“Hạ độc” cây xanh
Hàng loạt cây xanh ở TP.HCM, trong đó nhiều cây cổ thụ cả trăm năm tuổi, đang xanh tươi bỗng dưng héo lá, chết khô dần. Các cơ quan chức năng phát hiện những cây xanh này có dấu hiệu bị đầu độc.
Cây dầu trước nhà số 144 Trần Quang Diệu, P.14, Q.3, TP.HCM nghi bị đầu độc bằng hóa chất làm chết khô – Ảnh: Quang Khải
Nhiều người lưu thông qua đường Trần Quang Diệu, P.14, Q.3 không khỏi thắc mắc vì sao một cây cổ thụ cao hơn chục mét, đường kính hai người ôm không giáp trước số nhà 144 lại bị chết khô trong khi nhiều cây cổ thụ khác vẫn còn xanh tốt. Tại hiện trường, thân cây khô khốc, lá cũng héo khô và rụng gần hết, vài nhánh cây khô gãy rụng vương vãi dưới lề đường.
Ra tay tàn độc
Video đang HOT
Nhắc đến cây cổ thụ trên, ông Đoàn Bảo Long, giám đốc Xí nghiệp cây xanh 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP, xuýt xoa: “Đây là cây dầu khoảng 100 năm tuổi, thuộc dạng cây cổ thụ hiếm. Ngay từ khi phát hiện cây có dấu hiệu bị héo lá, anh em chăm sóc đặc biệt theo dõi sát sao xem có thể phục hồi sự sống được không nhưng cây xuống sức rất nhanh vì có dấu hiệu bị đổ hóa chất”.
Một người dân có nhà đối diện cây xanh xác nhận thời điểm trước khi cây bị héo lá có thấy một chất lỏng màu xanh từ gốc cây chảy tràn ra ngoài xuống một hố ga gần đó. Theo một cán bộ kỹ thuật xí nghiệp này, khi tới hiện trường kiểm tra phát hiện có mùi hóa chất từ gốc cây xộc lên nồng nặc.
Bị phạt từ 10-15 triệu đồng Theo nghị định 23 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…), các hành vi: tự ý chặt hạ, di dời cây xanh, đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Ngoài mức phạt trên, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục hiện trạng ban đầu.
Mới đây, một đơn vị khác của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP là Xí nghiệp cây xanh 2 cũng phát hiện hai cây dầu (cây cổ thụ – loại 3), trước nhà 215 Lê Hồng Phong (Q.5) và 326 Lê Hồng Phong (Q.10), cũng bị héo khô một cách bất thường. Một cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp cây xanh 2 cho biết: “Cây bị chết do già cỗi thường các nhánh, lá cây ngoài cùng sẽ bị héo khô dần vào trong, sau một thời gian cây mới chết. Đằng này đùng một cái cây đang xanh tốt bỗng dưng toàn bộ lá cây héo rũ bất thường”.
Không chỉ nghi đổ hóa chất vào gốc cây, tháng 7 vừa qua, Xí nghiệp cây xanh 1 còn phát hiện chiêu “ hạ độc” cây xanh theo kiểu khác. Cụ thể, sau khi thấy hai cây long não trước nhà 213 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3 đột ngột héo lá bất thường, tổ kiểm tra phát hiện dưới gốc mỗi cây xanh được khoan nhiều lỗ có đường kính cỡ ngón tay, gần xuyên qua thân cây. Trong các lỗ này chứa hóa chất màu vàng nhạt. “Trong quá trình kiểm tra, tôi chạm tay vào chất này sau đó vô tình đưa tay lên mặt quệt mồ hôi thì phần da trên mặt bị phỏng rộp, đau rát rất khó chịu”, một nhân viên tổ kiểm tra cho biết. Sau vụ việc trên, Xí nghiệp cây xanh 1 cho thay toàn bộ phần đất dưới gốc cây, đồng thời phun nước rất nhiều để tưới rửa nhưng rất ít khả năng cây phục hồi như bình thường.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong những tháng gần đây, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP phát hiện hơn 50 trường hợp xâm hại cây xanh, trong đó có bốn cây cổ thụ (cây loại 3 có đường kính gốc trên 50cm, cao trên 12m), hơn mười cây xanh thuộc loại 2 (đường kính gốc 20-35cm, cao đến 12m), còn lại là cây loại 1 (đường kính gốc dưới 20cm, cao 6-8m). Những hình thức xâm hại phổ biến là tự ý chặt cành, đốn hạ và đổ hóa chất vào gốc cây.
