Gượng dậy sau một năm bị hôn phu tạt axit
Lê Lan Vy rẽ mái tóc, soi mình trong gương, nhìn vào vết sẹo trên mặt và nói sẽ cố gắng làm lại từ đầu.
Một năm trước, cô gái 24 tuổi bị hôn phu tạt axit do không muốn làm đám cưới vì anh ta bạo hành. Cô được đưa ra Hà Nội, trải qua 16 cuộc phẫu thuật, chịu thương tật vĩnh viễn 46%. Gương mặt chưa hoàn thiện, Vy luôn mang khẩu trang khi ra ngoài, nhưng cô phải dừng điều trị vì không còn kinh phí.
Cuối năm 2019, Lan Vy trở về Đà Nẵng với nhiều vết sẹo trên cơ thể. Bác sĩ đã lấy vạt da ở lưng của cô ghép lên mặt. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này áp dụng tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
“Bác sĩ nói phác đồ điều trị của tôi đang trong giai đoạn tiến triển tốt, sợ dừng lâu quá sẽ không còn hiệu quả nhiều nữa”, Vy nói.
Hiện giờ mắt trái giảm thị lực vĩnh viễn, chỉ còn nhìn thấy được 10%. Những vết sẹo ở mặt, tay, chân thường xuyên bị ngứa và đau nhức. Tay phải và gót chân trái cũng bị sẹo co kéo, không mang vác nặng, vận động nhiều dễ đuối sức.
Cô cũng chưa nhận được tiền bồi thường từ người tạt axit. Bất lực nhìn mình trong gương, cô gái 25 tuổi nhiều lần giấu mình trong phòng, không dám nghĩ về tương lai.
Lan Vy sau 16 ca phẫu thuật. Cô dùng tóc che đi vết sẹo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngày đầu từ bệnh viện trở về nhà, Vy hụt hẫng khi nhớ lại khung cảnh kinh hoàng và “cảm giác bỏng rát thấu xương” năm trước.
“Đến nay đêm ngủ tôi vẫn mơ thấy ác mộng, nhưng sau đó cũng cố gắng lấy lại tinh thần chứ không u uất như trước nữa”, Vy nói. “Tôi đang dần chấp nhận sự thật là phải sống với những vết sẹo này cả đời”.
Video đang HOT
Hàng ngày, Vy dành phần lớn thời gian ở nhà đọc sách, nghe nhạc. Đây là cách giúp cô vượt qua những ngày điều trị trong bệnh viện tại Hà Nội. Vy thích chơi với mèo để có thêm người bạn tâm sự. Cô tìm hiểu về cách điều trị cho những người bị tạt axit trên thế giới cũng như chăm sóc phần da ghép ở mặt mỗi ngày. Gần đây, cô bắt đầu tìm tòi và học cách kinh doanh online ở nhà, tích góp tiền phẫu thuật và đỡ đần gia đình.
Bạn bè thường đến nhà hoặc rủ Vy ra ngoài để tâm lý thoải mái. Công ty cũ cũng tạo cơ hội cho cô quay trở lại làm việc, tuy nhiên sức khỏe chưa đảm bảo nên cô từ chối. Cô có thêm nhiều bạn mới ở trong viện, thường xuyên liên lạc, hỏi thăm. Mọi người cố gắng giúp, đưa cuộc sống của cô gái trẻ trở lại bình thường.
Vy thích nghe nhạc, đọc sách và chơi với mèo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lúc ở nhà, Vy để lộ mặt. Khi ra ngoài, cô chải phần tóc mái xuống che đi một nửa gương mặt có sẹo, để “đỡ phải trả lời câu hỏi ‘bị làm sao đấy’ của nhiều người”.
Dần dần, Vy ra ngoài nhiều hơn, trò chuyện, cà phê ngoài phố. Những bức hình Vy chụp nhận được nhiều lời khen. “Tôi cảm thấy mình không còn vô dụng nữa bởi vẫn có thể truyền năng lượng và niềm lạc quan cho nhiều người xung quanh”, Vy nói.
Đầu năm nay, Vy đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Cô cho rằng Vy hiện tại là một “phiên bản hoàn thiện hơn” dù cơ thể không còn hoàn hảo như trước. Cô mong mọi người xung quanh sẽ dần quên đi câu chuyện buồn và chỉ nhớ đến một Lan Vy mạnh mẽ, đang nỗ lực để sống tốt hơn mỗi ngày.
Thoa một chút son, dặm lại phấn má rồi chụp một tấm hình, Vy nói, chụp ảnh để lưu lại sự thay đổi của mình hàng ngày nên không ngại đăng lên mạng xã hội.
“Cuộc đời thử thách quá nhiều nhưng Vy không than trách. Sau mỗi khó khăn, mình sẽ trưởng thành hơn gấp bội”, cô gái chia sẻ.
Những ngày cách ly xã hội: May hàng chục ngàn khẩu trang tặng người dân phòng dịch
Hàng chục ngàn chiếc khẩu trang vải, y tế đến từ các bạn trẻ, cựu học sinh sẽ được phân phát cho người dân khó khăn trong mùa dịch Covid -19.
Nhiều người trẻ đồng hành với người dân khó khăn trong dịch Covid - 19 bằng việc may khẩu trang vải, y tế - Ảnh: Tấn Đạt
Nhiều ngày nay, người dân tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã an tâm hơn phần nào khi họ biết sẽ được phát khẩu trang vải miễn phí. Đó là những phần quà tinh thần mà các anh chị, cựu học sinh Trường THCS Châu Hòa, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre mang đến.
