Guinness Việt Nam và những điều chưa ai biết về nhà máy in tiền đầu tiên của nước ta
Đầu năm 2014, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ công bố và trao kỷ lục Việt Nam cho nhà máy in tiền đầu tiên thuộc xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Đây là kỷ lục Guinness Việt Nam giành cho nhà máy in tiền của chính quyền cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đầu mới thành lập.
Đồn điền Chi Nê nơi đặt nhà máy in tiền đầu tiên.
Từ nơi đây, những “tờ bạc tài chính cụ Hồ” đã mang sứ mệnh lịch sử, khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân khố, vực dậy nền tài chính non yếu, kiệt quệ, dần loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp. Đến nay, có những điều về nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam mà không phải ai cũng biết.
Guinness Việt Nam
Kỷ lục Việt Nam đã được tổ chức và trao cho nhà máy in tiền đầu tiên của nước ta tại huyện Lạc Thủy. Ngược dòng thời gian, cách đây đã gần 70 năm, nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tại đồn điền Chi Nê gắn với công lao to lớn của nhà yêu nước Đỗ Đình Thiện. Năm 1946, bằng việc mua lại nhà in
Tô-panh của Pháp và hiến một phần đồn điền Chi Nê, gia đình nhà yêu nước này đã xây dựng những cơ sở đầu tiên cho nền tài chính quốc gia. Trong hoàn cảnh những năm đầu độc lập, tờ bạc quốc gia ra đời đã khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân khố, vực dậy nền tài chính non yếu, kiệt quệ, lệ thuộc vào thực dân, phong kiến.
Trên mặt trận kinh tế, đồng tiền đã trở thành một lợi thế đấu tranh tiền tệ, dần loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta. Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh được đón Bác Hồ về thăm. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của Bộ Tài chính nói riêng, nền tài chính quốc gia nói chung và một thời kỳ lịch sử cách mạng vẻ vang. Năm 2007, khu di tích được Bộ VH-TTDL xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích rộng 15,64 ha, mức đầu tư giai đoạn I là 58 tỉ đồng. Năm 2010, công trình được khởi công. Hiện nay, các hạng mục phục hồi, tu bổ di tích I là khu tưởng niệm Bác Hồ và những năm đầu của ngành tài chính; di tích II là xưởng in bạc… đã hoàn thành. Với những dấu ấn lịch sử và ý nghĩa đặc biệt, khu di tích lịch sử nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946 – 1947) ở xã Cố Nghĩa đã được trao kỷ lục Guinness Việt Nam.
Đồng tiền đầu tiên.
Ngược dòng lịch sử
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta giành được độc lập nhưng lâm vào tình thế khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Do chưa phát hành được tiền tệ độc lập khiến tài chính của ta gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc đó, quân Tưởng ở miền Bắc đã tung tiền “quan kim” nhằm cạnh tranh với đồng tiền Đông Dương và phá hoại nền kinh tế của ta. Chính quyền cách mạng đã khắc phục bằng cách kêu gọi nhân dân tích cực sản xuất và ủng hộ cho “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”…, nhưng phía thực dân Pháp luôn tìm cách phá hoại, gây khó khăn cho ta về tài chính. Trước tình hình đó, việc phát hành đồng tiền độc lập của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhu cầu bức thiết.
Tháng 10.1945, đồng chí Phạm Văn Đồng – Bộ trưởng Bộ Tài chính được Trung ương chỉ đạo, điều hành toàn bộ việc chuẩn bị, in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề khó khăn nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật cần dùng cho việc sản xuất đồng tiền Việt Nam bởi trước năm 1945 cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn là Nhà in Viễn Đông và Nhà in Tô-panh. Nhưng tại thời điểm này, cả hai nhà máy in đều do quân Tàu Tưởng và Pháp chiếm đóng, ta không thể sử dụng. Ông Đỗ Đình Thiện – một nhà tư sản Việt Nam yêu nước đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại Nhà in Tô-panh của Pháp sau đó hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền.
