Gửi những cặp vợ chồng đang trên bờ vực ly hôn
Người ta có thể sống với nhau đến bạc đầu, có thể trọn vẹn với nhau từ ngày đầu cũng như ngày cuối không phải vì cuộc đời họ không gặp khó khăn, cãi vã mà bản thân họ biết cách dung hòa.
Có những giai đoạn vợ chồng nhìn nhau chỉ thấy sự thất vọng tràn trề. Ảnh minh họa
Người ta thường nói với nhau rằng: “Không giữ được thì buông”, “không ở với nhau được thì đường ai nấy đi”… Nói ra nghe thật nhẹ nhàng nhưng chỉ có người trong cuộc mới biết những khổ sở và dằn vặt khi tính đến chuyện ly hôn. Nếu cặp vợ chồng nào đang đứng trên bờ vực ly hôn, hãy đọc kĩ bài viết này.
Hôn nhân là một con đường không hề bằng phẳng. Trên con đường ấy, người ta không chỉ có hạnh phúc, có niềm vui mà còn nếm trải bao cảm giác buồn bã, thất vọng. Đã từng có những ngày tháng yêu nhau thiết tha đến vậy, nghĩ rằng chỉ cần sống bên nhau thì giông bão ngoài kia chẳng là gì. Nhưng cưới nhau về, có những lúc vợ chồng nghĩ về ngươi kia chỉ thấy thất vọng tràn trề.
Bài viết này không bàn đến lỗi lầm của ai nhiều hơn để dẫn đến ly hôn. Bởi xét cho cùng, mọi chuyện trên đời đều không xuất phát từ một phía. Buộc phải ly hôn, vợ hay chồng đều cảm thấy đau đớn. Đàn ông hay phụ nữ đều thấy sau bao ngày tháng ở với nhau dưới một mái nhà, đối phương đã thay đổi hoàn toàn. Chồng ngày xưa quan tâm, yêu thương vợ bao nhiêu thì bây giờ chỉ là một người vô tâm, ích kỉ, sống hời hợt. Còn đàn bà trong mắt chồng đã biến thành kẻ lắm điều, nhiều chuyện, chỉ biết đòi hỏi và than vãn suốt ngày.
Thực ra, bản chất con người ta không thể thay đổi. Ngày trước, trong mắt nhau người ta thật hoàn mỹ bởi giữa hai người chỉ có tình yêu. Cưới nhau về, chúng ta phải đối diện với cái gọi là thực tế. Đàn ông sẽ gánh trên vai cơm áo gạo tiền, tài chính của cả gia đình. Phụ nữ sẽ phải mang thêm trọng trách làm vợ, làm mẹ, làm dâu, trách nhiệm sinh con và nuôi dạy con cái… Đến với nhau cần tình yêu nhưng để sống với nhau cần sự nỗ lực rất nhiều. Nỗ lực để dung hòa hai tính cách, bao dung và với nhau khó khăn, gánh nặng. Đó mới chính là mục đích cao cả của hôn nhân.
Video đang HOT
Người ta đến với nhau vì tình yêu nhưng để sống được với nhau là nhờ sự nỗ lực. Ảnh minh họa
Nếu vì một chút mâu thuẫn, một chút hiềm khích người ta đã nghĩ đến chuyện ly hôn có phải là quá dễ dàng? Có bao giờ chúng ta từng nghĩ lại, mình đã hạnh phúc như thế nào trong ngày cưới? Chúng ta đã ao ước có một cuộc sống như thế nào với người mình thương? Cuộc đời chẳng ai lót sẵn thảm nhung cho mình bước, có chăng là tự bản thân mỗi người phải trân trọng và cố gắng hết mình để có được cuộc sống mà mình muốn có.
Khi ly hôn, cha mẹ thường chỉ nghĩ đến xúc cảm của mình mà quên mất rằng người chịu tổn thương nhiều nhất chính là con cái. Cha mẹ là lá chắn vững chắc nhất của cuộc đời con, mất đi gia đình con cái sẽ ra sao? Thực tế xã hội đã cho thấy bao nhiêu đứa trẻ hư hỏng, mất cả tương lai chỉ bởi cha mẹ chia lìa. Khi trở thành cha thành mẹ, ngoài tình thương dành cho con thì thứ mà cha mẹ còn đặt lên hàng đầu đó là trách nhiệm. Trước khi đặt bút kí vào tờ giấy ly hôn hãy nghĩ đến con cái.
Người ta có thể sống với nhau đến bạc đầu, có thể trọn vẹn với nhau từ ngày đầu cũng như ngày cuối không phải vì cuộc đời họ không gặp khó khăn, cãi vã mà bản thân họ biết cách dung hòa. Hôn nhân không phải là mật ngọt mà là một cuộc chiến rất khốc liệt. Chúng ta không cần phải đấu tranh với ai cả mà cần phải đấu tranh với chính bản thân mình. Dẹp bớt cái tôi của mình, bao dung hơn với người bạn đời, nỗ lực để thấu hiểu, để sẻ chia… Hạnh phúc chỉ dành cho những ai biết nỗ lực hết mình.
