GS Pháp tiết lộ kết quả thử nghiệm thuốc sốt rét cho hơn 1.000 bệnh nhân
Hôm 9-4, GS Didier Raoult đã tiết lộ với tổng thống Pháp kết quả mới nhất về thử nghiệm kết hợp thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và kháng sinh azithromycin trong điều trị COVID-19. Hiện Thụy Điển đã khuyến cáo không dùng.
Thuốc hydroxychloroquine (tên thương mại là Plaquénil) được GS Pháp thử nghiệm điều trị COVID-19 – Ảnh: AFP
Trước khi đưa ra các quyết định quan trọng về công tác ngăn chặn đại dịch COVID-19 trong bài phát biểu trên truyền hình vào đầu tuần tới, Tổng thống Pháp Emmannuel Macron muốn tìm hiểu tình hình thực tế.
Sáng 9-4, ông đến bệnh viện Bicêtre gần Paris để tiếp xúc với các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19.
Buổi chiều, ông đột ngột đến Viện nghiên cứu Bệnh viện đại học (IHU) – bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải ở Marseille.
91,7% số bệnh nhân sạch virus
Nhân vật mà Tổng thống Macron muốn gặp tại IHU Marseille là giám đốc IHU Didier Raoult – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Ông là vị giáo sư kiên quyết ủng hộ dùng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine điều trị bệnh nhân COVID-19 dù việc này gây khá nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn ở Pháp.
Cuộc gặp kín giữa hai ông kéo dài hơn 3 giờ và không có báo chí tham dự.
Tại cuộc gặp, GS Didier Raoult đã trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất về thử nghiệm dùng thuốc hydroxychloroquine kết hợp với thuốc kháng sinh azithromycin trong điều trị bệnh nhân COVID-19 mới xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Tối 9-4, kết quả thử nghiệm này mới được công bố trên trang web của IHU.
Video đang HOT
Thử nghiệm được thực hiện từ ngày 3-3 đến ngày 9-4. Trong thời gian này có 59.655 mẫu của 38.617 bệnh nhân được đưa đi xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR.
Tổng thống Emmanuel Macron (phải) đến gặp GS Didier Raoult chiều 9-4 – Ảnh: emedia.sn
Trong 3.165 bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 được chăm sóc tại IHU, 1.061 bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí nghiên cứu.
Tuổi trung bình của họ là 43,8 tuổi, trong đó 46,4% là nam giới. Sau 10 ngày điều trị bằng hydroxychloroquine, 973 bệnh nhân (91,7%) đã sạch virus.
47 bệnh nhân (4,4%) vẫn còn virus được cho là liên quan đến lượng virus cao hơn tại thời điểm chẩn đoán.
Tuy nhiên, kết quả nuôi cấy virus vào ngày thứ 10 là âm tính và vào ngày thứ 15 chỉ còn 1 người còn virus.
Kết quả điều trị kém đã được quan sát nơi 46 bệnh nhân (4,3%). 10 người được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt. 5 người trong độ tuổi từ 74-95 tuổi đã tử vong (0,47%).
31 người phải nằm viện từ 10 ngày trở lên. Trong nhóm này có 25 người được chữa khỏi vào thời điểm công bố thử nghiệm và 6 người vẫn nằm viện.
Hội đồng Khoa học và Bộ Y tế đang xem xét
GS Didier Raoult kết luận: “Dùng kết hợp hydroxychloroquine với azithromycin ngay sau khi chẩn đoán nhiễm COVID-19 là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả với tỉ lệ tử vong 0,5% ở bệnh nhân lớn tuổi. Phương pháp điều trị này giúp tránh bệnh tăng nặng cũng như loại bỏ sự tồn tại và lây nhiễm của virus trong hầu hết các trường hợp”.
Trước đó, ông đã công bố kết quả hai lần thử nghiệm lâm sàng với số lượng bệnh nhân ít hơn nhiều.
Cuối tháng 2-2020, ông công bố kết quả thử nghiệm cho 24 bệnh nhân COVID-19 dùng kết hợp hydroxychloroquine với azithromycine. Sau 6 ngày, 75% số bệnh nhân có kết quả âm tính.
Đến ngày 27-3, ông tiếp tục công bố kết quả thử nghiệm thứ hai trên 80 bệnh nhân COVID-19 dùng hydroxychloroquine kết hợp với azithromycine. 65 người xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Theo kênh truyền hình LCI (Pháp), kết quả thử nghiệm mới nhất của GS Didier Raoult sẽ tiếp tục được Hội đồng Khoa học và Bộ trưởng Y tế Olivier Véran phân tích.
