Hà Giang: Tháng Giêng mùa ong đi lấy mật trên cao nguyên đá
Mùa xuân trong tiết trời ấm áp, bạt ngàn trên cao nguyên đá Hà Giang những thung lũng hoa bạc hà ngát hương thơm. Người dân nơi đây lại tất bật đi quay mật trên cao nguyên đá.
Mật ong Hà Giang nổi tiếng chất lượng tốt, nhiều công dụng. Để làm ra những giọt mật vàng óng, sóng sánh ấy là sự chăm chỉ, cần cù của những người theo nghề nuôi ong trên vùng cao nguyên đá.
Đổ vàng trên cao nguyên đá
Nghề nuôi ong lấy mật ở cao nguyên đá bắt đầu từ cách đây rất lâu, có thể xem đây là một trong những nghề truyền thống của vùng vì trước đây người dân trong vùng đã có thói quen nuôi khoảng 5 – 10 tổ ong trong nhà để lấy mật sinh hoạt. Khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật phát triển nhộn nhịp nhờ đường xá nối giữa miền xuôi với miền ngược thuận tiện hơn. Dọc Quốc lộ 4, đoạn từ TP Hà Giang vào các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (thuộc tỉnh Hà Giang) rất dễ bất gặp hình ảnh nuôi ong ở vách núi, trên những cao nguyên đá cao vút.
Năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm “Mật ong bạc hà”, bao gồm khu vực 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, nhiều du khách đến tham quan đã giúp cho thương hiệu mật ong bạc hà trở nên nổi tiếng hơn.
Anh Cháng Thìn Lù, một người nuôi ong tại huyện Đồng Văn cho biết bản thân đã nuôi ong 10 năm nay. Hiện tại, lúc cao điểm nhà anh Lù nuôi đến 500 tổ ong. “Nghề nuôi ong nay đã khác xưa nhiều nhờ vào trình độ khoa học thay đổi, quy mô tăng lên, người dân địa phương không còn phải vào rừng tìm tổ ong về thuần hóa nữa mà duy trì đàn ong tại nhà”, anh Lù nói thêm.
Hàng năm, cứ đến mùa xuân từ khoảng tháng 3 là mùa tách đàn ong, tầm tháng 5, 6, 7 là mùa thu mật. Đến tháng 8 hàng năm là mùa mật ong bạc hà, cho đến tháng 11 là vụ bạc hà cuối cùng cũng là lúc dồn đàn ong lại, giảm số lượng ong để tránh mùa đông lạnh chờ mùa xuân đến.
Video đang HOT
Chất lượng riêng có của mật ong bạc hà nơi đây được công nhận giúp nghề nuôi ong ngày càng phát triển. Vào khoảng tháng 11 hàng năm, được gọi là mùa mật ong bạc hà, cũng là dịp du khách thường tới thăm quan cảnh sắc mùa hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa dền, hoa bạc hà của Hà Giang và mang mật ong về làm quà.
Báu vật thoát nghèo trên cao nguyên đá
Loài hoa mang tên Bạc hà tưởng chừng chỉ mang lại sự ấm áp cho những dãy núi đá nâu đen, lạnh lẽo kia, nhưng chính loài hoa ấy đã gây dựng nên thương hiệu được xem báu vật đổ vàng trên cao nguyên đá – mật ong bạc hà.
Hoa bạc hà đã gây dựng nên thương hiệu được xem báu vật đổ vàng trên cao nguyên đá – mật ong bạc hà.
Trước đây, nuôi ong chưa thành nghề, người dân chỉ nuôi vài đàn ong lấy mật sinh hoạt trong gia đình, khi ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đưa vào triển khai mục đích dân sinh, thoát nghèo, nâng cao đời sống và được người dân hưởng ứng khi mô hình triển khai hiệu quả thiết thực. Ngay lập tức Mật ong bạc hà được công nhận chỉ dẫn địa lý cho cao nguyên đá nơi đây.
Trên thị trường hiện nay, mật ong bạc hà là sản vật mang tính đặc trưng của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Loại mật ong này được đánh giá là vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi, với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay dao động từ 400 đến 600 nghìn đồng/lít.
Trong những năm gần đây, mật ong bạc hà đã mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế của người dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nghề nuôi ong có chuyển biến tích cực, từ tự phát nhỏ lẻ chuyển sang nuôi tập trung với số lượng lớn, đã hình thành các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh mật ong Bạc hà tại Cao nguyên đá Đồng Văn .
