‘Hà Giang ơi! Sao mà nhớ thế’
Từ TP Hà Giang, vượt 200 cây số bằng xe máy, qua Quản Bạ đi Yên Minh, Đồng Văn, đến thị trấn Mèo Vạc, chinh phục cả Mã Pí Lèng, tôi chợt nghĩ những cung đường chân mây này chỉ có thể là cái vẫy bút của họa sĩ thần tiên trong men say rượu ngô.
Dốc Thẩm Mã trên con đường Hạnh Phúc. Ảnh: VIỆT AN
Núi đá và phận người
Một cánh đồng núi mãn nhãn thị giác, một bữa tiệc đá thỏa mãn tâm hồn. Núi tai mèo nhọn hoắt. Núi miền biên viễn không thể chỉ hiền hòa như miền Trung quê tôi. Núi là ngọn giáo, tấm khiên, che chắn Tổ quốc. Khi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú, bỗng thấy trong sự hùng vĩ có một tình cảm bình dị mà thiêng liêng. Núi cũng như trò chơi cắt dán, xếp hình của trẻ con, nhọn hoắt, trắc trở mà vẫn ngây thơ. Là những tấm bìa in lên giữa nền trời. Tầng tầng lớp lớp như một gia đình núi bao thế hệ. Bên dưới vực sâu, dòng sông Nho Quế, không thể nào xanh hơn thế.
Cao nguyên đá Hà Giang là nơi cư trú của 17 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người Mông. Cây cối phải mãnh liệt mới bật ra được từ đá. Người cũng túa ra từ đá. Không thấy nhà đâu. Chỉ thấy những đôi chân đi bộ trên sườn núi nghiêng. Họ đã đi bộ rất xa từ những ngôi nhà cách nhau mấy quả núi của mình. Đôi chân ấy dường như có chất kết dính với đá. Đôi chân chắc như gỗ nghiến. Họ lặng lẽ gùi đất đổ vào hốc đá để gieo trồng từng hạt ngô, hạt bí… Tôi mới hiểu tại sao “không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông”.
Tôi đã lên Khau Vai, nơi nổi tiếng với chợ tình, đến điểm trường xa nhất Trù Lũng Trên A. Các em nơi đây quanh năm ăn mèn mén (bột ngô) vì chỉ có cây ngô mới trụ được với nơi khắc nghiệt này. Cô giáo Lò Thị Viễn cho chúng tôi biết: “Nước ở đây rất hiếm, bà con phải hứng nước mưa để sinh hoạt. Không có nhiều củi để làm chất đốt giữa cái giá lạnh vùng cao”. Bữa cơm nếu có là một hạnh phúc. Tôi chợt nhớ, Xuân Diệu từng viết “Cũng như xa quá nên ta chỉ/ Thấy núi yên như một tấm bìa”. Nhưng đằng sau núi là những thân phận con người. Ngay cả các thầy cô giáo, có lẽ không từ nào chính xác hơn từ “cắm bản” mới “gắn chặt” được vào cao nguyên đá này trong hành trình gieo chữ vùng cao.
Núi đôi tại thung lũng huyện Quản Bạ. Ảnh: VĂN THIỆU
Video đang HOT
Con đường Hạnh Phúc
Cả cái cung đường chân mây ngỡ của thần tiên cũng là con đường “hoa và máu” của đời thực. Hàng ngàn dân công địa phương và thanh niên xung phong đã ra sức trên 2 triệu ngày công, đào đắp di chuyển trên 3 triệu m3 đất đá, gánh từng gàu nước. Trên bia đá còn khắc ghi, tưởng niệm 14 liệt sĩ:
“Hôm nay tôi nằm lại mảnh đất
Đồng Văn – Mèo Vạc này
Các đồng chí nếu có về
xứ Lạng. Hãy nhớ tới tôi”
(Lương Quốc Chanh)
Con đường mà Bác Hồ đã đặt tên Hạnh Phúc. Qua rất nhiều khúc cua tay áo, người bạn chở tôi hài hước bảo rằng: “Hôm nay “ăn cua” nhiều hơn ăn cơm”. Chúng tôi nhiều lần phải ồ, à lên vì vẻ đẹp hùng vĩ mà trữ tình của tự nhiên.
