Hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc mất nhiều hơn được
Dù có tuyên truyền về sự trỗi dậy hòa bình như thế nào đi chăng nữa thì khi nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp với đại bộ phận các quốc gia láng giềng như hiện nay, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Giáo sư Tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.
Giáo sư Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc
- Xin giáo sư cho biết lý do thực tế mà Trung Quốc cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981?
- GS. Kim Tae-wan: Khó có thể cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc đang tiến hành chỉ là để thăm dò dầu khí nên tôi nghĩ rằng, mục đích quan trọng hơn, đó là Trung Quốc muốn thể hiện cho bên ngoài thấy sự tự tin của Trung Quốc về sức mạnh quân sự khi đã sở hữu và vận hành tàu sân bay. Điều này nhằm thị uy với Mỹ và các quốc gia trong khu vực về lòng tự tin của Trung Quốc với trọng tâm là sức mạnh quân đội. Như vậy, cùng với việc thể hiện quan điểm sẽ không từ bỏ chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc đang tuyên bố với gần như toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc muốn Mỹ và các quốc gia liên quan thấy rõ ý chí của mình.
- Với việc lắp đặt trái phép giàn khoan dầu khí ở vùng thềm lục địa Việt Nam, xin giáo sư cho biết Trung Quốc được gì và mất gì?
- GS. Kim Tae-wan: Theo tôi nghĩ, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Trung Quốc đang muốn trở thành nước lãnh đạo cộng đồng quốc tế cùng với Mỹ theo kiểu G2, song căn cứ vào sự phản kháng mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng khó có thể tiến hành khai thác dầu trên thực tế tại khu vực này.
Hơn nữa, dù Trung Quốc có tuyên truyền về sự trỗi dậy hòa bình như thế nào đi chăng nữa thì khi nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp với đại bộ phận các quốc gia láng giềng như hiện nay, các quốc gia này sẽ đoàn kết lại và tiến hành các hoạt động nhằm kiềm chế việc cường quốc hóa của Trung Quốc. Điều này dẫn tới kết quả là sẽ giúp cho Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á. Các quốc gia châu Á đang có mâu thuẫn với Trung Quốc sẽ mượn sức mạnh của Mỹ để đối kháng với Trung Quốc.
- Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên đưa vấn đề chủ quyền với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, giống như Philippines đã làm. Là một chuyên gia về Luật biển quốc tế, ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?
- GS. Kim Tae-wan: Cũng có trường hợp các bên liên quan đưa vấn đề chủ quyền lãnh thổ ra tòa án quốc tế, nhưng số này ít. Đặc biệt, trong trường hợp vấn đề đó không chỉ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà còn liên quan đến nguồn tài nguyên năng lượng to lớn nên không dễ gì các bên liên quan giao lợi ích quốc gia to lớn của mình cho bên thứ ba phán xét. Việc giải quyết vấn đề thông qua sự can thiệp của bên thứ ba chỉ nên coi là giải pháp cuối cùng.
Video đang HOT
Điều quan trọng hơn ở đây là, vấn đề phát sinh ở Biển Đông của Việt Nam cũng là vấn đề chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Nói rộng ra, Biển Đông cũng là vùng biển mà Hàn Quốc và Nhật Bản có lợi ích quan trọng vì phần lớn giao lưu thương mại và nguồn cung cấp dầu đều thông qua vùng biển này. Theo đó, cần đặt mục tiêu xây dựng cơ chế liên kết vấn đề trên biển của khu vực Đông Á (Đông Nam Á và Đông Bắc Á) trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Về lâu dài, các nước trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích, tiến hành hợp tác khai thác chung và theo phương hướng cùng chia sẻ lợi ích sẽ là điều hợp lý.
Tàu hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam,
không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981
(ảnh chụp ngày 20-5, do Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp)
- Giáo sư có thể đưa ra một số dự báo về tình hình hiện nay không? Liệu Trung Quốc có tiếp tục những hành động leo thang hay sẽ tìm cách hạ nhiệt?
- GS. Kim Tae-wan: Tôi nghĩ tình hình này sẽ không tiếp tục kéo dài lâu vì càng để kéo dài lâu, Trung Quốc càng bất lợi. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam cần xử lý một cách bình tĩnh dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế để Trung Quốc thấy rõ việc kéo dài căng thẳng như hiện nay tuyệt đối không có lợi cho Trung Quốc, đồng thời Việt Nam có thể thông qua các kênh chính thức và không chính thức để trao đổi, giao thiệp với nhà cầm quyền Trung Quốc.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Theo ANTD
Kết luận của Thủ tướng về phương án hỗ trợ doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp bàn về giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương.
