Gu thưởng thức của khán giả ngày càng cao
Vài năm trở lại đây, khi điện ảnh Việt bước vào cuộc đua thực sự sôi động, một trong những tín hiệu tích cực, đó là gu thưởng thức của khán giả ngày một nâng cao.
Không dễ lừa khán giả
“Khán giả Việt đa phần là trẻ với nhu cầu giải trí điện ảnh càng ngày càng tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực”, đó là nhận xét của ông Danny Quách, Giám đốc marketing cụm rạp BHD Star Cineplex.
Một thực tế rất dễ nhận ra, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, gu thưởng thức các tác phẩm điện ảnh của khán giả Việt đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Tức là, phim tốt khán giả coi, phim dở khán giả tẩy chay.
Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, phân tích: “Việc ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với điện ảnh quốc tế, thậm chí được xem nhiều phim ngoại nhập trước cả Hollywood, là một trong những nhân tố góp phần thay đổi gu thưởng thức điện ảnh… Gu thưởng thức ấy đang ngày càng văn minh hơn”.
Một bằng chứng rõ nét nhất, nói như ông Danny Quách: “Các nhà làm phim không thể ép buộc khán giả phải thích gu này hay gu kia”.
Một thời gian dài, phim hài, đặc biệt hài nhảm từng lên ngôi nhưng sau đó đã bị tẩy chay và dẫn đến chết yểu. Thị trường mỗi năm có đến vài chục phim Việt được phát hành nhưng số lượng phim thắng thế phòng vé chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khán giả đã có sự chọn lọc kỹ lưỡng, nhất là trong thời buổi tốc độ lan truyền thông tin như hiện nay. Một bộ phim dù được quảng cáo rầm rộ, tung hô đến mấy nhưng nếu chất lượng không tương xứng cũng sớm bị loại khỏi cuộc đua phòng vé. Nhìn vào bức tranh phim Việt năm 2018, những bộ phim thắng thế: Siêu sao siêu ngố, Tháng năm rực rỡ, Lật mặt 3, Chàng vợ của em, 798 Mười… đều là những phim tử tế, chỉn chu.
Lật mặt 3: Ba chàng khuyết, series phim hiếm hoi thành công về doanh thu của điện ảnh Việt
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Tức là có những phim được đánh giá cao, chất lượng tốt, kể cả các phim tham gia các giải thưởng lớn tại Oscar, Quả cầu vàng, Cannes, Venice… nhưng cũng không đột phá.
Video đang HOT
Thời gian gần đây, trường hợp của Song Lang là một điển hình khiến nhiều nghệ sĩ, khán giả cùng kêu gọi chiến dịch “cho Song Lang thêm một tuần nữa”, dù chỉ là giải pháp tình thế. Hiện cụm rạp BHD vẫn đang duy trì suất chiếu cho bộ phim, với quan điểm: “Các dự án phim Việt được đầu tư nghiêm túc và tâm huyết luôn cần được ủng hộ”.
Lý giải vấn đề này, đạo diễn Lương Đình Dũng có cái nhìn thấu đáo: “Khán giả đến rạp hiện nay là khán giả trẻ, nên việc đáp ứng nhu cầu xem giải trí của những phim hài sẽ dễ tiếp cận hơn với họ. Còn những bộ phim thiên về yếu tố thể hiện mạnh mẽ ngôn ngữ điện ảnh đi cùng câu chuyện có tiết tấu chậm có thể sẽ chưa đáp ứng khán giả trẻ. Vì thế, việc họ không thích xem là chuyện khó tránh khỏi. Một điều quan trọng nữa là môi trường xem phim, tạm gọi là đề cao tính nghệ thuật ở ta, còn ít phim làm theo xu hướng này. Việc chưa quen dẫn đến những quan điểm gọi những bộ phim này là “khó xem”, thay vì tìm ra được những điều thú vị trong bộ phim. Đó cũng là một nguyên nhân khiến những phim này có số khán giả ít ỏi”.
Xây dựng văn hóa thưởng thức
Gu thưởng thức của khán giả thay đổi tích cực, nhưng theo bà Bích Liên: “Thị hiếu khán giả thay đổi rất nhanh. Nhiều khi một bộ phim đang nằm trong dòng đề tài được chú ý, nhưng làm ra chưa chắc đã hút khán giả, dù phim đó không dở”.