Ít bị xử lý
Trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh như thế nào khi có hàng loạt cây xanh bị xâm hại? Một lãnh đạo công ty này cho biết chỉ là đơn vị làm thuê và không đủ thẩm quyền xử lý. Vì vậy khi phát hiện cây bị xâm hại, công ty lập biên bản báo cho các khu quản lý giao thông đô thị, các khu sau đó báo lại cho thanh tra Sở Giao thông vận tải TP kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Bật Hận – phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, mặc dù sở là đơn vị quản lý nhà nước về cây xanh nhưng theo nghị định 23 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng…), thẩm quyền kiểm tra, xử phạt hành vi xâm hại cây xanh được giao cho thanh tra thuộc Sở Xây dựng TP.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thanh tra Sở Xây dựng TP cho rằng theo quy định chánh thanh tra Sở Xây dựng có quyền xử phạt hành vi xâm hại cây xanh nhưng đến nay chưa xử phạt trường hợp nào cũng như chưa nhận được báo cáo hay đề xuất phối hợp xử phạt từ cơ quan khác.Theo quy định, ngoài thanh tra Sở Xây dựng, chủ tịch UBND các cấp cũng có thẩm quyền xử phạt hành vi trên. Tuy nhiên hành vi đổ hóa chất thực hiện rất tinh vi, khó bắt được tận tay nên không đủ cơ sở xử lý.
Nhiều người cho rằng chính những đơn vị được hưởng lợi từ việc cây xanh bị chết là một căn cứ để các cơ quan công an có thể điều tra xử lý vụ việc, vấn đề là có quyết tâm làm hay không. TP.HCM hiện chỉ còn hơn 5.500 cây cổ thụ, nhưng với thực trạng cây bị đầu độc tràn lan mà không có biện pháp bảo vệ hiệu quả thì hình ảnh những cây cổ thụ chỉ còn lại trong ký ức là chuyện không quá xa vời.
Theo Tuổi Trẻ
Lâm tặc "đại náo" khu rừng cấm lớn nhất cả nước
Chỉ trong vòng bán kính chừng 100m tại Tiểu khu 848 Vườn quốc gia Yok Đôn đã có tới hơn 20 cây gỗ căm xe, hương cổ thụ vừa bị lâm tặc đốn hạ.
Những cây giáng hương bị lâm tặc "khai thác" tại Tiểu khu 441 và 434. (Nguồn: sggp.org.vn)
Lâm tặc đốn cây quý ngay trước mũi kiểm lâmSáng 2/8, nhận được tin báo của quần chúng về việc hàng chục cây gỗ quý cổ thụ ở Vườn quốc gia Yok Đôn vừa bị lâm tặc đốn hạ ngay trước "mũi" của lực lượng kiểm lâm, nhóm phóng viên lập tức lên đường.
Mất hơn hai giờ đồng hồ "đánh vật," vừa đi, vừa đẩy, vừa khênh hai chiếc xe máy WIN thuê ở trung tâm xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) để vượt khoảng 20km đường rừng, nhóm phóng viên mới tiếp cận được địa điểm đầu tiên mà lâm tặc vừa khai thác gỗ quý tại Tiểu khu 484.
Bỏ xe lại bên con đường tuần tra nội bộ, lội vào rừng khoảng 20m, chúng tôi bắt gặp hàng loạt cây gỗ quý căm xe, giáng hương (nhóm II và IIA) vừa bị lâm tặc đốn hạ, cành lá vẫn còn xanh tươi.
Tiếp tục đi rộng ra trong vòng bán kính chưa đến 100m, chúng tôi đếm được trên 20 cây gỗ quý cổ thụ (đường kính từ 50-80cm) vừa bị đốn hạ.
Nhiều cây có đề bút lục kiểm đếm số cây và ghi ngày phát hiện bị đốn hạ là: ĐKT 1/8/2012-T3 KT (tức đã kiểm tra 1/8/2012, trạm số 3 kiểm tra - PV).
Ngoài ra, rất nhiều cây gỗ quý cổ thụ đường kính 60-70cm bị lâm tặc đốn hạ, lấy đi phần "nạc" nhất chưa có bút lục của lực lượng kiểm lâm.
Vết tích để lại ở hiện trường chứng tỏ hầu hết các cây gỗ quý này vừa mới bị lâm tặc đốn hạ: cành lá còn tươi xanh, còn ướt nhựa cây...
Người dẫn đường chỉ vào một cây căm xe có đường kính khoảng 70cm cho biết: "Ngày hôm qua, cây này vừa bị đốn hạ, lâm tặc chưa kịp lấy đi khúc gỗ nào, nhưng hôm nay lâm tặc đã quay lại lấy mất phần gỗ tốt nhất rồi."
Những dấu tích tại hiện trường như bếp lửa còn mới, can đựng nước, vỏ đồ hộp vứt lăn lóc... chứng tỏ lâm tặc đã tổ chức khai thác tại đây trong một thời gian tương đối dài và đốn hạ hàng loạt cây gỗ quý, sau đó mới xẻ hộp để vận chuyển ra ngoài.