Văn bản nêu rõ, vừa qua, nhân dân cả nước đã cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Một số người biểu tình đã có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm. Hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế để bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.
Để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục thông báo đầy đủ cho các quốc gia và vùng lãnh thổ về thực trạng tình hình và sự chỉ đạo của Chính phủ nêu trên. Đề nghị các nước động viên, khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ và hợp tác chặt chẽ để sớm khắc phục hậu quả, phát triển sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích chung. Các bộ, ngành, địa phương trực tiếp làm việc cùng doanh nghiệp trên tinh thần xây dựng, thực hiện mọi giải pháp phù hợp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp. Tập trung vào những việc chủ yếu sau đây:
a) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có doanh nghiệp bị thiệt hại phải cử cán bộ làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp để nắm chắc thực tế tình hình, đồng thời công bố ngay bộ phận đầu mối tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là hỗ trợ khôi phục, xác nhận, cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại và áp dụng các chính sách, chế độ liên quan. Trường hợp hồ sơ, tài liệu, chứng từ bị mất, cho phép các cơ quan thực hiện dựa trên cam kết của doanh nghiệp và hậu kiểm.
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan:
- Hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm xác định và đưa thiệt hại của các doanh nghiệp vào phạm vi được bảo hiểm; khẩn trương xác định giá trị thiệt hại để thực hiện bồi thường theo thủ tục đơn giản, rút gọn; ứng trước tiền bồi thường đối với những trường hợp đã xác định rõ thuộc phạm vi, đối tượng được bảo hiểm.
- Chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan căn cứ thiệt hại thực tế của doanh nghiệp, thực hiện việc gia hạn thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước đối với số phát sinh trước tháng 5 năm 2014 mà chưa nộp, tương ứng với mức độ thiệt hại. Thời gian gia hạn tối đa là 02 năm, không phạt chậm nộp đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại.
- Chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện việc miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với những khoản thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hoá bị tổn thất; cho phép thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế.
- Chỉ đạo cơ quan thuế khẩn trương thực hiện việc khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bị thiệt hại mà không được bồi thường, bao gồm cả trường hợp không còn chứng từ, hoá đơn.
- Chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn doanh nghiệp kê khai vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần giá trị thiệt hại không được bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường và phần trả lãi vay góp vốn điều lệ cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại.
- Hướng dẫn giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.
c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị thiệt hại. Trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại thuê hạ tầng gắn với quyền sử dụng đất thì miễn, giảm tiền thuê đất cho công ty kinh doanh hạ tầng; số tiền này được khấu trừ tương ứng vào tiền thuê hạ tầng của doanh nghiệp bị thiệt hại.
d) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương có các biện pháp thích hợp để hỗ trợ, cung ứng lao động thay thế kịp thời cho lực lượng lao động bị thiếu hụt. Bộ Công an tạo mọi điều kiện thuận lợi để cấp thị thực nhập cảnh nhanh cho nhà đầu tư và lao động nước ngoài vào Việt Nam đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại và có nhu cầu bổ sung lao động nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách về lao động, cho phép áp dụng ngay quy định chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam chỉ cần có trình độ đại học, cử nhân trở lên hoặc có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến làm việc; đối với việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên thì chỉ cần Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại chưa thể hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và không có khả năng trả tiền lương cho người lao động từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2014 thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát danh sách, vận dụng quy định về chế độ bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết cho người lao động phần tiền lương còn nợ. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp tình hình thực hiện của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý và đề xuất phương án áp dụng từ sau tháng 6 năm 2014.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động, tích cực có các biện pháp kịp thời, cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ giao dịch, vay vốn nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
e) Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời tích cực truy tìm, thu hồi và trả lại tài sản, các thiết bị kỹ thuật bị mất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Theo ANTD
Các nghị sĩ hối thúc chính quyền Mỹ cứng rắn trước hành động nguy hiểm của Trung Quốc Các nghị sỹ Mỹ đã yêu cầu chính phủ của Tổng thống Barack Obama phản ứng mạnh hơn nữa để ngăn chặn những bước tiến nguy hiểm của Trung Quốc. Hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Biển Đông đã trở thành một tâm điểm của phiên điều trần về ngân sách dành cho chiến lược tái cân...