Guna Yala thiên đường của giới tính thứ ba
Sau khi băng qua vùng nước tĩnh lặng trên biển Caribbe, du khách dường như bị choáng ngợp với cảm giác như lạc vào thiên đường.
Nằm rải rác giữa vùng nước xanh ngọc, quần đảo nhỏ bé xinh đẹp đến mức không thể tin nổi với bãi cát trắng lấp lánh phơi mình dưới hàng cây cọ và rặng dừa xanh biếc. Guna Yala hay còn gọi là San Blas – quần đảo nằm ngoài khơi khu vực phía đông Panama gồm hơn 300 hòn đảo nhỏ nhưng chỉ có 49 đảo có con người sinh sống.
Quần đảo thiên đường
Với dân số hơn 50.000, người Guna vẫn sống như tổ tiên họ ngày trước trong những túp lều gỗ dựng bằng lá cọ, củi cháy âm ỉ trong đống lửa và đồ đạc trong nhà duy nhất chỉ có những chiếc võng. Guna Yala đặc biệt vì nhiều lý do: đây là vùng tự trị của cư dân bản địa, với lá cờ có hình chữ thập ngoặc màu đen quay mặt về bên trái, thể hiện ý niệm về bốn hướng và sự tạo thành thế giới. Nhưng có lẽ một trong những truyền thống đáng tò mò nhất ở Guna Yala là sự bình đẳng giới tự nhiên hết sức khoan dung.
Quần đảo Guna Yala nằm ở ngoài khơi phía đông của Panama, là nơi sinh sống của người Guna bản địa.
Người “phụ nữ” tên Lisa vừa khoe với du khách đường thêu tuyệt đẹp của cô với nụ cười nhẹ nhàng cho biết: “Mẹ dạy tôi cách làm những mola xinh đẹp, tức kiểu trang phục thêu truyền thống của chúng tôi. Một vài mẫu thể hiện chim muông và động vật, trong khi số rất quyền năng – chúng sẽ bảo vệ chúng ta khỏi linh hồn của quỷ dữ”. Nhưng, đối với du khách thì sẽ chẳng có gì bất thường ở Lisa.
Cũng giống như rất nhiều phụ nữ Guna khác, Lisa ngồi trên chiếc xuồng đẽo từ thân gỗ và giới thiệu với du khách những sản phẩm thủ công tuyệt đẹp của mình. Chỉ trừ việc Lisa sinh ra là… một bé trai. Trong xã hội nơi mà phụ nữ là người cung cấp thực phẩm chính đồng thời là chủ tài sản và người ra quyết định, con trai có thể lựa chọn trở thành một Omeggid, nghĩa là “giống phụ nữ” – nói cách khác là họ sẽ hành động và làm việc giống như mọi phụ nữ trong cộng đồng.
Giới tính thứ ba này là hiện tượng hoàn toàn bình thường trên đảo. Nếu một cậu bé có biểu hiện hành động như “phụ nữ”, gia đình sẽ tự nhiên chấp nhận và cho phép cậu lớn lên một cách tự nhiên như vậy. Thường là Omeggid sẽ học kỹ năng dành cho phụ nữ, chẳng hạn như hầu hết các Omeggid sống trên đảo sẽ thành thạo kỹ thuật để thêu được những trang phục mola phức tạp nhất.
Giới tính thứ ba, hay còn gọi là Omeggid, là hiện tượng hoàn toàn bình thường trên đảo.
Diego Madi Dias, nhà nhân chủng học Đại học Sao Paulo đã sống chung với người Guna hơn 2 năm và chứng kiến tận mắt việc những nhân vật quyền lực trong xã hội mẫu hệ Guna có ảnh hưởng quan trọng đến đàn ông Guna ra sao. Diego Dias giải thích: “Người Guna đã dạy tôi rằng trẻ em nên được tự chủ, vì cái tôi của các em đến từ trái tim, từ bên trong, và bắt đầu thể hiện từ sớm. Vì vậy nếu một bé trai bắt đầu thể hiện xu hướng là người chuyển giới, em ấy không phải tránh thể hiện là chính mình”.
