GS luật Mỹ: ‘Áp dụng quyền im lặng không nhằm tránh oan sai’
Theo Giáo sư Anna C.Conley, chuyên gia pháp luật Mỹ, luật pháp nước này quy định “Quyền được im lặng” để bảo vệ công dân, quyền lợi của người yếu thế trong xã hội.
- Thưa bà, khi bắt nghi phạm, cảnh sát Mỹ thường thông báo, nghi phạm có quyền im lặng, mọi điều nghi phạm nói đều có thể làm bằng chứng chống lại chính họ. Bà có thể giải thích điều này theo quy định trong luật pháp Mỹ ?
- Theo luật Mỹ, người bị bắt phải được thông báo về việc có quyền im lặng.Nếu quên hay vì một lý do nào đó cảnh sát không thông báo thì cơ quan điều tra không được sử dụng thông tin và lời khai của nghi phạm sau đó.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng ghi âm, ghi hình tất cả quá trình lấy lời khai để sau này họ có thêm cơ sở, bằng chứng chắc chắn cho việc buộc tội. Nếu như quyền im lặng không được thông báo, những lời khai sau này coi như không có giá trị sử dụng.
- Theo bà quyền im lặng ảnh hưởng thế nào đến quá trình truy xét tội phạm của cảnh sát, đặc biệt trong những vụ án có đồng phạm?
Video đang HOT
- Quyền được giữ im lặng là quyền rất cơ bản của công dân Mỹ. Những nhà làm luật Mỹ không nhìn quyền im lặng dưới góc độ lợi ích của cơ quan tố tụng. Trên thực tế, có những vụ án mà nghi phạm im lặng, trong khi cơ quan điều tra không thể chứng minh họ có tội đã phải tuyên vô tội.
Quyền này có thể gây ra những cản trở nhất định cho cơ quan tố tụng nhưng đó không phải là lý do để đánh giá lại việc áp dụng. Họ phải được giữ im lặng bởi không thể chống lại chính bản thân mình.
Với vụ án có nhiều đồng phạm, việc im lặng của nghi phạm có thể sẽ cản trở quá trình điều tra của cơ quan tố tụng. Nhưng cơ quan điều tra không nhất thiết phải dựa vào lời khai của người bị bắt. Họ có thể giám sát những đồng phạm đó hoặc điều tra lấy thông tin, làm thế nào đó để nghi phạm khai ra. Đó là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng và họ có nhiều công cụ để đảm bảo điều đó.
Giáo sư luật của Mỹ bà Anna C. Conley trao đổi với báo chí tại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Ảnh: Hải Duyên.
Ở một góc độ nào đó, quyền im lặng cũng có lợi cho cơ quan điều tra trong suốt quá trình tố tụng sau này. Khi áp dụng quyền im lặng, cơ quan điều tra sẽ phải nâng cao nghiệp vụ của mình bằng cách tăng cường kỹ thuật khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai từ nhân chứng, tìm kiếm các thông tin khác về nghi phạm để làm sao cáo buộc của cơ quan tố tụng chắc chắn hơn. Đây là điều sẽ làm cho hoạt động của cơ quan tố tụng tích cực hơn.
- Theo bà có cho rằng xảy ra những vụ án oan sai là do không áp dụng đúng quyền im lặng?
- Trong lịch sử tố tụng Mỹ 15 năm qua có khoảng 250 vụ án mà công dân bị kết án oan hoặc bị xét xử sai. Nhưng dường như không có những vụ án oan kiểu do không áp dụng đúng quyền im lặng. Bởi, đó sẽ là lợi thế cho bị can, bị cáo vì họ sẽ tận dụng điều đó để bác bỏ những bằng chứng của bên buộc tội. Những vụ án oan ở Mỹ phần lớn là do công tố viên không cung cấp đủ thông tin của vụ án cho luật sư theo đúng quy định. Quyền im lặng không phải giải pháp kiềm chế oan sai.
- Theo pháp luật Mỹ, những người bị kết án oan sai đó được bồi thường như thế nào?
- Đối với những người bị kết án oan thì có quyền được khởi kiện các cơ quan tố tụng ra tòa bằng một vụ kiện dân sự để đòi bồi thường. Nhưng thực tế rất ít người có thể được bồi thường vì đa phần họ không khởi kiện đúng đối tượng hoặc oan do lỗi vô ý của cơ quan tố tụng. Đối với những người cố ý làm oan sai thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử tù và cấm hành nghề.
- Hiện các cơ quan tố tụng Việt Nam vẫn còn phân vân chưa đưa quyền im lặng vào luật, theo bà đã đến lúc Việt Nam có nên áp dụng hay chưa?
- Quan điểm về quyền được im lặng ở Việt Nam có vẻ rất khác. Sự khác biệt này có thể liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa và những nguyên lý khác. Tôi không hiểu nhiều về pháp luật và hiện trạng ở Việt Nam nên không thểkhẳng định có cần hay không việc áp dụng quyền im lặng. Nhưng thực sự việc áp dụng quyền im lặng sẽ đảm bảo được những quyền lợi của cả những người yếu thế, người nghèo trong xã hội.
Quyền được giữ im lặng nếu được áp dụng sẽ khả thi khi cơ quan tố tụng đảm bảo được 2 yếu tố là phải thông báo cho nghi can biết quyền này và loại trừ những bằng chứng có được nếu không thông báo quyền đó.
Tháng 9, tại phiên họp Thường vụ thứ 31, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Việc chống ép cung, bức cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm có thực sự hiệu quả khi bị can, bị cáo không có quyền im lặng?”. Ông cho rằng nghi can cần có quyền im lặng cho đến khi có mặt luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận rất cao, nhất là trong giới luật sư. Hiện nội dung này chưa đưa vào dự án luật sửa đổi.
Hải Duyên
Theo dantri