Vào mùa này, ngô đã héo nhưng bù lại những cánh đồng tam giác mạch đang nở rộ. Cây cải, một thời từng được trồng chung với thuốc phiện, nay đứng một mình vẫn mạnh mẽ khoe sắc vàng. Ngoài sắc màu thiên nhiên, còn có sắc màu váy áo rực rỡ của người Lô Lô, người Mông, người Dao…
Có lẽ đây là sự cân bằng hợp lý. Trong sắc màu đơn điệu của đá, con người đã dồn hết vẻ sặc sỡ lên váy áo, làm dịu đi cuộc sống nhọc nhằn.
Trên đường đi, chúng tôi gặp các chị gùi cỏ thông đất xanh rì lút quá đầu người. Sức nặng của cuộc sống không dồn lên đôi vai như người miền xuôi, mà dồn lên cả tấm lưng. Tấm lưng gùi cỏ, gùi củi, gùi ngô và cả gùi con… Cũng như núi đã là một tấm lưng khổng lồ gùi lên mình biết bao biến thiên của lịch sử.
Chúng tôi gặp những cái vẫy tay chào của các em bé đồng bào. Các em đứng cheo leo trên những vệ đường, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Nó khiến tay lái của chúng tôi rợn ngợp nhưng các em rất bình thản. Như cách vũ trụ đã tự cân bằng mọi thứ. Hạnh phúc cũng là sự cân bằng.
Du khách chụp ảnh với các em bé người Mông trên cánh đồng tam giác mạch. Ảnh: VIỆT AN
Giữ bản sắc văn hóa đá
Khi ngồi nghỉ ở cổng trời Quản Bạ, chúng tôi ăn cơm lam, ngô khoai nướng, bánh sắn chấm muối chẩm chéo, là những món đặc sản của đồng bào nơi đây. Chàng trai người Nùng mặc trang phục dân tộc mình, bán hàng cho chúng tôi có vẻ đẹp của một tài tử điện ảnh. Giữa một khung cảnh núi đá, con người địa phương và ẩm thực địa phương thật hợp tình. Chỉ có điều anh lại mở một bản nhạc “hot trend”.
Một thành viên trong đoàn chúng tôi bảo rằng: “Anh ơi! Anh hãy mở một bài hát của dân tộc mình sẽ hay hơn nhiều”. Chàng trai người Nùng cười rất hiền và anh chuyển sang bài “Hà Giang ơi” của Quách Beem. Và tôi đã lấy một câu để đặt tên cho bài viết này. “Hà Giang ơi! Sao mà nhớ thế! Khau Vai về ai nhớ tương tư”!
Bà con đã có điện thoại thông minh, kết nối nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Trên dốc Thẩm Mã, người ta mở loa bán hàng át cả tiếng sáo trong trẻo của 2 em trai ngồi vắt vẻo trên mỏm đá. Dừng chân nghỉ ở Yên Minh, chị chủ nhà nghỉ người Hoa nói với chúng tôi: “Người ta đã đập nhà trình tường để xây nhà gạch. Có tiền thì họ xây thôi, chứ ở nhà trình tường bị chuột phá lắm”. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa chưa bao giờ là dễ.
Trên đường lên Lũng Cú, khi đi qua cây nghiến 250 tuổi, còn gọi là cây cô đơn, vì nằm một mình, tôi chợt nghĩ nhờ du lịch, cây nghiến đã trở nên nổi tiếng và không còn cô đơn. Nhưng cây nghiến có nhớ rừng nghiến Cán Tỷ không? Cũng như “Con cá sống dưới nước. Con chim bay trên trời. Người Mông sống ở núi”; núi đá, dù lạnh lẽo, khắc nghiệt nhưng đồng bào vẫn bám trụ và không ngừng thích nghi. Bởi đá là linh hồn, là cuộc sống, nếu mà xa sẽ trở thành cây nghiến cô đơn. Tôi đã xa Hà Giang cả tháng, mà trong suy tưởng còn chập chờn núi đá trùng điệp.
Làng du lịch lục giác dưới chân đèo Mã Pì Lèng
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc là nơi tập trung nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa hấp dẫn.
Đặc biệt là sự mến khách của người dân nơi đây đã trở thành thỏi nam châm thu hút du khách trong và ngoài nước khi lên vùng cao núi đá Mèo Vạc.