Nandín Solís García – nữ chuyên viên giáo dục sức khỏe chuyển giới và nhà hoạt động về quyền của người LGBTQ (đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới) ở thành phố Panama, vốn là người xuất thân từ cộng đồng trên đảo Aggwanusadub và Yandub của người Guna Yala – cho biết việc một cậu bé lớn lên là đồng tính hay giới tính linh hoạt không gặp vấn đề gì trên đảo mà luôn được gia đình, bạn bè và cộng đồng ủng hộ. Hầu hết là các trường hợp đàn ông chuyển giới thành nữ, còn trường hợp nữ giới chuyển thành nam giới cực kỳ hiếm, nhưng những trường hợp nữ chuyển thành nam cũng được đón nhận bình đẳng.
Nandin Garcia giải thích: “Xét về mặt lịch sử thì luôn có người chuyển giới ở Guna”. Trong thực tế, người Omeggid ở Guna Yala gợi nhắc về truyền thuyết của người Guna. Có nhiều câu chuyện sáng thế về những thủ lĩnh đầu tiên xây dựng nên truyền thống, luật lệ và đường lối cho người Guna noi theo: đó là một người đàn ông tên Ibeorgun, chị gái của ông tên Gigadyriai và em trai là Wigudun – đó chính là nhân vật đại diện cho khái niệm mà ta gọi là giới tính thứ ba. Dias giải thích rằng nhân vật Wigudun vừa là nam vừa là nữ.
Phụ nữ có mặt khắp nơi
Bước trên đường phố ở Đảo Cua (Crab Island), một trong những cộng đồng lớn nhất trong vùng du lịch ở Guna Yala, du khách dễ thấy phụ nữ có mặt ở khắp nơi. Họ ăn vận trang phục thêu truyền thống tuyệt đẹp, làm ra sản phẩm thủ công, trông coi cửa hàng nhỏ và bán đồ ăn thức uống. Khác với nhiều quốc gia Trung Mỹ, phụ nữ Guna có vẻ cởi mở và dễ dàng bắt chuyện nhiều hơn so với trên đường làng ở Guatemala hay Nicaragua.
Video đang HOT
Nếu một bé trai bắt đầu thể hiện xu hướng là người chuyển giới, em không cần phải tránh né thể hiện bản thân.
Theo lời của hướng dẫn viên gọi tên là David trên Đảo Cua, phụ nữ ở Guna Yala có địa vị xã hội cao. Đám cưới truyền thống của người Guna gồm nghi lễ bắt rể tượng trưng, chứ không phải bắt cô dâu, và khi người đàn ông được “cưới” về, anh ta sẽ chuyển sang sống trong nhà cô dâu. Kể từ đó, công việc của anh phụ thuộc vào gia đình nhà gái, và đó chính là người phụ nữ quyết định là chồng có thể chia sẻ con cá, trái dừa hay chuối với cha mẹ hay anh em bên nội hay không.
David cho biết ngay cả tiệc tùng ở đây cũng là để vinh danh phụ nữ với 3 nghi lễ quan trọng nhất ở quần đảo Guna Yala là lễ sinh con gái, lễ dậy thì và đám cưới của cô gái. Cả cộng đồng tụ về uống loại bia mạnh của dân bản địa gọi là chicha để mừng cho việc trở thành cô gái và thành đàn bà.
Trong lễ mừng dậy thì, cô gái được xỏ mũi bằng một vòng khuyên bằng vàng. Một phụ nữ lớn tuổi người Guna chỉ vào vòng khuyên mũi mà bà đang đeo và giải thích: “Vàng là vật báu, vì vậy phụ nữ đeo vàng để thể hiện bản thân họ quý báu và danh giá tới mức nào”. Mặc dù theo truyền thống thì đàn ông sẽ trở thành ngư dân, thợ săn, nông dân hay tù trưởng; nhưng công việc của phụ nữ cũng được coi trọng tương đương, thậm chí đôi khi là được coi trọng hơn.
Phụ nữ ở quần đảo Guna Yala được vinh danh với 3 nghi lễ quan trọng nhất là lễ sinh con gái, lễ dậy thì và đám cưới.
