Hà Giang mùa đa sắc
Người du lịch mê đường, mùa xuân đi tìm hoa đào mận, mùa thu đi tìm lúa chín, mải miết đuổi theo tiếng gió trên những con đèo lưng chừng trời. Với họ, mỗi miền đất lại có một vẻ đẹp, một nét đặc biệt riêng.
Vì sao Hà Giang lại hấp dẫn đến vậy? Không phải chỉ bởi nơi ấy có cột cờ Lũng Cú, có cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với những phiên chợ rực rỡ sắc màu, có ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, có núi đôi Quản Bạ, có rừng thông Yên Minh… Hà Giang là tất cả những vẻ đẹp ấy, phong phú và hòa quyện đến say lòng.
Con đường mang tên Hạnh Phúc
Video đang HOT
Cung đường phổ biến nhất để du ngoạn Hà Giang là men theo Quốc lộ 4C, qua Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc.
Trước khi đi qua con đường này, ít ai biết nó còn có tên là đường Hạnh Phúc. Cái tên ấy có ý nghĩa lịch sử của nó. Trước những năm 1960, từ thị xã Hà Giang lên các vùng phía Bắc còn chưa thành hình đường, đặc biệt khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có đỉnh núi Mã Pì Lèng cao vời vợi tới trời, đồng bào bao đời chỉ biết đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua 9 khoanh đèo hiểm trở. Trong suốt 6 năm (1959-1965), con đường dài 185 km nối liền Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc đã được hàng ngàn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc phá đá mở đường hầu hết chỉ bằng sức người. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng, một đội cảm tử đã phải treo mình trên vách đá suốt 11 tháng để đẽo đường hoàn toàn bằng tay trần và những phương tiện thủ công. Ngày nay trên đỉnh con đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam này, tại trạm dừng chân cho du khách có đặt một bia đá ghi lại quá trình dựng đường và tên gọi: Đường Hạnh Phúc.
Đi hết gần 200 cây số đường ấy, qua núi cao, vực sâu, lòng du khách không chỉ thấm thía thấu hiểu công sức lớn lao trên mỗi mét đường, về niềm hạnh phúc con đường mang lại cho mỗi người dân trên mảnh đất này, mà còn lưu lại trong mình những cảm xúc khó quên.
Ở Quản Bạ, người ta dễ say cái không khí bềnh bồng khi đứng trên Cổng trời mà nhìn xuống thị trấn đang chìm trong biển sương sớm. Từ trên ấy vào một buổi sớm mùa hạ cũng có thể thấy một trời đầy những khối mây khổng lồ, chuyển từ màu trắng xám mờ mịt không gian, đến màu vàng lộng lẫy khi mặt trời ló rạng và từ từ tan ra, để lộ một thung lũng mướt xanh với cặp “trái tim” núi Đôi còn đương thổn thức.
Những con người mê đường chắc sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên đi qua Mã Pí Lèng, con đèo huyền thoại nối liền Đồng Văn – Mèo Vạc. Con đường chất đầy gian nan của những người anh dũng năm xưa, sợi chỉ xanh vắt ngang trời mang tình yêu mãnh liệt đến không ngờ. Giữa cao nguyên đá đầy những đỉnh tai mèo sắc nhọn, bức tranh Mã Pí Lèng phác một không gian hùng vĩ, nơi những con đường ngoằn nghèo uốn lượn quanh những khối núi xanh kéo dài miên man tới trời, và tạo hóa đặt một đường cắt đột ngột, thả vào khe vực giữa hai đỉnh cao nhất một dòng xanh mềm mại ru lòng. Dù thời tiết có thế nào, từ đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống, sông Nho Quế vẫn mang màu xanh kỳ diệu như dưới đáy sông cát sỏi đều hóa thành bích ngọc. Để người xuống Săm Pun, người lên Sơn Vĩ, lòng cứ ngơ ngẩn vì sông mãi không thôi.
Xôi ngũ sắc
Đến Hà Giang vào một sáng chủ nhật đẹp trời, không ai có thể ngừng say miền đất ấy khi đi giữa hai phiên chợ rực rỡ nhất cùng núi cao phía Bắc, còn đang mải mê giữa những sắc màu rực rỡ, những nụ cười hồn hậu, lại được ném mình vào một vùng trời lộng lẫy đến ngỡ ngàng. Không chỉ say vì cảnh, du khách còn được hưởng thức rất nhiều món ăn độc đáo của vùng cao như thịt rừng nướng, khâu nhục, hay xôi ngũ sắc…
Vốn là món ăn rất thịnh hành trong văn óa ẩm thực của châu Á, song món xôi ngũ sắc ở đây có hương vị rất riêng khiến du khách đã từng nếm thử một lần không thể nào quên. Đó là mùi thơm của nếp nương được trồng trên những thửa ruộng bậc thang của núi rừng Tây Bắc, là tinh túy của cả một mùa lúa chín. Thưởng thức hương vị của món xôi ngũ sắc này, người tinh tế sẽ tưởng tượng ra được khung cảnh gặt hái rộn rã, những gương mặt rạng rỡ tươi vui ngày mùa, tiếng những thiếu nữ người Tày quạt thóc trong nắng chiều…
Khi ăn, xôi được kèm với thịt nấu đông, thịt lợn quay hay khâu nhục. Hiện nay, người ta cũng bắt đầu bán xôi ngũ sắc ăn kèm với thịt nướng như một món đặc sản. Vị ngọt thơm cùng cảm giác ngầy ngậy béo bùi của xôi ngũ sắc rất hấp dẫn du khách. Món ăn đặc sản của vùng cao với nhiều sắc màu đỏ, vàng, nâu, tím… mang hương vị béo bùi, thơm ngậy, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm này đã tạo nên một nét rất riêng trong văn hóa ẩm thực của vùng đất đặc biệt này.
Dĩ nhiên, đặc sản vùng cao không chỉ có xôi ngũ sắc. Nhưng món ăn dân dã này đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực miền Tây Bắc. Du khách thích khám phá những đặc sản của địa phương đều không thể bỏ qua.
Theo PNO