Gửi ba – một nửa yêu thương của con!
Ba ạ, con xin lỗi ba, xin lỗi vì những năm tháng tuổi thơ khờ dại non nớt.
Trái tim con chia làm hai mảnh yêu thương, một nửa con dành cho người sinh ra con, nửa yêu thương còn lại con gửi đến ba – người đang còng lưng giữa cái nắng khắc nghiệt của đất Sài Gòn.
Ngày còn nhỏ, mỗi khi ba đèo con đi học trên chiếc xe cup cũ kĩ, con luôn tỏ ra khó chịu. Đôi lần con đòi đi bộ mặc dù đoạn đường đến trường là khá xa. Đơn giản vì con ghét chiếc xe máy “cà tang” trông quê mùa của ba.
Ba quá đỗi bao dung mà con thì chưa đủ lớn để thấu hiểu (Ảnh minh họa)
Ngày còn nhỏ, ba đón con với chiếc áo công nhân đã ngả màu vàng ố, trên vai trần những mùi vữa, xi măng và lấm lem bụi bẩn. Lúc đó, con chỉ muốn đi cách ba thật xa vì mùi ẩm mốc khó chịu, và nó làm con ngượng ngùng với đám bạn.
Ngày còn nhỏ, con từng khóc bù lu bù loa lên, thậm chí đòi nghỉ học chỉ vì muốn có một đôi xăng-đan màu xanh giống cái Lan. Ba đánh con bằng chiếc roi chăn bò của ông mặc cho con khóc nấc lên. Rồi ba xốc con lên xe, chở lên chợ huyện mua cho con đôi dép nhựa hình cánh bướm cũng màu xanh như thế.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi làm về ba đều có quà cho con, khi thì kẹo, quần áo mới hoặc những cuốn tập và con đã nhảy lên sung sướng. Đối với con, những đồng tiền ba đem về là những tờ giấy có thể mua được kẹo, kem và cả sách vở nữa. Những khi không nhận được quà, con đã hờn dỗi trách móc ba, thậm chí hét to vào ba: “Con ghét ba” rồi òa khóc nức nở.
Ngày còn nhỏ con luôn thắc mắc tại sao ba không sắm cho mình chiếc xe mới như ba thằng Tí “còi”, hay chiếc dream giống mẹ cái Lan vẫn thường đi dạy? Con tự hỏi sao con cứ cố cách xa ba mà tay ba vẫn siết chặt tay con? Hay những khi ba đánh mắng rồi vẫn sắm cho con những món đồ dù không phải là cái con thích nhất?…
Cho đến khi lớn hơn một chút nữa con mới hiểu được những những cơ cực vất vả của ba. Cái nắng nơi công trường đã ăn mòn sức lực của ba, giọt mồ hôi ướt đẫm nhòa lên vai áo. Để có được tiền cho con ăn học, ba đã bôn ba ngược xuôi, làm hết nghề này qua nghề khác, từ thợ xây, phu xe đến khuân vác… Thế mà con vô tâm khiến ba buồn lòng.
Lúc ấy điều kiện gia đình chưa cho phép, ba dành dụm số tiền mua xe để lo cho con ăn học. Ba nắm chặt tay con trên sân trường đông đúc vì ba sợ đứa con bé bỏng này sẽ lạc mất ba…Ba quá đỗi bao dung mà con thì chưa đủ lớn để thấu hiểu.
Có những lúc vô tình con đã hướng đến một điều gì đó xa vời trong tương lai mà quên rằng hiện tại tóc ba ngày một bạc thêm, tay ba chai sần hơn. Con thấy có lỗi!
Video đang HOT
Đôi lúc con ước mình trở thành một ngôi sao nổi tiếng hay một người con gái xinh đẹp hơn. Con đã không bằng lòng với tất cả những gì mình có được…Nhưng bây giờ con không muốn những thứ ấy, ước mơ duy nhất và mãi mãi của con là được ở bên ba.
Ba biết không, nếu trên đời này quả thật có cỗ máy thời gian của Đô-rê-mon như Fujiko.F.Fujio đã nói hay đơn giản chỉ là một sợi dây vô hình gắn kết giữa quá khứ và hiện tại thì con muốn quay về quá khứ, quay về những kí ức có gia đình chúng ta, có ba và con.
Cho đến bây giờ, khi đã tròn 20 tuổi, con đang thực hiện ước mơ của mình trên miền đất hứa xa lạ. Xa nhà, xa ba và những kỉ niệm nuôi con khôn lớn, con thèm nghe những câu hát thân thương của ba mà mỗi lần nghe ai đó cất lên, tim con lại không thôi thổn thức:
“Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì.
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẫu bánh mì con con.”
Hay:
“Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.”
Con nhớ ba, nhớ cái giọng trầm ấm yêu thương quá đỗi.
Ba ạ, con xin lỗi ba, xin lỗi vì những năm tháng tuổi thơ khờ dại non nớt. Xa nhà, xa quê đứa con gái 20 tuổi của ba thèm một lần ngồi trên chiếc cup thân thuộc, thèm được ôm ba để ba đèo đi khắp nơi, thèm được cọ đầu vào lưng ba để cảm nhận mùi mồ hôi ướt sũng nuôi con khôn lớn.
Con nhớ ba nhiều!
Theo 24h
Tháng 10, thương áo bà ba của mẹ
Con sắp theo chồng về Sóc Trăng, xa mẹ, xa quê đâu đành và sao nỡ xa chiếc áo bà ba của mẹ.
"Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm".... mẹ cất giọng hò nghe ngọt ngào, sâu lắng như gửi tâm tình vào bài hát.