Theo Phununews
Vợ kế và con riêng: hai bà bầu mâu thuẫn nhau
Đã qua 2 phiên hoà giải, nhưng cả anh Kiên và chị Hương vẫn khăng khăng đòi ly hôn. Anh Kiên nói sẽ có trách nhiệm chu cấp tiền nuôi con khi chị Hương sinh con chung. Tuy nhiên, khi mối quan hệ vợ chồng không thể dung hoà được giữa con riêng và vợ kế, là điều đáng tiếc mà phiên toà phải tiến hành xử án.
ảnh minh họa
Vợ chồng anh Trần Kiên và Bùi Thị Hương quyết định ly hôn chóng vánh, trong 2 ngày xảy ra mâu thuẫn. Ngay trong phiên hoà giải đầu tiên, cả 2 vợ chồng anh Kiên đến toà trong tình trạng căng thẳng, bức xúc. Thẩm phán nhẹ nhàng hỏi từng người, nhưng họ chỉ được vài phút lại tranh nhau nói, đôi co và đẩy buổi hoà giải kéo dài đến hơn 3 giờ đồng hồ mới kết thúc.
"Trước khi về nhà tôi, cô ấy biết rõ hoàn cảnh của bố con tôi. Tôi còn bố mẹ già ở cùng, cô ấy bảo sẽ làm mẹ của con tôi thật tốt. Vậy mà chung sống mới hơn 1 năm, cô ấy đã thể hiện người mẹ quá tốt với con tôi như thế. Cô ấy là phụ nữ, không giúp tôi tháo gỡ khó khăn cho con gái tôi, còn đuổi con tôi ra khỏi nhà, nó bụng mang dạ chửa, nó đi đâu sống? Nó có mệnh hệ gì, tôi còn mặt mũi nào với họ hàng tôi đây?
Khi bố mẹ tôi tham gia, không cho mắng chửi cháu, không cho đuổi cháu ra khỏi nhà, cô ấy cãi lại bố mẹ tôi rằng: ông bà nuông chiều cháu, để nó làm mất danh dự gia đình, phải cho nó ra khỏi nhà, nếu nó không chịu đi phá thai và đi học tiếp. Người vợ như vậy, có ý định không tốt với con gái tôi, thì tôi không thể chấp nhận được. Tôi mong muốn ly hôn càng nhanh càng tốt" - anh Trần Kiên nói một hơi, không ngừng nghỉ, giọng đầy uất ức, khó chịu.
Tiếng nói đanh lại của chị Hương vang lên: "Anh ta chỉ biết lo cho con gái, mà không nghĩ gì đến danh dự gia đình, tôi cũng sắp đẻ cho anh ta đứa con nữa đây, anh ta dạy con, để con gái hư hỏng, bôi tro trát trấu vào mặt, còn bênh con... Tôi không có ý ác gì cho con bé, nhưng nó phải lựa chọn. Nếu cứ muốn đẻ con thì bước ra khỏi nhà, nếu phá thai và đi học tiếp thì ở lại...
Tôi muốn cho con bé bài học, chứ không phải vì không yêu thương nó. Anh ta và ông bà quá bênh con cháu, sẽ làm hư hỏng nó thôi. Tôi cũng không tiếc gì một cái nhà trì trệ tư tưởng như thế, tôi cũng muốn ly hôn sớm cho xong. Con tôi đẻ ra, tôi nuôi (chị Hương đang có bầu hơn 7 tháng)".
Anh Kiên ly hôn vợ đã 5 năm, nuôi cô con gái lớn, còn cậu con trai nhỏ ở với mẹ. Cách đây hơn 1 năm, qua người mai mối, anh Kiên quen chị Hương, người phụ nữ có nhan sắc bình thường, công tác tại Chi nhánh Ngân hàng thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội). Đã hơn 30 tuổi, Hương trải qua nhiều mối tình, nhưng chưa lần nào đến bến đỗ. Anh Kiên do dự rất nhiều mới dám lấy Hương về.
Ly hôn vợ trước, nên bao nhiêu tình thương, anh dành cho cô con gái rượu của mình. Ông bà nội cũng thương cháu gái, ra sức chiều chuộng. Dù vậy, khi bố lấy vợ mới, cô bé bỗng nhiên có khoảng cách với bố, với mẹ kế. Dẫu có làm mọi cách, anh Kiên cũng không thể vui vẻ, nô đùa với con gái như trước đây. Dường như cô bé mặc cảm, chán nản, đôi lúc ghen tị khi thấy bố và mẹ kế đi du lịch với nhau. Cô bé chỉ còn biết vùi đầu vào học và yêu.