Bà Liên lý giải, thị trường vẫn đang trong giai đoạn phát triển và tìm kiếm sự ổn định. Có một bộ phận khán giả Việt “cả thèm, chóng chán”. Chúng ta chưa có những “ngôi sao” phòng vé, những thương hiệu điện ảnh uy tín đủ sức kéo khán giả đến rạp và nắm chắc phần thắng trong tay. Thực tế, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng… đều chia sẻ, chưa bao giờ họ dám tự tin khẳng định phim của mình sẽ thắng trước ngày ra rạp.
“Những gì mình thích, đam mê, khán giả chưa chắc thích”, đạo diễn Victor Vũ từng bày tỏ.
Tìm kiếm một công thức phim để thu hút khán giả là điều mà bất cứ nền điện ảnh nào cũng đặt ra. Điện ảnh Việt không phải ngoại lệ. Theo ông Danny Quách: “Để nắm bắt được nhu cầu của khán giả là một bài toán khó”.
Nhưng với đạo diễn Lương Đình Dũng: “Thực tế cũng có một số chìa khóa cơ bản để đáp ứng yêu cầu của khán giả, chứ không thể gọi là tù mù hoàn toàn”. Theo ông, chìa khóa đó là: “Ngoài một đạo diễn thực sự tốt, cần một kịch bản hay, một bữa tiệc hình ảnh, một chiến dịch truyền thông bài bản, một đơn vị phát hành tốt”.
Còn theo bà Bích Liên: “Phim thành công hay không, người xem phải cảm nhận được tác phẩm đó. Vậy nên một bộ phim dù rất chỉn chu nhưng nếu xa rời cuộc sống hiện đại sẽ rất khó để lấy cảm xúc nơi khán giả”.
“Khán giả bước vào rạp chỉ quan tâm câu chuyện có thu hút, tình huống có mang đến cảm xúc hay không”, đạo diễn Victro Vũ nói.
Để góp phần làm tăng gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, không thể bỏ qua câu chuyện giáo dục. Ông Jakob Kirstein Hogel trong nghiên cứu “Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích để bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia” được Bộ VH-TT-DL đặt hàng đã chỉ ra rằng, trẻ em phát triển các thói quen, trong đó có việc xem phim. Ông lập luận: “Cách tốt nhất để đảm bảo trẻ em có sự hiểu biết về các sản phẩm hình ảnh và âm thanh là đưa vấn đề này vào chương trình học…”.
Ông Jakob Kirstein Hogel cũng cho rằng, trẻ em đến rạp chiếu phim nên là một phần trong chương trình học, giống như cách một địa phương ở Đan Mạch đã áp dụng. “Chiến lược tốt nhất là phải tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược với ngành giáo dục và để ngành giáo dục chịu trách nhiệm cho trẻ em tiếp xúc với phim, đồng thời huy động tài chính để sản xuất các phim phù hợp cho giáo dục và trường học”, ông nói.
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, hiện nay khán giả vẫn ưu tiên cho phim Việt. “Tôi hy vọng các nhà sản xuất quan tâm đến chất lượng phim nhiều hơn. Cần có sự tương tác giữa nhà sản xuất và khán giả mới tạo nên môi trường điện ảnh tốt cho một quốc gia”. Ông Danny Quách đặt vấn đề: Làm sao cân bằng được giữa những cái mới và hiện đại, đồng thời duy trì các giá trị văn hóa nội tại của Việt Nam.
Theo Baomoi.com
Nghịch lý phim Việt tháng 9: Ồn ào bị chê, lẳng lặng lại thắng lớn
Cùng lúc với việc nhà sản xuất phim "Chàng vợ của em" công bố doanh thu khủng - lọt top 5 phim Việt ăn khách nhất từ trước tới nay, thì "Chú ơi đừng lấy mẹ con" của cặp đôi Kiều Minh Tuấn - An Nguy cũng công chiếu. Tuy nhiên, ồn ào "tình tay ba" không "cứu" được diễn xuất của cặp đôi. Trong khi Thái Hòa và Charlie Nguyễn không cần nói nhiều, cứ nhìn doanh thu mà kể!
