truy điệu sống, bởi nổ mìn, phá đá treo mình vào vách ta luy rất hiểm nguy, có khi đứt dây bảo hiểm hoặc lở đá, trượt chân… và sự hy sinh là không tránh khỏi. Nhớ lại đầu thế kỷ XX người Pháp qua đây họ phải ngả mũ vái chào và thốt lên: Đây đúng là một tượng đài địa chất! Khi tuyến đường hoàn thành, tổng kết lại mới thấy sự phi thường, tất cả vì biên cương Tổ quốc. Tham gia làm đường Hạnh Phúc có 1.039 thanh niên nam, nữ của 6 tỉnh: Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà, thanh niên Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, cùng với hàng vạn dân công tại chỗ cùng tham gia…
Điểm nhấn của Mã Pì Lèng hôm nay là nhóm tượng đài dựng lên ở điểm cao nhất của con đèo, bề thế và xứng tầm với chiều cao 16 mét. Hệ thống móng tượng, dầm sàn, chiếu nghỉ 3 lớp, thang lên xuống bằng xi măng cốt thép, ốp đá xẻ, được bố trí hài hòa, phù hợp tổng thể cảnh quan xung quanh. Nhà bia thiết kế theo kiến trúc truyền thống hai tầng, 8 mái lợp ngói mũi hài, ngoài ra còn có hệ thống đèn chiếu sáng, chống sét, thoát nước… tôi thấy có nhiều bạn trẻ, khách du lịch, thành kính dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ một thế hệ thanh niên giàu lý tưởng, ý chí, không quản hy sinh, gian khổ, để con đường đúng nghĩa là con đường mang lại hạnh phúc cho đồng bào vùng cao… Lúc này tôi chạnh nhớ đến những ngôi mộ của những thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc yên nghỉ vĩnh viễn ở nghĩa trang huyện Yên Minh. Các anh, chị vẫn nằm trên Cao nguyên đá cực Bắc Tổ quốc, dẫu hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhắc nhở về một thời gian nan chẳng dễ gì quên được. Sự hy sinh của các anh, các chị đã làm nên tầm vóc con đường – huyết mạch khổng lồ của quê hương vươn tới tương lai…
Có người bảo với tôi, lên Mèo Vạc mà chưa trải nghiệm hẻm vực Tu Sản – danh thắng kỳ vĩ có một không hai, là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, đi thuyền trên sông Nho Quế, nghe hát dân ca Mông thì coi như chưa đến Mèo Vạc…
Thật vậy, trên Mã Pì Lèng ở độ cao 1.200 – 1.400 mét thả mắt ngắm nhìn dòng sông Nho Quế phía xa kia, gữa trùng điệp núi non mới thật “mãn nhãn”, chẳng thế mà bao nhiêu nghệ sỹ nhiếp ảnh mọi miền đất nước, không quản ngại xa xôi với hy vọng chụp được một tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời. Chếch lên phía Bắc có một khối núi khổng lồ vỡ đôi, dòng Nho Quế ì ầm, ghềnh thác chảy qua như bất chấp không gian, thời gian… Từ khi sông Nho Quế bị chặn dòng làm thủy điện, Mèo Vạc đã nhanh chóng có sản phẩm du lịch mới: Đi thuyền trên sông nước, du khách có khoảnh khắc đắm mình vào không gian trời mây bao la, núi non hùng vĩ huyền ảo… ngước nhìn lên Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt về Thượng Phùng, Sơn Vĩ, mới cảm hết được vẻ đẹp hoang sơ mê đắm của Mèo Vạc, vùng quê 3/4 đá… Nếu đi ô tô theo hướng về Mèo Vạc, cách đỉnh Mã Pì Lèng hơn chục cây số, đi bộ tiếp 30 phút nữa, gặp con đường mòn xuống bến thuyền Tà Làng, hoa dại, hoa Tam giác mạch, hoa cải… nở tràn hai bên đường, hương thơm trong gió ngào ngạt, du khách có dịp trải nghiệm 49 khúc cua ngoạn mục trên con đường mòn xuống bến nước… Nếu ngồi trên du thuyền ngược phía thượng nguồn, hoặc xuôi dòng về hạ du cầu Tràng Hương, con thuyền bồng bềnh có cảm giác rất lạ và thú vị như thể con người đang đi vào thế giới siêu thực… dẫu trải nghiệm một lần nhưng ấn tượng thật khó quên, muốn được tan hòa vào thiên nhiên kỳ thú ở nơi xa xăm, cách trở mà thật gần gũi, ấm áp tình người.