"Cách đây 1 tháng, con bé về bảo: Bố ơi, con có bầu rồi. Bố xem thế nào cho con cưới chồng đi", anh Kiên kể. "Tôi nghe mà sốc nặng, bàng hoàng, ù hết tai. Tôi hỏi đi hỏi lại, con bé vẫn nói không đùa. Tôi bất giác muốn đánh con 1 trận, nhưng lại không làm được. Tôi chạy vội đến nhà anh họ cầu cứu...".
Lúc đó, anh Kiên gần như hoảng loạn, sau một hồi nói chuyện với vợ chồng người anh họ, anh Kiên mới dần bình tâm hơn, nhưng vẫn vò đầu bứt tai, thở dài liên tục. Con gái mới đang học năm thứ 3 đại học thì có bầu, giờ cưới cũng dở, không cưới thì phải làm sao? Nhẹ nhàng khuyên con xem có phá bỏ thai để học tiếp được không, học xong đại học, có việc làm ổn định rồi bố mẹ cho con cưới đàng hoàng. Còn giờ, đường học hành dang dở... vì con mọn. Mẹ kế lại cũng sắp sinh em bé, chả nhẽ trong nhà lại có 2 mẹ con cùng sinh con trong năm?
Khi nói chuyện với con gái, anh cũng không ngờ, con gái kiên quyết: "Bố không cho con cưới thì con cũng không bỏ đứa bé này đâu". "Vậy còn đường học hành của con thì sao?". "Lúc đẻ, con sẽ bảo lưu kết quả học tập, sinh con xong con lại học tiếp. Bên nhà anh ấy cũng đồng ý cưới rồi. Bố quyết định thế nào tuỳ bố...". Cô con gái rượu ngày nào không còn trẻ con, non nớt, sợ hãi trước những sự việc xảy ra tày đình như anh vẫn nghĩ nữa. Chắc hẳn thời gian qua, chúng nó đã nghĩ rất nhiều rồi, giờ mới dám nói chuyện với bố thôi.
Trước sự việc kinh động cả gia đình đến vậy, anh nói chuyện với bố mẹ mình và vợ biết. Cả nhà ai cũng choáng váng trước thông tin mà anh Kiên vừa nói. Tuy nhiên, mẹ anh bảo: "Con bé nó cũng lớn rồi, tự quyết định việc trọng đại của đời nó. Nó thiệt thòi, tình yêu của nó đã cho nó niềm tin. Bây giờ người lớn khuyên con bé bỏ con nó đi là có tội. Vì vậy nó quyết thế nào, chúng ta phải vun vào cho nó".
Bố anh thì không nói gì, nhưng chị Hương, vợ anh bắt đầu nóng mặt: "Mẹ nói thế mà được à? Vậy không bằng nuôi ong tay áo. Cả đời nó lỡ dở, tưởng con gái ngoan lắm, không ngờ chơi bời để bây giờ ễnh bụng ra thì về đòi cưới. Không biết thế nào là liêm sỉ". Đúng lúc cô bé vừa đi học về, không ngồi vào mâm ăn cơm với cả nhà như mọi lần, cô bé lên phòng đóng cửa. Hương không bình tĩnh được, đã lớn tiếng mắng cô bé: "Mày bôi tro trát trấu vào mặt cả nhà này, mà còn rắn mặt đến vậy à? Nếu muốn ở nhà này thì đi phá thai ngay, còn nếu không, bước ra khỏi nhà này mau".
Không ngần ngại, cô bé chạy ra khỏi nhà với bộ mặt đầm đìa nước mắt, nhưng bà nội cô bé đã kịp ngăn lại. "Cháu của bà không phải đi đâu cả, người cần ra khỏi nhà này là chị kia", bà chỉ vào cô con dâu mới của mình gằn giọng. Cuộc chiến nảy lửa khi Hương cũng không bình tĩnh được. Cô viết đơn ly hôn đưa cho anh Kiên ký. Anh Kiên cũng ký luôn, không cần suy nghĩ.
Đã qua 2 phiên hoà giải, nhưng cả anh Kiên và chị Hương vẫn khăng khăng đòi ly hôn. Anh Kiên nói sẽ có trách nhiệm chu cấp tiền nuôi con khi chị Hương sinh con chung. Tuy nhiên, khi mối quan hệ vợ chồng không thể dung hoà được giữa con riêng và vợ kế, là điều đáng tiếc mà phiên toà phải tiến hành xử án.
Chỉ vì thiếu đi sự bao dung, độ lượng và nhân ái trong mỗi thành viên gia đình với nhau, mà thêm một lần nữa, gia đình anh Kiên lại tan đàn xẻ nghé.
Theo Phunuvietnam
Lấy chồng lần 3, nên không? Vậy mà bốn năm sau ngày cưới, chị rơi nước mắt khi cầm tờ quyết định ly hôn ấy, ông trời lại run rủi cho chị gặp anh, nhưng chị lại sợ lần nữa mặc váy cô dâu... Anh bảo: - Với ai mình là chồng cũ vợ cũ không biết, nhưng với nhau, mình là vợ chồng mới nên anh muốn cưới...