Hiện nay với nền du lịch phát triển, người Guna bắt đầu kiếm tiền từ các nguồn khác, ngoài cách buôn bán từ xa xưa như thu hái dừa, lặn tìm tôm hùm, đánh cá và làm nông. Phụ nữ Guna có thể kiếm được thu nhập đáng kể nhờ bán cho du khách các trang phục thêu mola phức tạp và vòng winis (loại vòng tay đầy màu sắc làm từ các hạt cườm bằng thủy tinh). Một chiếc áo mola có thể bán từ 30 đến 50 USD, trong khi một người đàn ông chỉ có thể kiếm được chừng 20 USD cho cả ngày làm việc cọ rửa sàn của thuyền buồm cho du khách.
Diego Dias cho biết: “Tôi sẽ không nói người Guna theo chế độ mẫu hệ, vì dù phụ nữ là người ra quyết định trong gia đình, họ hiếm khi làm chính trị gia hay tù trưởng. Nhưng vấn đề là người Yuna không có thứ bậc về giá trị công việc. Đánh cá và săn bắn được gọi là công việc, nấu ăn hay chăm sóc trẻ con cũng được coi là công việc. Người Guna không coi lao động của phụ nữ là thấp kém hơn công việc như chúng ta đôi khi vẫn ứng xử ở phương Tây. Nhưng vì người trai trẻ chuyển đến nhà vợ sống, và vì phụ nữ trở thành người mưu sinh kiếm thức ăn, tôi nghĩ đôi khi nam tính khó mà có thể thể hiện được”.
David thú nhận là cuộc hôn nhân của anh đã được cha mẹ vợ và vợ anh sắp đặt, và anh có ít tiếng nói về tài sản hay chia sẻ thực phẩm cho bên nhà anh. “Vợ tôi quyết định… phụ nữ luôn quyết định” – anh nói và mỉm cười, trước khi vội vàng đi chuẩn bị thức uống chicha ăn mừng con gái anh đến tuổi dậy thì, và cả Đảo Cua sẽ ăn mừng việc này.
Vấn đề phương Tây hóa
Nhưng trong khi phụ nữ có vai trò xác định trong xã hội Guna, thì đôi khi người Omeggid lại không được như vậy. “Vì ngày càng nhiều người Guna bắt đầu có liên hệ với sự Tây hóa, đáng buồn là chúng tôi bắt đầu du nhập thái độ kỳ thị đối với sự đa dạng, với người LGBTQ”, Garcia nói.
Phụ nữ Guna có thể kiếm được thu nhập đáng kể nhờ bán các bộ mola thêu phức tạp và vòng winis.
Theo Garcia, rất nhiều người Omeggid rời bỏ Guna Yala để đến Panama City tìm cơ hội giáo dục và sự nghiệp. Mặc dù một số thực hiện được giấc mơ, thì một số khác phải trả giá đắt hơn rất nhiều. Cộng đồng người Guna cũng có vấn đề lớn với HIV.
Ở Guna Yala, không có giáo dục giới tính, và đơn giản mọi người không biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục. Kết quả là, rất nhiều đàn ông và người Omeggid bị nhiễm HIV từ thành phố, và sau đó do thiếu hiểu biết nên đã mang mầm bệnh về quần đảo Guna khi trở về nhà. Tổ chức phi chính phủ Wigudun Galu đang làm việc để tránh lây nhiễm HIV và giáo dục giới tính cho cộng đồng người Omeggid. Nhưng dù có những vấn đề đó, người Omeggid sống ở Guna Yala vẫn phát triển.
Người Omeggid trẻ tuổi có mái tóc dài học thêu thùa từ mẹ, còn những người lớn tuổi hơn đeo khăn choàng bán đồ thêu mola hay làm hướng dẫn viên và phiên dịch cho du khách. Họ được coi như những thành viên bình đẳng trong gia đình người Guna và trong cộng đồng.