Video đang HOT
Ngày 3.2.1946, theo chủ trương của Chính phủ, đồng tiền (giấy bạc) Việt Nam được tung ra ở hầu hết khắp các tỉnh miền Nam Trung bộ và được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là những đồng tiền đầu tiên của ta đại diện cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia và trên đồng tiền mới có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1946, cơ sở nhà máy in tiền Tô-panh bị lộ, Chính phủ quyết định sơ tán một bộ phận của nhà in lên đồn điền Chi Nê. Đồn điền Chi Nê được xây dựng cuối thế kỷ XIX, rộng hơn 7.300 ha. Tại đây, chủ đồn điền Bô-ren ( người Pháp) đã xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, chuồng trại trâu bò. Năm 1943, Bô-ren bán lại đồn điền cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện với giá hai nghìn lượng vàng. Tại đây, gia đình ông Thiện đã dành một địa điểm thích hợp, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là tờ giấy bạc 100 đồng, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh, kịp thời phục vụ nhu cầu kháng chiến. Ở nhà máy in tiền Chi Nê, công nhân làm việc chủ yếu từ 16h chiều đến 3h sáng hôm sau. Mặc dù làm đêm vất vả, mệt nhọc nhưng với tinh thần yêu nước, anh chị em công nhân dốc toàn tâm lực, tạo được “dòng máu” cung cấp đều đặn cho chiến trường, cho mọi nhu cầu kháng chiến, kiến quốc. Ngày 31.11.1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp kỳ thứ hai, quyết định phát hành đồng tiền Việt Nam và tổ chức thu hồi, đổi tiền Đông Dương trên toàn quốc với mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và tiếp đó là loại 200 đồng, 500 đồng.
Nhà tư sản yên nước Đỗ Đình Thiện.
Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện (1904-1972) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 1927-1932, ông du học tại trường canh nông ở Toulouse (Pháp) và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm 1931, ông bị bắt trong một lần chuyển tài liệu bí mật của Đảng cho các thủy thủ người Việt đưa về Việt Nam. Sau khi trở về Đông Dương, ông kết hôn với bà Trịnh Thị Điền. Năm 1941, ông bà Thiện mua lại Nhà máy dệt Gia Lâm của ông Hương Ký – một tư sản nổi tiếng thời bấy giờ với giá 3 vạn đồng Đông Dương, với chủ đích tạo ra những sản phẩm có giá thấp để chiếm lĩnh thị trường. Một lần, có chuyến tàu Nhật Bản chở tơ lụa nhân tạo sang bán. Lúc đó, người Việt Nam chưa biết đến sản phẩm này, nên không ai dám mua. Ông bà Thiện lại nghĩ khác: Nhật là nước phát triển, không lẽ tơ của họ lại không dùng được. Vậy là ông bà mạnh dạn mua cả tàu hàng. Khi biết ông bà có nhà máy dệt, người Nhật hết sức thân tình trong việc cung cấp nguyên liệu.
Đến năm 1943, ông bà Thiện đã quyết định mua lại đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) từ một ông chủ người Pháp. Đồn điền này là cơ sở do hai chú cháu điền chủ người Pháp Bô-ren khởi tạo trong suốt 40 năm có chiều dài khoảng 13km và chiều rộng khoảng 9km, sản phẩm chính là càphê. Đồn điền còn có 2.000 mẫu ruộng, chăn nuôi nhiều loại gia súc với hàng nghìn con trâu, bò, cừu, dê. Ông bà còn có ý định chuyển nhà máy dệt về đây khi chiến tranh xảy ra và đây cũng sẽ là cơ sở che giấu các cán bộ cách mạng đang bị truy lùng.
Kinh doanh phát đạt, nhưng ông bà không quên nhiệm vụ người đảm bảo tài chính cho Đảng. Căn nhà 54 Hàng Gai trở thành địa chỉ tin tưởng cho các nhà lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Nguyễn Tạo… Năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, bắt liên lạc với ông Vũ Đình Huỳnh, rồi giả làm người buôn tơ tìm đến ông bà Thiện. Khi nghe Nguyễn Lương Bằng – vốn là bạn tù với bà Điền những ngày ở Hải Phòng nói Đảng đang cần tiền, ông bà Thiện đã mở tủ trao ngay 3 vạn đồng Đông Dương. Sau này, ngay cả đồn điền Chi Nê cũng được giao lại cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý. Như vậy, có thể nói gia đình tư sản Đỗ Đình Thiện đã hiến hết của gia tài của mình cho sự nghiệp cách mạng.