Đêm Mèo Vạc tĩnh lặng, tôi mở cửa sổ phòng khách, Làng Văn hóa cộng đồng Pả Vi vẫn nhộn nhịp người qua lại, ngôi sao xanh trên đỉnh núi Chí Sán nhấp nháy như đang tâm tình: Đỉnh Chí Sán bên trời lặng lẽ/Bát rượu đêm như lửa trong lòng/Mai tôi xa dễ gì quên Mèo Vạc/Có một người phương ấy vẫn chờ mong…
Video đang HOT
Làng du lịch dưới chân đèo Mã Pì Lèng tỉnh Hà Giang
Tiếng động cơ của hàng chục chiếc xe máy tập trung ngay đầu Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông phá tan không gian yên tĩnh của núi rừng khi chúng tôi có mặt ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào một buổi sáng sớm.
Toàn cảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. (Ảnh Thủy Nguyên)
Trời mưa nhỏ và khá lạnh dù là đang cuối tháng 6. Tuy vậy, chẳng biết có phải vì thứ âm thanh ầm ĩ đó hay hơi người tỏa ra mà lớp sương mù bồng bềnh trên các mái nhà, các ngọn núi như bị xé toang từng mảnh sau khi từng tốp xe rời đi. Rồi không gian yên bình dần trở lại, đưa Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông quay về nhịp điệu chậm rãi đúng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào vùng cao nguyên đá.
Nói vậy nhưng nhiều thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông và mang lại biết bao hy vọng, niềm vui cho những người dân đã gắn bó với mảnh đất nơi đây.
Cơ duyên của vợ chồng thầy giáo trẻ
Theo chân Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi, Thào Minh Sơn, chúng tôi đến homestay Ngọc Minh ở khu A của làng. Nhìn bề ngoài, homestay Ngọc Minh cũng giống như nhiều homestay khác ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông, nhất là khu A được xem là bông hoa trọn vẹn hơn cả so với khu B và khu C. Đó là một ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc của người H'mông, kiểu nhà trình tường bằng đất, cột kèo bằng gỗ, bố cục ba gian hai chái cùng mái lợp ngói âm dương hai tầng. Mỗi homestay rộng khoảng 300 m2, chung quanh có hàng rào bằng đá quen thuộc.
Tuy vậy, phía sau không gian thư giãn bên cốc cà-phê của gia đình một vị khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh là tiếng máy cưa, máy cắt ở sâu bên trong ngôi nhà. Hỏi Đào Văn Vũ, chủ homestay Ngọc Minh, thì anh cho biết, đang mùa hè và không phải là mùa cao điểm du lịch, anh tranh thủ sửa chữa, nâng cấp các phòng khép kín.
Nhìn mọi thứ ngổn ngang nhưng nghe Vũ nói, tất cả đều do bố vợ anh làm, chúng tôi thật sự bất ngờ. Bởi trong một ngôi nhà toàn bằng gỗ, tre, người thợ không chỉ cần kỹ năng của nghề mộc mà họ còn phải có con mắt của một nghệ sĩ khi trang trí các căn phòng mang bản sắc của người H'mông và tạo ra nét riêng biệt của homestay. Vì thế, dù không gặp ông, chúng tôi cũng ấn tượng về những gì mà bố vợ Vũ thực hiện, từ cái cầu thang cho đến nội thất bên trong mỗi phòng.
Ngôi nhà có kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc H'mông tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. (Ảnh Mỹ Hà)
Như chàng trai sinh năm 1988 chia sẻ, tiền thu được từ kinh doanh homestay anh đều dùng để tái đầu tư và thực tế thì cũng chỉ mới hai năm trở lại đây, các hộ tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông mới có nguồn thu từ du lịch sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Thêm nữa, ở một nơi như Hà Giang mà cụ thể là tại Mèo Vạc, công thợ cao nhưng chưa chắc anh có thể tìm được những người thợ như ý.
Vậy là kể từ khi bắt đầu quá trình xây dựng homestay vào năm 2017 cho đến nay, Vũ đã phải thuê mấy lần thợ, bản thân cũng làm tất cả các phần việc rồi cộng thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ của bố ruột, bố vợ, thậm chí cả đồng nghiệp là những thầy giáo, cô giáo ở vùng cao này. Chẳng thế mà mất hai năm, vợ chồng anh mới làm xong phần nhà, thêm sáu tháng nữa mới xong phần nội thất.