Khi Lisa vươn tay chèo, chiếc thuyền nhỏ trôi giữa vùng nước biển lung linh. Lúc đó, Guna Yala có vẻ như một thế giới song song tuyệt vời của hòa bình, chấp nhận và thấu hiểu – và hẳn nhiên có rất nhiều điều mà chúng ta có thể học hỏi từ cộng đồng trên quần đảo bé nhỏ giữa biển Caribbe này.
Người dân trên thế giới ăn mừng Halloween thế nào?
Không chỉ có bí ngô và mặt nạ, nhiều nước trên thế giới ăn mừng Halloween theo cách khác biệt.
Lễ hội Samhain, Ireland và Scotland
Ireland được xem như nơi khai sinh ra lễ hội Halloween hiện đại với nguồn gốc bắt đầu từ các nghi lễ của người Celt và Pagan cổ đại. Một lễ hội mang tên Samhain, hay Samhuinn (nửa cuối năm ánh sáng) đã diễn ra từ hàng nghìn năm trước.
Ngày nay, cả Ireland và Scotland đều tổ chức lễ Halloween bên lửa trại với nhiều trò chơi và món ăn truyền thống như barmbrack, một loại bánh trái cây của Ireland có chứa tiền xu, nút và nhẫn để xem bói. Cụ thể, nhẫn là biểu tượng của hôn nhân, trong khi tiền xu có nghĩa là sự giàu có trong năm tới.
Ngày của Người Chết Dia De Los Muertos, Mexico
Hai ngày đầu tiên của tháng 11, người Mexico và một bộ phận người dân Mỹ Latin ăn mừng Día de los Muertos (Ngày của Người Chết) để tưởng nhớ những người đã qua đời. Họ tin rằng Cổng Thiên đường mở ra vào nửa đêm 31/10 để linh hồn trở về Trái đất, đoàn tụ với gia đình trong 24 giờ. Vào ngày 2/11, linh hồn của những người lớn cũng sẽ xuống trần gian để tham gia các lễ hội.
Ngày lễ được tổ chức với bàn thờ trong nhà bày đủ loại trái cây, đậu phộng, gà tây, soda, chocolate nóng, nước, những chồng bánh ngô và một loại bánh đặc biệt dành cho ngày lễ gọi là pan de muerto (bánh mì của người chết), được để lại như đồ cúng. Đối với linh hồn của trẻ em, các gia đình để lại đồ chơi và bánh kẹo, trong khi linh hồn người trưởng thành nhận được thuốc lá và rượu mezcal (loại đồ uống có cồn được làm từ cây thùa, vị khá giống tequila).
Ngày của Dracula, Romania
Hàng năm, du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến ăn mừng Halloween tại Lâu đài Bran ở Transylvania, Romania. Tòa lâu đài nổi tiếng vì gắn liền với hoàng tử Vlad Tepes trị vì xứ Wallachia, kẻ có thú vui tàn bạo là dùng cọc xiên vào thân thể các nạn nhân của mình. Vlad chính là người tạo cảm hứng cho Bram Stoker viết nên tác phẩm về Bá tước Dracula.
Du khách có thể mua tour tham quan và tiệc tùng tại lâu đài của Bá tước Dracula vào dịp Halloween, qua đêm tại đây. Năm nay, do Covid-19, lâu đài chỉ tổ chức tiệc Halloween online vào tối 31/10, lúc 18h (giờ địa phương).
Lễ diễu hành Halloween Kawasaki, Nhật Bản
Halloween Kawasaki là cuộc diễu hành lớn nhất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tham gia. Do lễ hội có các hướng dẫn và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bạn phải đăng ký tham gia hai tháng trước khi cuộc diễu hành bắt đầu. Năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, ban tổ chức quyết định tổ chức một cuộc thi hoá trang online, với chủ đề là Cyberspace, yêu cầu thí sinh từ khắp nơi trên thế giới đăng tải hình ảnh, video lên mạng để tranh tài. Người thắng cuộc có thể nhận giải thưởng tới 500.000 yen (hơn 110 triệu đồng).