Theo Laodong
Những bức ảnh giàu sử liệu
Nước Pháp là một quốc gia có đóng góp cho nhân loại nhiều thành tựu trên lĩnh vực nhiếp ảnh - điện ảnh. Sáng chế ra những thiết bị và quy trình để "biến một khoảng khắc thành mãi mãi", tức là "chụp ảnh", thường gắn với tên tuổi của Daguerre và thời điểm năm 1831...
Rồi cùng với cả thế giới, chủ yếu là Châu Âu, việc say mê với kỹ thuật chụp ảnh và sự ra đời của công nghệ và nghệ thuật nhiếp ảnh đã tạo nên một trào lưu, có lúc thành những "cơn dịch" vác máy đi chụp rồi in ra hàng ngàn, vạn bản dưới hình thức những tấm bưu thiếp thoả mãn nhu cầu ngồi tại nhà có thể nhìn thấy cả thế giới. Vào thời điểm thú vui phiêu lưu đến những vùng đất mới gắn với công cuộc chinh phục và mở mang thuộc địa thì nhiếp ảnh trở thành một công cụ lợi hại.
Ở Việt Nam, người Pháp tiến hành cuộc chinh phục từ giữa thế kỷ XIX. Bức ảnh đầu tiên còn lưu giữ được cho đến nay có thể còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng bộ ảnh quý nhất và xưa nhất được chụp và còn lưu giữ được một cách có hệ thống và giá trị tư liệu được khẳng định là hàng trăm tấm ảnh của bác sĩ quân y Charles Édouard Hocquard đi theo các đạo quân viễn chinh tại Bắc Kỳ vào khoảng năm 1884 để rồi trở thành phần minh hoạ rất sinh động cho một cuốn bút ký (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ/ Une campagne au Tonkin) được xuất bản lần đầu năm 1892 tại Paris mà đến nay vẫn có giá trị sử liệu.
Càng về sau việc dùng ảnh chụp càng phổ biến, đã có những đơn vị hay cơ quan chuyên trách việc chụp ảnh và quay phim; những tư nhân sử dụng máy ảnh ghi hình để kinh doanh (như in bưu ảnh) hay để làm kỷ niệm ngày một nhiều tạo nên những nguồn tư liệu bằng hình quý báu phản ảnh nhiều lĩnh vực trong đời sống của nước ta trên nhiều vùng miền.
Gần đây, đã xuất hiện nhiều nhà sưu tập tiến hành các cuộc lùng tìm trong các lưu trữ, thư viện hay trong các gia sản của các tư nhân nguồn tư liệu quý này... Nhiều cuộc triển lãm hay nhiều ấn phẩm đã được công bố khai thác nét đẹp và những tấm ảnh chụp có ưu thế hơn hẳn việc dùng câu chữ mô tả các sự việc, hiện vật hay cảnh quan của quá khứ...
Cách đây ít lâu, chúng ta được biết đến kho ảnh màu vĩ đại (được gọi là Thư khố Hành tinh - Archive de Planète) của Albert Kahn chụp tại nhiều quốc gia trong đó có phần chụp về Việt Nam vào thời điểm những năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX (1915 - 1919).
Vào thời điểm này, một bộ sưu tập ảnh trắng đen được chụp trong 2 năm xác định là 1895 - 1896 đang được công bố tại Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội. Bộ sưu tập này nằm trong các album gia đình của một người Pháp có mặt tại Việt Nam vào 2 năm 1895 - 1896 để lại.
Chủ nhân và cũng có thể là tác giả của những tấm ảnh này có tên là Armand Rousseau, nguyên là Toàn quyền Đông Dương trong thời gian chụp những tấm ảnh này. Tiểu sử cho biết: Armand Rousseau sinh ngày 24.8.1835 tại Tréflez, Finistère, Pháp. Tốt nghiệp trường Bách khoa và ngày nay người ta còn biết đến ông là kỹ sư đã tham gia xây dựng cây cầu nổi tiếng tại thành phố Brest đến nay vẫn tồn tại.