"Ông hoàng" trở lại với công thức im ắng = đại thắng
Khởi chiếu từ ngày 24-8, phim của nhà sản xuất Charlie Nguyễn liên tiếp dẫn đầu doanh thu phòng vé trong những tuần đầu tiên, đặc biệt là dịp lễ 2-9. Trong khi "Chàng vợ của em" gây sốt ngoài rạp, các ca khúc nhạc phim cũng nhận được sự yêu mến đặc biệt của khán giả khi liên tục được tìm kiếm trên mạng. Mini liveshow với sự tham gia giao lưu của dàn diễn viên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM cũng thu hút rất nhiều người hâm mộ.
"Chàng vợ của em" đánh dấu màn tái xuất thành công của bộ đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa, đồng thời mang đến một làn gió đầy năng lượng với gương mặt mới Phương Anh Đào. Đây cũng là tác phẩm để những cái tên quen thuộc với khán giả như Hứa Vĩ Văn, Vân Trang ghi dấu ấn với hình tượng vừa lạ, vừa quen.
Với 86 tỷ đồng, "Chàng vợ của em" vượt qua "Lật mặt: Ba chàng khuyết" (85 tỷ đồng) để góp mặt vào danh sách 5 phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay. (Bốn tác phẩm còn lại là "Em chưa 18" - 169 tỷ đồng, "Siêu sao siêu ngố" - 106 tỷ đồng, "Em là bà nội của anh" - 102 tỷ đồng, "Để Mai tính 2" - 101 tỷ đồng). Với thành tích này, Thái Hòa và Hứa Vĩ Văn trở thành hai nam diễn viên có đến hai tác phẩm đạt doanh thu cao nhất trong tốp 5. Bên cạnh "Chàng vợ của em", Thái Hòa có "Để mai tính 2", trong khi đó Hứa Vĩ Văn lại góp mặt trong "Em là bà nội của anh".
Thành tích mà "Chàng vợ của em" công bố phản ánh đúng chất lượng của bộ phim, khi tập trung vào đề tài tâm lý xã hội, phản ánh câu chuyện bình dị của cuộc sống, xen vào đó những ý nghĩa về người phụ nữ trong xã hội hiện đại và nhất là được kết nối qua nét hài rất duyên, rất tự nhiên của Thái Hòa.
Lần trở lại này của Thái Hòa im ắng bất ngờ, khác với các chiến dịch PR rầm rộ trước đây mà anh cùng Charlie Nguyễn hay làm, lần này, trước công chiếu, bộ đôi "ông hoàng phòng vé" này không quảng bá mấy cho phim, càng đặc biệt không có bất cứ tin nào lùm xùm liên quan đến dàn diễn viên chính trước ngày ra mắt.
Khi phim công chiếu, được báo giới và công chúng phản hồi tích cực, nội dung phim được khen ngợi, ra rạp đúng thời điểm, thế là thắng phòng vé. Trường hợp này tương tự như "Em chưa 18" cách đây một năm, ít quảng bá nhưng thắng lớn vì vừa bất ngờ, vừa mới lạ. Có lẽ, sau thất bại của dự án mang tên "Fan cuồng", cả Thái Hòa và Charlie Nguyễn đang tìm ra những cách thức khác thực sự phù hợp hơn, cho cả nội dung phim, cách thể hiện cũng như hiệu ứng vừa đủ từ truyền thông. Và thành công mà "Chàng vợ của em" mang tới lần này một lần nữa khẳng định: Thái Hòa và Charlie Nguyễn vẫn ăn ý, vẫn là bộ đôi đạo diễn - diễn viên hút khán giả đến rạp.
