Gương mặt đại diện Burberry từng là nạn nhân của bắt nạt, kỳ thị
Trước khi thành công như hiện tại, Neelam Gill đã trải qua quãng thời gian bị kỳ thị, phân biệt chủng tộc và là nạn nhân của bắt nạt trên mạng.
Neelam Gill (25 tuổi) là người mẫu thuộc công ty First Access Entertainment. Cô có bố mẹ là người Ấn Độ song đều sinh ra ở Anh và mang quốc tịch Anh.
Sở hữu chiều cao 1,78 m, làn da nâu quyến rũ, lông mày rậm cùng mái tóc đen nhánh đặc trưng, Neelam nhanh chóng gây chú ý khi bước chân vào giới người mẫu năm 14 tuổi. Năm 2014, Neelam là người mẫu gốc Ấn Độ đầu tiên trở thành gương mặt đại diện cho Burberry Beauty. Sau đó, 9X hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như L’Oréal Paris hay Dior.
Tuy nhiên, trước khi có được những thành công đó, Neelam từng có quãng thời gian tự ti vì ngoại hình, thậm chí trầm cảm và là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. “Lớn lên ở thành phố Coventry, Anh, tôi thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc màu da khi đến trường. Họ gọi tôi bằng nhiều từ miệt thị, đùa cợt về nghề nghiệp của bố mẹ tôi”, 9X nói với Stylist trong một bài phỏng vấn.
Trong thời gian dài, Neelam căm ghét màu da của mình vì cô nghĩ đó là điều khiến cô khác biệt với mọi người và bị bắt nạt. Đến khi làm người mẫu, sự kỳ thị trong ngành thời trang cũng khiến cô gặp không ít khó khăn. “Nhiều nhãn hàng không thích người mẫu da ngăm, đôi khi chỉ nhận 1-2 người trong mỗi chiến dịch để ‘lấp đầy chỗ trống’ mà thôi”, Neelam cho biết. Bên cạnh đó, khi hình ảnh của Neelam xuất hiện trên mạng, những bình luận ném đá, kỳ thị cũng bủa vây cô không ngớt.
Video đang HOT
Tuy nhiên dần dần, Neelam học được cách yêu bản thân và tự tin hơn vào vẻ ngoài của mình. Cô quyết định càng ở những nơi bị kỳ thị, cô càng phải chứng tỏ những suy nghĩ, quan điểm đó của họ là sai lầm. “Mọi người không hiểu việc bị phân biệt đối xử đau đớn như thế nào. Tôi hy vọng sẽ đưa tiếng nói của mình góp phần vào thay đổi những định kiến của mọi người”, 9X chia sẻ.
Bên cạnh làm người mẫu, Neelam còn là nhà hoạt động xã hội tích cực. Cô thường xuyên là khách mời tại các sự kiện dành cho người trẻ để truyền cảm hứng, chia sẻ về câu chuyện của bản thân, về hành trình cô tìm lại sự tự tin và vượt qua nạn bắt nạt như thế nào.
“Hãy sống thật với chính mình. Khi còn nhỏ, tôi rất bất an và luôn ghét màu da của mình. Tôi nghĩ bạn phải có một niềm tin thực sự mạnh mẽ vào bản thân, không phải là vì kiêu ngạo mà khác biệt chính là một điều đẹp đẽ”, nàng mẫu nói.
Thầy giáo bị nhà trường điều tra, chỉ trích vì công khai đồng tính
Cui Le, một thầy giáo người Trung Quốc, công khai giới tính thật để ủng hộ một sinh viên đồng tính khác. Sau đó, anh đối mặt với việc bị trường đại học theo dõi, kỳ thị.
Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, về câu chuyện của một thầy giáo Trung Quốc chịu cảnh bị kỳ thị, đè nén sau khi công khai mình là người đồng tính.
Khi tuyên bố công khai mình là người đồng tính, Cui Le trở thành cái tên bị nhắc đến trên các tiêu đề tin tức ở báo chí địa phương, cũng như chịu sự theo dõi gắt gao từ phía cơ quan nơi anh làm việc. Mất nhiều năm, sau khi chuyển đến New Zealand, anh mới thấy sẵn sàng kể lại những gì đã trải qua.
Trở lại năm 2015, Cui Le khi ấy là giảng viên Ngôn ngữ học tại Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông (Trung Quốc).
Tháng 8, một sinh viên tên Qiubai ở trường Đại học Tôn Trung Sơn đã kiện Bộ Giáo dục Trung Quốc vì nội dung các cuốn sách giáo khoa có đề cập đến chuyện đồng tính là "một căn bệnh". Sau đó, hội đồng tư vấn của nhà trường đã thông báo cho phụ huynh của Qiubai về giới tính thật của cô và đưa cô đến bệnh viện để kiểm tra.
Cui Le đối diện với chỉ trích, theo dõi gắt gao từ ngôi trường anh đang giảng dạy kể từ khi anh công khai là người đồng tính. Ảnh: SCMP.
Những người thuộc cộng đồng LGBT như Cui không khỏi cảm thấy bất bình trước sự việc. Trước giờ, anh luôn che giấu việc mình là người đồng tính vì lo sợ ảnh hưởng đến công việc giảng dạy. Mỗi khi đồng nghiệp có ý định mai mối, Cui sẽ lảng tránh, viện cớ mình quá bận rộn và chỉ yêu công việc.