Có công góp công, có sức góp sức
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, đại diện nhóm cự học sinh Trường THCS Châu Hòa, chia sẻ, hiện nay tình hình dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, cùng với đó là sự khan hiếm khẩu trang. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, hội cựu học sinh của trường đã phát động may khẩu trang miễn phí cho bà con.
Nhóm cựu học sinh của chị Thắm gồm 16 thành viên ở nhiều độ tuổi, công việc khác nhau. Được thành lập nhân Ngày nhà giáo Việt Nam năm ngoái để về trường tri ân thầy cô. Đến thời điểm này thấy tình hình khó khăn của bà con vì dịch Covid - 19 nên nhóm tiếp tục hoạt động, cụ thể mỗi người đóng góp tiền để may khẩu trang vải kháng khuẩn phòng dịch Covid - 19 cho người dân.
"Hiện tại với nguồn vận động kinh phí từ các anh em cựu học sinh chỉ may được 16.000 chiếc, vì nếu để phát toàn xã Châu Hòa (mỗi người 2 chiếc) thì phải mất đến 24.000 chiếc khẩu trang mới đủ, cho nên mình cũng đang cố gắng vận động thêm", chị Thắm cho biết.
Gia đình chị Trà Mi tranh thủ những ngày cách ly xã hội để may khẩu trang vải phát cho người dân tại địa phương - Ảnh: Trà Mi
Chị Huỳnh Thị Trà Mi, 33 tuổi, hiện tại làm kế toán kinh doanh online tại TP.HCM, cũng là thành viên nhóm cựu học sinh Trường THCS Châu Hòa, chia sẻ: " Ngoài việc kêu gọi chị em phụ nữ trong vùng giúp đỡ về phần may thì bản thân mình cũng đem về cho mẹ và ngoại của mình may nữa. Vì không tập trung đông người nên mỗi người tự san sẻ một ít, ai có công góp công, ai có sức góp sức, người có ý tưởng thì góp ý tưởng".
"Sản phẩm có thể không đẹp bằng hàng công ty nhưng đảm bảo tiêu chuẩn phòng bệnh và đây là tấm lòng của tất cả cựu học sinh cùng bà con xã đồng lòng chống dịch. Khẩu trang sẽ được phát tại tổ nhân dân tự quản ở các ấp trên địa bàn xã Châu Hòa, dự kiến từ ngày 11.4 đến 15.4", chị Mi cho biết.
Chung tay góp sức
Ngồi một góc tại căn nhà nhỏ của mình, chị Hoàng Đỗ Minh Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ P.7, Q.10, TP.HCM, vẫn đang xử lý vải không dệt để may thành từng chiếc khẩu trang. Chị Thảo cho biết: "Ở cơ quan mình tranh thủ may khẩu trang vải còn về nhà may khẩu trang y tế. Thật ra lúc đầu không biết may khẩu trang như thế nào, mình phải tự mua về và cắt khẩu trang ra để xem họ may ra sao rồi kết hợp với clip trên mạng người ta hướng dẫn làm nữa. Hồi đó, chưa khéo tay nên may chưa đẹp, giờ có vẻ ổn lắm rồi".
"Sau khi kết thúc công việc sớm mấy chị em trên cơ quan còn lấy vải ra may nữa. Chị em nào làm ở nhà cũng may vì dịch bệnh nên làm việc chỉ còn 1/3 thời gian ở cơ quan. Người có vải góp góp vải, người biết cắt may góp sức, còn lại thì phụ những công đoạn kết quai, giặt ủi... Chỉ cần dành chút thời gian nghỉ trưa để tranh thủ cắt may khẩu trang tặng cho những người cơ nhỡ, người lao động khó khăn. Mọi người đoàn kết, chung lòng, mỗi người góp một chút sức của mình để cùng chung tay giúp mọi người qua hạn dịch này", chị Minh cho biết.
Các chị em Hội Liệp hiệp phụ nữ P.7, Q.10, TP.HCM tranh thủ giờ nghỉ trưa để may khẩu trang - Ảnh: HLHPN P.7, Q.10
"Mình nhớ hôm đó thấy một cô cứ đứng loay hoay, tưởng cô cần đồ dùng mình lại cho cơm và nước rửa tay ai ngờ cô không nhận mà còn đưa mình 500.000 đồng và nói với mình "cô muốn chung tay góp sức để ủng hộ phát khẩu trang và cơm miễn phí cho mọi người", tự nhiên thấy vui gì đâu", chị Hoàng Đỗ Minh Thảo chia sẻ.
Cho đến thời điểm hiện tại Hội Liên hiệp phụ nữ P.7, Q.10, TP.HCM, đã phát được 1.000 cái khẩu trang vải và gần 4.000 cái khẩu trang y tế cho bà con. Không những thế Hội cũng đã phát cơm và nước rửa tay sát khuẩn cho người nghèo, người bán vé số không có việc làm. Hoạt động này sẽ tiếp diễn ra cho đến khi hết dịch Covid - 19.
Tấn Đạt
Người trẻ bán hàng online trong những ngày 'không phục vụ tại chỗ' vì Covid-19 Sau thông báo của TP.HCM về việc 'không được phục vụ ăn uống tại chỗ' để phòng dịch Covid-19, một số cửa hàng đã điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay bằng việc chuyển sang bán online. Các cửa hàng đều chuyển sang hình thức "bán mang về" Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng cho biết có nhiều sự thay...