Gương mặt mới của Phá-Lấu-biz: Xôi phá lấu lòng gà – “Ngoài lòng heo bình thường tôi còn muốn gây dấu ấn với lòng gà béo ngậy”
Xôi phá lấu thì không mới, nhưng xôi phá lấu mà có cả lòng heo, lưỡi heo và còn thêm cả… lòng gà thì cũng hơi bị “lạ” đó nha!
Nếu Kpop cứ vài ngày là lại có một nhóm nhạc mới debut thì phá lấu ở Sài Gòn cứ một thời gian lại có biến tấu mới xuất hiện, và lần này là món xôi phá lấu lòng gà độc đáo.
Thực ra, nói xôi phá lấu lòng gà là “tân binh” thì cũng không đúng, bởi vì món này xuất hiện “lai rai” ở Sài Gòn vốn cũng không phải ngày một ngày hai nhưng vẫn chưa thực sự nổi tiếng. Nếu gõ từ khoá xôi phá lấu lòng gà vào ô tìm kiếm, hẳn nhiều người sẽ phải “ngờ vực” với sự tồn tại của món ăn này bởi vì lượng thông tin ít ỏi đến đáng thương. Hiếm ai biết cái gọi là xôi phá lấu lòng gà ăn thế nào, vị ra sao, hay có gì đặc biệt.
Vì lý do đó, hôm nay chúng mình xin phép viết một bài “rì-viu” có tâm cho món ăn hơi kém hot này, và nơi chúng mình “trao thân gửi phận” là Xôi Chè Bùi Thị Xuân với độ an toàn cao do là hàng xôi lâu năm ngon có tiếng ở Sài Gòn.
Đầu tiên là về hình thức nói chung. Lúc nhìn thấy phần nhân phá lấu trong quầy hàng, chúng mình đã hơi bối rối vì nó không giống với món phá lấu trong suy nghĩ. Để chắc ăn thì chúng mình đã hỏi cô chủ quán, và được cho biết rằng phá lấu ở đây thực ra không giống với món phá lấu chúng ta thường ăn với mì hay chấm bánh mì. Mà do để ăn chung được với xôi nên được chế biến theo kiểu xào chứ không ninh trong nồi, song vẫn có đầy đủ nguyên liệu cơ bản là lòng heo và lưỡi heo.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của phần phá lấu đặc biệt này phải kể đến lòng gà. Có thể thấy tim gà và gan gà là hai món “ngoài công thức” được thêm vào, và những phần này phải nắm từ 70 – 80% yếu tố làm nên sự độc đáo của xôi phá lấu. Đương nhiên không cần nói cũng biết chúng mình đã ngạc nhiên đến mức nào trước tiết lộ này của cô chủ quán, nhưng theo đó cũng sinh vài phần mong chờ đối với hương vị.
Trong thực tế, chúng tôi đã không thất vọng…
Không có gì nhiều để bình luận về phần xôi, bởi Xôi Chè Bùi Thị Xuân vẫn luôn nổi tiếng có xôi ngon, hạt tơi, mềm, dù một trong số chúng mình cảm thấy phần xôi ngày hôm ấy có hơi khô nhưng điểm cuối cùng vẫn là 7/10.
Video đang HOT
Còn lại, phần nhân phá lấu hẳn phải là nhân vật chính của món này, và nhất là lòng gà, bởi vì tim và gan gà đã mang lại cho món ăn vị béo vừa phải, tạo thêm sự phong phú hơn là chỉ có lòng heo và lưỡi heo. Ai là tín đồ mê ăn hẳn sẽ phải bật ngón cái ngay cho cái sự đầy ú ụ và đa dạng bên trong. Tuy nhiên, phải nói đến một điểm trừ nho nhỏ đó là dù được xào chung, nhưng không hiểu vì sao phần lòng gà lại có vị mặn hơn trong khi lòng heo lại hơi thiên về ngọt. Dù vậy, lúc ăn chung cùng với xôi thì cũng “bù qua xớt lại” nên vẫn ổn. Sự kết hợp thoạt nhìn có hơi mới mẻ này hoá ra lại rất “đúng đắn”. Chúng mình rate 8/10 cho phần phá lấu.