Nhưng lần này, chứng kiến những gì xảy ra với nữ sinh viên, Cui thấy gần như không có giáo viên nào đứng ra bảo vệ Qiubai.
"Vậy nên tôi quyết định hành động. Tôi công khai giới tính thật và bày tỏ thái độ ủng hộ cô ấy với hy vọng mọi người sẽ bớt ác cảm và định kiến với người đồng tính", Cui kể lại.
Trong vài tuần đầu, mọi thứ vẫn yên bình với người thầy giáo. Cui còn mời thêm những nhà hoạt động xã hội đến giảng đường, dạy về ngôn ngữ hay giới tính, thiên hướng tình dục.
Phản ứng của các sinh viên tích cực. Nhiều người cho biết nhờ có Cui, họ hiểu biết rõ hơn về các vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục.
Song, phía trường đại học không nghĩ như vậy. Một cuộc điều tra nhanh chóng diễn ra sau khi các giờ học của Cui được biết đến. "Một nam giáo viên nói về đồng tính trong lớp học", thư ký của nhà trường nói về Cui trong một cuộc họp.
Hai hiệu phó ngay lập tức tìm tới Cui cảnh báo. "Hầu hết cộng đồng không chấp nhận chuyện đồng tính luyến ái, ngay cả chủ đề này cũng rất nhạy cảm. Nó chắc chắn không thể xuất hiện trong lớp học", một người nói.
Thái độ kỳ thị người đồng tính vẫn ăn sâu tại Trung Quốc, nhất là ở các môi trường đại học, chủ đề đồng tính càng nhạy cảm. Ảnh: AP.
"Nếu như anh nói về chuyện đồng tính luyến ái, những người khác sẽ nghĩ xấu về đại học của chúng ta", người còn lại chỉ trích.
Cui bị buộc phải viết văn bản cam kết anh sẽ chấm dứt các giờ dạy về giới tính của mình. Ngoài ra, người thầy giáo cũng đối mặt với mức tiền phạt vì "mời người ngoài vào dạy", dù nhà trường không hề có quy định nào liên quan vào thời điểm đó. Án kỷ luật được lưu thẳng vào hồ sơ của Cui.
Quãng thời gian sau đó ở trường đại học của Cui trôi qua trong căng thẳng, khi anh bị coi là đối tượng có tác động xấu, cùng với định kiến dành cho người đồng tính vẫn còn. Đến năm 2017, Cui chuyển đến New Zealand sau hai năm chịu nhiều đè nén.
5 năm sau sự việc, nam giáo viên mới dám kể lại những gì mình trải qua. "Hình phạt của tôi khi công khai giới tính cho thấy sự ăn sâu của thái độ kỳ thị, nhất là trong môi trường học thuật, với những công việc nhà nước", Cui nói.
Không hiếm những giáo viên như Cui là người đồng tính cũng cố tìm cách ủng hộ cộng đồng LGBT thông qua những giờ đứng lớp trước sinh viên. Một cách kín đáo, họ thường lồng ghép những nhân vật nổi tiếng là người đồng tính vào nội dung bài giảng.
Tháng 2/2018, Cui Le lần đầu tham gia vào buổi diễu hành của cộng đồng LBGT tại New Zealand. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, những người giáo viên phải đối mặt với áp lực, căng thẳng không hề nhỏ, khi phía nhà trường sẽ ngay lập tức có động thái giám sát, hoặc các lãnh đạo sẽ ngồi trực tiếp trong lớp khi họ đứng giảng.
Cui miêu tả những gì trường đại học làm để trừng phạt anh là "vết sẹo đầy đau đớn". Nhưng chính những trải nghiệm không mấy tốt đẹp này đã thúc đẩy nam giáo viên quyết tâm đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng người đồng tính.
Bắt đầu cuộc sống mới ở New Zealand, Cui được mời làm "đại diện nhóm LGBT" tại nơi trường học mới anh làm việc.
Năm 2018, lần đầu tiên, anh tham gia vào một cuộc diễu hành của người đồng tính, với những người đứng đầu là hiệu trưởng và trưởng khoa nơi Cui công tác. Cả hai đều công khai mình là gay. Tấm biểu ngữ với những dòng chữ xây dựng một môi trường an toàn cho sinh viên đồng tính được giương lên và đem đi dọc các con đường.
"Tôi đã sống những ngày tháng bị soi xét, chịu tổn thương và cả sự thờ ơ từ những người xung quanh. Tôi hiểu tầm quan trọng của việc lên tiếng. Tôi sẽ không bao giờ hối tiếc khi từng ủng hộ Qiubai. Đó là khởi đầu của mọi cảm xúc tôi đã trải nghiệm", Cui Le khẳng định.
Sau cái chết của nữ đô vật, Nhật Bản thừa nhận tồn tại nạn bắt nạt Sau cái chết thương tâm của nữ đô vật Hana Kimura (22 tuổi), chính phủ Nhật Bản có nhiều động thái quyết liệt nhằm hạn chế nạn bắt nạn trên Internet. Zing trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến việc chính phủ và người dân Nhật Bản mới thực sự vào cuộc nhằm chống lại bạo lực mạng...