Phim "Chàng vợ của em" ít PR nhưng chỉ sau 1 tháng đã lọt tốp 5 phim Việt có doanh thu cao nhất. Ảnh Đoàn làm phim
"Tình tay ba" không cứu được diễn xuất của cặp đôi ồn ào
Khi cộng tác với Charlie Nguyễn trong "Em chưa 18", Kiều Minh Tuấn trở thành "hiện tượng", đắt sô và tên tuổi cũng được nâng tầm hơn rất nhiều từ cú hích phim doanh thu cao nhất ấy. Nhưng có vẻ phim lần này của Kiều Minh Tuấn không được xuôi chèo mát mái như vậy khi anh cộng tác với một ê-kíp khác. Khác hẳn với Thái Hòa - Charlie Nguyễn hầu như không quảng bá gì nhiều, đoàn phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" được nhắc đi nhắc lại bởi scandal Kiều Minh Tuấn và An Nguy - hai diễn viên chính trong phim "yêu thật" cả trong phim lẫn ngoài đời, mặc kệ chuyện lâu nay Kiều Minh Tuấn vốn có mối tình được khen ngợi là "vượt mọi khoảng cách" với diễn viên Cát Phượng.
Nhiều người đã nhận ra mùi PR phim, nhưng cả đôi chính bỗng bất ngờ trả lời phỏng vấn rằng họ yêu nhau thật, không có lý do gì để PR phim hết, vì không cần bộ phim này, họ cũng được nhiều người biết đến rồi. Nhưng khán giả cũng nhanh chóng nhận ra rằng: Biết đến và nổi tiếng là một chuyện, phim có doanh thu như trông đợi hay không lại là chuyện khác.
Tối 17-9, bộ phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" tổ chức họp báo tại Hà Nội với sự góp mặt của dàn diễn viên chính Kiều Minh Tuấn, An Nguy, Will... và các khách mời. Đây là lần đầu tiên Kiều Minh Tuấn - An Nguy xuất hiện sau khi thừa nhận yêu cách đây không lâu. Trên thảm đỏ, cặp đôi hot nhất tuần vừa qua không đứng cạnh nhau khi chụp ảnh cùng đoàn phim và thái độ khá gượng gạo.
Đáng nói là ở chỗ An Nguy và Kiều Minh Tuấn đưa ra lý do yêu nhau hết sức "choáng", đó là họ nhập tâm vai diễn, đến mức cần phải yêu nhau thật để có cảm xúc, họ đưa khán giả thích phim ảnh tò mò tìm hiểu về cái gọi là Method acting. Cứ tạm hiểu Method acting là một dạng kỹ năng diễn xuất nhập tâm để đẩy bản thân đến giới hạn xa nhất có thể, nhằm thể hiện sự chân thật nhất trong diễn xuất. Điều này khiến cho không chỉ người xem không tìm ra được sự khác biệt giữa phim và đời, mà chính diễn viên cũng như bị lẫn lộn giữa đời và phim.
Yêu đến mức không thể "thoát" được giữa trên phim và đời thực, ấy vậy mà, ở suất công chiếu sớm, khán giả cũng "choáng" luôn về diễn xuất của cả hai trong "Chú ơi đừng lấy mẹ con". Không hề có "method acting". An Nguy thì diễn đơ và dở, còn Kiều Minh Tuấn bị chê nhạt nhòa. An Nguy vào vai nữ chính, gần như tất cả các cảm xúc đều chưa tới, Kiều Minh Tuấn nhận một vai hiền, nhạt hơn quá mức quy định, nhưng so với An Nguy thì vẫn còn "được khen hơn".
Thế mới biết, có bột mới gột nên hồ, dù ồn ào cỡ nào, chất lượng phim không có bao nhiêu thì chê vẫn hoàn chê mà thôi. Có lẽ, Kiều Minh Tuấn vẫn phải học hỏi đàn anh nhiều hơn, vì sau thành công, ồn ào không thể nối thêm thành công nữa, ngược lại, nội lực, hợp thời, hợp người, chất lượng, mới là cái đem đến kết quả như mong đợi.
Theo Baomoi.com
Có 2 phim lọt top 5 doanh thu Việt từ xưa đến nay, Hứa Vĩ Văn lại nhận thêm đề cử Nam chính xuất sắc nhất Nam diễn viên Hứa Vĩ Văn đã có một năm 2018 bội thu với đề cử "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế 2018 cho vai diễn Thanh tra K trong "Ống kính sát nhân", và "Chàng vợ của em" vào top 5 doanh thu phòng vé Việt từ xưa đến nay. Nam diễn...