GS.TS. Mai Trọng Khoa: Miễn dịch là phương pháp cứu cánh cho bệnh nhân ung thư di căn, tái phát
Tại hội nghị quốc tế TRANSMED vừa diễn ra 2 ngày tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 40 công trình khoa học cập nhật các tiến bộ, công nghệ mới về điều trị ung thư, có các báo cáo của Việt Nam.
Trong đó, công trình “Điều trị đích và điều trị miễn dịch trong ung thư” của GS.TS. Mai Trọng Khoa (Trưởng đơn vị Gen – Tế bào gốc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngay khi kết thúc hội nghị, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Mai Trọng Khoa:
GS.TS. Mai Trọng Khoa (đứng giữa) đang áp dụng các phương pháp điều trị hiện đai cho bệnh nhân ung thư
Thưa ông, hội nghị quốc tế TRANSMED lần đầu tổ chức tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Với tư cách là thành viên Ban Tổ chức, ông hy vọng gì ở hội nghị quan trọng này?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Theo Globocan, mỗi năm thế giới có trên 18 triệu người mắc ung thư và trên 9,5 triệu người tử vong. Việt Nam mỗi năm có 165.000 ca mới mắc và 115.000 ca tử vong. Số người mắc và tử vong do ung thư ngày càng nhiều, do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất.
Vì thế, hội nghị này sẽ cập nhật những tiến bộ mới nhất về sinh học phân tử, công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư. Hội nghị cũng thu hút các nhà khoa học hàng đầu ở các lĩnh vực trên. Năm 2018 đã có giải Nobel trong điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch, nên hội nghị này cũng có nhiều nghiên cứu mới đã được áp dụng trong thực tiễn trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hội nghị đã có những báo cáo về điều trị đích, điều trị miễn dịch ung thư.
Trung tâm y học hạt nhân – ung bướu và Đơn vị gen- tế bào gốc (BV Bạch Mai) đã được Chính phủ, Bộ Y tế đầu tư nhiều thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị ung thư, là nơi đầu tiên ở Việt Nam sử dụng phương pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Hiện đã có những dữ liệu đầu tiên, với những bệnh nhân đáp ứng tốt.
GS.TS. Mai Trọng Khoa kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ung thư khi điều trị bằng các kỹ thuật tiên tiến
Do đó, tôi hy vọng qua hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam chia sẻ được nhiều thông tin với các nhà khoa học trên thế giới và họ cũng biết được Việt Nam đã có những tiến bộ như thế nào trong chẩn đoán và điều trị ung thư từ công nghệ gen, tế bào gốc, kỹ thuật điều trị đích và phương pháp điều trị miễn dịch trong ung thư.
Video đang HOT
Ông có thể cho biết, Việt Nam đứng ở đâu trong bản đồ chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Trong điều trị ung thư hiện có nhiều phương pháp vàthế giới có phương pháp nào là Việt Nam có cái đó. Phẫu thuật thì có mổ mở, mổ nội soi, mổ robot, bảo tồn, tạo hình; Xạ trị có xạ trị 3D, IMRT, SBRT, VMAT, mô phỏng xạ trị bằng PET/CT, cấy hạt phóng xạ, SIRT…; phương pháp hóa trị, nội tiết thì có các loại hóa chất thế hệ mới; điều trị đích có kháng thể đơn dòng, kháng thể đơn dòng gắn phóng xạ, thuốc phân tử nhỏ, miễn dịch phóng xạ. Những năm gần đây, chúng ta đã có thêm phương pháp mới là điều trị đích và điều trị miễn dịch.
Tức là chúng ta đã tiệm cận với thế giới trong chẩn đoán và điều trị ung thư.
Tháng 3/2017, FDA của Hoa Kỳ phê duyệt Pemprolizumab cho điều trị bệnh Hodgkin, thì tháng 5/2017, Trung tâm hạt nhân -Ung bướu của BV Bạch Mai là nơi đầu tiên ở Việt Nam điều trị cho bệnh nhân loại thuốc này. Đó là một bệnh nhân mới 16 tuổi bị u lympho Hodgkin,đã được phẫu thuật, xạ trị, hóa chất nhưng khối u vẫn tiến triển. Rất may là có thuốc miễn dịch, bệnh nhân đã được điều trị và hiện còn sống, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Ngoài ra, còn nhiều bệnh nhân bị ung thư phổi, ung thư hắc tố được sử dụng thuốc trên.
GS.TS. Mai Trọng Khoa và các cộng sự chúc mừng bệnh nhân ung thư đã điều trị thành công
Nhiều người cho rằng, điều trị đích hoặc miễn dịch là những phương pháp hiện đại nhất, có thể thay thế các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nên rất lạc quan vì các phương pháp đó không đau đớn. Ông nghĩ sao về điều này?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào phương pháp điều trị đích và miễn dịch, nhưng thực tế thì phải tùy bệnh nhân mà quyết định đơn trị, hay phối hợp nhiều phương pháp.
Tôi nhấn mạnh là, trong ung thư không có phương pháp điều trị duy nhất, vấn đề là chẩn đoán đúng giai đoạn nào để có chỉ định phù hợp.
Ông có thể nói rõ hơn về 2 phương pháp hiện đại nhất này?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Điều trị đích ra đời sớm hơn miễn dịch. Đó là phương pháp tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u; tác động vào các thụ thể nằm trên màng tế bào hoặc trong tế bào.