Bên cạnh đó, đối với fan cuồng của Phá Lấu thì phải cảnh báo “nhẹ” là các bạn sẽ hơi thất vọng vì món phá lấu này không có hương vị giống như món phá lấu thường thấy, song không thể phủ nhận rằng đây là một biến tấu cực đáng thử.
Điều hối hận duy nhất của chúng mình cả buổi sáng ngày hôm ấy có lẽ là do quán quá đông nên chúng mình đã không thể lưu lại nhiều hình ảnh và hỏi chi tiết hơn về món ăn. Không gian quán cũng không rộng rãi lắm nên bạn sẽ thấy cảnh nhân viên cùng khách hàng “tình thương mến thương” mà chen giữa lối đi nên mua về có lẽ là lựa chọn tốt hơn ăn tại chỗ.
Ngoài ra, với sự nổi tiếng của Xôi Chè Bùi Thị Xuân thì không có gì nhiều để nói về quán, nhưng chúng mình vẫn muốn ghi nhận một chuyện là tốc độ chuẩn bị của nhân viên ở đây rất nhanh. Nếu mua về, bạn có lẽ sẽ cảm giác như… “bị đuổi” vì toàn bộ quá trình gọi món đến chuẩn bị, thu tiền và trả tiền thừa mất chưa đến… 2 phút! Tuy nhiên, đừng cảm thấy như thế nhé bởi thái độ của nhân viên đều rất lịch sự dù quán khá đông khách.
Theo Trí Thức Trẻ
3 biến thể phá lấu độc lạ, chỉ hội ăn cả thế giới mới biết ở Sài Gòn
Phá lấu có thể xem là món ăn vặt mang tính biểu tượng của Sài Gòn. Thời gian gần đây, phá lấu có nhiều biến tấu mới, trong đó đặc biệt phải kể đến 3 loại biến tấu dưới đây!
Phá lấu là món ăn vặt khoái khẩu của dân Sài Gòn nói chung. Những tưởng chỉ có vài cách chế biến truyền thống như chấm bánh mì, chan mì gói hay ăn khô bởi mấy chục năm qua đều thế. Vậy nhưng, ở Sài Gòn có 3 chỗ và chỉ duy nhất 3 điểm này có biến tấu phá lấu cực lạ.
1. Phá lấu nước cốt dừa
Phá lấu chị Thục nằm trong hẻm đường Phạm Văn Hai, đã bán qua hai thế hệ mẹ con nhưng đến nay vẫn giữ nguyên nếp bán trên xe đẩy cũ bằng gỗ, trở thành "dấu ấn thương hiệu". Nước dùng của chị Thục nấu từ nước cốt dừa, màu trắng đục, thơm ngọt, béo ngậy khó tả.
Phá lấu ở đâu bán cũng có màu cam đỏ để bắt mắt, quên đi cảm giác món ăn từ nội tạng. Nhưng phá lấu chị Thục lại... không màu. Việc làm phá lấu không cho màu thực phẩm, không dùng gia vị tạo mùi để "át" đi mùi thật của đồ lòng tức phải có cách xử lý lòng rất kỹ, nấu ra thơm ngon không hôi hay hăng. Quan trọng hơn cả, phá lấu chị Thục bán bên cạnh trường tiểu học, khách là trẻ nhỏ rất nhiều, bụng dạ nhạy cảm, đủ để hiểu chất lượng ở đây "không đùa được đâu".
Phá lấu chị Thục cực kỳ béo, ngọt thanh tao, đồ lòng làm sạch sẽ không hôi một tí nào, chấm cùng nước tắc chua nhẹ lại càng thèm thuồng hơn. Chén phá lấu đơn sơ chỉ có màu trắng đục của nước lèo, màu nguyên thủy của lòng, cũng chẳng có rau răm hay bánh mì hay mì gói gì, vậy mà có khi đến ăn còn chẳng có chỗ ngồi vì hai chiếc bàn với đôi ba cái ghế nhựa lúc nào cũng kín khách.