Pangangaluluwa tại Philippines
Pangangaluluwa là truyền thống ở Philippines, nơi trẻ em mặc những bộ trang phục đến từng nhà, hát và cầu nguyện cho những linh hồn bị mắc kẹt trong luyện ngục. Ngày nay, trong khi nghi lễ này được thay thế bằng trò "Cho kẹo hay bị ghẹo", một số thị trấn vẫn duy trì và mong muốn hồi sinh Pangangaluluwa để giữ gìn truyền thống và gây quỹ tại địa phương.
Pitru Paksha tại Ấn Độ
Trong 16 ngày lễ Paksha thứ hai của tháng Bhadrapada theo âm lịch của người Hindu, nhiều người ở Ấn Độ tổ chức lễ Pitru Paksha. Năm nay lễ hội diễn ra từ 1-17/9.
Tín đồ Hindu tin rằng khi một người qua đời, thần chết Yama sẽ đưa linh hồn của người đó đến luyện ngục (nơi nằm giữa Thiên đường và Địa ngục), nơi họ sẽ tìm thấy ba thế hệ cuối cùng trong gia đình. Trong Pitru Paksha, các linh hồn được phép trở lại Trái đất và ở với gia đình của họ trong thời gian ngắn.
Để giữ vị trí của gia đình họ ở thế giới bên kia, người ta phải thực hiện nghi lễ Shraddha, bao gồm nghi lễ đốt lửa. Nếu nghi lễ này không được thực hiện, linh hồn sẽ lang thang trên Trái đất vĩnh viễn. Trong lễ Pitru Paksha, các gia đình cúng cho người đã khuất thức ăn như kheer (gạo ngọt và sữa), lapsi (một loại cháo ngọt), gạo, đậu lăng, đậu mùa xuân và bí ngô... nấu trong nồi bạc hoặc đồng và bày trên lá chuối.
Dzie Zaduszny, Ba Lan
Ngày Dzie Zaduszny diễn ra vào 2/11 hàng năm, là dịp người dân Ba Lan đến các nghĩa trang để thăm mộ của người thân quá cố (Dzie Zaduszny giống như Ngày Các Đẳng của người Công giáo). Ngày lễ được tổ chức với nến, hoa và lễ cầu nguyện cho những người thân đã khuất. Vào ngày thứ hai của lễ hội, mọi người tham dự một lễ cầu siêu cho linh hồn người chết.
Lễ hội Awuru Odo, Nigeria
Lễ hội Awuru Odo được tổ chức để chào mừng những người bạn và thành viên gia đình đã ra đi "trở về" với cuộc sống. Kéo dài đến sáu tháng, ngày lễ được tổ chức với các bữa tiệc linh đình, âm nhạc và mặt nạ trước khi người chết quay lại nơi vĩnh hằng. Mặc dù là nghi lễ quan trọng, Odo diễn ra hai năm một lần, khi người ta tin rằng các linh hồn trở lại Trái đất.
Oginissanti, Italy
Lễ Các Thánh, ngày 1/11, là ngày quốc lễ của Italy. Được biết đến nhiều hơn với cái tên Ognissanti hay Tutti i santi trong tiếng Italy, lễ thường bắt đầu từ vài ngày trước. Người dân sẽ để hoa tươi trên mộ của người thân quá cố và cả người lạ, biến nghĩa trang vào ngày này thành nơi đầy màu sắc.
Ngoài ra, họ cũng bày tỏ lòng thành kính với những người đã khuất bằng cách đặt một ngọn nến đỏ trên cửa sổ vào lúc hoàng hôn, và sắp xếp một vị trí trên bàn ăn trưa cho những linh hồn mà họ hy vọng sẽ đến thăm.
Kinh nghiệm du lịch Bình Liêu mùa cỏ lau Tháng 11 là thời điểm Bình Liêu thu hút giới trẻ bởi mùa hoa cỏ lau trắng trời. Khác hẳn vẻ nhộn nhịp, sầm uất của vịnh biển Hạ Long, một huyện nhỏ miền núi cách đó hơn 100 km thu hút du khách bởi khung cảnh nguyên sơ, hùng vĩ nhưng không kém phần lãng mạn. Nằm phía đông bắc Quảng Ninh,...