Khó khăn chưa dừng ở đó. Homestay mở cửa năm 2019 thì cuối năm, dịch Covid-19 xuất hiện. Bù lại, dù chưa có nguồn thu vào lúc này, tiền vẫn phải vay mượn nhưng vốn là một giáo viên dạy vật lý nên Vũ cũng biết làm hết phần điện, nước. Nhờ đó mà ở khoảng lặng vì đại dịch, anh tranh thủ hoàn thiện homestay.
Sau đó, những tâm sự của chàng trai người Phú Thọ giúp chúng tôi hiểu được lý do vì sao Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi muốn giới thiệu anh với chúng tôi. Đó là Vũ và vợ rời miền quê Phú Thọ lên Hà Giang xây dựng cuộc sống, bắt đầu với sự nghiệp trồng người vào năm 2012. Trong khi vợ dạy ở cấp tiểu học, anh là giáo viên môn Vật lý của Trường THCS Hoàng Su Phì. Cứ nghĩ cuộc sống của hai vợ chồng trôi qua yên bình như vậy, nhưng cơ duyên đã đến với họ năm 2016 khi một đồng nghiệp rủ họ đầu tư vào Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông rồi sau đó bán lại phần vốn của mình cho anh.
Có nằm mơ cũng không tin rằng khung cảnh đẹp, địa thế đẹp mà anh vẫn chiêm ngưỡng trên con đường tới trường hằng ngày bao lâu nay sẽ mang lại cho anh cơ hội thay đổi cuộc sống, Vũ quyết định mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Những gì diễn ra sau đó là câu chuyện mà Vũ đã tâm sự với chúng tôi, trong đấy có một ý chúng tôi tin rằng, vợ chồng anh chia sẻ thật lòng. Đó là sau từng đó năm gắn bó với Hà Giang, họ cảm thấy mình cũng là một phần của mảnh đất, con người nơi đây. Mong muốn của họ là thay đổi cuộc sống của bản thân và giúp đỡ người dân địa phương, thông qua việc tạo điều kiện cho người H'mông làm việc ở homestay, mua lại thực phẩm mà người trong thôn cung cấp.
Thật tiếc là Vũ không còn theo đuổi công việc giảng dạy nữa vì anh phải tập trung hoàn toàn cho homestay Ngọc Minh khi khách du lịch đến Hà Giang và Mèo Vạc ngày một nhiều. Với quy mô 13 phòng như hiện nay, anh chẳng mong gì hơn là có được số lượng khách ổn định và thay vì nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh, anh cho rằng, anh cần cung cấp dịch vụ tốt trước tiên để mọi người sẽ luôn nhớ đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông, nhớ đến homestay Ngọc Minh.
Mô hình du lịch cộng đồng lý tưởng
Nếu ví Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông như một bông hoa đẹp dưới chân đèo Mã Pì Lèng thì Vũ và cộng đồng 26 hộ dân của làng như những cánh hoa làm nên bông hoa đó. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi, Thào Minh Sơn, nhìn ngang tầm mắt sẽ rất khó để xác định toàn bộ không gian làng nhưng ở góc nhìn của những chú chim, làng được chia thành ba khu A, B và C rõ rệt, mỗi khu có hình lục giác giống như một bông hoa đào (trừ khu C do gặp nhiều vướng mắc về vấn đề đất đai) đang khoe sắc giữa đất trời Mèo Vạc.
Dĩ nhiên, đến Hà Giang vào mùa hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng trong tháng 1, tháng 2, hoa gạo trong tháng 3, hoa ban tím, hoa vông đỏ, hoa trẩu trắng trong tháng 4 và đặc biệt là hoa tam giác mạch trong tháng 10, tháng 11 luôn đẹp nhưng Hà Giang mỗi mùa lại có những sức hút riêng. Nếu không, chúng tôi đâu có thấy được sự biến chuyển của thời tiết trong một ngày tháng 6 tại đây, sáng mù sương, mưa, trưa chiều hửng nắng rực rỡ và đến tối thì mưa, một chút se se lạnh.
Tuy vậy thì ở Pả Vi, chúng tôi còn được thấy một Hà Giang thu nhỏ ở ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc H'mông, theo đúng chủ trương của đề án mà Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt năm 2016 nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc H'mông và cũng tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Phải nói thêm rằng, làng văn hóa du lịch cộng đồng thì có nhiều, ngay tại Hà Giang và ở nhiều tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc nhưng một ngôi làng mang bản sắc văn hóa một dân tộc thiểu số mà cụ thể là dân tộc H'mông thì chưa.