Sau khi khảo sát về tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của nhiều tác nhân công và tư tại Pháp, châu Âu và quốc tế.
Thụy Điển cấm dùng!
Cuối tháng 3-2020, bệnh viện trường đại học Sahlgrenska ở Gteborg (Thụy Điển) là bệnh viện đầu tiên thông báo dừng kê hai loại thuốc chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19.
Nguyên nhân do hiệu quả của thuốc chưa được chứng minh và đặc biệt là nguy cơ về tim (gây rối loạn nhịp tim) và thận. Sau đó, nhiều bệnh viện ở Thụy Điển cũng ngưng dùng chloroquine và hydroxychloroquine.
Ngày 2-4, Cơ quan Dược phẩm Thụy Điển đánh giá: “Dữ liệu hiện có không cho phép kết luận chắc chắn về tác dụng lâm sàng và tính an toàn của chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19″.
Vì vậy cơ quan này khuyến cáo chỉ nên sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine trong thử nghiệm lâm sàng và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì rất nhiều tác dụng phụ.
HOÀNG DUY LONG
Người tiểu đường uống thuốc sốt rét có nguy cơ tử vong
Hydroxychloroquine và chloroquine, hai loại thuốc được cho là tiềm năng điều trị Covid-19, có thể gây tử vong nếu sử dụng chung với thuốc tiểu đường thông thường.
Nghiên cứu mới được công bố ngày 4/4 trên website khoa học BioRxiv, cho thấy 30-40% chuột thí nghiệm được điều trị kết hợp giữa hydroxychloroquine (HCQ) hoặc chloroquine (CQ) và thuốc tiểu đường metformin đã chết. Trong khi đó, sử dụng riêng từng loại thuốc với cùng liều không ảnh hưởng tới tỷ lệ sống sót của các cá thể chuột.
HCQ và CQ vốn được dùng cho sốt rét và các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hay lupus. Ở một số thử nghiệm lâm sàng, thuốc cho thấy tiềm năng đối với Covid-19.
"Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến hai loại thuốc này bởi chúng được cho là có tác dụng chống lại khối u tuyến tuỵ. Tuy nhiên không thể ngờ HCQ và CQ khi kết hợp với metformin lại gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 30-40% ở chuột. Ngược lại, không có cá thể nào chết nếu sử dụng độc lập từng loại thuốc", Chi Dang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig và Anirban Maitra, đồng thời là giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Tuyến tụy thuộc Trung tâm Ung thư MD Anderson, cho biết.
Thuốc trị sốt rét chloroquine phosphate. Ảnh: Shutterstock
Công trình được thực hiện trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vốn dành cho bệnh nhân ung thư tuyến tuỵ có tiền sử tiểu đường phải điều trị bằng cả HCQ / CQ và metformin, song lại đưa ra kết quả dường như khá tình cờ. Chuột sử dụng trong thí nghiệm có hoặc không mắc ung thư. Tỷ lệ tử vong ở cả hai nhóm là tương đương nhau.
Gần đây, thuốc sốt rét được quảng bá như một phương pháp điều trị Covid-19, dù có rất ít bằng chứng cho điều này. Các kết quả thử nghiệm cũng mâu thuẫn và không nhất quán. Một số cho thấy tác dụng đầy hứa hẹn, trong khi số khác, bệnh nhân không có nhiều cải thiện đáng kể.
Việc lạm dụng thuốc đã khiến ít nhất một công dân Mỹ tử vong. Người đàn ông đến từ Arizona chết ngay sau khi ăn chất tẩy rửa bể cá có chứa CQ. Các báo cáo về ngộ độc cũng được đưa ra tại Nigeria, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đề cập đến hai loại thuốc trên Twitter của ông.
"Hiện giờ các loại thuốc đang được sử dụng một cách hoàn toàn 'chắp vá'. Chúng tôi cần một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia từ các bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị bằng HCQ hoặc CQ", nhóm tác giả cho biết.
Thục Linh
Hiệu thuốc từ chối bán, phủ nhận tin "thuốc sốt rét chống dịch COVID-19" Nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đang từ chối bán thuốc trị sốt rét cho người không có đơn thuốc do bác sĩ kê sau khi loại thuốc này bị đẩy giá lên cao nhiều lần trước thông tin sai lệch liên quan tới việc chống dịch COVID-19. Những ngày qua, nhiều người truyền tai nhau thông tin việc thuốc trị...