Liệu pháp trúng đích trong điều trị ung thư có 2 nhóm. Nhóm thuốc là kháng thể đơn dòng, do một dòng tế bào B sản xuất ra kháng lại một quyết định kháng nguyên duy nhất.Cơ chế tác động là các thuốc dạng kháng thể đơn dòng kháng thụ thể đặc hiệu trên tế bào ung thư.
Từ 2007, Trung tâm y học hạt nhân – Ung bướu của BV Bạch Mai đã triển khai điều trị đích và đến nay đã điều trị thành công hơn 6.200 ca với hiệu quả cao, được khẳng định là phương pháp an toàn, ít tác dụng phụ.
GS.TS. Mai Trọng Khoa thực hiện kỹ thuật mới trong điều trị cho bệnh nhân ung thư
Còn miễn dịch ung thư là phương pháp điều trị mới ra đời với nhiều hứa hẹn. Đây là phương pháp điều trị khác biệt so với các phương pháp trước đó, do sử dụng các khả năng tự nhiên của hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Tức là liệu pháp miễn dịch ung thư tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư, chứ không tác động trực tiếp vào khối u.
Từ năm 2015, Trung tâm y học hạt nhân – Ung bướu đã thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng quốc tế, đa trung tâm về điều trị miễn dịch sinh học, mang lại kết quả khả quan: Đã điều trị cho 29 bệnh nhân, gồm các loại ung thư phổi, dạ dày, đường niệu, hắc tố và Hodgkin Disease…
Điều trị miễn dịch có thể sử dụng đơn trị cho bệnh nhân di căn hoặc đã thất bại các phương pháp trước đó, hoặc phối hợp với phương pháp khác như hóa trị.
Cho dù phối hợp với phương pháp nào chăng nữa, cũng không thể phủ nhận, phương pháp điều trị miễn dịch là có thêm một phương pháp điều trị, chứ không phải là tất cả.
Việc điều trị miễn dịch hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc chẩn đoán có đúng giai đoạn không, sử dụng chỉ định có đúng không, cơ thể người bệnh có đáp ứng thuốc không.
Đây không phải là phương pháp điều trị duy nhất, mà thầy thuốc cần phải biết khi nào sử dụng, khi nào không sử dụng, thậm chí có trường hợp chống chỉ đinh.
Cần lưu ý là, với điều trị ung thư, không thể bỏ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết, điều trị đích và miễn dịch là góp thêm phương pháp điều trị mới, chứ không phải là phương pháp thay thế cho các phương pháp điều trị trước đó. Vấn đề là chỉ định đúngcho bệnh nhân mới hiệu quả.
Miễn dịch là phương pháp cứu cánh cho bệnh nhân ung thư di căn, tái phát, giúp lui bệnh và tăng chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân di căn lên não nhưng được điều trị phối hợp đã khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, miễn dịch là thuốc mới, khá đắt, bảo hiểm y tế chưa chi trả, nên việc chỉ định còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế của bệnh nhân, liều lượng, quá trình điều trị dài hay ngắn.
Cám ơn ông đã chia sẻ!
Theo viettimes
Cập nhật tiến bộ công nghệ và nghiên cứu trong y học chính xác
Hội nghị với 40 báo cáo khoa học mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư như: Điều trị miễn dịch, trí tuệ nhân tạo trong y học...
Bệnh nhân cùng người nhà tham gia buổi sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ về ung thư. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Ngày 19/8, hội nghị quốc tế Transmed lần thứ 4 về những tiến bộ công nghệ và nghiên cứu lâm sàng trong y học chính xác được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai thu hút trên 30 chuyên gia hàng đầu quốc tế và trên 500 đại biểu là các thầy thuốc, nhà nghiên cứu về ung thư, sinh học phân tử, tế bào gốc...
Phó giáo sư Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hội nghị với 40 báo cáo khoa học mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư như: Điều trị miễn dịch, trí tuệ nhân tạo trong y học; Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, tế bào iPS, Gen trị liệu và công nghệ CRISPR/Cas9 và Thực hành lâm sàng điều trị miễn dịch ung thư.
Hội nghị quốc tế Transmed được tổ chức hàng năm tại Việt Nam với mục tiêu cập nhật các tiến bộ, công nghệ mới và các thành tựu toàn cầu trong lĩnh vực gen, tế bào gốc.
Hội nghị cũng tập trung vào việc thúc đẩy nâng cao năng lực, hợp tác nghiên cứu quốc tế với các bệnh viện và phát triển sự nghiệp cho thế hệ khoa học trẻ.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng là nơi để các nhà quản lý bệnh viện, các chuyên gia trong trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ mới trong công nghệ gen và tế bào gốc, hiệu quả và ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư./.
Theo Vietnamplus
Mở ra hy vọng mới chữa bệnh ung thư vú Các nhà khoa học đã tìm ra cách "hô biến" tế bào ung thư vú thành chất béo ở chuột, giúp mở ra hy vọng về một liệu pháp ngăn chặn tế bào ung thư lây lan. Ví dụ, khi chẳng may bạn bị đứt tay, một số tế bào trở thành "chất lỏng" và tạo ra một loại tế bào gốc có...