Tiếp tục đi sâu hơn vào các Tiểu khu 484, 477, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều hiện trường khai thác gỗ lậu. Mặc dù không tiến sâu vào rừng nhưng chúng tôi đã kịp đếm được ít nhất 50 cây gỗ quý như căm xe, giáng hương cổ thụ bị đốn hạ.
Vết tích để lại cho thấy toàn bộ số cổ thụ này đều bị đốn hạ trong khoảng thời gian cuối tháng 7/2012. Nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ, cắt lóng nhưng chưa kịp xẻ hộp để vận chuyển ra khỏi rừng.
Chỉ vào một vạt rừng cây cỏ bị bầm dập, người dẫn đường cho biết: "Đây là địa điểm tập kết gỗ lậu. Ngay trong ngày 1/8, đây đã là nơi tập kết hàng chục hộp gỗ xe nhưng hôm nay đã không còn. Lâm tặc chắc chắn sẽ quay lại để lấy nốt mấy khúc gỗ của những cây mới đốn hạ."
Trong vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Yok Đôn, cùng với những vạt rừng cổ thụ trơ gỗ là chằng chịt những lối mòn do lâm tặc tự mở để vận chuyển gỗ ra đường tuần tra, rồi từ đó vận chuyển ra ngoài rừng.
Ước tính với số gốc cổ thụ vừa đếm được đã có gần 50m3 gỗ quý bị lâm tặc lấy đi. Khu rừng cấm lớn nhất cả nước đã gần như trở thành "vườn nhà" của lâm tặc.
"Trước đây bọn lâm tặc chỉ lén lút khai thác nhỏ lẻ, nhưng không hiểu sao đợt này bọn chúng tổ chức khai thác rầm rộ, với quy mô lớn như vậy," người dẫn đường cho chúng tôi nhận xét.
Nguy cơ trở thành khu rừng cấm "rỗng ruột"
Chiều 2/8, làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Thành, Quyền giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn thừa nhận: "Ngày nào chúng tôi cũng phát hiện lâm tặc đốn hạ gỗ quý. Tính riêng từ nửa tháng Bảy đến nay, chúng tôi phát hiện và xử lý hơn 30 vụ chặt gỗ quý, trung bình mỗi ngày hai vụ. Số gỗ quý bị lấy đi ước tính hơn 50m3."
Tuy nhiên, với những gì vừa được chứng kiến sau chuyến lội rừng thì việc phát hiện, xử lý của lực lượng kiểm lâm ở đây mới chỉ đơn giản là đi đếm gốc, đánh số, ghi ngày phát hiện, sau đó tổ chức thu gom số gỗ lâm tặc vứt lại để bán đấu giá. Còn biện pháp ngăn chặn, bảo vệ để hạn chế việc lâm tặc ngang nhiên đốn hạ gỗ quý trong khu rừng cấm này thì gần như chưa mang lại hiệu quả.
Cũng theo ông Thành, ngoài các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan để xảy ra tình trạng mất rừng là do công tác quản lý bị buông lỏng, nhiều dấu hiệu cho thấy có sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm trong các vụ phá rừng ở Yok Đôn.
Mặt khác, sự phối hợp giữa Vườn Quốc gia Yok Đôn và các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, công tác bảo vệ rừng gần như chỉ khoán trắng cho lực lượng kiểm lâm của Vườn nên không những không ngăn chặn được mà tình trạng phá rừng ở Yok Đôn ngày càng gay gắt hơn.
Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 115.000ha, đây cũng là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay, Vườn Quốc gia Yok Đôn có biên chế 226 người, trong đó có 173 cán bộ kiểm lâm trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng; hệ thống trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra cũng như phương tiện bảo vệ rừng được trang bị khá đầy đủ.
Song thực tế nhiều năm gần đây, Vườn Quốc gia Yok Đôn là điểm nóng về tình trạng vi phạm tài nguyên rừng. Với những gì đang diễn ra ở đây, nếu không có những biện pháp giữ rừng hiệu quả thì chỉ môt thời gian ngắn nữa thôi, Vườn Yok Đôn sẽ trở thành khu rừng cấm "rỗng ruột"./.
Theo TTXVN
Bình Dương: Gã con rể trời đánh, 4 lần đầu độc cả gia đình vợ Sau 3 lần ra tay thất bại, Tâm vẫn không hề chùn tay. Ngay ngày hôm sau, Tâm lại tiếp tục đổ thuốc độc vào nồi canh. Nhưng lần này, máy quay trong bếp đã phát hiện ra hung thủ chính là "gã con rể trời đánh". Gia đình khó khăn, phải đi ở rể và may mắn cưới được một người vợ...