Quán phá lấu này đã bán ngót nghét hơn 30 năm, trở thành tuổi thơ của bao học trò trường tiểu học Bình Giã. Khó tìm thấy xe phá lấu cốt dừa nào như vầy ở Sài Gòn nữa. Một chén nhỏ chỉ 13 ngàn nhưng ai đến ăn cũng phải gọi 2 - 3 chén mới đã cơn thèm. Chị Thục bán từ 4 giờ chiều khi học sinh tan trường cho đến tối tầm 7 giờ là dọn.
2. Mì Ý xào phá lấu
Quán phá lấu ở Bình Thới quận 11 tuy nằm trong hẻm hóc vậy đó mà lại đông khách cực kỳ, cũng chỉ bởi có "món tủ" chẳng nơi nào bán: mì Ý xào phá lấu. Mì gói xào phá lấu cho cảm giác hơi ngấy dầu mỡ nhưng mì Ý thì khác, sợi mì dai hơn, thơm hơn, xào cùng nước phá lấu và bơ chỉ ngửi mùi thôi đã ứa nước miếng thèm thuồng, điểm xuyết mấy sợi rau muống đảo nhanh còn giòn sật, ăn khi nóng hổi vừa trút ra từ chảo thì đúng nghĩa mỹ vị nhân gian.
Phá lấu làm sạch, xào chung với bơ, khi ăn dai giòn, sần sật đã răng phải biết. Một đĩa mì xào khá to chỉ 25 ngàn, bạn nào ăn khỏe có thể gọi thêm phá lấu chén để ăn kèm, đảm bảo no căng.
Quán bán từ khoảng 5 giờ chiều đến hơn 10 giờ tối, điểm trừ là ở quận 11 khá xa trung tâm và ngõ ngách đường Bình Thới vốn khó tìm. Mì Ý xào phá lấu là "món hot" của quán nên nếu muốn thưởng thức bạn nên đi sớm, tầm sau 7 giờ tối có khi sẽ hết mì nhé!
3. Phá lấu lên mâm
Không mới ở món ăn nhưng rất mới lạ trong cách trình bày, đó là phá lấu lên mâm nằm ở quán ăn đối điện Ga tàu hỏa Sài Gòn. Một mâm phá lấu chắc phải 2 - 3 người ăn mới hết bởi mâm khá to và dễ ngấy do nhiều đạm, nhiều mỡ.
Các món trong mâm này sẽ gồm: phá lấu bò, phá lấu heo dùng mũi và tai heo, phá lấu gà có gan và mề gà, phá lấu mực, phá lấu bò xào me, mì gói xào phá lấu bò và xôi nếp pate. Nghe qua cũng đủ thấy độ "khủng" của phần ăn này rồi nhỉ.
Theo review của nhiều người, mâm phá lấu trình bày đẹp, quán sạch sẽ, phục vụ nhanh nhẹn nhưng các món ăn chỉ dừng ở mức độ ổn chứ không ngon xuất sắc. Phá lấu mực lạ miệng, mực ninh mềm, thú vị và nên thử. Một mâm có giá tầm 138 ngàn, tốt nhất nên ăn vặt và chia ba người bởi phá lấu vốn là món dễ ngấy, không nên ăn quá no trong một lần. Nhiều khách hàng khen phá lấu xào me và xôi nếp pate.
Phá lấu xào me là món ăn vặt ít nơi bán, đây có thể xem là biến tấu từ món hột vịt lộn xào me "huyền thoại Sài Gòn", độ chua nhẹ của me khi cân bằng với độ béo của phá lấu cũng rất hợp. Quán nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, đối diện với ga Sài Gòn, bán từ 2 giờ chiều đến 2 giờ đêm.
Theo Helino
Người Sài Gòn cũng rất "sủng ái" mấy món từ lòng, cứ nhìn list đồ ăn này thì biết Vừa bùi vừa béo lại còn dai dai, đấy là những gì mà các món từ lòng heo ở Sài Gòn mang đến cho bạn. Heo luôn là món được "sủng ái" nhiều nhất đối với ẩm thực Việt bởi vì độ thơm ngon, dễ ăn và đặc biệt bất kì bộ phận nào cũng tận dụng được. Nếu như thịt heo, óc...