Miền Tây, một vùng đất mênh mang sóng nước gắn liền với chiếc áo bình dị và ý nghĩa hơn là một trang phục đặc trưng của những người con cuối miền tổ quốc.
Áo bà ba đượm tình, chất phác, lại mộc mạc như con người Nam bộ (Ảnh minh họa)
Chiều chiều, thấp thoáng xa xa có bao cô gái thướt tha trong chiếc áo ấy. Ngày trước mẹ cũng là một thiếu nữ mơ mộng với tình yêu say đắm của tuổi trẻ. Mẹ và ba yêu nhau từ thuở mẹ ra đồng khoác trên người chiếc áo bà ba. Ba yêu mẹ bởi cô gái hiền hòa và duyên dáng trong áo bà ba.
Ngày xưa, ông bà ta dạy: "Học ăn, học nói, học gói, học mở", mẹ là người khéo ăn khéo nói nhưng lại bị mấy cô em chồng ghét bỏ vì được lòng ba mẹ chồng.
Mùa thu của 20 năm trước, mẹ theo ba về làm vợ ở thị xã Bạc Liêu, một cô gái ở nông thôn về thành thị với nhiều bỡ ngỡ. Người ta nói: "Ăn cơm chúa múa tối ngày", quả không sai. Mẹ ngậm đắng cay vì thương chồng thương con nên chỉ biết im lặng.
Một cô gái quê vẫn chung thuỷ với chiếc áo bà ba. Có hôm mẹ bị người em chồng mỉa mai: "Người gì quê một cục, thời buổi này mà mặc áo bà ba", mẹ chỉ cười: "Gái miền Tây mà em". Rồi chẳng may ba bị tai nạn trong một lần đi chở gỗ rồi ba nằm liệt giường, gia đình ông bà nội suy sụp, một mình mẹ bươn trải tất cả, nào là nợ nần và thuốc thang cho ba hàng ngày.
Mẹ vất vả hơn bao giờ hết, sáng dậy sớm, tối thức khuya và kiếm từng đồng bằng nghề khâu vá đồ mướn. Rồi một mình nuôi con ăn học, đôi vai gầy của một người phụ nữ tảo tần sớm hôm.
Năm con lên 5 tuổi thì ba mất, mẹ đau lòng, ứa nước mắt khi những buổi cơm chỉ có hai mẹ con bên cạnh. Bữa cơm lạnh lẽo vô cùng, mẹ lại tuổi thân khóc cho chính mình.
25 tuổi mẹ phải nuôi con một thân một mình, rồi giờ đây con sắp lấy chồng, mẹ lại phải sắp xa người thân một lần nữa.
Cũng tháng 10 của 20 năm trước, một đám cưới ở chốn miệt vườn với sự chúc tụng của họ hàng dành cho ba và mẹ, mẹ mặc áo cưới là chiếc bà ba màu cánh sen và giờ đây mẹ trao lại cho con gái mẹ. Mẹ cất cẩn thận trong cái tủ khóa: "Áo này ngày xưa mẹ mặc, mẹ cho con để xem như món quà và hơn hết chính chiếc áo bà ba đã giúp ba mẹ nên duyên vợ chồng".
Con hạnh phúc vô cùng: "Tháng 10 năm nay con cũng theo chồng, chỉ còn vài ngày nữa thôi mẹ à. Chồng con là một người kinh doanh, anh cũng yêu cái dân dã, bình dị trong con người con, con gái mẹ lớn rồi. Cảm ơn tình thương yêu của mẹ".
Chúng con sắp thành vợ chồng, anh về đất Bạc Liêu mua lúa gạo nên vô tình gặp, cũng trên chiếc xuồng ba lá với chiếc áo bà ba khi con về quê ngoại. Anh hỏi đường: "Em ơi, ở đây nhà ai dựa lúa định bán, em chỉ giúp". Rồi lần đầu gặp như thế, con nhiệt tình hướng dẫn anh, anh cũng cảm ơn bằng cách biếu con một gói bánh bía Sóc Trăng quê anh. Ấy vậy mà lần thứ hai gặp anh tại địa đạo Củ Chi khi đi tham quan và chúng con thân nhau từ đấy.
Bây giờ trong con ùa về bao kỉ niệm, nhớ thương người cha đã mất, thương mẹ hi sinh quá nhiều vì gia đình. Giờ lại sắp theo chồng về Sóc Trăng, xa mẹ, xa quê đâu đành và sao nỡ xa chiếc áo bà ba của mẹ. Chắc sẽ thu xếp ở cùng mẹ, trả được phần nào chữ hiếu cũng an lòng và hi vọng ông chồng tương lai sẽ vui mừng chấp nhận.
Trời chợp tối, con bắc nồi cơm lên bếp, mẹ dứt câu: "Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba". Áo bà ba đượm tình, chất phác, lại mộc mạc như con người Nam bộ và là món quà quý giá hơn bất thứ giá trị nào khác. Anh chồng tương lai đã từng tặng con bốn câu thơ:
"Em không áo lụa quần là
Chỉ yêu chiếc áo bà ba bên mình
Anh ơi có thấu chân tình
Đơn sơ, mộc mạc làm tin anh à
Em đây chung thuỷ sắc son
Còn anh có liệu vẫn tròn như em?".
Theo 24h
Vợ xấu có tiền vẫn hơn vợ đẹp mà nghèo?! Hay là tôi cứ nhắm mắt chiều theo số phận để lấy người vợ xấu nhưng có tiền? Thật sự là tôi đang đứng trước ngã ba đường. Ba mẹ Quế Chi nói rằng tuổi chúng tôi năm nay cưới mới hạp, nếu để sang năm thì không tốt. Tôi hết sức lúng túng khi nghe được yêu cầu này bởi thật lòng,...