Xuôi đèo Mã Pì Lèng, nhìn từ xa, du khách có thể thấy được kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà truyền thống dân tộc Mông tại Làng VHDLCĐ. Sự độc đáo ngay từ cổng vào với hai chiếc khèn lớn, biểu tượng cho văn hóa Mông. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa hấp dẫn khiến cho mỗi người đến đây đều có tâm trạng phấn chấn, vui tươi. Chúng tôi đến homestay O'Châu ở khu A của làng, đó là ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà trình tường bằng đất, cột kèo bằng gỗ, bố cục ba gian hai chái cùng mái lợp ngói âm dương. Homestay rộng khoảng 300 m2, xung quanh có hàng rào bằng đá quen thuộc. Chị Tẩn Thị Phếnh, quản lý homestay O'Châu cho biết: Làng sở hữu một loạt những homestay được thiết kế đa phong cách với kiến trúc mô phỏng hình hoa đào - loài hoa đặc trưng của vùng Cao nguyên đá. Nếu ví VHDLCĐ như một bông hoa đẹp thì quần thể 26 căn hộ của làng như những cánh hoa làm nên vẻ đẹp đó.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ.
Làng VHDLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2076 và Quyết định số 462 của UBND tỉnh Hà Giang về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Đề án "Làng VHDLCĐ dân tộc Mông" thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Công trình khởi công xây dựng từ năm 2017 và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 15.7.2019. Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pì Lèng, Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi Hạ rực rỡ với cảnh sắc thơ mộng nơi địa đầu Tổ quốc. Làng có 17 hộ quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ, liên kết kinh doanh với 26 căn hộ và nhà văn hóa cộng đồng. Tổng số 168 phòng khép kín, 256 giường/đệm ngủ tập thể và đã có thu nhập từ việc phục vụ ăn, ngủ cho khách. Năm 2022, làng đón trên 200 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2023, đón trên 250 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 70 tỷ đồng. Để có được những con số trên, Ban Quản lý và các hộ kinh doanh trong làng đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách, như: Trải nghiệm các công đoạn dệt vải lanh, đan quẩy tấu, làm khèn Mông, bày bán và cho thuê trang phục dân tộc Mông; ẩm thực truyền thống của dân tộc Mông... đầu tư hoàn chỉnh nhà cửa và các trang thiết bị cần thiết, như: Chăn ga, gối đệm, nhà ăn, nhà vệ sinh để phục vụ khách du lịch. Hiện nay trong làng có 4 hộ đã mạnh dạn đầu tư thêm nhiều dịch vụ khác để phục vụ khách, như: Phòng ngủ vip, tắm lá thuốc, quầy bar... Ngoài ra, vào các tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần hoặc theo yêu cầu của khách du lịch, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện phối hợp với các homestay tổ chức các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc phục vụ khách du lịch. Sưu tầm thêm một số hiện vật văn hóa truyền thống dân tộc Mông cho du khách tham quan, tìm hiểu. Mời các nghệ nhân đến trình diễn quy trình dệt vải lanh, làm khèn Mông, đan quẩy tấu, xay ngô cho du khách trải nghiệm.
Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng.
Làng VHDLCĐ cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ ngơi và tham quan, trải nghiệm của khách du lịch, đã đem lại thu nhập cho các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ Homestay tại làng. Các nhân viên của homestay đều là người địa phương. Tất cả đều có thu nhập ổn định, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với công việc hiện tại.
Có tiềm năng về cảnh quan hùng vĩ, với nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, việc phát triển du lịch nông thôn của Mèo Vạc nói chung và Pả Vi nói riêng là điều tất yếu. Quan trọng là những người làm du lịch cũng như địa phương sẽ không vì sự phát triển, vì lợi nhuận mà phá vỡ bản sắc văn hóa của đồng bào Mông ở Hà Giang từ bao đời nay.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 'đệ nhất hùng quan' ở Hà Giang Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), hẻm Tu Sản được ví von là "đệ nhất hùng quan" với chiều cao ấn tượng. Hà Giang vốn nổi tiếng với những cung đường quanh co khúc khuỷu, với những cảnh quan hùng vĩ của vùng cao nguyên đá. Từ trên cao nhìn xuống, sông Nho Quế uốn lượn...