Đến nay tổng đàn ong của tỉnh Hà Giang là hơn trên 32.300 tổ, tập trung chủ yếu tại 4 huyện với hơn 1,100 ha diện tích trồng cây bạc hà tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ, với 2.816 hộ nuôi. Cùng với đó, tỉnh cũng có 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến mật ong, 79 tổ hợp tác, nhóm sở thích. Thực hiện chính sách phát triển nghề nuôi ong thành nghề mũi nhọn, trong các năm 2018, 2019, 2020 tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ trên 8 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi ong và hỗ trợ mở rộng diện tích trồng hơn 1.1000ha cây bạc hà.
Tuy nhiên, nghề nuôi ong hiện cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi có sự cạnh tranh của các chủ nuôi ong ngoại từ vùng khác đến. Do số diện tích bạc hà không tăng mà số lượng đàn ong lại tăng lên chóng mặt dẫn đến sự tranh chấp giữa ong nội và ong ngoại. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang rất quan tâm đến đầu tư thương hiệu cũng như tìm lối ra cho sản phẩm giúp thoát nghèo cho người dân nơi cao nguyên đá.
Nguyễn Liên – Quang Vinh
Theo conglyxahoi.net.vn
"Chuyện cổ tích" nơi biên cương cực Bắc
Trên hành trình tham quan Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), có dịp ghé thăm Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang, nhiều người sẽ bắt gặp cảnh các cháu nhỏ vui chơi, sinh hoạt như nhà ở nơi đây.
Hỏi ra được biết, đó là những "con nuôi đồn Biên phòng" đã được đơn vị đưa về nuôi dưỡng suốt 3 năm nay. Việc làm đầy tính nhân văn này đã có sức lan tỏa đến cộng đồng xã hội, làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi biên cương cực Bắc.
Thượng úy Ly Mí Dình dạy các con nuôi học bài hằng ngày. Ảnh: Thanh Thuận
Bỏ lại sau lưng những ồn ào của cuộc sống nơi đô thị, tôi quyết định "hành quân" lên Hà Giang với mong ước được trải nghiệm tiết trời Đông lạnh giá của cao nguyên đá. Từ thành phố Hà Giang, tôi may mắn được nhập đoàn với chuyến xe chở các cựu chiến binh Biên phòng trong hành trình thăm cao nguyên đá. Xe xuất phát từ 5 giờ sáng theo quốc lộ 4C trong màn sương mờ mịt của buổi sớm vùng cao. Với quãng đường hơn 160km toàn đèo, dốc quanh co, uốn lượn ôm lấy những ngọn núi đá tai mèo hùng vĩ, phải mất 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến huyện Đồng Văn.
Đón đoàn chúng tôi, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú vui vẻ như lâu ngày gặp lại người thân. Những lời giới thiệu về đơn vị của người Chính trị viên đã từng có nhiều năm gắn bó với biên cương khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi sau quãng đường dài lên Lũng Cú.
Trong câu chuyện của mình, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy kể về những con nuôi của đơn vị. Đó là các cháu: Thò Thị Dính (sinh năm 2005), Thò Mí Và (sinh năm 2008) và Thò Thị Súa (sinh năm 2012), là 3 chị em ruột trong một gia đình người Mông ở thôn Mã Lủng A, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Dù còn nhỏ nhưng 3 chị em Dính đã phải trải qua những biến cố lớn trong cuộc đời. Đó là đầu năm 2015, bố các cháu qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ít lâu sau, mẹ các cháu bỏ nhà đi Trung Quốc lấy chồng. Các cháu sống cùng với ông bà nội và vợ chồng người chú ruột, nhưng rồi người chú cũng mất sau đó 1 năm, người thím bỏ lại 2 con đi đâu không về. Ông bà nội đã già yếu phải nuôi 3 chị em Dính và 2 con của người chú khiến cảnh nhà vô cùng khó khăn. Dính phải nghỉ học đi cắt cỏ, lấy rau lợn, kiếm củi... phụ giúp ông bà.
Biết được hoàn cảnh éo le của các cháu, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy đã cùng cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú đến nhà thuyết phục ông bà được nhận 3 chị em Dính đưa về nuôi dưỡng tại đơn vị cho đến khi các cháu học hết lớp 12. Tuy nhiên, ông bà nội của các cháu không đồng ý. "Đích thân tôi phải đi vận động, lúc thì đi cùng Trưởng thôn, lúc thì cùng Bí thư chi bộ, lần khác lại cùng các thầy, cô giáo và người có uy tín của thôn vận động gia đình. Sau 3 lần đi thuyết phục, ông bà mới đồng ý cho đơn vị đưa các cháu vào đồn Biên phòng nuôi dưỡng"- Thượng tá Phạm Ngọc Thủy giãi bày.