Vì thế, tại Pả Vi, chúng tôi bắt gặp những nếp nhà nhỏ truyền thống của đồng bào H'mông, những hàng rào đá bao quanh, những trái ngô vàng óng ả treo trước hiên nhà và cũng được nhìn thấy, cảm nhận rõ những giá trị văn hóa lâu đời của họ qua ẩm thực, trang phục, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày như tước lanh, đan lát, dệt vải, làm mèn mén, nấu rượu hay trình diễn khèn, sáo và các điệu hát. Và còn gì tuyệt vời hơn khi trải qua tất cả những điều đó sau hoặc trước lúc lướt qua các cung đường uốn lượn, những con dốc cheo leo ẩn hiện trong mây, chinh phục đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển và rồi khám phá hẻm Tu Sản, với chiều cao vách đá 700-800 m, sâu gần 1.000 m, nằm trên dòng Nho Quế.
Vì thế, nếu chúng tôi ngạc nhiên, thích thú lúc mới bước qua chiếc cổng hình hai chiếc khèn H'mông và hàng rào đá chạy dọc hai bên đường, thì chúng tôi cũng có thể thấy rõ sự hài lòng, vui vẻ và đầy háo hức của các vị khách nước ngoài khi rời Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông bằng từng tốp xe máy, để lại những vệt khói phía sau như xé toang màn sương bồng bềnh trên những mái nhà, ngọn núi.
Vậy mà trước đó, mọi chuyện đều rất khó khăn. Về phía người dân, mặc dù được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, có cơ chế chính sách hỗ trợ, song họ lại gặp khó khăn về nguồn vốn. Về phía chính quyền, việc chuyển đổi tư duy từ làm nông nghiệp sang làm du lịch thật không dễ ở cộng đồng người dân tộc thiểu số, chưa kể những trở ngại về vấn đề đất đai, thời tiết, dịch bệnh (dịch Covid-19) và đơn giản nhất là chuyện thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện thường xuyên.
Thế nhưng sau gần 10 năm, "bông hoa" dưới chân đèo Mã Pì Lèng cũng nở rộ nhờ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp và sự đồng lòng của người dân, trong đó có những người như vợ chồng thầy giáo Đào Văn Vũ hay gia đình Nguyễn Sơn Tùng mà bố mẹ em là chủ homestay Mèo Vạc Clay House lớn nhất Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông.
Thành công của chính quyền huyện Mèo Vạc và xã Pả Vi là kiên trì vận động và tuyên truyền người dân làm du lịch bằng những mô hình cụ thể để họ có thể hiểu rõ và tiếp cận dễ dàng. Đổi lại, sau một thời gian tiếp nhận, thay đổi nhận thức, người dân cũng có cách làm mới của riêng mình như cho thuê đất, thuê bò phục vụ các dịch vụ du lịch trải nghiệm hay làm bánh, bán dược liệu, nấu rượu để bảo đảm nguồn thu liên tục.
Quan trọng hơn tất cả, sự ra đời của Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông một mặt nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H'mông, mặt khác giúp họ cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Theo Nguyễn Sơn Tùng, tại Mèo Vạc Clay House, các nhân viên của homestay đều là người địa phương, nhất là người Pả Vi. Tất cả đều có thu nhập ổn định, kể cả trong đợt dịch Covid-19 họ vẫn được hỗ trợ lương để yên tâm gắn bó với công việc, thậm chí một số người còn được đóng bảo hiểm xã hội.
Có tiềm năng về cảnh quan hùng vĩ, choáng ngợp, với nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, việc phát triển du lịch nông thôn của Mèo Vạc nói chung và Pả Vi nói riêng là điều tất yếu. Quan trọng là, như Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi, Thào Minh Sơn, cho biết, họ sẽ không vì sự phát triển, vì lợi nhuận mà phá vỡ bản sắc, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị của dân tộc bằng cách đào tạo, hướng dẫn thế hệ trẻ học cách múa khèn, thổi sáo hay duy trì các nghề truyền thống. Sau cùng, đó cũng là giai điệu cuộc sống trên miền đá của đồng bào H'mông ở Hà Giang từ bao đời nay.
Ai lên Quản Bạ - Hà Giang? Mới đây, Nam Hưng và Lương Văn Lễ, hai cộng tác viên thân thiết của Bình Thuận cuối tuần đã có mặt tại Hà Giang - vùng địa đầu của Tổ quốc để viết những ký sự dài kỳ dành tặng bạn đọc. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Toàn cảnh thị trấn Tam Sơn.