Tham gia hoạt động chính trị, ông thuộc phái Cộng hoà để trở thành nghị sĩ, đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng vùng này trong 12 năm và là người có công trong việc phát triển hệ thống đường sắt tại đây. Có lẽ vì những đặc điểm nghề nghiệp như vậy nên Armand Rousseau đã được Chính phủ Pháp cử sang làm Toàn quyền Đông Dương bắt đầu từ tháng 2.1895.
Đó là thời điểm cuộc Khai thác Thuộc địa lần thứ Nhất đang chuẩn bị được khởi động, và cũng là thời điểm chính quyền Pháp ở thuộc địa quan tâm củng cố vùng thượng du phía Bắc tiếp giáp vùng biên giới với nhà Thanh (Trung Quốc) cũng như triển khai một số hoạt động kinh tế như khai thác mỏ, làm đường xe hoả, xây dựng cầu cống...
Tuy nhiên, công việc của ông Đông Dương rất ngắn ngủi. Ngày 10.12.1896 Armand Rousseau đột ngột qua đời và ông được đưa về chôn cất tại quê nhà. Trong 4 tập album gia đình còn lưu giữ, chứa đựng khoảng ba trăm tấm ảnh chất lượng còn rõ và được ghi chú rất ngắn gọn như để cho riêng chủ nhân.
Người xem nhận ra các tấm ảnh của ông thực hiện trong thời gian ở Đông Dương gắn với các địa danh như Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Tuyên Quang, Huế, Tourane (Đà Nẵng), Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn - Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hoà, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu/ Cap Saint Jacques...
Và những lĩnh vực đời sống khá phong phú được phản ánh trong các tấm ảnh phần nào cho thấy những hoạt động của Toàn quyền A.Rousseau trong thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam và trở thành một nguồn sử liệu quý báu để nhận diện nước Việt Nam vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX (1895 - 1896).
Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia trong "Năm Việt Nam - Pháp 2014", một cuộc trưng bày một phần trong bộ sưu tập ảnh này sẽ được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (từ 20 đến 23.5.2014) với sự phối hợp của Tạp chí "Xưa&Nay" của Hội Sử học Việt Nam, Tổ chức đại diện cộng đồng thành phố quê hương của chủ nhân (Brest Métropole Océane Communauté Urbaine) và Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu một vài trong số gần ba trăm tấm ảnh của Armand Rousseau.
Đền Quán Thánh trong ngày khánh thành sau đợt trùng tu vào năm 1986.
Tháp Rùa rất rõ có tượng "Bà đầm xoè" đặt trên nóc.
Các điểm "trạm" trên đường cái quan được biến thành công trình phòng thủ cướp và thú dữ.
Chợ Đồng Xuân nhìn từ sông vào phố.
Voi biểu diễn trong ngày hội cùng các diễn viên để voi giả đạp lên người.
Thành Tuyên Quang. Các điểm "trạm" trên đường cái quan được biến thành công trình phòng thủ cướp và thú dữ.
Phố Hàng Trống, khách đến Hotel Hà Nội bằng xe tay và bằng cả... voi (của Tổng đốc).
Phố Hàng Mắm (Hà Nội) với những đoàn phu gánh mắm từ bến thuyền ngoài sông Hồng vào phố.
Armand Rousseau chính là viên toàn quyền đã thực hiện việc tổ chức phá thành Hà Nội, do vậy đây là một trong những hình ảnh cuối cùng trước khi bị phá.
Theo Laodong
Trung Quốc "Đế chế thực dân cuối cùng" đã trỗi dậy Càng ngày, cách hành xử của Trung Quốc càng bộc lộ rõ bản chất của một quốc gia thực dân xâm lược. Minh chứng là cách hành xử của họ với phần còn lại của thế giới. Medium, một trang chuyên bình luận các vấn đề chính trị quốc tế, đã gọi Trung Quốc là "đế chế cuối cùng của thế giới đang...