Để các con nuôi quen dần với cuộc sống trong đồn Biên phòng, chỉ huy đơn vị đã cắt cử riêng một tổ cán bộ, chiến sĩ chăm lo cho các cháu. Ngoài thời gian làm việc, các cán bộ, chiến sĩ trong tổ đã kiên trì dạy các con học chữ phổ thông, hướng dẫn các con mọi việc cá nhân, đưa đón các con tới trường... "Phải có tình yêu thương con trẻ thì các cán bộ, chiến sĩ mới đủ kiên trì, nhẫn nại dạy dỗ các cháu. Mục tiêu của đơn vị là muốn giúp các con được đi học, biết mơ ước để sau này thành cán bộ về phục vụ địa phương" - Thượng tá Thủy bộc bạch.
Dù đã đặt ra một kế hoạch tỉ mỉ, nhưng chính Thượng tá Thủy cũng không thể lường hết được những khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng các con tại đơn vị. 3 chị em vốn sinh hoạt tự do, giờ phải làm quen với chế độ, giờ giấc, nền nếp trong môi trường quân đội. Lúc đó, Súa chỉ mới 4 tuổi, chưa biết nói tiếng phổ thông, tính cũng rất hiếu động, lại thường xuyên bị ốm, khiến các chú trong tổ nuôi dưỡng phải vất vả chăm sóc. Dính và Và đang tuổi ăn, tuổi lớn, thường có những trò nghịch ngợm khiến các cán bộ phải để tâm rất nhiều tới các cháu!
Dẫn chúng tôi xuống căn phòng có gắn tấm biển màu đỏ ghi dòng chữ "Phòng con nuôi Biên phòng", Thượng tá Thủy giới thiệu các con nuôi với chúng tôi. Lúc này, các con đang chăm chú làm bài tập về nhà do Thượng úy Ly Mí Dình kèm cặp. Thượng úy Dình là một trong số những cán bộ được chỉ huy đồn giao trực tiếp chăm sóc các cháu ngay từ những ngày đầu đơn vị đón các cháu về nuôi dưỡng.
Tâm sự với chúng tôi, Thượng úy Ly Mí Dình cho biết: "Sau 3 năm ở đồn Biên phòng, các con đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức, học tập và tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Súa nhỏ tuổi nhất đã biết nói tiếng phổ thông và đang học lớp 2 (lúc vào đơn vị, con mới học mẫu giáo). Còn Và đã được tuyển vào trường nội trú huyện. Năm học tới, con sẽ ra huyện Đồng Văn học".
Cô chị cả Thò Thị Dính cho biết, năm nay, Dính đang học lớp 8, cuộc sống ở đồn Biên phòng của cháu đã đi vào nền nếp. "Sống trong Đồn Biên phòng Lũng Cú, 3 chị em cháu không phải ăn ngô, nghỉ học nữa mà được các chú bộ đội chăm sóc chu đáo, lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, được đến trường học hành, tối về lại dạy học, hỏi han các cháu. Chúng cháu thấy như được sống với người thân, thấy các chú bộ đội như người cha, người chú của mình. Chúng cháu biết ơn các chú Biên phòng lắm" - Thò Thị Dính chia sẻ.
Ngoài giờ học, các con nuôi quấn quít tâm sự mọi chuyện với Thượng úy Ly Mí Dình. Ảnh: Thanh Thuận
Khẽ chỉnh lại tư thế ngồi học cho "cô út" Thò Thị Súa, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy bày tỏ: "Con nuôi đồn Biên phòng" là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc. Với mô hình này, chúng tôi hy vọng các con nuôi sau này lớn lên sẽ trở thành cán bộ địa phương, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc".
êm trên Lũng Cú chầm chậm trôi đi trong im ắng vô cùng. Ở độ cao 1.800 mét, cộng với khu vực núi đá, nên về đêm nhiệt độ ở đây hạ xuống rất nhanh. Đang mơ màng trong giấc ngủ, tiếng hô tập thể dục buổi sáng khỏe khoắn phía trước sân đồn Biên phòng khiến tôi choàng tỉnh giấc. Qua ô cửa sổ, trong ánh sáng lờ mờ và màn sương bảng lảng, tôi nhận ra những bóng dáng nhỏ nhắn của các con nuôi đang tập những động tác thể dục hệt như của những người lính. Tôi như nhìn thấy trong hình hài các em bóng dáng những người chủ nhân tương lai của vùng cao nguyên đá.
Các em sẽ là những nhân vật chính trong "chuyện cổ tích mới" được viết nên bằng tình yêu thương, sự tận tụy của những tấm lòng người lính Biên phòng nơi biên cương cực Bắc...
Thanh Thuận
Theo bienphong
Chỉ kiểm điểm và rút kinh nghiệm đối với 2 Hiệu trưởng ở Mèo Vạc Theo chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để xảy ra sai phạm. Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngành giáo dục huyện Mèo Vạc thời gian qua đã gặp nhiều vấn đề trong công tác sáp...