Gửi những ông chồng “bợm nhậu”
Ông cha ta từng nói :”nam vô tửu như cờ vô phong”. Còn tôi hay nói với vợ tôi rằng: “Nhà mỗi em mặc váy là được rồi, em thấy có thằng đàn ông nào mà không uống rượu!”.
Nói cho cùng, là đàn ông mấy ai không uống rượu. Người uống nhiều, người uống ít. Người uống mãi mới say, có người vài chén đã say. Say thì mệt lắm, chứ sung sướng gì đâu. Thế nhưng thời buổi giờ, việc gì chả vài ba chén để “đưa chuyện”. Ông bạn tôi còn bảo: Thằng nào giỏi uống rượu còn dễ thăng tiến nữa cơ, ngoại giao rất cần biết uống rượu.
Tôi thì không nghiện rượu, nhưng cuộc vui nào cũng chơi hết mình, và sau cuộc vui nào cũng say “ngoắc cần câu”. Vợ tôi thì có vẻ ngày càng lắm lời, hễ tôi say là cằn nhằn. Mỗi lần tỉnh rượu, mặt mũi bơ phờ, người mệt chẳng có tý sức nào, lại nghe vài lời cằn nhằn của vợ, không nổi nóng lên mới lạ.
Một hôm vợ gọi điện nhờ tôi đón con, cô ấy đi liên hoan cuối năm với công ty về muộn. Tan sở, tôi vội vàng đón con, về tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa, cho con ăn, con học, con ngủ, mệt bở hơi tai. Đồng hồ đã chỉ 10 giờ tối, cơm tôi vẫn chưa buồn ăn, ăn một mình cũng không buồn nuốt.
Video đang HOT
Có tiếng taxi đỗ trước cửa, sau đó là vợ tôi lảo đảo đi vào, nồng nặc mùi rượu. Hai năm yêu nhau, bảy năm là chồng vợ, đây là lần đầu tiên tôi thấy vợ trong tình cảnh này. Rõ ràng là cô ấy không uống được rượu, thì việc gì phải uống tới say đến mức ấy. Tôi thấy hơi bực mình. Dìu cô ấy vào tới giường, chưa kịp tháo giày thì cô ấy bật ngồi dậy nôn thốc nôn tháo. Tôi chưa bao giờ nghĩ dọn dẹp hậu quả của bia rượu lại kinh khủng đến thế. Mặc dù bữa tối chưa có gì vào bụng, tôi vẫn chạy vào chạy ra nôn khan đến mấy lần.
Nhìn vợ nằm xụi lơ trên giường, tôi tự nhiên thấy thương. Bảy năm sống chung, bao nhiêu lần tôi say, vợ tôi đều phải lo cho tôi như thế này? Đã bao lần cô ấy chờ tôi đi nhậu về với mâm cơm nguội lạnh? Bao lần cô ấy phải chịu đựng cái mùi “kinh tởm” ấy? Tôi không biết. Tôi chỉ nhớ, sau những lần tỉnh dậy, nếu cô ấy than phiền hay cằn nhằn đôi câu, tôi thể nào cũng nổi sung lên bảo “cô thử làm thằng đàn ông đi rồi xem, ăn đắng nuốt cay chứ sung sướng gì?”. Sau này, mỗi lần tôi say cô ấy thường chỉ im lặng buồn chán mà không nói gì. Có lẽ vì cô ấy biết có nói thì tôi vẫn thế, không khéo lại còn bị ăn mắng nữa.
Đấy, ngày xưa yêu nhau, đàn ông chúng ta thề thốt với người phụ nữ ta yêu những gì, có phải là “anh muốn được chăm lo cho em suốt đời”, “anh sẽ cho em tất cả những gì anh có”, “có thể anh không có nhiều tiền, nhưng anh có tình yêu…”
Tôi nghĩ, hầu hết họ đều tin vào những gì chúng ta hứa. Nhưng họ nhận được những gì ngoài những buổi chiều chúng ta la cà về muộn. Những buổi tối mệt nhoài với cửa nhà, con cái rồi ngồi chờ chồng bên mâm cơm nguội lạnh. Những lời gắt gỏng khi chúng ta say. Họ chịu đựng mà không một lần nhắc lại những lời ngày xưa ta hứa. Bởi vì họ biết, chúng ta chỉ hứa suông thôi.
Sáng hôm ấy, tôi dậy sớm nấu cho vợ một tô cháo đặt lên bàn rồi gọi vợ dậy. Cô ấy cứ lặp đi lặp lại mấy lần câu: “em xin lỗi, tại tối qua…” và khi biết cháo là do tay tôi nấu thì cô ấy vừa ăn vừa khóc. Còn tôi, tôi chưa bao giờ xin lỗi cô ấy nếu tôi say, và nhận sự chăm sóc của vợ như là điều đương nhiên phải thế.
Tôi biết, tôi không thể bỏ rượu. Cờ bạc, thuốc lá có thể bỏ, chứ rượu thì khó lắm, vì bây giờ gặp gỡ dù làm ăn hay chơi bời đều trên bàn nhậu. Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ học cách “vui có chừng, dừng đúng lúc” chứ không “uống hết mình” nữa. Bởi khi ta vui hết mình, say hết mình thì có người sẽ phải khổ một mình và khóc một mình vì hậu quả của nó.
Những anh chàng đã có vợ như tôi, không biết vợ các anh đã say lần nào chưa? Nếu chưa, các anh cứ thử một lần chuốc cho vợ say mèm đi rồi biết, vợ chúng ta đã khổ vì cái tính “bợm rượu” của chúng ta như thế nào?
Theo Dantri
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Trong cuộc sống không có sai lầm nào lớn hơn việc cho phép bản thân mình quyền được vấp ngã và đổi thừa cho hoàn cảnh.
Một nhà kia có hai đứa trẻ sinh đôi, cha của chúng là người nghiện rượu nặng, tối ngày triền miên trong những cơn say. Tuổi thơ của hai đứa trẻ trôi qua với hình ảnh người cha rất đáng sợ mỗi đêm đi nhậu say về. Ký ức của chúng là những trận đòn của cha với mẹ và những lần đập phá đồ đạc trong nhà.
Năm tháng qua đi, hai đứa trẻ lớn lên và mỗi người có cuộc sống của riêng mình. Người anh song sinh giờ đây trở thành một phiên bản của người cha năm nào- một bơm nhậu tối ngày chìm trong những cơn say. Còn người em song sinh lại trở thành một trong những người đi đầu trong phong trào phòng chống tệ nạn bia rượu của địa phương.
Một người bạn cũ của gia đình đến chơi và hỏi người anh: "Tại sao anh lại trở thành một bợm nhậu như thế này?" rồi hỏi người em: "Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ tệ nạn bia rượu?". Thật bất ngờ cả hai anh em đều có một câu trả lời giống nhau: "Có một người cha như vậy đương nhiên tôi phải trở thành người như thế này rồi!".
Trong cuộc sống không có sai lầm nào lớn hơn việc cho phép bản thân mình quyền được vấp ngã và đổi thừa cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những hành động tiêu cực hay sai trái mà nó chỉ là lý do cho những kẻ không có ý chí với tâm hồn hẹp hòi vịn vào để tự bào chữa cho mình mà thôi.
Theo Guu
Vợ anh là bợm nhậu Rượu bia với ai đó là một thứ có cồn, lên men, uống nhiều thì say và bay hơi nhân cách, nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng nó là một công cụ giao tiếp xã hội và kiến tạo niềm vui. Mỗi lần nàng giằng chén từ tay tôi rồi nốc cạn, tôi thấy lòng mình dâng lên những nhát tự hào....